CEO Facebook, Twitter, Google bắt đầu điều trần
Phiên điều trần diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Thượng viện Roger Wicker về vai trò của Facebook, Twitter, Google trong kiểm duyệt nội dung.
Phòng điều trần của Ủy ban Thương mại Thượng viện có thể chứa khoảng 150 người nhưng khá vắng khi phiên điều trần bắt đầu. Chỉ một số ít thành viên ủy ban có mặt trực tiếp. Ba CEO đều trả lời chất vấn trực tuyến. Theo Washington Post, sự trống vắng một phần do đại dịch khiến các thành viên uỷ ban, phóng viên và nhân chứng chọn theo dõi qua màn hình để giãn cách xã hội.
Phiên điều trần vắng vẻ.
Uỷ ban Thương mại Thượng viện Mỹ chất vấn Mark Zuckerberg, Sundar Pichai và Jack Dorsey về việc liệu họ có thành kiến khi kiểm duyệt nội dung, cũng như có nên thay đổi Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (CDA) của Mỹ.
Điều 230, ra đời cách đây 24 năm, được ví như “lá chắn” khi cho phép các mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng đăng tải. Theo New York Times, có một khẩu hiệu ngầm ở thung lũng Silicon rằng: Chúng tôi chỉ tạo ra công nghệ, mọi người sử dụng nó như thế nào là chuyện khác. Tuy nhiên, khi ngày càng bành trướng với hàng tỷ người dùng, các mạng xã hội cũng bắt đầu chịu nhiều sức ép, không chỉ ở Mỹ mà cả ở các nước khác, trong việc phải kiểm soát chặt hơn những thông tin sai lệch, thất thiệt…
Thượng nghị sĩ Wicker: Các mạng xã hội có thành kiến khi duyệt thông tin
Thượng nghị sĩ Roger Wicker mở đầu bằng cách buộc tội các công ty có thể “cản trở luồng thông tin để có lợi cho một hệ tư tưởng chính trị”. Ông trích dẫn thực tế là Facebook và Twitter đã chặn hoặc hạn chế quyền truy cập vào bài báo của New York Post về Hunter Biden.
Thượng nghị sĩ Maria Cantwell của đảng Dân chủ lại tập trung vào hàng loạt nội dung độc hại trên mạng, trong đó có mối đe dọa về thông tin sai lệch bầu cử, ảnh hưởng tới quyết định của người Mỹ khi bỏ phiếu. Bà nhắc lại bóng ma của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 khi Nga bị cho là đã sử dụng các email bị hack và phát tán thông tin sai lệch để reo rắc bất hoà giữa các cử tri. Cantwell cảnh báo tính toàn vẹn và an ninh của cuộc bầu cử vẫn đang bị tấn công từ cả nước ngoài lẫn trong nước.
CEO Twitter bị ‘xoay’ về việc dán nhãn tweet của Trump
Jack Dorsey.
Video đang HOT
Jack Dorsey là người đầu tiên trong ba CEO phát biểu tại phiên điều trần. Ông xuất hiện trên màn hình trực tuyến với bộ râu dài và đeo khuyên mũi. Ông phản bác quan điểm của Thượng nghị sĩ Wicker: “Quy tắc của Twitter không dựa trên hệ tư tưởng hoặc một nhóm niềm tin cụ thể. Chúng tôi tin tưởng vào sự công bằng và cố gắng thực thi các quy tắc một cách công bằng”.
Twitter cũng là công ty duy nhất trong sự kiện hôm nay không bị điều tra về vấn đề chống độc quyền, vì quy mô của nó nhỏ hơn đáng kể so với Facebook và Google. Dorsey nhấn mạnh rằng việc thay đổi Điều 230 có thể có tác động lớn đến các đối thủ nhỏ hơn, như công ty của ông.
Khi bị Wicker chất vấn, Jack Dorsey bảo vệ quyết định của Twitter trong việc dán nhãn một tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nói rằng việc bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận. Ông khẳng định Twitter đã xem xét đến mức độ ảnh hưởng của tweet và “hành động nhanh nhất có thể”.
