Chẳng cần nhìn Đông ngó Tây, xem các mẹ Việt nuôi dạy con ưu tú cũng đủ nể phục: Đỗ trường chuyên, nói 8 thứ tiếng hay đoạt học bổng Harvard chẳng còn xa vời
Đã làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình nên người và thành công trong tương lai. Bên cạnh kiến thức được dạy trên ghế nhà trường, sự giáo dục của phụ huynh, đặc biệt là những người mẹ, cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của con trẻ.
Mỗi bà mẹ ở mỗi quốc gia lại có cách dạy con khác nhau. Mẹ Do Thái rất chú trọng việc phát triển tiềm năng cho con trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi: học ngoại ngữ, học cách quản lý tài chính…
Mẹ Nhật Bản lại muốn con mình biết tự lập từ bé, trong khi mẹ Trung Quốc lại rất nghiêm khắc và đề cao tính kỷ luật.
Tại Việt Nam, các bà mẹ cũng có những bí quyết riêng để giúp con trở thành người có tài.
Đỗ Nhật Nam không phải là cái tên xa lạ gì với công chúng. Ngay từ nhỏ, chàng trai sinh năm 2001 đã thiết lập vô số thành tích khủng: “Dịch giả nhỏ tuổi nhất” (7 tuổi) và “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất” (11 tuổi), TOEIC 940/990 điểm vào năm lớp 2, 8.0 IELTS vào năm lớp 5. Hiện tại, “thần đồng” này đang theo học tại ĐH Pomona (Mỹ).
Đồng hành cùng Nam trong suốt quá trình trưởng thành đó là mẹ của em – chị Phan Hồ Điệp, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội. Theo chị, dạy con dùng Internet hiệu quả cũng là một phương pháp giáo dục quan trọng. Nếu biết tận dụng Internet đúng cách, đây sẽ là nguồn tri thức vô cùng phong phú và có ích cho các con.
“Đỗ Nhật Nam không đi học tiếng Anh ở ngoài nhiều mà chủ yếu là học trên mạng. Vì vậy, tôi biết ơn thế giới mạng vì đã cho con những người thầy tốt”, chị Điệp nói.
Đỗ Nhật Nam và mẹ
Không cấm con dùng Internet từ bé như nhiều phụ huynh khác, chị Điệp cam kết với con về thời gian được vào mạng trên điện thoại hay IPad. Trước giờ học, Nam có 20 phút để xem bất cứ thứ gì trên Internet mà không có bố mẹ ở cạnh. Sau đó, chị sẽ yêu cầu con kể lại nội dung đã xem. Nếu không hoàn thành, con sẽ mất đi đặc quyền này vào hôm sau.
“Đó không chỉ là cách để giúp con hạn chế tiếp xúc với nội dung xấu mà còn thể hiện sự cầu thị, lắng nghe chia sẻ từ con”, chị chia sẻ.
Nhờ vậy mà Nam có hứng thú hơn với việc học hành, còn chị Điệp có thể kiểm soát được nội dung con đã tiếp cận trên Internet. Tuy nhiên, chị cũng khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng Internet quá sớm vì dễ ảnh hưởng tới mắt, cũng như không nên dùng thiết bị điện tử để làm phần thưởng cho con.
Trong mắt nhiều người, chị Lã Thanh Hà – giảng viên kiêm Trưởng khoa Da liễu, Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam – là một bà mẹ may mắn khi có hai cô con gái vô cùng giỏi giang.
Con gái cả Tôn Hà Anh từng gây xôn xao khi cùng lúc trúng tuyển 5 trường đại học danh giá (Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley). Con gái út Tôn Hiền Anh cũng không kém cạnh khi nhận được học bổng toàn phần từ Đại học Harvard và Cornell. Hiện tại, cả hai em đều đang theo học tại ĐH Harvard số 1 thế giới.
Để con có được thành công như ngày hôm nay, chị Hà luôn khuyến khích con đọc nhiều sách. Bà mẹ hai con này đặc biệt đề cao những tác phẩm kinh điển và giàu tính nhân văn như “Những tấm lòng cao cả”, “Hội chợ phù hoa”, “Không gia đình”, “Những người khốn khổ”… Theo chị, chúng tập hợp những tri thức tinh túy nhất đã được chắt lọc qua nhiều thế hệ.
Ngoài ra, chị Hà cũng hướng dẫn con đọc các cuốn sách về kinh tế và khoa học. Nếu con không hiểu, chị sẽ từ tốn giải thích để con tự mình suy ngẫm. Mỗi lần thấy Hà Anh và Hiền Anh mê mẩn đọc sách tới nỗi ngủ gật trên bàn, chị Hà vừa thương, vừa cảm thấy vui trong lòng.
