Chấm thi tự luận tốt nghiệp THPT 2020: nhiều băn khoăn
Sau buổi tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhiều cán bộ làm công tác thi của các sở Giáo dục và Đào tạo vẫn băn khoăn về quy định chấm thi tự luận.
Cán bộ chấm thi làm việc tại hội đồng chấm thi THPT quốc gia năm 2019 ở TP.HCM – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nội dung khiến nhiều người băn khoăn nhất là trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ các tổ trưởng tổ chấm, cán bộ chấm để quán triệt quy chế, thảo luận hướng dẫn chấm; chấm chung ít nhất mười bài thi tự luận để rút kinh nghiệm, thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm.
Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm thi riêng biệt. Trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm thi, giao riêng cho từng người và sau khi chấm lần thứ nhất…
Khó khả thi
Một cán bộ nhiều năm làm công tác thi tại TP.HCM phân tích: “Với những địa phương có số cán bộ chấm thi lên tới 600-700 người như TP.HCM, làm sao thực hiện đúng quy định trưởng môn chấm thi phải chủ trì việc rút thăm ra sao? Như vậy trưởng môn chấm thi lại phải giao cho tổ trưởng tổ chấm. Nên việc có thêm trưởng môn là không cần thiết”.
Ngay cả việc “chấm chung” cũng đang được hiểu nhiều cách khác nhau. Có người bảo phải tập trung cán bộ chấm thi trong hội trường để chiếu bài thi lên màn hình lớn cùng chấm, thống nhất cách chấm. Trong khi cũng có người cho rằng việc chấm chung ít nhất mười bài thi là phải chuyển các bài thi này cho lần lượt từng người xem qua rồi chấm.
Theo ThS Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, chấm thi tốt nghiệp rất quan trọng, nên việc phát sinh các tổ chấm thi là cần thiết. Tuy nhiên, việc đòi hỏi trưởng môn chấm thi như vậy là quá sức với những nơi chấm thi có số lượng bài thi quá lớn như TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa…
“Tổ trưởng tổ chấm thi với trưởng môn chấm thi dường như có nhiều điều trùng lặp trong quyền hạn và trách nhiệm của nhau. Với những yêu cầu nhiệm vụ nêu trong quy chế rất khó cho trưởng môn chấm thi nếu chấm quá nhiều bài và số lượng cán bộ chấm thi quá đông. Điều này dễ dẫn đến sự cố trong quá trình chấm” – ông Sơn nói.
Video đang HOT
Theo tôi, chỉ cần các tổ trưởng tổ chấm thi, không cần thêm trưởng môn chấm thi vì thông thường các tổ trưởng là người nắm rất chắc chuyên môn về môn thi đó rồi.
TS Nguyễn Trung Nhân (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Quy chế phải rõ ràng
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh – thành viên tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới Giáo dục và Đào tạo quốc gia, với những địa phương đặc thù có đông cán bộ chấm thi, nếu dồn vô một nơi thì mọi người sẽ không quán triệt hết được.
“Tôi chưa hình dung được với địa phương như TP.HCM, việc chấm chung trong một phòng với hàng trăm cán bộ chấm thi, mọi người sẽ trao đổi thế nào. Khi trao đổi, nếu cán bộ chấm thi không hiểu thấu đáo dẫn đến chấm lệch, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của giáo viên, và có khi gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với chấm thi tự luận” – ông Vinh cảnh báo.
Ông Vinh còn cho rằng quy chế cần phải rõ ràng, tránh việc mỗi người hiểu một cách khác nhau. “Theo tôi, cần chia nhóm tổ ngay từ đầu theo nguyên tắc chấm tập dượt. Khi chấm phải bàn bạc, thảo luận và cần có đủ không gian và thời gian phù hợp với số lượng cán bộ chấm thi từng địa phương. Tất cả cán bộ chấm thi phải thấu hiểu nguyên tắc chấm theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc này quy chế cần quy định rõ ràng, nếu đông quá sẽ không làm được” – ông Vinh kiến nghị.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác thi, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cũng cho rằng chấm thi tự luận đòi hỏi quy chế phải rõ ràng và hướng dẫn cụ thể để thống nhất một cách hiểu khi thực hiện. Nếu lệch chút xíu quan điểm, chấm lệch 0,25 điểm là thiệt thòi cho thí sinh.
“Theo tôi, quy chế lần này cần làm chặt vì địa phương hay buông lỏng, giáo viên muốn nhanh thì chất lượng không tốt. Cần quy định rõ công việc và sự phối hợp giữa trưởng môn với các tổ trưởng chấm thi, nhất là với các địa phương có đông thí sinh. Do vậy, sau khi ban hành quy chế này, bộ cần có thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết, tăng cường tập huấn thêm cho các sở Giáo dục và đào tạo”, ông Nghĩa đề xuất.
“Chấm chung là vô cùng quan trọng”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quốc Khánh – phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – cho rằng chấm chung là vô cùng quan trọng. Mục đích của việc này giúp cán bộ chấm thi được hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo đúng quy chế để chấm công bằng, khách quan.
“Quy chế hướng tới quy định chung cho 63 tỉnh, thành. Về cán bộ chấm thi, Hà Nội huy động cỡ 500 người, TP.HCM khoảng 700 người. Trong quá trình làm quy chế, chúng tôi đã tham khảo ý kiến hai địa phương này. Để tìm được hội trường đáp ứng đúng nhu cầu theo quy định thật sự không dễ, nên địa phương phải có biện pháp khắc phục khó khăn để cán bộ chấm thi tham gia đầy đủ, đảm bảo yêu cầu chấm thi” – ông Khánh nói.
