Chấm dứt dạy, học Ngữ văn theo bài mẫu: Thầy cần năng lực, trò có tư duy
Tình trạng dạy học Ngữ văn theo bài mẫu trong không ít nhà trường đã ảnh hưởng, triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên và học sinh nói riêng, chất lượng dạy học văn nói chung.
HS Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) trong tiết học văn. Ảnh: NTCC
Để chấm dứt thực trạng này đòi hỏi vai trò không nhỏ của người thầy trong nhiều khâu trên hành trình dạy học.
Loại bỏ những bài văn na ná nhau
NGƯT Nguyễn Thị Hạnh – GV môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Lào Cai (thành phố Lào Cai – Lào Cai) bày tỏ: Tôi ủng hộ yêu cầu chấm dứt dạy học văn theo bài mẫu. Chỉ khi nào chấm dứt thực trạng này mới phát huy được khả năng sáng tạo của thầy và trò trong dạy và học văn.
Theo NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, hiện tình trạng học theo văn mẫu, bài mẫu vẫn tồn tại ở nhiều nhà trường, thầy cô và học sinh (HS)… Chính vì vậy, đâu đó trong quá trình chấm thi tuyển sinh vào lớp 10; tốt nghiệp THPT vẫn còn bài thi có cách trình bày, giọng văn… na ná nhau. Và nếu chấm thi trong trường, người chấm tinh ý có thể nhận ra giọng văn của đồng nghiệp nào trong tổ.
Tuy nhiên, theo NGƯT Nguyễn Thị Hạnh cũng cần phân biệt việc dạy và học dập khuôn theo bài mẫu với việc GV hướng dẫn HS cách làm bài một cách cụ thể để HS dễ hình dung, nắm bắt vấn đề.
Hướng dẫn, làm mẫu không phải là GV đọc HS chép mà GV là người truyền cho HS phương pháp, cách thức cơ bản để phát huy sáng tạo, nắm bắt được cách giải quyết vấn đề; tự mình hiểu, diễn đạt, trình bày các bài văn khác không lệ thuộc vào bài mẫu…
“Những HS giỏi văn đều không học và làm bài theo văn mẫu. Nếu GV không dạy học theo kiểu dập khuôn, văn mẫu thì bài kiểm tra của một lớp học có bao nhiêu HS sẽ phải có bấy nhiêu cách mở bài, thân bài, kết luận, lập luận, diễn đạt khác nhau…”, NGƯT Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.
Gần 20 năm dạy học môn Ngữ văn, cô Đỗ Mỹ Hạnh – Trường THPT Bạch Đằng (Quảng Yên -Quảng Ninh) cũng cho rằng: Dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu sẽ dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Song việc dạy học văn hiện nay cần có sự định hướng của người thầy bởi “Toán, Vật lý, Hóa học có công thức, định nghĩa, khái niệm… thì dạy văn cũng cần định hướng (như một dạng công thức) về kĩ năng. Khi nắm vững “công thức” HS có thể linh hoạt, sáng tạo giải quyết các bài làm văn, tránh được học tủ học lệch.
Cô Đỗ Mỹ Hạnh cũng cảnh báo một số bài văn mẫu trong sách tham khảo hoặc trôi nổi trên mạng chưa chuẩn về kiến thức. Do đó HS nghiên cứu, tìm đọc cần hết sức cẩn trọng, kiểm chứng và phân loại.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, HS tiểu học có tỉ lệ học văn mẫu cao hơn khối THCS và THPT, cô Nguyễn Thị Thanh Loan – Khối trưởng Khối 3 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Tình trạng dạy và học theo văn mẫu nói chung tại trường đã hạn chế đáng kể, thậm chí loại bỏ. GV chỉ đưa ra cấu trúc, hướng dẫn, định hướng… để HS tự làm bài.
Theo cô Loan, với HS tiểu học nếu không có định hướng sẽ khó làm được bài theo yêu cầu (kể lại, tả…). Và khi có định hướng, chỉ có số ít HS biết lồng ghép thêm tình cảm, giới thiệu đặc điểm nổi bật của nhân vật, vấn đề… vào bài viết.