“Sống nhờ giao tiếp xã hội, sống nhờ môi trường gia đình và sống nhờ rất nhiều vào đọc sách. Sách như thế nào lại vô cùng quan trọng. Có những thứ mình mất rất nhiều thời gian để đọc, để nghiền ngẫm. Ngôn từ phải xuất phát từ những gì mình tích lũy và muốn tích lũy phải đọc sách; không đọc sách thì đừng hy vọng có ngôn từ phong phú để diễn tả, hay giao tiếp, để nói và để viết hay”, chị tâm sự với phóng viên báo Trí thức trẻ.
Video đang HOT
Chỉ mới 17 tuổi nhưng thành tích của Ngô Hải Nhất Minh khiến bất cứ người lớn nào cũng phải nể phục.
Nam sinh này có thể nói tới 8 ngôn ngữ, trong đó thông thạo nhất là tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng La-tinh. Em cũng trúng tuyển vào 5 trường PTTH nội trú danh tiếng nhất nước Mỹ, sở hữu suất học bổng 240.000 USD (khoảng 5,6 tỷ VND). Bên cạnh việc học, Nhất Minh cũng rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như viết kịch bản, đạo diễn phim, đạo diễn gameshow…
Chị Nguyễn Hải Bình – mẹ của Nhất Minh – cho biết rằng chị rất yêu thích phương pháp giáo dục con của người Do Thái. Chính vì vậy, chị luôn chú trọng phát triển tiềm năng của con ngay từ khi còn bé để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.
Sớm nhận thấy Nhất Minh sở hữu một trí nhớ tuyệt vời, chị Bình liền khuyến khích con theo đuổi việc học ngoại ngữ. Bởi lẽ, 0-6 tuổi là thời kỳ mà đại não phát triển nhanh nhất, rất thích hợp để tiếp thu ngôn ngữ mới.
Nhất Minh bắt đầu học tiếng Pháp khi lên 4 và có thể nói tốt 7 thứ tiếng ở tuổi 12. Ngoài tiếng Pháp, các ngoại ngữ còn lại đều do em tự học. Thậm chí, nam sinh này có thể giao tiếp đơn giản bằng ngôn ngữ mới chỉ sau khoảng 1 tuần.
Trả lời báo Dân trí, chị Bình cho biết: “Tôi thường nói với con ‘Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời’. Chị coi đây là cách để con trở nên ganh đua hơn trong học tập, cũng như rèn tính kiên nhẫn, thông qua việc ghi nhớ từ vựng và tập nói trôi chảy. Nhờ học ngoại ngữ sớm, Nhất Minh có thể tự tin giao tiếp mỗi khi ra nước ngoài, từ đó cảm thấy hào hứng, thoải mái và tự lập hơn.
Vào năm 2014, Lã Hồ Minh Khuê khiến cho cư dân mạng phải ngỡ ngàng khi trở thành ứng viên Việt Nam duy nhất giành suất học bổng toàn phần trị giá 320.000 USD từ ĐH Harvard. Đằng sau thành tích tuyệt vời ấy chinh là sự động viên và giáo dục của chị Hồ Thị Hải Âu – mẹ nữ sinh Minh Khuê.
Nuôi dạy con vốn đã không hề dễ dàng, làm mẹ đơn thân một mình nuôi con gái đỗ ĐH Harvard lại càng khó gấp bội phần. Đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, chị Hải Âu đã cho ra mắt cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”, đem đến một cái nhìn mới về chuyện nuôi dạy con cái cho các bậc phụ huynh.
Ngay từ lúc Minh Khuê còn bé, chị Hải Âu đã cho con học vẽ, piano, bơi lội, ngoại ngữ… dù nhà không dư giả và con cũng không bộc lộ tài năng thiên bẩm gì. Bởi lẽ, đây là cách mà người mẹ này chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết để một mình đương đầu với tương lai sau này.
Chị Hồ Thị Hải Âu và con gái Lã Hồ Minh Khuê
Chị quan niệm rằng học hành không phải để kiếm được nhiều tiền. Việc học các môn ngoại khóa này sẽ giúp Minh Khuê hiểu được vẻ đẹp của cuộc sống, giảm bớt áp lực thường nhật và trở nên hạnh phúc hơn.
“Một người nghệ sĩ biểu diễn bản nhạc trên sân khấu cần mất 14-18 năm khổ luyện, mỗi ngày 6-10 tiếng. Khi con tôi học đàn, nó biết yêu và cảm thụ cái đẹp, hiểu về sự nhẫn nại và giá trị của lao động đích thực”, chị nói trong một buổi ra mắt sách cách đây 2 năm.