Ngay sau đó, Wicker đã liệt kê một loạt tweet khác, trong đó có của một quan chức Trung Quốc, và chỉ trích Dorsey vì quá chậm chạp trong việc phản ứng hoặc không có hành động gì. Các thành viên của Đảng Cộng hòa cho rằng rằng các công ty công nghệ đang có thành kiến với phe bảo thủ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ted Cruz tỏ ra không hài lòng với Jack Dorsey về việc kiểm duyệt bài báo của New York Post về Hunter Biden – con trai của Joe Biden. Cruz hỏi Dordey liệu ông có tin Twitter có ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử. Dorsey trả lời một cách rõ ràng: “Không” và khiến Cruz tức giận.
CEO Google bị chất vấn về hành vi độc quyền
Sundar Pichai.
Như thường lệ, Sundar Pichai xuất hiện chỉn chu nhất trong số ba CEO. Nói lời mở đầu, ông kêu gọi các nhà lập pháp nên “suy nghĩ kỹ” về bất kỳ thay đổi nào đối với Điều 230 vì luật “bảo vệ quyền tự do tạo và chia sẻ nội dung”. Ông khẳng định: “Hãy để tôi nói rõ: Chúng tôi không thiên vị về mặt chính trị. Làm trái điều này sẽ đi ngược với lợi ích kinh doanh và sứ mệnh của chúng tôi”.
Phiên điều trần lần này tập trung vào Điều 230, nhưng Google không thoát khỏi các câu hỏi về hành vi độc quyền. Tuần trước, Bộ Tư pháp kiện Google lợi dụng vị thế thống trị của mình để lôi kéo hoặc ép buộc các nhà sản xuất smartphone phải dùng Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định. Google gọi vụ kiện là “thiếu sót sâu sắc” và người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn các dịch vụ khác.
Trong phiên điều trần, Pichai một lần nữa tuyên bố các dịch vụ của Google có lợi cho người dùng và họ không hề độc quyền vì cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar nhận xét cách phản hồi của Google là “xúc phạm”, “thách thức” và kêu gọi thay đổi chính sách cạnh tranh của Mỹ.
CEO Facebook gặp sự cố
Mark Zuckerberg.
Trước khi phát biểu, Mark Zuckerberg gặp sự cố kỹ thuật khiến phiên điều trần phải dừng 5 phút. Nhân viên của Facebook cho biết CEO của họ đang ở một mình và tự xử lý vấn đề mà không có người hỗ trợ.
Zuckerberg khẳng định ông tán thành các biện pháp bảo vệ của Điều 230, nhưng thừa nhận Quốc hội nên cập nhật Điều luật đã ban hành từ năm 1996.
Trong phần chất vấn, Thượng nghị sĩ Klobuchar nhắc đến số tiền 2 tỷ USD mà Facebook kiếm được từ các quảng cáo chính trị kể từ năm 2018. Bà hỏi liệu những quảng cáo này có được con người duyệt trước hay không. Zuckerberg trả lời là không. Bà cáo buộc Facebook gây chia rẽ và trích dẫn các nghiên cứu nói các thuật toán của mạng xã hội này đang hướng mọi người tới những nội dung phân cực hơn.
Thành viên đảng Dân chủ tố đảng Cộng hoà ‘bắt nạt’ các CEO công nghệ
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal lên tiếng, khẳng định ông đã vận động việc cải cách Điều 230 suốt 15 năm. Tuy nhiên, theo ông, phiên điều trần đang bị các đồng nghiệp đảng Cộng hòa “bắt nạt các giám đốc điều hành công nghệ vì đã dán nhãn thông tin sai lệch từ tổng thống”.
“Thành thật mà nói, tôi thấy kinh sợ khi các đồng nghiệp đảng Cộng hòa tổ chức buổi điều trần này chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử”, Blumenthal nói.
Theo Politico, bên lề phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Brian Schatz cũng cho rằng CEO Google, Facebook và Twitter nên phản đối hành vi “vô đạo đức” của đảng Cộng hòa vì đã yêu cầu họ tham gia điều trần ngay trước ngày bầu cử 3/11.
