Cha mẹ đừng ‘thêm dầu vào lửa’ khi con trượt đại học
Các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực lên các con, bởi khi chúng không đạt được ước nguyện, bản thân chúng cũng đã rất buồn.
Những ngày qua, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, có không ít học sinh buồn vì không thể vào được trường mình mong muốn. Nhiều em đã có những suy nghĩ, hành động cực đoan về thất bại của mình. Điển hình như mới đây báo chí đưa tin một nữ sinh Quảng Nam thắt cổ tự tử, nghi vấn liên quan tới việc em này thi được điểm cao nhưng không đỗ trường đại học mong muốn.
Ảnh minh họa
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân thật sự dẫn tới cái chết của nữ sinh ở Quảng Nam đến giờ vẫn chưa được kết luận. Chuyện do kết quả xét tuyển đại học không như ý mới chỉ là suy đoán.
Tuy nhiên, với tư cách là một giáo viên, thầy Ngọc cho rằng đây như là một lời cảnh báo để ngăn chặn các bạn khác trong hoàn cảnh tương tự phải gạt bỏ ngay những suy nghĩ dại dột.
Nếu các em trượt hết các nguyện vọng rồi thì việc quan trọng nhất lúc này là phải bình tĩnh, phải thực sự tĩnh tâm để suy ngẫm và tính toán, đừng bao giờ đưa ra những quyết định quan trọng trong hoàn cảnh này.
Đồng tình với hướng giải quyết này, cô Nguyễn Kiều Minh (Sơn Tây, Hà Nội) cũng nhấn mạnh, mỗi lứa tuổi có một cột mốc khác nhau, vào đại học cũng chỉ là một mốc trong danh sách dài các cột mốc khác.
Video đang HOT
Từng trải qua lần thi thứ hai mới đỗ vào trường đại học mơ ước, cô Minh chia sẻ, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi vào đại học, sẽ không còn ai bàn đến chuyện cấp ba học giỏi ra sao, thi đại học mấy lần, điểm thi bao nhiêu…
“Cho nên thi đại học tuy là việc quan trọng nhưng nó cũng là một việc rất bình thường trong cuộc sống, là một cơ hội tốt trong các cơ hội để thay đổi cuộc đời chứ không phải là cơ hội duy nhất.
Trường đại học cũng vậy, ngành đang học cũng vậy, danh tiếng cũng chỉ là một phần, quan trọng bản thân biết tự học, biết mình cần gì để đi làm sau này.
Dẫu có sự chênh lệch trong chất lượng đào tạo giữa các trường đại học nhưng quan trọng hơn là ý thức tự học, tự tìm kiếm kiến thức, tìm kiếm cơ hội… Giữa thời kỳ công nghệ 4.0 tôi nghĩ việc tự học không quá khó. Chính những sự nỗ lực của bản thân sẽ quyết định tới 90% thành tích mà các em có được”, cô Minh phân tích.
Cô Minh dẫn ví dụ, bạn bè cùng lớp cô ngày phổ thông có những người học rất bình thường, thậm chí kém. Trong đó có một bạn nam học lực tưởng như không thể tốt nghiệp phổ thông. Cuối cùng bạn quyết định đi bộ đội nghĩa vụ.
“Hết thời gian quân ngũ, bạn ấy đi học nghề, bây giờ thành ông chủ một gara sửa chữa ô tô cho thu nhập ổn định. Mỗi khi họp lớp, bạn ấy rất tự hào về công việc đã lựa chọn.
Vì thế, đừng vì những thất bại ban đầu mà nản chí, mà tự ti, thậm chí nghĩ tới tự vẫn. Cuộc đời còn dài ở phía trước với vô vàn những trở ngại bắt buộc người ta phải vượt qua.
Trong hành trình cuộc đời có mấy ai chiến thắng không đôi lần chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần. Sự thật là nếu bạn không thất bại ở việc này thì bạn thất bại ở việc khác. Do đó, người chiến thắng, người thành công là người biết vượt qua những trở ngại đó”, cô Minh nhắn nhủ.
Chia sẻ với những thí sinh trượt đại học, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, trượt đại học không phải là thảm họa. Có nhiều con đường khác dẫn đến thành công, không phải nhất định phải vào đại học.
Các em cần phải bình tĩnh và suy nghĩ tích cực, cánh cửa này đóng lại cánh cửa khác sẽ mở ra. Nếu trong trường hợp các em vẫn muốn tiếp tục theo đuổi nguyện vọng ban đầu thì hãy kiên trì ôn luyện cho mùa thi năm sau.
Đặc biệt các bậc phụ huynh cũng không nên tạo áp lực lên các con, bởi khi chúng không đạt được ước nguyện, bản thân chúng cũng đã rất buồn. Thay vì chì chiết, so sánh con với chúng bạn, hãy động viên con tìm hướng đi khác. Có như thế, con mới cảm thấy vững tin, được an ủi, được cổ vũ cho quyết định sửa sai ở lần sau.
Nữ sinh tự tử do trượt đại học: Hỏng thi đâu phải là tận thế
Chuyện những thanh niên tự tử do trượt đại học cho thấy nhiều bạn trẻ chưa được trang bị gì ngoài kiến thức khi vào đời, dẫn đến việc coi hỏng thi là tận thế.