Nhờ đó, dù bận bịu với việc học đến đâu, Minh Khuê vẫn biết cách cân bằng thời gian để chơi đàn, vẽ tranh và mở rộng các mối quan hệ của mình trong thời gian học tập tại ĐH Harvard.
Thành tích của Nguyễn Đức Hiệp (học sinh lớp 9A6, Trường THCS Cầu Giấy) trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua làm nhiều người phải trầm trồ.
Nam sinh này đã xuất sắc đỗ cùng lúc 6 trường chuyên: thủ khoa Toán-Tin (THPT Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN), á khoa Toán (THPT Chuyên ĐH Sư phạm HN), top 4 Lý (THPT Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN), lớp Toán và lớp Lý (THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam) và lớp chuyên (THPT Chuyên Ngoại ngữ – ĐHQGHN).
Là người dìu dắt Hiệp suốt 9 năm học hành, chị Thu – mẹ của nam sinh – không quá ngạc nhiên trước kết quả này. Ngay từ khi Hiệp còn nhỏ, chị đã rèn cho con tính tự giác và sự chủ động trong việc học. Thay vì cầm tay dạy dỗ, chị Thu chỉ trợ giúp khi con thực sự gặp khó khăn. Người mẹ này cũng khuyến khích con tự mày mò các phương pháp và hình thức học tập khác nhau để tiến bộ hơn.
Nam sinh Nguyễn Đức Hiệp và mẹ (Ảnh: VnExpress)
Nếu như các học sinh khác chỉ mới làm quen với học trực tuyến trong đợt dịch Covid-19, Đức Hiệp lại có kinh nghiệm với hình thức này từ lớp 5. Thấy con hứng thú, chị Thu không ngừng ủng hộ, thậm chí còn tự tay lựa chọn bài giảng và khoa học cho con mình.
“Với hình thức học tập này cháu dễ dàng sắp xếp thời gian biểu để không ảnh hưởng đến chương trình học và thời gian biểu khác, đồng thời nâng cao tính chủ động”, chị Thu chia sẻ với báo VnExpress.
Theo chị Thu, nhờ học trực tuyến mà Hiệp không cần phải đi học thêm quá nhiều, cũng như có cơ hội để tìm hiểu kỹ hơn các nội dung thầy cô giảng trên lớp. Ngoài ra, đây cũng là cách để con học mọi lúc mọi nơi và rèn luyện kỹ năng làm chủ thời gian của mình.
Được - mất khi cho con học nội trú tuổi 15
Theo chị Phan Hồ Điệp, mẹ Đỗ Nhật Nam, phụ huynh phải đối mặt với nỗi lo ăn ở, sức khoẻ khi con xa nhà sớm, bù lại con tự lập, sống kỷ luật hơn.
"Cho con học nội trú tuổi 15 - Yêu thương hay tàn nhẫn" là chủ đề livestream trên Fanpage VnExpress mới đây, nhằm giải đáp băn khoăn của phụ huynh về việc cho con đi học xa nhà khi mới 15 tuổi. Chương trình do Trường THPT FPT tổ chức, với sự tham gia của chị Phan Hồ Điệp - Giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt trường ĐH Sư Phạm Hà Nội - mẹ Đỗ Nhật Nam; chị Nguyễn Thị Uyên Thuý - Hiệu trưởng Trường THPT FPT Cần Thơ; anh Hoàng Cao Chung - Phó hiệu trưởng trường THPT FPT Hà Nội.
Từ trái sang phải: anh Hoàng Cao Chungi; chị Phan Hồ Điệp; chị Nguyễn Thị Uyên Thuý; MC Thái Tuấn tại toạ đàm "Cho con học nội trú tuổi 15 - Yêu thương hay tàn nhẫn".
Điểm cộng của mô hình nội trú
Theo khảo sát 1.300 độc giả trên Fanpage VnExpress mới đây, 45% độc giả đồng ý cho con đi học nội trú tuổi 15, số còn lại chọn không nên cho con xa nhà thời điểm này.
Là phụ huynh có con xa nhà từ tuổi 13, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ: "Đến giờ, sau sáu năm Đỗ Nhật Nam đi học xa nhà, tôi thấy biết ơn môi trường nội trú đã cho con về cả tri thức và cả tuổi thơ nhiều biến động, giúp con dần tự lập và trưởng thành hơn. Nếu chọn lại, tôi vẫn quyết định buông tay con dù trái tim có nhiều vết xước".