Khuyến khích HS tiểu học đọc sách, truyện giúp tăng cường vốn từ vựng và cách đặt câu… khi học văn. Ảnh: NTCC
Video đang HOT
Chấm dứt học văn mẫu cách nào?
NGƯT Nguyễn Thị Hạnh cho rằng: Chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu đòi hỏi thầy có năng lực dạy, trò phải có tư duy học. Song năng lực của người thầy vẫn đóng vai trò quan trọng và đặt lên hàng đầu.
GV nhất định phải nâng cao vai trò hướng dẫn HS biết cách làm bài và phát huy sáng tạo bản thân vào quá trình học văn. Tuyệt đối không dạy học kiểu đọc chép hoặc chỉ chấp nhận cách làm bài giống như mình đã dạy, phủ nhận sự khác biệt dù đúng.
Mặt khác, GV không nên xây dựng đề kiểm tra, đề thi… vào những bài văn đã sử dụng như bài mẫu để hướng dẫn, dạy HS cách làm bài hoặc cho HS tham khảo, nghiên cứu. Nếu như vậy HS chỉ cần học thuộc, chép đủ văn mẫu là kiếm được điểm cao.
Cô Nguyễn Hồng Hải – GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội) cũng chỉ ra sở dĩ còn tình trạng dạy, học theo văn mẫu bởi GV không theo kịp đổi mới phương pháp dạy học, chỉ áp đặt kiến thức của mình đã có lên HS khiến tiết học một chiều, không có đối thoại, mở rộng.
Thậm chí, nhiều GV quan niệm HS dù làm tốt bài cũng chỉ đánh giá điểm 8 bởi bản thân thầy chưa đạt điểm 9, 10 văn thì HS không thể đạt… Điều đó vô hình trung không khuyến khích HS học văn.
Cô Nguyễn Hồng Hải khẳng định: Loại bỏ dạy học văn theo mẫu trước hết đổi mới từ người thầy trong cách dạy và kiểm tra, đánh giá. GV phải tích cực hướng dẫn HS kĩ năng để tự vận dụng và sáng tạo, dạy HS phương pháp tiếp cận văn bản, giá trị cốt lõi, thẩm mĩ, giáo dục…
Mặt khác, theo cô Hải, trong cách ra đề thi, đánh giá môn Ngữ văn (bậc THCS, THPT) những năm gần đây đã có sự đổi mới, tuy vậy vẫn cần tiếp tục đổi mới hơn nữa để GV phải dạy HS cách học thoát ly văn bản mẫu, có phương pháp xử lý, giải quyết, tiếp cận các văn bản SGK sáng tạo…
Đối với HS tiểu học, để loại bỏ tình trạng học văn mẫu, cô Nguyễn Thị Thanh Loan nêu quan điểm: GV cần khuyến khích HS hình thành văn hóa đọc từ sớm. Gia đình cần hướng dẫn HS tìm đọc các tác phẩm văn học dưới dạng truyện tranh, truyện ngắn. Lựa chọn kĩ càng để tìm ra sách bổ ích, phù hợp lứa tuổi, vừa giúp trẻ phát triển ngôn ngữ vừa phát huy sự sáng tạo. Những HS không thích đọc sách truyện thì rèn cho HS đọc văn bản trong SGK giúp các em không bị sai lỗi, được cung cấp vốn từ, câu và cách diễn đạt…
“Mấu chốt của chấm dứt dạy học văn theo mẫu là thay đổi cách ra đề thi, không kiểm tra kiểu ghi nhớ mà kiểm tra năng lực của người học với những vấn đề mới… Chỉ có như vậy GV bắt buộc phải thay đổi cách dạy, HS không thể học thuộc lòng văn mẫu…” - cô Nguyễn Thị Thúy – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn – Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) khẳng định .
Liệu đã đủ khoảng lặng để bàn về môn học "Tích hợp"?
Bản thân tên môn Lịch sử Địa lý cho thấy đây chỉ là ghép nối cơ học hai miếng ghép mang tên Lịch sử và Địa lý vào chung một khuôn mẫu...
Bàn về một sự kiện, cần một khoảng lặng về thời gian, cần một khoảng cách về không gian, cần lùi xa hoặc đứng trên cao quan sát.
