Chân dung ‘Cậu bé vàng’ đất Quảng Bình trúng tuyển vào trường đại học số 1 Thế Giới
Nam sinh giành “cú đúp” huy chương Vàng Olympic Vật lí Quốc tế, vừa nhận được học bổng toàn phần của Viện công nghệ kỹ thuật số 1 thế giới Massachusetts Institute of Technology (MIT).
Nguyễn Thế Quỳnh
Ngày 16/3, Nguyễn Thế Quỳnh (quê Quảng Bình), người dành “cú đúp” huy chương vàng Olympic Vật lí Quốc tế (2016 – 2017) cho biết: vừa nhận được thư trúng tuyển từ Viện công nghệ kỹ thuật danh giá số 1 thế giới -MIT.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới, Nguyễn Thế Quỳnh được mệnh danh là “ Cậu bé vàng vùng cát trắng” bởi thành tích học tập vượt trội. Ước mơ của cậu học trò nghèo này là sẽ trở thành một nhà khoa học để trở về giúp đỡ quê hương.
Nguyễn Thế Quỳnh (thứ 2 từ trái sang) cùng đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Vật lý Quốc tế năm 2017 tại Indonesia.
Để thực hiện ước mơ, Quỳnh đã nhập học vào trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời chuẩn bị hồ sơ, nâng cao trình độ tiếng Anh để thi tuyển vào các trường đại học danh giá của thế giới.
Sau 4 tháng rèn luyện, trình độ tiếng Anh của Quỳnh đủ để vượt qua các kì thi chuẩn hóa và hồ sơ được hoàn thiện, Quỳnh giành học bổng toàn phần của MIT.
Nguyễn Thế Quỳnh cho biết, mức hỗ trợ tài chính toàn phần từ MIT sẽ được công bố trong vài ngày tới. “Bài luận của em nói về thiên tai ở các vùng quê miền biển ở Việt Nam. Lớn lên tại Quảng Bình, chứng kiến sự tàn phá của thiên tai, em viết về tình trạng của người dân vì vật liệu xây nhà sơ sài, không chống được bão, tình trạng thiếu điện, thiếu nước sạch mỗi khi bão lũ. Em mong muốn góp phần tìm giải pháp công nghệ để giúp con người chống lại thiên tai tốt hơn” – Nguyễn Thế Quỳnh về bài luận gửi MIT.
MIT là trường đại học hàng đầu về công nghệ của Mỹ. Kể từ năm 2012 đến nay, ngôi trường này luôn thống trị vị trí đầu tiên trong bảng danh sách các đại học tốt nhất thế giới do Quacquarelli Symonds (QS) – công ty giáo dục và du học uy tín ở Anh bình chọn.
Tính tới năm 2015, MIT có 85 người đạt giải Nobel, 52 huy chương Khoa học Quốc gia, 34 phi hành gia… Đây là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất.
Năm 2017, trường có 19.020 đơn xin nhập học nhưng chỉ 1.511 người được nhận, tức chỉ khoảng 8% số người dự tuyển có cơ hội được học tập tại trường.
Theo TPO
Bố mất sớm, mẹ bán thịt, cậu học trò Quảng Bình đỗ ĐH số một thế giới
Thương mẹ một tay mưu sinh với sạp thịt lợn ngoài chợ nuôi hai anh em từ khi bố mất, Nguyễn Thế Quỳnh quyết tâm học tập thành tài. Sau "cú đúp" HCV Vật lý quốc tế, cậu học trò Quảng Bình vừa lập thêm kỳ tích cho quê hương khi giành học bổng toàn phần vào MIT - Viện công nghệ số một thế giới.
Video đang HOT
ảnh minh họa
Những thành tích của Nguyễn Thế Quỳnh:
- Hai huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế (năm 2016, 2017).
- Hai huy chương Bạc kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (năm 2016, 2017).
- Hai năm học liên tục lớp 11 và 12 đoạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 (năm học 2015-2016 và 2016-2017), môn Vật lý.
- Là một trong 5 học sinh xuất sắc nhất toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2016.
- Được UBND tỉnh tặng hai Bằng khen (năm 2016, 2017).
"Cậu bé vàng" đất Quảng Bình
Ngày hôm qua, chàng trai Quảng Bình vừa nhận được thư trúng tuyển từ Viện công nghệ kỹ thuật danh giá số 1 thế giới MIT - Massachusetts Institute of Technology, ngôi trường trong mơ của biết bao thế hệ học sinh đam mê khoa học trên toàn cầu. Không chỉ chấp nhận, MIT còn "chào đón" chàng trai Việt bằng học bổng toàn phần.
Trao đổi với PV Báo, Nguyễn Thế Quỳnh cho biết, mức hỗ trợ tài chính toàn phần từ Viện công nghệ Massachusetts sẽ được công bố trong vài ngày tới (tùy từng năm, thông thường rơi vào khoảng 280.000 - 290.000 USD, tương đương 6,3-6,5 tỷ đồng).
