Chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên còn nhiều hạn chế
Lứa tuổi vị thành niên (VTN) chứng kiến sự thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý. Đây cũng là điểm khởi đầu để trẻ hình thành kỹ năng sống, chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) cho trẻ VTN, việc chia sẻ những thắc mắc cho các em trong gia đình, trường học vẫn còn nhiều hạn chế.
Tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường THCS Đông Nam (Đông Sơn)
Theo thống kê của Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hàng năm có hàng chục ca nạo phá thai ở độ tuổi VTN, có trường hợp chỉ mới 14-15 tuổi. Do thiếu hiểu biết về chăm sóc SKSS, thiếu kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, dễ dãi trong tình yêu là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi VTN ngày một tăng. Có em đến làm thủ thuật khi bào thai được vài tuần tuổi nhưng cũng có em để bào thai quá lớn tới hơn 20 tuần tuổi, khoa không thể xử lý được phải chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, con số đến khoa chỉ là phần nhỏ, vì phần lớn các em lỡ mang thai đều lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân để giải quyết bởi nếu đến các cơ sở y tế công lập đều phải làm các thủ tục trước khi thực hiện thủ thuật, phải kê khai tên tuổi, trình giấy tờ tùy thân… Cũng chính vì thế mà số đông các em đã tìm đến các phòng khám tư nhân mà không biết rằng ở nhiều phòng khám điều kiện vệ sinh, vô trùng rất kém, dụng cụ y tế thiếu, trình độ y, bác sĩ hạn chế. Trên thực tế, đã có những trường hợp làm thủ thuật ở cơ sở tư nhân không bảo đảm lại không được y, bác sĩ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sau thủ thuật nên dẫn đến nhiễm trùng và nhiều hậu quả nặng nề khác, nghiêm trọng nhất là có thể dẫn đến vô sinh…
Trò chuyện với các y, bác sĩ ở đây chúng tôi được biết, phần lớn các trường hợp phải tìm đến phòng thủ thuật nạo phá thai đều do không biết đến các biện pháp tránh thai cơ bản nhất, không biết thế nào là quan hệ tình dục an toàn cũng như không hiểu việc nạo phá thai nhất là khi ở tuổi cơ thể chưa phát triển toàn diện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới sức khỏe. Bên cạnh đó, nạo phá thai không an toàn sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và vô sinh, gây nguy cơ tử vong cao; nhiều em phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần sau khi nạo phá thai.
Thời gian qua, để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của trẻ VTN trong việc tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe bản thân, ngành y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể,… xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức các câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh về kiến thức SKSS VTN. Năm 2018, triển khai Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số – KHHGĐ cho VTN/TN” tại 94 trường THCS, THPT của 15 huyện, thị xã, thành phố. Việc triển khai thực hiện đề án luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao của ngành dân số, lãnh đạo chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm y tế các địa phương với nhà trường và các xã thực hiện đề án, sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh và nhất là các bậc phụ huynh, qua đó, đã góp phần làm thay đổi nhận thức về giáo dục SKSS và KHHGĐ cho lứa tuổi học đường. Đề án đã tổ chức 94 cuộc sinh hoạt ngoại khóa tại trường với 8.460 học sinh tham gia; nhân bản 7.865 tờ rơi Bạn cần biết ở tuổi VTN; tổ chức 7 cuộc nói chuyện chuyên đề cho 80 công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ đội lưu động khám phụ khoa cho 1.400 công nhân tại các khu công nghiệp; hỗ trợ điều trị 980 ca khám phụ khoa… Các hoạt động của đề án đã tạo một sân chơi thiết thực, bổ ích cho các em học sinh tại địa phương, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên, kinh phí cho đề án còn eo hẹp, chỉ hoạt động với nguồn kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách của Trung ương (từ chương trình mục tiêu quốc gia dân số – KHHGĐ), nên các hoạt động của đề án gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tài liệu cấp phát cho học sinh các trường THCS, THPT còn quá ít, không đủ tư liệu cho học sinh trong nhà trường tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực SKSS/KHHGĐ, giáo viên không có đủ tài liệu tham khảo soạn bài để báo cáo tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường. Mặt khác, số buổi sinh hoạt ngoại khóa còn quá ít so với nhu cầu cần tìm hiểu kiến thức SKSS/KHHGĐ của các em học sinh… Bên cạnh đó, hầu hết các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh khu vực nông thôn vẫn còn e ngại khi con cái có thắc mắc hoặc khi chia sẻ những vấn đề về giới tính với con cái. Thậm chí, nhiều người cho rằng đây là vấn đề “tế nhị” cần phải “giữ ý” với con cái, có người lại lảng tránh hoặc giáo dục một cách không đầy đủ, không có phương pháp. Nhiều bậc phụ huynh còn sai lầm khi nghĩ rằng: Nói những chuyện ấy cho con cái thì khác gì “vẽ đường cho hươu chạy”, chỉ làm cho chúng dễ hư hỏng. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ VTN thiếu kiến thức, hiểu biết mù mờ, tự tìm tòi và tìm tòi ở những tài liệu không lành mạnh như: Trang web đen, băng đĩa… dẫn đến hiểu biết sai lệch, quan niệm sai lầm trong tình yêu và tình dục, không biết cách bảo vệ và chăm sóc bản thân.
Video đang HOT
Để giải quyết vấn đề trên, thiết nghĩ không chỉ riêng ngành y tế, giáo dục mà đòi hỏi sự vào cuộc của các đoàn thể ở cơ sở. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để có cái nhìn đúng đắn về tình yêu, hôn nhân gia đình. Các bậc cha mẹ nên là tư vấn viên về giáo dục giới tính cho con. Đây là chìa khóa giúp trẻ biết cách bảo vệ mình, giữ gìn bản thân khi người khác có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi… Đặc biệt, trang bị cho con gái lứa tuổi VTN kỹ năng biết từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ người yêu; cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để tránh những nguy cơ xấu.