Một nữ sinh ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam thắt cổ tự tử chiều 5/10, được cho là do đau khổ vì không đủ điểm vào Đại học Luật như mong muốn. Gia cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, bố không có việc làm ổn định, phải chăng thiếu nữ này coi việc đỗ đại học là con dốc nhất định phải vượt qua để thay đổi tương lai của bản thân và gia đình, và rồi tuyệt vọng khi không đạt mục tiêu ấy?
Trước đó, không ít chàng trai, cô gái vừa rời trường trung học tự tìm đến cái chết do không nhận được kết quả mong muốn trong kỳ thi/tuyển vào đại học. Tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, em Nguyễn Tấn T. đóng cửa tưới xăng tự thiêu tại nhà riêng sau kỳ thi năm 2014. Tâm sự với bố trước khi làm chuyện dại dột này, T. cho biết em muốn chết vì quá nhục nhã khi không đỗ đại học, làm xấu hổ cho gia đình.
Lê Kim M. (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng chọn cái chết vào năm 2013 sau khi nhận kết quả thi. Ngoài cảm giác thất vọng, M. còn hoang mang, chán nản vì có cảm giác bị người thân lạnh nhạt, xung quanh lời ra tiếng vào; và nhảy cầu tự tử là cách em chạy trốn thực tại...
(Ảnh minh họa)
Điểm chung của những vụ tự sát này là nạn nhân đều coi trượt đại học là bi kịch khủng khiếp, cả thế giới dường như sụp đổ, đến mức khiến các em cảm thấy mình không còn hy vọng hoặc không đủ khả năng đối mặt. Vì đâu mà kết quả thi được xem là yếu tố quyết định cả cuộc đời như vậy? Chính là bởi tầm quan trọng của nó bị nâng lên quá mức trong nhiều thập kỷ, những năm gần đây tuy có giảm nhưng vẫn còn rất nặng nề.
Điều này có lẽ bắt nguồn sâu xa từ truyền thống khoa cử của Việt Nam, khi hầu như mọi người chỉ nhìn thấy một con đường để thành công, thoát nghèo, đó là "đỗ đạt làm quan". Cùng với lều chõng, sĩ tử vác theo cả kỳ vọng của gia đình, dòng tộc khi lên kinh ứng thí. Các kỳ thi chọn nhân tài vì vậy được coi là cuộc "vượt vũ môn" khốc liệt, nếu qua được thì cá chép hóa rồng, một bước đổi đời, còn nếu không qua thì mèo lại hoàn mèo.
Các kỳ thi đại học thời hiện đại không hề giống thế nhưng trong thời gian dài vẫn được coi là bước ngoặt quyết định tương lai, thành bại của những con người vừa bước vào tuổi thành niên. Với các gia đình lao động nghèo, đó là cánh cửa mở ra thế giới mới. Còn với các gia đình trí thức, đỗ đại học được coi là điều bắt buộc tối thiểu để duy trì vị thế, phát triển bản thân.
Làm thầy hay làm thợ, sướng hay khổ, điều này cứ bị gắn vào kết quả kỳ thi đại học. Bởi thế mới có những ông bố, bà mẹ dù ốm yếu cũng đi làm ô sin hay cửu vạn để nuôi giấc mộng cử nhân cho con, mới có hàng loạt bệnh nhân rối loạn tâm thần xuất hiện sau mỗi kỳ tuyển sinh, hay những người trượt nhiều năm liền vẫn cố sống cố chết thi lại, dù bố mẹ đã mỏi mòn, kiệt lực... Mang tinh thần vượt vũ môn vào kỳ tuyển sinh đại học, nhiều em tưởng như cánh cửa tương lai đóng lại với mình khi hỏng thi, không biết rằng còn có nhiều lối khác để bước vào đời. Càng bị đè nặng bởi kỳ vọng của bản thân và cha mẹ, nỗi tuyệt vọng càng sâu.
Ngoài ám ảnh mang tính định kiến về tầm quan trọng của việc vào đại học, những cái chết đau xót này còn xuất phát từ một thực tế: Học trò dường như chỉ được trang bị kiến thức mà bỏ qua những hành trang khác, giống như chế độ dinh dưỡng chỉ cung cấp calo mà quên đi các vitamin, khoáng chất. Hậu quả là trẻ không có sức đề kháng trước những cơn "trái gió trở trời" của cuộc sống, như cái cây dễ ngã rạp chỉ sau trận gió nhẹ.
Để không còn những vụ tự tử do hỏng thi, cha mẹ, thầy cô cần dạy trẻ cách chấp nhận thất bại, coi nó thường tình như "nắng mưa là bệnh của trời", như những nấc thang đi đến sự trưởng thành. Trẻ cần có tinh thần sẵn sàng đối mặt và vượt qua thất bại.
Mặt khác, hãy trả kỳ thi tuyển đại học về đúng với tầm quan trọng của nó, để các cô cậu học trò hiểu rằng, cho dù đỗ thủ khoa vào trường tốt, chặng đường "hóa rồng" vẫn còn rất xa. "Vũ môn" thực sự không nằm ở đây, nên vấp ngã ở chặng này không có nghĩa là tận thế.
Trượt đại học là "phép thử" của cuộc đời tôi Tôi đã trải qua quãng thời gian ám ảnh nhất đối với những năm tháng tuổi trẻ khi không đậu vào trường đại học mà mình luôn mơ ước. Mấy hôm nay điều thu hút sự quan tâm bậc nhất đối với nhiều phụ huynh và học sinh chính là việc công bố điểm chuẩn chính thức của các trường đại học trên...