Nguyễn Thế Quỳnh giành học bổng toàn phần của Viện công nghệ Massachusetts năm 2018.
Sinh ra và lớn lên ở phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Thế Quỳnh là con trai út trong gia đình có 2 anh em trai.
Thông minh, chăm chỉ, chàng trai sinh năm 1999 từ nhỏ đã nổi tiếng quanh vùng vì học giỏi. Cấp 1 và cấp 2, Nguyễn Thế Quỳnh đều giành HCV học sinh giỏi quốc gia môn Toán.
Năm Quỳnh học lớp 8 thì bố qua đời, mẹ em phải tần tảo sớm hôm nơi góc chợ để kiếm tiền nuôi các con. Cấp 3, Quỳnh thi đỗ vào lớp chuyên Lý trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp và ngày ngày đạp xe đi học chừng 5 km. Nhiều khi cậu học trò vùng cát trắng phải nhịn mua sách vì thương mẹ vất vả.
Điều kiện khó khăn nhưng với tinh thần không ngừng học hỏi, tư duy nhanh, logic và niềm say mê môn Vật lý, Quỳnh liên tục giành những thành tích xuất sắc ở các kỳ thi học sinh giỏi Vật lý của tỉnh, quốc gia và sau đó là khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý nhất, chàng trai Quảng Bình đã giành "cú đúp" HCV Olympic Vật lý quốc tế cho đoàn Việt Nam trong hai năm liên tiếp (2016 và 2017).
Nguyễn Thế Quỳnh (thứ 3, từ trái sang) giành "cú đúp" HCV Olympic Vật lý Quốc tế hai năm liên tiếp 2016 và 2017.
Ấp ủ giấc mơ du học Mỹ, Quỳnh vừa nhập học ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tập trung nâng cao trình độ tiếng Anh để thi các bài thi chuẩn hóa, hoàn thành hồ sơ, cuối năm tìm học bổng.
Cuối năm 2017, với PV Báo, bà Trần Thị Vy Hạnh (mẹ em Quỳnh) tâm sự: "Quỳnh bảo con muốn ước mơ vào trường khoa học kỹ thuật số 1 của Mỹ. Cô cũng không biết trường gì. Chắc Quỳnh ước mơ cũng thành sự thật" - người mẹ tảo tần đã luôn tin tưởng con trai.
Thương mẹ, chàng trai Quảng Bình quyết tâm học tập thành tài. Trong ảnh, bà Trần Thị Vy Hạnh (mẹ Quỳnh).
Theo đuổi khoa học để giúp quê hương chống thiên tai
Hỏi Thế Quỳnh có nỗi lo nào khi nộp đơn vào ngôi trường danh tiếng bậc nhất và có tỉ lệ cạnh cực cao không, em đáp: "Em biết tỉ lệ cạnh tranh hiển nhiên là rất cao, tuy nhiên em không để ý lắm đến việc lo sợ, dù sao MIT cũng là dream school (ngôi trường trong mơ) của các bạn trẻ đam mê khoa học trên thế giới. Em chỉ cố gắng học thật chăm chỉ và hoàn thiện hồ sơ tốt nhất có thể".
Quỳnh hóm hỉnh kể lại khoảnh khắc nhận tin báo đỗ: "Lúc đấy em dậy sớm để đi học, em nhớ ra là hôm nay MIT có kết quả nên em mở máy tính vào xem, cảm xúc của em là khá bất ngờ và thú vị. Sau đó em đi học".
Xuất phát điểm không tốt như nhiều bạn trẻ ở các thành phố lớn, giấc mơ du học từng khá xa vời với 9X Quảng Bình. Em quyết tâm và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ sau khi Olympic quốc tế năm 2017. Thời gian ôn thi chuẩn hóa và các công việc khác được Quỳnh hoàn thành vỏn vẹn trong 4 tháng.
Khó khăn lớn nhất với em là tiếng Anh và các kì thi. Giai đoạn nước rút, tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng Quỳnh vẫn chăm chỉ đến lớp học tiếng Anh kín cả tuần. Học từ mới, viết nhiều bài luận, chăm chỉ tra cứu, luyện tập nghe các từ cơ bản. Kết quả sau 4 tháng rèn luyện không ngừng nghỉ, trình độ tiếng Anh của Quỳnh khá lên, đủ để vượt qua các kì thi chuẩn hóa.
Theo Thế Quỳnh, bí quyết giúp em chinh phục ngôi trường ĐH danh giá Mỹ nằm ở con người em chứ không chỉ những con số trong hồ sơ.
"Em đã cố gắng thể hiện con người, niềm đam mê, tính cách và ước mơ của mình trước hội đồng tuyển sinh qua các bài luận và phỏng vấn. Em nghĩ điều này là quan trọng tương đương với thành tích học thuật", Quỳnh nói.
Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi.