Anh Quân
Theo baothanhhoa
7 sai lầm hầu hết cha mẹ đều mắc phải khi nuôi dạy con tuổi teen
Nuôi dạy con vốn đã là chuyện chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nuôi con ở độ tuổi teen còn khó khăn hơn rất nhiều khi con trải qua những thay đổi về tâm sinh lý mà không dễ gì có thể "đối phó".
Dưới đây là 7 sai lầm khi nuôi dạy con ở độ tuổi teen mà đến những bậc cha mẹ tâm lý nhất cũng có thể gặp phải.
1. Không bàn về giai đoạn trưởng thành với con
Ảnh minh họa.
Chúng ta cũng đã từng trải qua giai đoạn tuổi teen và dậy thì nên đừng để con phải trải qua giai đoạn này một mình. Hãy tìm một cơ hội để bắt đầu một buổi chia sẻ về những gì diễn ra trong giai đoạn trưởng thành, điều này sẽ giúp con chuẩn bị thật tốt, giúp con biết được phải trông chờ những gì và biết được rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh và ủng hộ. Hãy chỉ ra những thành công cũng như những thất bại của chính bạn và khuyến khích con học hỏi từ chính những kinh nghiệm của bạn. Cố gắng dành nhiều thời gian với con hơn và tìm hiểu xem con đang phải trải qua những gì.
2. Không hiểu được những sở thích và nguyện vọng của con
Thúc ép con đạt được những kỳ vọng của bạn có thể gây ra nhiều căng thẳng và áp lực hơn cho cuộc sống của trẻ và làm tồi tệ thêm những vấn đề của con, ví dụ như nghiện game. Hãy thử tìm hiểu xem lý do vì sao con lại tìm thấy được sự an ủi trong những hoạt động như thế và liệu con có đang chuyển tải thông điệp gì không. Khi bạn bắt đầu hiểu được những quan điểm của con, bạn sẽ học được cách giao tiếp tốt hơn với con.
3. Không biết các bạn của con
Bởi vì trẻ thường sẽ cảm thấy lo lắng về việc liệu có được bạn bè yêu quý hay bỏ mặc hay không nên những tình bạn đẹp và bền chặt có thể giúp trẻ bước vào giai đoạn tuổi teen một cách êm đềm. Vì thế nên khi bố mẹ nỗ lực để tìm hiểu về bạn bè của con, con sẽ cảm thấy biết ơn. Hãy tìm xem bạn bè của con là ai và bảo con mời bạn về nhà nếu được.
4. Không tôn trọng sự riêng tư của con
Ảnh minh họa.
Đừng bao giờ cố đọc tin nhắn riêng tư của con mà chưa có sự cho phép. Để con đóng cửa phòng ngủ nếu con muốn gọi điện thoại cho bạn. Nếu con cho phép bạn theo dõi tài khoản Instagram thì cũng hãy cố gắng nhịn không bình luận. Tất cả những điều này cho con thấy rằng bạn tin tưởng ở con. Và nếu bạn cần phải cài đặt một ứng dụng giám sát nào đó thì cũng hãy giải thích rõ ràng cho con hiểu rằng làm vậy chỉ là để đảm bảo sự an toàn cho con. Tôn trọng sự riêng tư của trẻ cho phép chúng trở nên độc lập và tự tin hơn.
5. Không nhất quán về vấn đề kỷ luật
Đặt ra luật cùng với những hậu quả và thật kiên định với chúng để con biết rằng hành vi nào là có thể chấp nhận được. Đừng bao giờ đưa ra những hình phạt cho con khi bạn đang giận dữ bởi nó có thể khiến trẻ nghĩ rằng trừng phạt là cách phản ứng theo thói quen của bạn. Bố mẹ cần phối hợp với nhau thật tốt và đạt được một nề nếp kỷ luật thật nhất quán.
6. Không cho con thử và thất bại
Ảnh minh họa.
Vì không muốn con bị tổn thương hay thất vọng nên hầu hết các bậc cha mẹ đều cố hết sức để ngăn chặn những tình huống mà con có thể bị thất bại. Nhưng bố mẹ nên biết rằng vấp ngã và vượt qua thất bại mới chính là cách một người trở nên cứng rắn và mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Hãy nói chuyện với con về những giấc mơ của con và động viên con nỗ lực vì những giấc mơ đó và nhắc con nhớ rằng bố mẹ lúc nào cũng luôn ở bên ủng hộ.
7. Không cho con tham gia vào quá trình đưa ra quyết định
Cả nhà sẽ đi nghỉ ở đâu khi năm học kết thúc? Có thể con cũng đã lên sẵn những kế hoạch cho cả nhà rồi. Vì thế, việc hỏi ý kiến và những gợi ý của con sẽ thể hiện rằng bạn tôn trọng con và trân trọng ý kiến của con. Bạn cũng có thể cho con thấy cách đưa ra quyết định tốt là như thế nào, điều này sẽ làm tăng ý thức về trách nhiệm của con - một phẩm chất vô cùng cần thiết sau này.
Nguồn: Smartparent
3 bước quan trọng trong giáo dục giới tính Bà Nguyễn Thị Nghĩa - chuyên viên Phòng Chính trị Tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Nội chia kinh nghiệm triển khai giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính và bình đẳng giới trong nhà trường. Bà Nghĩa bật mí 3 bước quan trọng trong công tác này. Ảnh minh họa/internet Sau khi triển khai ở các lớp học tại Trường THPT Kim...