Mặc dù "được" nhiều, chị Điệp không quên quãng thời gian khó khăn khi đối mặt với việc cho con du học sớm. Đầu tiên là nỗi nhớ khủng khiếp" - sáu tháng liền cứ nhắc tới con, nước mắt chị lại chảy ròng. Thứ hai là cảm giác lo lắng, dù chuẩn bị cho con kỹ đến đâu, chị vẫn không khỏi lo lắng vấn đề sức khoẻ, thay đổi khí hậu, hay con có tự chủ học hành không, có bị sốc văn hoá không...
"Mọi người hay gọi Nam là thần đồng nhưng với tôi Nam bình thường, không có gì quá xuất chúng hay tài năng nên tôi rất lo con sẽ gặp khó khăn ở môi trường mới", chị Điệp nói.
Về phía Nhật Nam, chị Điệp cho rằng, con phải đối mặt với nỗi nhớ nhà nhưng thường hay giấu không nói ra, chưa kể môi trường mới nên việc hoà nhập, giao lưu văn hoá sẽ gặp nhiều khó khăn.
Môi trường nội trú của học sinh THPT FPT.
Hiện nhiều phụ huynh lựa chọn môi trường nội trú để con em học tập và rèn luyện. Cuộc sống xa nhà đòi hỏi học sinh phải vượt qua thử thách của bản thân nhưng cũng là hình thức đầu tư cho tương lai qua việc rèn luyện sự độc lập và tổ chức cuộc sống khoa học.
Hiệu trưởng trường THPT FPT Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Uyên Thuý cho hay, lý do lớn nhất phụ huynh chọn môi trường nội trú cho con là mong muốn con tự lập, trưởng thành hơn, dần hình thành các kỹ năng mềm, tạo bước đệm để sau này con có thể đi du học hay học đại học xa nhà mà không bỡ ngỡ.
Tại THPT FPT, nhà trường còn có chương trình học giúp các em vận dụng những kỹ năng mềm vào đời sống sinh hoạt, tập thể, để khi đối mặt khó khăn, các em biết cách giải quyết, tự tin hơn khi đưa ra các quyết định.
Khó khăn khi trẻ học nội trú
Bàn về mặt trái khi cho con xa nhà từ sớm, như ăn uống không điều độ, khi ốm viên thuốc không biết uống thế nào, dễ bị lôi kéo, chỉ chơi không chịu học, anh Hoàng Cao Chung - Phó hiệu trưởng trường THPT FPT Hà Nội khẳng định, những lo lắng trên đều có "cơ hội" xảy ra ở môi trường nội trú. Đơn giản nhất là bữa ăn sẽ không bao giờ ngon như cơm mẹ nấu, hay các em phải xếp hàng giữa trưa nóng nực chờ đến lượt mua cơm, đối mặt với những vấn đề như mất điện, mất nước khi sống tập thể hay phải chia sẻ không gian sinh hoạt với các bạn đến từ nhiều nơi khác nhau.
"Đôi khi, giữa học sinh với nhau có thể xảy ra va chạm, xích mích... nhưng chính những điều này sẽ giúp các em học cách hy sinh sở thích của mình vì người khác để trưởng thành hơn. Còn việc dễ a dua, bị bạn bè lôi kéo, nhà trường sẽ đưa ra các mức kỷ luật khác nhau. Các em ý thức rõ nếu vi phạm thì hậu quả như thế nào để từ đó trách nhiệm hơn với hành vi và quyết định của mình", thầy Chung chia sẻ.
Nhận được câu hỏi nhiều mẹ cho con đi học nội trú xa bị mang tiếng "ác" với con, là bỏ mặc con trong giai đoạn con cần cha mẹ nhất, chị Phan Hồ Điệp cho rằng, khi nuôi con, bạn phải vượt qua nhiều định kiến, nếu cứ chạy theo ý kiến mọi người, con bạn sẽ khó có môi trường giáo dục đúng đắn, xuyên suốt. "Nhiều lần khi Nam còn nhỏ tôi phải vượt qua những câu hỏi như tại sao con đang chơi với ông bà lại bắt đi ngủ khi mới 21h, hay sao lại bảo con mang sách khi đi du lịch, sao cho con đi du học sớm, vì muốn bố mẹ muốn nhàn hơn à", chị Điệp nhớ lại.
