Chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo
Nhiều yếu kém trong giáo dục ĐH đã được đưa ra tại hội nghị sơ kết 1,5 năm Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/10. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: “Kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo”.
Hoàn thiện “3 công khai”, loại bỏ kẽ hở trong giáo dục ĐH
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sự triển khai kịp thời, tích cực và có hiệu quả của Chỉ thị 296 thể hiện rõ ràng ở con số: 344 trường ĐH, CĐ (đạt 83,9%) đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010-2012 314 trường ĐH, CĐ (76,2%) tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số hoặc xây dựng mới chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 270 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo 294 trường ĐH, CĐ xây dựng cam kết chất lượng đào tạo…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thể hiện sự quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Chỉ thị 296, đồng thời khẳng định đã có những chuyển biến bước đầu quan trọng, có ý nghĩa lâu dài.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu truyền hình trên toàn quốc. Trong ảnh: Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Nhiều ý kiến cho rằng, từ khi thực hiện Chỉ thị số 296, các trường ngày càng tự chủ hơn, dễ thực hiện hơn trong công tác quản lý. Các trường đã huy động sức mạnh tập thể, các đoàn thể cùng vào cuộc, đề ra các phong trào hưởng ứng, dần xóa bỏ tư duy lạc hậu và tiết kiệm được công sức, tiền của. Nhiều đại biểu đề nghị cần sớm ban hành Luật GD ĐH, tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường, các vùng để tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây lãng phí và chất lượng đào tạo kém.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ảnh) thừa nhận rằng: Trong thời gian vừa qua, tự kiểm điểm lại nhiều việc trong GD ĐH vẫn chưa làm kịp. Một số ngành, một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu như Nông lâm, Nông nghiệp, Hán nôm, Điện hạt nhân, Nguyên tử, Sư phạm, số lượng thí sinh điểm cao không vào mặc dù có nhiều ưu đãi. Chúng tôi sẽ bàn bạc, tham khảo ý kiến để xử lý tình trạng này nhưng một số trường, một số ngành không thu hút thí sinh do điều kiện đảm bảo chất lượng rất thấp, rất kém.
Bộ trưởng Luận cho hay, tuy thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng, Bộ chưa làm được nhiều nhưng qua kiểm tra một số trường chỉ có 50 giáo viên với hàng chục ngành đào tạo, số lượng chưa bằng trường THPT. Thậm chí, có bộ môn chỉ có 2 – 3 giáo viên cơ hữu. Có trường diện tích chỉ có 0,9m2/sinh viên mà cơ sở lại đi thuê. Các trường này nếu thực hiện 3 công khai đảm bảo chất lượng thì phụ huynh, học sinh chắc chắn sẽ không chọn.
Video đang HOT
Nguyên nhân tình trạng trên, Bộ trưởng Luận thừa nhận: “Việc giao chỉ tiêu của Bộ chưa chính xác. Chúng tôi sẽ kiểm tra chính thức việc này kỹ hơn. Có số trường giao chỉ tiêu tăng đột biến, chắc sẽ điều chỉnh trở lại”.
Về vấn đề một số địa phương “chê” sinh viên dân lập, Bộ trưởng Luận cho rằng: “Chúng ta nói làm như vậy là không công bằng nhưng cũng cần xem lại chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập. Các trường ngoài công lập cần củng cố lại để nâng cao chất lượng”.
Đưa ra những nhiệm vụ thực hiện trong năm học tới, Bộ trưởng Luận nhấn mạnh: “Năm nay, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, dựa trên giảng viên cơ hữu, diện tích phòng học và định mức mà Bộ đã công bố, lấy chất lượng làm đầu. Điều chỉnh này cả chỉ tiêu chính quy và dài hạn. Đề nghị hai ĐH Quốc gia, các trường ĐH trong điểm đề xuất phương án tuyển sinh của mình. Phương thức đề án của trường nào tốt sẽ được triển khai nhưng yêu cầu, không tái diễn được luyện thi tràn lan, đảm bảo phương án thi công bằng. Có cơ chế để tập thể nhà trường, cơ quan chức năng kiểm tra giám sát. Các trường tiếp tục hiến kế với bộ về tuyển sinh trong tương lai”.
