Chấm vở ghi của học sinh: chiêu thức mới để ‘lùa’ học sinh đi học thêm?
Theo người viết, ghi bài hay không là quyền của học sinh, không cần ghi vào vở nội dung bài giáo viên dạy khi sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa.
Người viết nhận được chia sẻ của anh Nguyễn Phúc, phụ huynh học sinh lớp 10 ở một thành phố phía nam, anh Nguyễn Phúc cho biết:
“Hồi học cấp hai, con tôi đã “nhận” không ít chiêu trò của giáo viên ép đi học thêm, như gà bài kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết, gà bài kiểm tra miệng … không đi học thêm khó mà đạt học sinh giỏi, vì cháu còn nhỏ, không muốn cháu bị “áp lực”, nên tôi có cho cháu tham gia học thêm.
Con tôi năm nay học lớp 10 công lập, cháu không tham gia bất cứ hình thức học thêm nào từ đầu năm đến nay.
Tôi biết mục tiêu của chương trình giáo dục 2018 là phát triển năng lực, phẩm chất người học, cá nhân hóa người học, mà học thêm là dạng “đồng phục”, nên tôi động viên con tự học.
Thế nhưng vừa qua tôi có nhận tin nhắn báo điểm đánh giá thường xuyên của con, môn Toán, đạt 01 điểm.
Tôi rất bất ngờ, cháu không phải khá giỏi môn Toán, nhưng kiến thức cơ bản của sách giáo khoa, bài tập trong sách giáo khoa cháu nắm được, làm được gần hết.
Khi hỏi kĩ, cháu cho biết, điểm 01 do thầy giáo chấm vở ghi bài học, cháu chỉ ghi tên bài, không ghi nội dung bài thầy dạy, vì thầy dạy giống sách giáo khoa, trong sách giáo khoa có đầy đủ rồi nên cháu không ghi, thầy cho 01 điểm.
Cháu cho biết, những bạn trong lớp bị 01 điểm khi chấm vở ghi thầy đều không ghi điểm vào vở như cháu. Những bạn đi học thêm thầy, đều không bị chấm vở ghi như cháu. Tôi nghĩ, đây là “chiêu” mới của thầy giáo ép học sinh đi học thêm.
Dù bị “ép” cháu vẫn không muốn đi học thêm thầy đang dạy trên lớp, cháu cho rằng, đi học thêm mình có quyền chọn thầy, thầy phải xứng đáng là thầy về nhân cách, đạo đức trước đã, thầy ép mình đi học như thế, không đáng đi học.
Tôi cũng cùng quan điểm với cháu, nhưng bài kiểm tra toán giữa kì vừa rồi, cháu vẫn đạt 7 điểm. Bài kiểm tra giữa kì có đáp án, biểu điểm công khai, nên thầy không thể “đì” cháu.
Chấm vở ghi, không có đáp án nào, hướng dẫn nào, thầy đánh giá như thế nào tùy thầy, học trò làm sao biết, chấm vở ghi như vậy học sinh chỉ có “chết”".
Ảnh minh họa.
Video đang HOT
Giáo viên nói gì về “chấm vở” để đánh giá học sinh?
Thầy giáo Ngô Quang, một giáo viên dạy Toán sắp về hưu chia sẻ “Ngày trước mình đi học, có thầy dạy Toán mình bê y nguyên sách giáo khoa ra dạy, mấy bài đầu mình còn ghi, sau đó mình chỉ ghi đầu bài rồi chấm hai chấm SGK.
Thầy gọi mình hỏi bài cũ, chấm vở ghi, không thấy mình ghi bài, nên cho mình điểm 01 dù mình trả lời tốt. Thầy hỏi mình tại sao không ghi bài, mình nói, thầy dạy giống sách giáo khoa, em có sách giáo khoa rồi, em xin lỗi thầy, em không ghi để nghe thầy giảng tốt hơn ạ.