“Những gì đang xảy ra ở đây là một sự ô nhục”, Schatz nói. “Đó là một vết sẹo đối với Ủy ban và Thượng viện Mỹ. Những gì chúng ta đang thấy là các thượng nghị sĩ đang cố bắt nạt CEO của các công ty tư nhân”. Ông khẳng định sẽ không đặt câu hỏi cho các CEO vì ông gọi phiên điều trần là “sự giả tạo”.
CEO Twitter, Google, Facebook chuẩn bị điều trần
Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải Thượng viện Mỹ cho biết CEO Twitter, Google và Facebook đã đồng ý trả lời chất vấn về kiểm duyệt nội dung trên nền tảng.
Phiên điều trần cho 3 hãng công nghệ dự kiến tổ chức vào 28/10, chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra.
Trong thông báo ngày 2/10, Twitter cho biết CEO Jack Dorsey sẽ tham gia phiên điều trần. Washington Post đưa tin CEO Facebook Mark Zuckerberg và Sundar Pichai, CEO Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng đồng ý tham gia chất vấn.
Jack Dorsey, CEO Twitter sẽ ra điều trần trước Quốc hội sau 2 năm. Ảnh: The Guardian.
Theo Business Insider, các CEO đã tự nguyện tham gia phiên điều trần thay vì nhận trát (giấy triệu tập) từ các nhà lập pháp.
Phiên điều trần sẽ được tổ chức bởi Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải Thượng viện Mỹ. 3 CEO sẽ trả lời chất vấn từ các nghị sĩ xoay quanh Điều 230 trong bộ luật chuẩn mực truyền thông của Mỹ, điều khoản bảo vệ các công ty mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng của người dùng, có thể đưa ra quy định kiểm duyệt của riêng họ.
Một số người ủng hộ cho rằng luật này nhằm bảo vệ tự do ngôn luận trên Internet, tuy nhiên nó lại khiến các chính trị gia tranh cãi.
Một số thành viên đảng Dân chủ muốn sửa Điều 230, buộc các công ty mạng xã hội cứng rắn hơn trước những bài đăng thù địch, đưa tin sai sự thật. Trong khi đó, thành viên đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump cho rằng đây là điều luật thiên vị, cần bị hạn chế.
CEO Facebook, Google từng phải điều trần hồi tháng 7 về vấn đề chống độc quyền. Ảnh: The Verge.
Trước đó, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh gây tranh cãi nhắm vào Điều 230, thể hiện sự bất bình khi Facebook và Twitter gắn nhãn các bài đăng của ông chứa thông tin sai sự thật.
Bản thân Facebook, Google và Twitter phủ nhận yếu tố chính trị ảnh hưởng đến việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng.
"Thiên vị chính trị vẫn là cáo buộc không có cơ sở, chúng tôi đã bác bỏ nhiều lần trước Quốc hội. Nó cũng không được chứng minh bởi các nghiên cứu độc lập", Twitter mong rằng phiên điều trần sắp tới sẽ là buổi tranh luận hiệu quả liên quan đến Điều 230.
Đây không phải lần đầu các CEO trên phải điều trần trước Quốc hội. Vào tháng 7, CEO Facebook và Google đã xuất hiện để trả lời chất vấn liên quan đến chống độc quyền, trong khi CEO Twitter từng bị triệu tập vào năm 2018 với chủ đề kiểm duyệt nội dung liên quan đến các cuộc bầu cử tại Mỹ.
Dự báo doanh thu ngành công nghệ: Amazon tiếp tục thống trị, Apple sụt giảm Các báo cáo bao gồm cả dự báo hiệu suất cũng như kỳ vọng của những nhà phân tích Phố Wall về doanh thu và lợi nhuận. Đây là tuần cuối cùng trước thời điểm cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra, cũng là lúc các công ty công nghệ hàng đầu có kế hoạch công bố thu nhập hàng quý, bao gồm:...