Chân dung ‘thầy giáo’ ngày làm công nhân, đêm về ‘gieo chữ’ cho trẻ em nghèo
‘Tối nay bạn nào không đến lớp’… ‘Phương trình này chúng ta giải như sau’… Tiếng giảng dạy ân cần của anh Hoàng Trọng Khánh đã vang lên ở khu xóm trọ nghèo suốt 10 năm qua…
Nằm trong một con hẻm ở Đường 22, Quận 9, lớp học tình thương của anh Hoàng Trọng Khánh (38 tuổi) là nơi xóa mù chữ cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Lớp học được anh Khánh thành lập và duy trì suốt 10 năm qua. Tuy chỉ là không gian của căn phòng trọ, chi phí lại tốn kém, nhưng bằng tất cả tình yêu thương dành cho ‘học trò’, anh Khánh đã tìm mọi cách để duy trì lớp học.
Clip: Lớp học đặc biệt giữa khu xóm trọ nghèo
Thầy giáo với chiếc áo công nhân
Anh Khánh hiện là công nhân của một phân xưởng thuốc sát trùng, chỉ học hết bậc phổ thông chứ chưa hề có một bằng cấp nào về nghiệp vụ sư phạm. Đến với cái nghề dạy chữ, đối với anh, là cả một cái duyên.
Theo lời anh Khánh, cái duyên dạy chữ đến với anh rất tình cờ. Vào một buổi chiều năm 2010, khi anh về nhà một người bạn ở khu Gò Mả (Quận 9) chơi. Thấy có một nhóm 4 – 5 đứa nhỏ đang ngồi học bài dưới góc lều lụp xụp. Thấy tụi nhỏ đáng thương nên anh ghé lại giảng bài đến tận tối muộn.
Từ đó, sau mỗi giờ tan làm, anh Khánh lại đến khu Gò Mả để làm ‘thầy giáo’ bất đắc dĩ. Dần dần ‘miệng truyền miệng’, những người lao động nghèo quanh đó biết tin có anh công nhân nhận dạy miễn phí cho học sinh khó khăn cũng đến gửi gắm cho con đi học.
Anh Hoàng Trọng Khánh.
‘Lúc đó, có một phụ huynh cho mượn khu xưởng mộc để làm lớp vào mỗi buổi tối. Được một thời gian, mình nghĩ phải có một lớp học ổn định để các em học hành, không thể tạm bợ được’. – anh Khánh kể lại.
Lớp học được tổ chức trong không gian phòng trọ.
Các em đang theo học tại lớp đều rất hăng hái.
Dù đồng lương công nhân ít ỏi nhưng anh Khánh vẫn trích phân nửa ra thuê một nhà trọ đủ rộng để mở lớp dạy miễn phí cho ‘học trò’ nghèo. Đến giờ, học sinh theo học lớp đã lên tới 45 – 46 em mỗi khóa. Lớp học bắt đầu từ 5h30 và kết thúc vào lúc 8h30. Mỗi ngày đi làm về, nhìn thấy ‘học trò’ của mình đã chuẩn bị bài vở đâu vào đấy, anh Khánh liền bắt tay giảng dạy ngay, chẳng màng đến việc thay quần áo hay ăn cơm xế.
Đứng lớp ‘ không công‘ với sự đồng cảm chân thành
Những ngày đầu mở lớp, anh Khánh đi đến từng phòng trong xóm trọ để huy động học sinh đến học. ‘ Mình nói với phụ huynh các em là đến lớp sẽ được học miễn phí hoàn toàn, sách vở, dụng cụ học tập cũng sẽ được phát thêm’.
Ban đầu, do tự ti về hoàn cảnh, nhiều em cũng ngại đến lớp vì được miễn phí mọi thứ. Nhưng với sự dí dỏm, hài hước và lòng chân thành của mình, anh Khánh đã tìm mọi cách để các em có thể mở lòng hơn.