Bàn về chủ trương và cách thức thực hiện các môn học "tích hợp" ở bậc trung học cơ sở lúc này có lẽ là hơi sớm, tuy nhiên nếu sớm muộn gì cũng phải nói thì nên nói sớm.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục bậc trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).
Hai môn "Lịch sử và Địa lí" và "Khoa học tự nhiên" được gọi là môn tích hợp trong đó môn Khoa học tự nhiên tích hợp 03 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, môn Lịch sử Địa lý tích hợp 02 môn Lịch sử và Địa lý.
Có tới ba thuật ngữ được sử dụng cho việc ghép nối một số đơn môn kể từ khi "Chương trình giáo dục phổ thông mới" được áp dụng là "tích hợp"; "tổ hợp" và "nhóm môn".
"Nhóm môn" dùng trong văn bản chỉ đạo, "Tích hợp" là nói về môn học, "Tổ hợp" dùng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vậy việc hình thành hai môn học mới ở bậc trung học cơ sở chỉ là sự lắp ghép một cách cơ học hay là sự hòa trộn các môn cũ với nhau?
Chỉ khi nào trả lời được câu hỏi này thì mới có thể đánh giá tác dụng của việc tích hợp.
Tuy nhiên ngay từ bây giờ đã có thể nêu câu hỏi: "Có phải những người biên soạn nội dung môn học tích hợp cho rằng cứ "tích" đi kiểu gì rồi cũng sẽ "hợp"? ".
Ảnh minh họa: Thùy Linh/GDVN
Bản thân tên gọi của hai môn "tích hợp" đã cho thấy có gì đó không ổn bởi một môn lấy tên hoàn toàn mới còn môn kia thì ghép tên hai môn cũ thành tên môn mới?
Đã có môn Khoa học tự nhiên thì tương ứng nên có môn Khoa học xã hội, hoặc ngược lại đã có môn tích hợp tên là Lịch sử Địa lý thì tên môn kia nên là "Lý Hóa Sinh" hoặc "Sinh Lý Hóa" hoặc "Hóa Sinh Lý",...
Nói thế nhưng nếu làm theo đều sẽ mắc sai lầm, đều không hoàn chỉnh.
Bản thân tên môn Lịch sử Địa lý cho thấy đây chỉ là ghép nối cơ học hai miếng ghép mang tên Lịch sử và Địa lý vào chung một khuôn mẫu và vì thế những chỗ lồi lõm sẽ được gọt dũa khiến việc lắp ghép không để lại khoảng trống.
Khoa học tự nhiên, hay Tự nhiên học, (tiếng Anh: Natural Science) là thuật ngữ được dùng để chỉ một nhánh của khoa học với 5 phân nhánh chính là: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Thiên văn học và Khoa học Trái Đất.
Mỗi phân nhánh lại được chia nhỏ thành các ngành, chẳng hạn phân nhánh Khoa học Trái Đất bao gồm các ngành Địa chất học, Thủy văn, Khí tượng học, Địa vật lý, Hải dương học, Khoa học đất...
Khoa học xã hội (tiếng Anh: Social Science) là một nhánh của khoa học liên quan đến con người và xã hội mà loài người sinh sống. Có rất nhiều phân nhánh của khoa học xã hội như Nhân học, Lịch sử, Địa lý, Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Xã hội học,...
Đi sâu hơn một chút, mỗi ngành khoa học (tự nhiên hoặc xã hội) lại có thể hình thành nên một hoặc một số bộ môn, chẳng hạn ngành Công nghệ Thông tin bao gồm Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật lập trình, Khoa học máy tính, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, ngành Hóa học bao gồm Hóa hữu cơ, Hóa vô cơ, Hóa máy,...
Với cách hiểu mà giới khoa học quốc tế thống nhất như trên thì việc gom góp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để thành môn Khoa học tự nhiên hình như là hơi khiên cưỡng bởi đó chưa phải là Khoa học tự nhiên, đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của Khoa học tự nhiên.
Xin nói thêm là ngay tại nước ta cũng đang tồn tại quan điểm cho rằng Toán học, Công nghệ Thông tin, Thống kê,... cũng thuộc về Khoa học tự nhiên.
Vậy có phải các thành viên xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (nhóm ngành xã hội) nhận thức rõ ràng là Lịch sử và Địa lý không thể tạo nên "Khoa học xã hội" nên họ chọn tên môn là Lịch sử và Địa lý?