Hôm sau thầy hỏi lại bài cũ, mình trả lời tốt, thầy xóa điểm cũ, ghi điểm mới, nhưng từ đó về sau mình thấy nội dung bài dạy của thầy mới hẳn, có những cái mình đề nghị thầy để mình ghi xong mới xóa bảng.
Mình nghĩ, ghi bài giảng của thầy phải do học sinh, thầy không nên bắt buộc, chấm vở của học sinh là chấm nội dung bài tập, nội dung dự án … những cái mà giáo viên có đáp án, biểu điểm đánh giá, chấm bài ghi của học sinh thì không nên.
Giáo viên chấm bài ghi của học sinh, ghi điểm vào sổ, không giải thích cho học sinh hiểu tại sao lại đánh giá như vậy, chứng tỏ giáo viên đó yếu chuyên môn nghiệp vụ, hoặc có ý đồ khác, dễ gây hiểu lầm cho học sinh”.
Người viết có tham khảo thêm ý kiến của giáo viên các bộ môn khác, đều có nhận xét đánh giá tương đồng, không nên chấm vở ghi bài của học sinh, càng không dùng điểm số đó để đánh giá.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học
Điều 4 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT Yêu cầu đánh giá ghi rõ:
1. Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
2. Đánh giá bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan.
3. Đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.
4. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau.
Theo đó, yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông của học sinh nói chung và trung học phổ thông nói riêng, tuyệt đối không yêu cầu học sinh phải ghi lại bài giảng của giáo viên.
Với những bài giảng của giáo viên đã dùng ngữ liệu có trong sách giáo khoa có cần ghi lại không? Chấm vở ghi nội dung bài học của học sinh để lấy điểm có phải “Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh” ?.
Theo người viết viết, học sinh ghi nội dung bài học vào vở hay không là quyền của học sinh; bài dạy của giáo viên sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa, học sinh không cần ghi vào vở.
Giáo viên chấm vở ghi nội dung bài học của học sinh để lấy điểm làm điểm kiểm tra thường xuyên, là chưa thực hiện đúng Yêu cầu đánh giá của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Khoản 2 Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT: Đánh giá bằng điểm số, ghi rõ:
a) Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
b) Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.
Như vậy, giáo viên muốn đánh giá bằng điểm số chỉ được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.
Để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học, giáo viên phải có kế hoạch, đáp án, biểu điểm về nhiệm vụ rèn luyện và học tập giao cho học sinh.
Chương trình 2018 còn phải dạy thêm, học thêm, e rằng khó mà đạt được mục tiêu “Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau”.
Dạy thêm, học thêm không trong sáng đã và đang làm xói mòn đạo đức xã hội, văn hóa nhà trường và niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục.
Người viết kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản quy định rõ ràng, minh bạch về dạy thêm, học thêm đối với Chương trình 2018 và cốt nhất nên cấm dạy thêm với học sinh thực hiện Chương trình 2018.
'Ép' học sinh học thêm, uy tín thầy cô sẽ bị giảm sút
Việc giáo viên ra đề kiểm tra khó để 'ép' học sinh đi học thêm (như các phụ huynh nghi vấn, phản ánh) là không đúng quy định, kéo theo uy tín thầy cô cũng bị giảm sút.
ra đề kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng học sinh là cách hạn chế dạy thêm, học thêm. Ảnh: Image
Ra đề kiểm tra khó, ép học sinh học thêm?
Anh Phan Anh có con đang học lớp 10 một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trường con anh theo học lấy điểm chuẩn tuyển sinh 9 vào 10 năm học 2022-2023 là 21,0 điểm (không nhân hệ số). Kì kiểm tra giữa học kì 1 năm học này, con anh cho biết, trong lớp có nhiều bạn bị dưới điểm trung bình các môn Toán, Tiếng Anh, Vật lí... vì đề khó.
Anh Đoàn Minh Quang có con đang học lớp 10 ở trường này chia sẻ, điểm Toán con anh chỉ được 4,5 điểm, còn Tiếng Anh đạt 5.0 điểm. Trong khi đó, con anh thi tuyển sinh môn Toán đạt 7.5 điểm và Tiếng Anh 8 điểm. "Tôi không tin con nghĩ con mình lại học sút nhanh như thế. Có thể do nhà trường ra đề kiểm tra quá khó, học sinh không làm bài được", anh Quang băn khoăn.