‘Có một học trò sống trong hoàn cảnh làm mình phải suy nghĩ rất nhiều. Ba em ấy mất sớm, nhà cũng khó khăn. Kể từ lúc đó, không ai trong nhà nói mà em ấy nghe, cứ im lìm. Nhưng khi đến học với mình, dần dần em ấy cũng trở nên mạnh dạn hơn rất nhiều’. – Anh Khánh kể.
Anh Khánh luôn tìm mọi cách để động viên ‘học trò’ của mình.
Tuy kiến thức có hạn nhưng anh Khánh chưa bao giờ cảm thấy đó là áp lực mà lại xem nó như động lực để tìm tòi, học hỏi thêm để về dạy lại cho ‘học trò’ của mình. ‘Bài vở mình dạy đều bám rất sát theo sách giáo khoa. Tuy nhiên do chương trình học ngày càng đổi mới, nên mình cũng phải cập nhật thêm những kiến thức và bài tập trên internet để giảng dạy cho các em’.
Không chỉ được học kiến thức văn hóa, các em còn được anh Khánh dạy cho những bài học làm người tốt và kỹ năng mềm. Đối với anh, trước khi dạy các em học tốt, thì phải dạy các em cách sống tốt trước. Khi các em sống tốt thì tự động học lực sẽ tốt theo.
Ngoài kiến thức văn hóa, các em còn được dạy những bài học làm người.
Một cô bé đang nắn nót viết từng chữ.
Tất cả đều chú ý lắng nghe anh Khánh giảng bày.
Em Trần Hải Đăng, học sinh lớp 6 kể: ‘Chú Khánh không chỉ dạy tụi con kiến thức, mà còn dạy tụi con làm người. Chú dạy, làm người là phải nhẫn nhịn, kiên trì, không được hấp tấp, nếu hấp tấp sẽ rất dễ mắc sai sót’.
Không thể buông bỏ được…
Ở độ tuổi 38, anh Khánh vẫn chưa lập gia đình, ngày làm công nhân, tối về dạy học, lấy tiếng cười của ‘học trò’ làm động lực cho mình.
Nhiều người miệng nói xa nói gần, lương công nhân chẳng đủ nuôi thân, mà còn đi lo cứu này cứu nọ. ‘Mình sống bằng lương công nhân mình làm ra, sống bằng tình thương, bằng sự chân thành chứ không sống trên dư luận. Ai nói gì, mình cũng đều không buông được đâu’. – Anh Khánh tâm sự.
Anh Khánh đang giảng bài cho học trò.
Các em đang tập trung làm bài tập.
Anh Khánh quan niệm: ‘Nếu mình cho các em một số tiền, thì cho dù số tiền có lớn mấy đi chăng nữa rồi cũng sẽ hết. Nhưng nếu mình cho các em kiến thức, các em sẽ càng ngày tốt hơn và kiến thức cũng sẽ còn mãi. Chính kiến thức mới là cái giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn của mình’.
Để tiếp tục duy trì lớp, ngoài tiền lương công nhân, anh Khánh còn vận dụng kiến thức của mình để nuôi vịt, gà, ấp trứng giống bán lấy lời. Công ty và đồng nghiệp của anh biết tin cũng thường gửi đến những phần quà tặng động viên tinh thần các em đang theo học.
Việc làm tốt của anh Hoàng Trọng Khánh được nêu gương ‘người tốt, việc tốt’.
Suốt 10 năm qua, anh Hoàng Trọng Khánh đã âm thầm ‘lèo lái’ biết bao chuyến đò cập bến thành công. Anh không trông mong gì nhiều, chỉ mong mỗi ngày được thấy các ‘học trò’ thân yêu của mình mỉm cười là anh đã cảm thấy tất cả công sức của mình đã được đền đáp.
Ảnh: Thanh Nghĩa
Tấn Lợi
Theo baodatviet
Lớp học 0 đồng giữa đêm vắng Sài Gòn: Nơi gieo con chữ, chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo
Nắn nót viết từng con chữ, tập trung làm những phép cộng, trừ đơn giản - đó là cả bầu trời mơ ước của những đứa trẻ đường phố không có tiền đi học...