Việc các trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm, theo ông Khánh, phải đảm bảo nguyên tắc các cán bộ chấm đều được bốc thăm túi bài thi ngẫu nhiên.
Mô hình trưởng môn chấm thi thực chất thêm một cấp để giúp thực hiện tốt nguyên tắc chấm hai vòng độc lập. Trưởng môn chịu trách nhiệm chuyên môn về công tác chấm nên có vai trò rất quan trọng.
Ông Phạm Quốc Khánh (phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT)
“Việc xây dựng quy chế thi năm nay mặc dù rất gấp nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, có mô hình tổ chức đảm bảo yêu cầu, phạm vi ủy quyền phù hợp với đặc điểm của địa phương nhưng không khác yêu cầu của quy chế. Theo đó, trưởng môn chấm ủy quyền cho các tổ trưởng tổ chấm những phần việc trưởng môn được giao nhiệm vụ” – ông Khánh nói.
Đồng thời, ông Khánh còn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp thu các ý kiến đóng góp để sớm ban hành thêm các hướng dẫn chi tiết thực hiện quy chế.
Sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác chấm thi THPT quốc gia năm ngoái, ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trưởng ban chấm thi – cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM huy động gần 1.000 cán bộ tham gia công tác làm phách bài thi tự luận môn ngữ văn. Trong đó, 680 người làm phách 1 và 300 người làm phách 2. Mỗi ngày có 650 cán bộ chấm thi tự luận và 40 cán bộ chấm kiểm tra.
“Với quy chế thi năm nay, chúng tôi đang nghiên cứu kỹ nội dung và sẽ có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để thực hiện” – ông Hiếu cho biết.
Ngăn tình huống giáo viên chấm bài của học sinh mình dạy
Một điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là giáo viên của địa phương sẽ coi thi, chấm thi hoàn toàn, thay vì có thêm cán bộ trường ĐH như năm ngoái. Nhiều người lo ngại, giáo viên sẽ chấm thi trúng bài thi của học sinh mình dạy.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được giao cho các địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm hoàn toàn
Lãnh đạo một Sở GD&ĐT mới đây cho rằng, để tổ chức coi thi chéo rất dễ, nhưng để tránh chuyện giáo viên chấm bài của học sinh mình thì cần phải tính toán. Bài thi của các hội đồng sau khi tập kết về một địa điểm, công tác rọc phách ngẫu nhiên và chấm như bình thường có thể xảy ra tình huống giáo viên chấm trúng bài thi học sinh mình dạy.
"Vì thế, trong tập huấn và họp về thi, Sở GD&ĐT sẽ tính toán việc tách thi của từng khu vực ra hay không", vị này nói. Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nêu phương án giải quyết tình huống này bằng cách lập hai hội đồng chấm thi A và B và phân bổ giáo viên chấm thi chéo ngay từ đầu.
Tỉnh Nghệ An năm nay có 32.000 thí sinh dự thi, đang chuẩn bị 61 điểm thi, trong đó điểm thi ở huyện miền núi Quế Phong, Kỳ Sơn cách trung tâm thành phố tới 200km. Do đó, Sở GD&ĐT Nghệ An lên phương án giao đề thi cho các điểm thi ở xa trước kỳ thi một ngày.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, nói rằng, quy chế thi không quy định phải "nhốt" cán bộ chấm thi, nhưng để không xảy ra tình huống đáng tiếc, những cán bộ chấm thi trắc nghiệm năm nay sẽ được "nhốt" đến khi hoàn thành điểm.
Sở còn tính đến phương án "nhốt" cả lực lượng chấm thi tự luận, nhưng có tới hơn 500 cán bộ, giáo viên nên thôi. "Nhốt" nhiều người quá sẽ rất tốn kém. Trong các khâu tổ chức, thực hiện kỳ thi năm nay, ông Thành lo nhất vẫn là in sao đề làm sao phải bảo mật. Thứ hai là vận chuyển bài thi trên đường đi và lưu giữ làm sao an toàn.
"Bài thi đi trên đường, về đến điểm thi nhưng mình vẫn rất lo lắng, do đó đã đề nghị công an tỉnh cùng công an huyện thị tuần tra, kiểm tra đột xuất", ông nói.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng quản lý và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, năm nay địa phương dự kiến có 12.000 thí sinh dự thi với 21 điểm thi. Năm nay điều động lực lượng giáo viên coi thi gấp đôi năm ngoái, cán bộ chấm thi cũng điều động nhiều hơn.
Quy chế thi quy định sau mỗi ngày thi, bài thi phải được tập kết về một khu vực. Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu có huyện Côn Đảo cách đất liền tới 4 giờ đi tàu cao tốc, do đó đề thi sẽ được vận chuyển 1 lần ra đảo trước kỳ thi 1 ngày. Còn bài thi cuối ngày vẫn có ê-kíp vận chuyển về đất liền để đảm bảo đúng quy chế.
Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu tham mưu UBND tỉnh rà soát tỉ mỉ từng khâu, đặc biệt là khâu lựa chọn con người. Trong đó có việc cử lực lượng công an thẩm tra tư cách, đạo đức cán bộ ở một số vị trí chủ chốt như in sao đề thi, trường điểm thi.
Thi vào lớp 10: Chọn trường phù hợp để tăng cơ hội đạt nguyện vọng Thời điểm này, học sinh lớp 9 đang cấp tốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Các chuyên gia giáo dục khuyên các em nên cân nhắc, lựa chọn trường phù hợp với bản thân để tăng cơ hội đạt được nguyện vọng mình đăng ký. Theo kế hoạch UBND TP Hà Nội đã công bố, thí sinh thi...