Về phía Bộ, Bộ trưởng Luận cho biết: “Hoàn thiện hướng dẫn 3 “công khai” cho nhà trường, sơ kết đào tạo theo nhu cầu xã hội, đặc biệt sẽ loại bỏ kẽ hở trong GD ĐH. Tiến tới, Bộ không vào việc chuyên môn nữa mà để các sở đào tạo thực hiện. Bộ thực hiện việc kiểm tra, giám sát”.
Đẩy mạnh kiểm định chất lượng GD ĐH
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Chỉ thị 296 của Chính phủ trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Với Chỉ thị 296 này, lần đầu tiên việc giải quyết đảm bảo phát triển cân đối giữa quy mô và chất lượng giáo dục đại học đã được coi trọng, các cấp quản lý đã nhìn rõ nguy cơ và hạn chế được tốc độ gia tăng quy mô của giáo dục đại học”.
“Năm 2006, cả nước có 18 trường được thành lập, trong đó 6 trường mới thành lập, con số tương ứng năm 2007 là 11-10 2008: 10-8 2009: 9-5 2010: 12-4 và 2011: 14-1. Trong 2 năm 2006-2007, trung bình mỗi năm có 20 trường được thành lập, còn từ năm 2008 đến nay, trung bình 11 trường/năm. Những con số thông kê trên cho thấy xu hướng số trường đại học được thành lập ngày càng giảm, chứ không tăng. Nếu giai đoạn 2006 – 2007, bình quân mỗi năm có 20 trường được thành lập thì giai đoạn từ năm 2008 đến nay, số trường thành lập mới đã giảm gần một nửa, trong đó rất ít trường được thành lập mới, mà chủ yếu nâng cấp từ các trường cao đẳng đã có sẵn cơ sở vật chất…” – Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Tiếp tục quán triệt tinh thần của Chỉ thị 296, đó là phát triển quy mô GD ĐH phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Phải có cơ chế giám sát, đẩy mạnh kiểm định chất lượng GD ĐH. Trong năm học này cần rà soát kỹ việc thực “3 công khai”, xử lý những trường không thực hiện đúng theo quy định. Triển khai thí điểm từng bước thực hiện dân chủ cơ sở: sinh viên tham gia đánh giá giáo viên, giáo viên đánh giá lãnh đạo nhà trường, các Sở GD-ĐT, các trường ĐH đánh giá hoạt động của Bộ GD-ĐT”.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị GD tiếp tục phấn đấu hoàn thành những nội dung của Chỉ thị 296 cần thảo luận chuyên đề trong toàn ngành liên quan đến vấn đề thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia gắn với tuyển sinh của toàn ngành và các trường.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Kém chất lượng là do mở trường ồ ạt
"Hiện nay tình hình giáo dục đại học rất phức tạp, do thời gian vừa qua chúng ta mở trường ồ ạt lên tới hơn 400 trường ĐH, CĐ dẫn đến chất lượng thấp nên dư luận sợ và không tin vào chất lượng đào tạo của nhiều trường ngoài công lập".
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã khẳng định như vậy sau sự kiện Nam Định "nói không" với sinh viên trường dân lập.
GS.VS Phạm Minh Hạc.
Sau sự kiện Đà Nẵng "nói không" với SV tại chức nay lại đến sự kiện Nam Định "nói không" với sinh viên trường dân lập. Điều đó không khác gì một cú đấm mạnh về chất lượng đào tạo đại học ngoài công lập của chúng ta hiện nay. GS nghĩ thế nào về vấn đề này?