Nằm trong một con hẻm nhỏ ở Quận 12, cách xa trung tâm thành phố, lớp học tình thương Ngọc Việt là nơi xóa mù chữ cho cho biết bao trẻ em nghèo xóm trọ nơi đây.
Lớp học được anh Huỳnh Quang Khải (28 tuổi) thành lập và duy trì gần 10 năm qua dù gặp nhiều khó khăn, thử thách khiến anh như muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, vì thương 'tụi nhỏ' nên anh tìm mọi cách duy trì lớp học cho đến tận bây giờ.
Clip: Lớp học 0 đồng - nơi xóa mù chữ cho các trẻ em đường phố
Thầy giáo đứng lớp là trẻ mồ côi
Dạy học không phải là chuyên ngành chính của anh Khải vì anh là một hướng dẫn viên du lịch. Để trở thành một người thầy như bây giờ không chỉ là vì sự thương cảm giữa người với người mà còn là do cái duyên nữa.
Anh Khải cũng từng là trẻ mồ côi nên anh thấu hiểu được những nỗi niềm của đa số trẻ con sống ở đây.
Những ngày còn là đoàn viên ở phường Hiệp Thành (năm 2010) anh cùng các bạn của mình quyết định mở lớp học miễn phí để dạy cho con của những người công nhân, cán bộ xung quanh nơi anh sống.
Anh Khải đứng lớp dạy chữ cho các em học sinh.
Năm 2013, khi chuyên ngành du lịch quá tải, anh đã quyết định dừng việc dạy học lại. Năm 2015, anh gặp lại những học trò cũ bán vé số, nhặt ve chai, bọn trẻ năn nỉ anh đi dạy trở lại để cho chúng biết thêm con chữ, biết cộng trừ. Vì 'cầm lòng không được' anh Khải lại tiếp tục mở lớp dạy miễn phí. Đồng hành cùng anh lúc này là người vợ hiền.
Thời gian đầu, anh Khải vận động tiền để mở lớp cho các em từ những người quen biết nhưng không đủ. Hai vợ chồng anh phải bán vàng cưới để gom góp tiền mua bàn ghế, tập sách, sửa sang chỗ học...
Không có địa điểm để mở lớp, hai vợ chồng quyết định dùng sân nhà mình làm nơi cho các em đến hằng ngày để học tập. Hai vợ chồng anh Khải đều có công việc ổn định nhưng vẫn tranh thủ thời gian rảnh để dạy học cho tụi nhỏ. Những ngày anh Khải đi tour thì vợ anh sẽ đứng lớp dạy chứ không để các em nghỉ học buổi nào.
Lớp đông học sinh nên anh Khải nhờ thêm sự hỗ trợ của cô Nho.
Ngôi nhà đông con và tình thương vô bờ của 'người cha trẻ'
Hiện tại, lớp học tình thương Ngọc Việt đang nhận dạy khoảng 50 học sinh, độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi, với đủ các trình độ từ lớp 1 đến lớp 5, chưa tính những em lần lượt nghỉ học để mưu sinh phụ giúp gia đình. Lớp bắt đầu vào lúc 6h45 và kết thúc lúc 8 h45 tối, vì ban ngày tụi nhỏ phải đi làm thêm hoặc ở nhà phụ ba mẹ.
Cùng một câu hỏi 'tại sao ban ngày con không đi học mà con phải đi học buổi tối' mà câu trả lời thì mỗi em một kiểu.
Có em 'nhà con nghèo nên con không có tiền đi học', có em thì trả lời 'con phải ở nhà phụ cha mẹ', xót xa hơn có em chậm phát triển nên hơn 10 tuổi chỉ mới học lớp 1 vỡ lòng.
Anh Khải nhớ rõ hoàn cảnh của từng em một, 'thằng cu Trung ban ngày phải bán hủ tiếu phụ mẹ, bé Duyên từng bị nuôi não bên ngoài vì gặp tai nạn té cầu thang, đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa thì sống với bà nội... Khó khăn là vậy nhưng có nhiều em không bỏ học ngày nào, trừ khi gia đình không cho các em đến lớp', anh Khải chia sẻ.