Đam mê khoa học của chàng trai Việt không chỉ thể hiện ở các huy chương, mà còn trong nhiều hoạt động ngoại khóa.
Thế Quỳnh tham dự các trại hè, đông Vật lý của miền Trung được diễn ra ở Nghệ An trong những năm cấp 3. Đây là nơi em có thể gặp các giáo sư đầu ngành, các bạn học sinh xuất sắc khác có cùng đam mê để có thể học tập và tìm cảm hứng từ họ.
Em tham gia CLB Nuôi dưỡng nhân tài, nơi tập hợp các bạn học sinh, sinh viên xuất sắc từ khắp cả nước, nơi các bạn có thể sinh hoạt CLB tiếng Anh, Toán, Tin...
Chàng trai ở quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể quên hoạt động trong CLB tình nguyện của trường dịp trận lũ lịch sử ở quê em vào tháng 10/2016. Quỳnh và các bạn mình đã gây quỹ, quyên góp quần áo lương thực và tới nơi giúp bà con ở vùng lũ.
Khi ấy là lúc em nhìn thấy mong muốn của mình và sau này, nó trở thành ý tưởng Quỳnh đưa vào bài luận gửi Massachusetts Institute of Technology.
"Bài luận của em nói về thiên tai ở các vùng quê miền biển nghèo ở Việt Nam. Lớn lên tại Quảng Bình và đã chứng kiến sự phá hoại của thiên tai, em viết về tình trạng của người dân vì vật liệu xây nhà sơ sài, không chống chọi được bão, tình trạng thiếu điện, thiếu nước sạch mỗi khi cơn bão lũ trôi qua. Em mong muốn góp phần tìm giải pháp công nghệ để giúp con người chống lại thiên tai tốt hơn", Thế Quỳnh .
Đại diện nhà trường và Sở GD-ĐT Quảng Bình ra sân bay Nội Bài đón cậu học trò xuất sắc.
Với khát vọng ấy, Thế Quỳnh dự định học ngành Khoa học vật liệu tại Viện công nghệ số 1 thế giới. Dự định sau khi tốt nghiệp tại Mỹ của em là tiếp tục học lên cao hơn nữa và có được mối quan hệ tốt với các bạn trẻ khác có cùng đam mê để có thể hợp tác với họ để làm việc, góp phần tìm ra giải pháp công nghệ để giúp con người chống chịu thiên tai tốt hơn, cũng như xử lí các hậu quả sau thiên tai tốt nhất.
Hành trình chinh phục tấm vé vào ngôi trường danh giá của Quỳnh một lần nữa khẳng định nội lực, quyết tâm vượt khó vươn tới đỉnh cao tri thức của "chàng trai vàng" Vật lý thông minh và luôn lạc quan.
Nhắn nhủ với các bạn có ước mơ du học nhưng điều kiện không tốt, Quỳnh tâm sự: "Em nghĩ các bạn đang ước mơ thì hãy làm luôn từ sớm, cố gắng trau dồi và hoàn thiện tiếng Anh nhanh nhất có thể. Ngoài học thuật ra, nên đọc thêm nhiều các bài báo, các diễn đàn, các quyển sách truyền cảm hứng, để sớm tìm ra con người thật của mình, sớm tìm ra đam mê và định hướng cho mình thật tốt".
Thầy Hoàng Thanh Cảnh, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) hào hứng: "Quỳnh rất ngoan, chăm học nhưng cũng đặc biệt là em không đặt áp lực nặng nề, học mà chơi chơi mà học.
Chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi, tự hào vì quê hương rất nghèo khó có học sinh đạt HCV ở đấu trường trí tuệ quốc tế.
Trong lĩnh vực Vật lý nhà trường có 3 giải tầm cỡ quốc tế và khu vực. Và 2 HCV Olympic Vật lý quốc tế đều do em Quỳnh mang về.
Và tuyệt vời hơn, em cũng là học sinh đầu tiên của trường đỗ vào Viện công nghệ số 1 thế giới".
Kể từ năm 2012 đến nay, ngôi trường này 6 năm liên tiếp thống trị bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới (theo bảng xếp hạng uy tín QS). Tính tới năm 2015, Đại học MIT có 85 người đạt giải Nobel, 52 huy chương Khoa học Quốc gia, 34 phi hành gia...
Đây là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất. Năm 2017, trường có 19.020 đơn xin nhập học nhưng chỉ 1.511 người được nhận, tức chỉ khoảng 8% số người dự tuyển có cơ hội được học tập tại trường.
Theo Dân Trí
Cần thêm những chính sách cho việc bồi dưỡng nhân tài Ngày 26/1, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị Sơ kết 7 năm thực hiện Đề án Phát triển trường THPT chuyên Quảng Bình giai đoạn 2011-2020. Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình (bên phải) tặng hoa em Nguyễn Thế Quỳnh, học sinh trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã xuất sắc liên tiếp giành...