Tất cả các trường công lập và trường ngoài công lập đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và đều do Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước về mặt chuyên môn. Khi người học đã học xong 4 năm đại học và bằng tốt nghiệp do hiệu trưởng trường cấp theo quy định nhà nước thì nên được đối xử công bằng, đúng tính pháp chế của nhà nước ta. Bằng tốt nghiệp của công lập hay ngoài công lập đều do Nhà nước quyết định và người học đều tin tưởng vào quyết định đó. Còn việc tuyển dụng người như thế nào, tốt hơn, có chất lượng hơn thì tùy thuộc vào cách lựa chọn phỏng vấn của từng cơ quan chứ không nên dựa vào tiêu chí bằng cấp.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định giải thích lý do không tuyển sinh viên dân lập vào các cơ quan hành chính là do đầu vào chất lượng thấp. Theo GS lý do như vậy có thỏa đáng không, trong khi đó các trường ĐH ngoài công lập (NCL) đều thực hiện tuyển theo mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT?
Tình hình giáo dục đại học hiện nay rất phức tạp, do thời gian vừa qua chúng ta mở ồ ạt trường ĐH, CĐ lên tới hơn 400 trường ĐH, CĐ dẫn đến chất lượng thấp nên dư luận sợ và không tin vào chất lượng đào tạo của nhiều trường NCL.
Cho nên việc quản lý Nhà nước phải tính toán cẩn thận, không thể mở tung ra hay như tháo khoán như vậy.
Đầu năm, Hiệp hội các trường NCL cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT giảm điểm sàn tuyển sinh nhưng bộ kiên quyết giữ điểm sàn. Nói chung, có đề nghị biện pháp này hay biện pháp khác chỉ để nhằm tuyển sinh thu học phí thì vấn đề chất lượng như thế nào.
Mọi biện pháp để có người vào học như vận dụng điều 33 hay người giới thiệu thí sinh đến học cũng được tiền, thí sinh vào trường cũng được thưởng tiền... như vậy rất nguy hiểm. Giáo dục thương mại hóa ghê quá, mua cả người học. Nếu làm như thế sẽ phá hoại nền giáo dục đại học của chúng ta, chúng ta không thể đào tạo nên những con người là nhân lực có trình độ cao, có đạo đức tốt để xây dựng nền công nghiệp và cao hơn nữa là xây dựng xã hội tốt đẹp.
Với tình hình giáo dục đại học phức tạp như hiện nay, theo GS ngành giáo dục cần phải làm gì?
Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt vấn đề "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục" là rất đúng. Tuy nhiên, theo tôi muốn đổi mới thì trước hết phải chấn chỉnh cho tốt. Chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để có chất lượng nhà trường như trường lớp phải đủ, thầy cô giáo phải đủ theo cơ cấu của môn học.
Về giáo dục đại học cần phải chấn chỉnh trước hết về việc mở trường và việc này chỉ có Thủ tướng mới có quyền. Tiêu chí đầu tiên mang tính đột phá để có nguồn nhân lực chất lượng cao theo tôi đó là nâng cao chất lượng. Nếu đủ sức làm chất lượng thì cho mở trường chứ đừng chạy theo tiêu chí mấy trăm sinh viên trên vạn dân thì không nên. Cái đó có tính đến nhưng chỉ là hệ quả tất yếu việc của ta làm.
Bên cạnh đó, không chạy theo mục tiêu đến năm nào Việt Nam có trường đại học "lọt" vào tốp này tốp kia của thế giới. Chúng ta chạy theo cái đó để làm gì. Cái đó là hệ quả đương nhiên trong tiêu chí của sự phát triển đất nước. Cần phải thực chất để đào tạo ra con người, có nghề nghiệp để nâng cao sản lượng lên.
Xin cảm ơn GS!
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Chuẩn một đằng, thực tế một nẻo Theo quy định, các trường ĐH-CĐ bắt buộc phải công bố chuẩn đầu ra (CĐR) của sinh viên để cam kết với xã hội về năng lực và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, những công bố này rất chung chung và không phù hợp với thực tế. Khuôn mẫu và mơ hồ Trong phần thái độ của người học, nhiều...