Mặt khác, phụ huynh hãy xuất phát từ chính đứa trẻ, hãy quan sát bằng sự thấu cảm, nhìn nhận tính cách con xem con có phải đứa trẻ thích được hoà nhập hay khó khăn khi làm điều đó; những thứ bạn chuẩn bị cho con đã đủ để con bước vào cuộc sống tự lập chưa. "Nếu sáng bố mẹ vẫn phải gọi con dậy, bê đồ ăn lên tận nơi cho con, hay kiểm soát mọi cảm xúc của con thì việc đẩy cho con đi một cách đột ngột là tàn nhẫn - con như con chim non còn yếu ớt phải thả quá sớm. Vì vậy, yêu thương hay tàn nhẫn là do cách bạn chuẩn bị cho con như thế nào, chứ không có đáp án nào chính xác cho câu hỏi này", chị Điệp nhận định.
Những học sinh năng động, tự lập tại môi trường nội trú FPT.
Những kỹ năng học sinh tuổi 15 cần trang bị
Phần thảo luận tiếp theo đề cập đến một trong những tiêu chí mà giáo dục nước ta đang hướng đến đó là đào tạo mỗi cá nhân đều là một công dân toàn cầu (có thể học tập và làm việc trong và ngoài nước, thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau).
Chị Nguyễn Thị Uyên Thuý cho biết, môi trường giáo dục tại THPT FPT trang bị cho các con kiến thức, kỹ năng, tâm thế và sức khoẻ. Về kiến thức, trường rèn luyện các con kỹ năng tự học, tự thích nghi với sự thay đổi rất nhanh của xã hội. Như đợt dịch Covid-19, FPT School xác định học online ngay từ đầu nên các em chủ động tiếp cận nhanh. Bên cạnh đó là kỹ năng 4C: giao tiếp, sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Học sinh được rèn tư duy phản biện sẽ biết cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó áp dụng vào cuộc sống thuận lợi, nhạy bén hơn.
Học sinh FPT học võ Vovinam.
Thầy Hoàng Cao Chung chia sẻ thêm, dù là công dân toàn cầu hay công dân toàn quốc, điều quan trọng các em cần là phải có sức khoẻ, nên các chương trình đào tạo của FPT đều thay chương trình thể dục bằng môn võ Vovinam. Đây là môn học nghiêm túc, giúp các em nâng cao thể lực, tính kỷ luật, tôn sư trọng đạo - những điều dù ở môi trường nào đều phải có. Ngoài ra, FPT còn dạy môn nhạc cụ dân tộc và xem đây là môn chính khoá quan trọng như bất kỳ môn học nào khác.
"Có thể các em nghĩ mình bị ép học nhưng trong bối cảnh thực tế khi ra khỏi Việt Nam, những bộ môn mang màu cờ sắc áo này sẽ mang lại giá trị mà chỉ khi đó các em mới cảm nhận hết được", thầy Chung cho hay.
Bên cạnh những kỹ năng được nhà trường trang bị, chị Phan Hồ Điệp cũng chia sẻ cách phụ huynh giúp con em trang bị những kỹ năng cần có của một công dân toàn cầu.
Trước tiên, đó là khả năng tự lập. Theo chị Điệp, phụ huynh hãy trang bị cho con khi con còn nhỏ, và cần chia theo lứa tuổi, có thang đo cụ thể. Ví dụ, 3 tuổi sẽ có khoảng 20 đầu mục công việc con có thể làm (phụ huynh hãy ghi ra các đầu mục và đánh dấu xem con làm được đến đâu).
Tiếp theo là tính kỷ luật: gia đình cần có nguyên tắc - gia phong, không nên quá nuông chiều con, coi con như cái rốn của vũ trụ. Ngoài ra, cha mẹ cần là tấm gương để con noi theo. Làm được những điều này, dù con ở đâu, học nội trú hay thế nào, con sẽ luôn thành công theo cách nào đó.
Sau 6 năm xa nhà, chị Điệp cho biết: "Đỗ Nhật Nam đã thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều. Con biết cách quản lý tài sản cá nhân, biết quản lý tài chính thậm chí biết kiếm tiền, quản lý thời gian tốt, đặc biệt, con biết thương mẹ nhiều hơn... Những thay đổi đó lớn hơn tất cả những thứ thuộc về học thuật".
ĐH Harvard và Yale phân biệt đối xử, lấy cớ về "tính cách" để ít nhận sinh viên châu Á Bộ Tư Pháp (DOJ) Mỹ gần đây đã gửi cho Đại học Yale một Thông báo Vi phạm, cho rằng ĐH Yale phân biệt đối xử với sinh viên. Theo đó, sinh viên châu Á có khả năng được nhận vào trường thấp hơn, dù có bằng cấp tương tự nhiều sinh viên khác. Hơn 100 năm trước, đã có sự việc là...