Không gian lớp học giản dị đơn sơ nhưng ấm áp...
Khu vực bỏ cặp sách của các bạn học sinh...
Sách giáo khoa, sách truyện và đồ dùng học tập được đặt ngăn nắp.
Ngoài cái chữ, con số, các em còn được học trồng cây bảo vệ môi trường, học cách đối nhân xử thế... Nhờ sự dạy dỗ của thầy cô ở lớp học các em cũng trở nên ngoan hơn, biết cách ứng xử hơn và đặc biệt là biết yêu thương lẫn nhau. Thương là thương ở chỗ đấy...
Anh Khải kể lại: 'Những ngày rảnh rỗi là anh dẫn tụi nhỏ đi chụp hình để lưu giữ làm kỷ niệm nếu sau này xa nhau có cái để xem lại, hoặc lâu lâu nấu cho tụi nhỏ một nồi bún riêu, bún bò. Rồi đến ngày Tết Trung Thu thầy trò cũng tưng bừng chuẩn bị rước đèn. Nhìn tụi trẻ vui cười, mình cũng thấy nhẹ lòng...'
Một cậu bé nắn nót viết chữ...
'Cái tâm' đôi khi còn hơn cả 'cái tầm'
Lớp học nhỏ ấy đã rèn luyện biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ đi qua. Nhiều người đã thành đạt, có cuộc sống ổn định và thường xuyên quay về thăm anh Khải nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Có người trở thành chủ tiệm sửa xe ô tô, người thì làm chủ cửa hàng điện thoại lớn... mà anh chính là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho cuộc đời của họ.
Dù không qua trường lớp, không có bằng cấp sư phạm nào nhưng nghề dạy chữ đã gắn bó với anh cũng từng ấy năm trời. Ngày 20 tháng 11 hàng năm, học trò anh đều đến tri ân thăm hỏi rất nhiều. Điều đó cũng làm ấm lòng phần nào thầy giáo trẻ. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, anh buồn nhưng không trách móc một lời.
Anh Khải và ước mong có thể duy trì lớp học lâu dài hơn nữa.
Trong đời ai cũng có ước mơ, dù lớn hay nhỏ, dù ít hay nhiều cũng đều hướng đến một tương lai tươi sáng. Trong lớp học của trẻ em nghèo, có em ước làm bác sĩ, em ước làm kỹ sư lắp ráp, có em ước được làm giáo viên dạy chữ như 'thầy Khải'.
Còn anh Khải, anh chỉ mơ ước các con sau khi học ở lớp sẽ được công nhận đã hoàn thành chương trình tiểu học, có thêm chút tri thức ít ỏi để bước ra đời.
Anh tâm sự: 'Nếu như trời thương cho vợ chồng anh làm ăn được thì anh sẽ mua một cái tivi cho tụi nhỏ xem phim hoạt hình giải trí, đồng thời cũng kết nối mạng để dạy tụi nó thêm môn Tiếng Anh nữa'.
Âm thầm, lặng lẽ, lớp học ít ai biết đến đã tồn tại nhiều năm qua. Anh Huỳnh Quang Khải cứ thầm lặng như thế đưa biết bao nhiêu chuyến đò cập bến. Và cũng còn rất nhiều chuyến đò, biết bao lớp học trò nữa cần được bàn tay anh dìu dắt. Chỉ mong mọi người có đủ lòng tin và 'sóng gió' đừng kéo đến lớp học bình yên này.
Ngọc Yến
Theo baodatviet
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II 'lách luật', đào tạo bừa bãi khiến hàng loạt sinh viên điêu đứng? Bên cạnh việc cấp bằng chậm, nhiều sinh viên khác của trường Cao đẳng Kỹ nghệ II còn còn chịu cảnh đào tạo một đằng, cấp bằng một nẻo. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa chỉ đạo trường Cao đẳng Kỹ nghệ II có báo cáo liên quan đến sự việc hàng chục sinh viên của trường tốt nghiệp...