Nửa tin nửa ngờ, anh Phan Anh đem đề kiểm tra các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh hỏi một số giáo viên trường khác trên địa bàn thành phố thì các thầy cô đều khẳng định đúng là đề khá khó so với trình độ học sinh lớ 10. Con anh còn cho biết thêm, sau kì kiểm tra giữa học kì, nhiều bạn xin được học thêm tại nhà giáo viên bộ môn.
"Các bạn tham gia học thêm nói rằng, thầy cô dạy kĩ và dạy chậm lắm. Còn ở trên lớp, thầy cô dạy nhanh, nhiều bạn không tiếp thu được. Mỗi khi thầy cô gọi học sinh lên bảng làm bài, bạn nào làm sai là sẽ bị trừ điểm hoặc cho điểm kém nên ai cũng sợ", con anh Phan Anh nói.
Từ vấn đề phụ huynh học sinh nghi vấn, phải chăng giáo viên cố tình ra đề khó để "ép" học sinh học thêm? Bởi, đề thi tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có sự phân hóa cao nhưng học sinh vẫn đạt ít nhất 7 điễm mỗi môn mới trúng tuyển thì không có lí do gì đề kiểm tra trên lớp các em lại làm kém như thế.
"Ép" học sinh học thêm là sai quy định
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023. Dẫu biết rằng học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp những khó khăn nhất định, vì các em đã quen học kiểu cũ ở các lớp dưới. Thế nhưng, việc giáo viên ra đề kiểm tra khó để "ép" học sinh đi học thêm (như các phụ huynh nghi vấn) là không đúng quy định dạy và học, kéo theo uy tín thầy cô cũng bị giảm sút.
Học sinh lớp 10 thường chọn môn học, tổ hợp môn theo các khối thi đại học truyền thống. Ví dụ, học sinh có ý định thi khối A sẽ chọn môn Vật lí, Hóa học. Còn em nào thi khối C thì chọn môn Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Đa số các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh (và các tỉnh thành khác) đều tổ chức dạy học 2 buổi. Buổi sáng học sinh học theo phân phối chương trình, còn buổi chiều các em được học tăng tiết. Được biết, học sinh đều học tăng tiết các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để phục vụ cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cùng với đó, các môn học lựa chọn như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí đều được tăng tiết, thường là 2 tiết một tuần, ít nhất cũng 1 tiết một tuần. Thầy cô hoàn toàn có thể lấy tiết học này để phụ đạo học sinh yếu, bỗi dưỡng cho những em khá giỏi, không phải dạy thêm ở ngoài phạm vi nhà trường.
Thầy cô cần hướng dẫn học sinh biết cách tự học, học nhóm hay học online (trực tuyến) thay vì các em phải học thêm sau giờ học chính khóa. Thay vì ép học sinh học thêm, giáo viên cần khuyến khích các em tham gia các câu lạc bộ thể thao, năng khiếu... mới hợp tình hợp lí.
Để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục cần minh bạch đề kiểm tra, đề thi để giảm tiêu cực. Cùng với đó, cần tổ chức các kì kiểm tra, kì thi phù hợp với chương trình và sức học của học sinh. Ngoài ra, cần có chế tài với những giáo viên dạy thêm trái phép thì mới đủ sức răn đe.
Môn tích hợp: đề kiểm tra rời rạc, điểm 3 môn chia đều, tính liên môn không rõ Dạy chương trình GDPT 2018, đề kiểm tra môn tích hợp rời rạc, cộng điểm 3 môn chia trung bình để lấy 1 đầu điểm duy nhất nên khó đánh giá năng lực học sinh. Hiện nay, hầu hết các trường trung học đã tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh giữa kỳ I. Tuy nhiên, tại các trường trung học phổ...