Có đôi điều người dân bình thường không thể hiểu nên rất mong lãnh đạo ngành và các chuyên gia am hiểu Giáo dục và Đào tạo Việt Nam giải thích:
Thứ nhất , môn Nghệ thuật được ghép bởi hai chuyên ngành riêng biệt: Âm nhạc và Mỹ thuật giống như Lịch sử và Địa lý vì sao không được gọi là môn học tích hợp.
Thứ hai , ở bậc trung học cơ sở ba môn Toán, Lý, Hóa được "tích hợp" thành môn Khoa học tự nhiên, không có môn Khoa học xã hội, lên bậc trung học phổ thông, tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, xuất hiện khái niệm "Nhóm môn khoa học xã hội" (gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) và "Nhóm môn khoa học tự nhiên" (gồm ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học).
Quy định các "Nhóm môn" trong Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT
Vẫn là ba môn Toán, Lý, Hóa ghép với nhau, khi dạy và học là "tích hợp" khi thi là "tổ hợp" lúc ban hành chính sách biến thành "nhóm môn", vậy tương lai sẽ còn từ ngữ nào được bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Thứ ba , theo Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (văn bản hợp nhất) thì "Nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12".
Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định giáo dục trung học phổ thông có "Nhóm môn khoa học xã hội" và nhóm môn này chỉ có môn "Giáo dục kinh tế và pháp luật", không có môn "Giáo dục công dân" bởi môn Giáo dục công dân dạy và học từ lớp 6 đến lớp 9 - tức là bậc trung học cơ sở chứ không phải trung học phổ thông.
Thế vì sao học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông với quy định "Nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12" lại phải làm bài "Tổ hợp Khoa học xã hội" với môn "Giáo dục công dân" nằm trong chương trình giáo dục trung học cơ sở?
Thứ tư , vì sao lại không có sự thống nhất, xuyên suốt quá trình dạy và học ở hai bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông khi đã tạo nên môn "Khoa học tự nhiên" lại không tạo nên môn "Khoa học xã hội" nhưng khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại quy định hai bài thi tổ hợp "Khoa học tự nhiên" và "Khoa học xã hội"?
Mặt khác, cùng là môn "tích hợp" nhưng hai môn lại có hai cách đặt tên khác nhau, phải chăng cách đặt tên khác lạ biểu hiện cho quyền tự do lựa chọn tên gọi?
Vậy thì đặt tên thế nào cho hợp lý, đúng bản chất và không bị hiểu nhầm?
Giống như cách nói thông thường "môn Hóa, môn Toán, môn Lý,...", nếu vẫn buộc phải có các môn tích hợp thì hãy đặt tên môn học tích hợp này là "môn Tự nhiên" và "môn Xã hội", hãy bỏ từ "Khoa học" bởi "Khoa học tự nhiên" hay "Khoa học xã hội" không thể nửa vời, không thể chỉ gồm vài phân nhánh (ngành) mà các nhà biên soạn "Chương trình giáo dục phổ thông mới" tự cảm nhận.
Có ý kiến cho rằng, môn học tích hợp hiểu như hiện tại giống như nhốt chung các loài thú vào một chuồng, các loài thủy sản vào một ao và hy vọng chúng tự lai tạo nên loài mới.
Ý kiến này không phải là vô căn cứ bởi theo hướng dẫn trong "Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lí" ban hành kèm theo Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT thì thời lượng dành cho phân môn Lịch sử là 130 tiết, cho phân môn Địa lý là 155 tiết và chỉ có 12 tiết dành cho "Các chủ đề tích hợp Lịch sử và Địa lí".
Chỉ với 12 tiết để "tích hợp" cả Lịch sử và Địa lý (285 tiết) có phải là hơi ảo tưởng?
Vậy thế nào mới đúng là môn học tích hợp?
Về câu hỏi này, người viết sẽ đề cập trong các bài tiếp theo.
Cô giáo Nghệ An đề xuất giải pháp chấm dứt dạy, học theo văn mẫu, bài mẫu Đổi mới từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề của Bộ vẫn như cũ thì rất khó làm thay đổi thực trạng Tại tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học...