CEO Facebook bị nghi là ‘thằn lằn đội lốt người’, mưu đồ bá vương
Năm 2016, ông chủ Facebook bị nghi ngờ là người ngoài hành tinh. Đến 2019, đồng Libra của công ty là bằng chứng cho tham vọng bá chủ toàn cầu của Mark Zuckerberg.
David Icke, nhà lý thuyết người Anh đưa ra thuyết âm mưu rất nổi tiếng. Ông cho rằng những người quan trọng đang nắm quyền điều khiển xã hội loài người là một giống loài họ hàng gần với bò sát, có khả năng cải trang thành con người.
Một khảo sát năm 2013 cũng cho thấy hơn 12 triệu người Mỹ tin rằng Tổng thống Obama là người ngoài hành tinh. Trong sự kiện Q&A vào năm 2016, một câu hỏi được đặt ra cho ông chủ Facebook: “Này Mark, có phải những cáo buộc cho rằng bạn là loài bò sát ngoài hành tinh là đúng?”.
Trên Reddit, nhiều topic cũng được lập ra chỉ để hỏi “liệu Mark Zuckerberg có phải thằn lằn” không?
Chuyện Mark Zuckerberg có phải giống loài ngoài hành tinh hay không chẳng thể xác thực. Nhưng tham vọng bá chủ toàn cầu của Facebook là có. Ngày 18/6, mạng xã hội này thông báo sẽ phát hành tiền điện tử Libra vào đầu năm 2020. Giới chuyên gia dự đoán điều này sẽ gây tác động nặng nề đến nền tài chính toàn cầu.
Facebook đã không còn là công ty đơn thuần
Tham vọng đang hướng họ đến việc thành lập quốc gia riêng trong thế giới ảo. Không riêng Facebook, nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới cũng đang xây dựng hệ sinh thái riêng.
Theo Wired, chúng ta đang ở thời điểm các công ty công nghệ đa quốc gia ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu lớn đến mức các ngân hàng trung ương, các nhà quản lý bắt đầu tự hỏi liệu họ có đủ công cụ cần thiết để thiết lập chính sách kinh tế cho những đối tượng này như xưa hay không.
Các công ty công nghệ lớn này khác với những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Exxon Mobile, ConAgra ở chỗ: Tham vọng thực sự của họ là sở hữu tất cả tương tác của bạn chứ không phải nhà, xe hay máy tính.
Tất cả những gì Facebook cần để trở thành quốc gia Internet là đồng tiền riêng.
Các thuật toán của Amazon đang định giá cho phần lớn hàng hóa thế giới, nhúng tay vào mọi lĩnh vực. Apple thì không muốn trở thành quốc gia lớn mở cửa cho mọi người bước vào gây lộn xộn, thay vào đó là xây dựng nơi chỉ toàn người ưu tú. Google lại giống như NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ), muốn bạn quên đi sự tồn tại của họ trong khi đang theo dõi mọi thứ bạn làm.
Các công ty này tự hào vì có dân số lớn hơn bất kỳ quốc gia nào, chưa kể đến việc doanh thu hàng năm vượt xa nhiều nước trên thế giới. Giờ là lúc họ muốn tạo ra tiền của riêng mình.
Libra là tiền điện tử được quy giá trị bởi tiền thật, kiểm soát bởi nhóm đối tác độc lập có trụ sở tại Thụy Sĩ. Nghe có vẻ như Facebook không thực sự nắm trong tay loại tiền này. Tuy nhiên, sức mạnh của Libra không nằm ở việc ai kiểm soát cũng như ai sở hữu.
Video đang HOT
Libra là tiền nội bộ của Facebook, Instagram và WhatsApp với số người dùng toàn cầu là 2,7 tỷ. Nếu nó được phát hành, hãy tưởng tượng chỉ sau một đêm có thể đến hàng trăm triệu, thậm chí một tỷ người dùng cùng nền tảng để giao tiếp, cùng công cụ mua bán, xem quảng cáo, chơi trò chơi, sử dụng cùng hệ thống tiền tệ.
Libra có sức mạnh tái cấu trúc hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu chứ không đơn thuần là một loại tiền. Nó là công cụ để tạo ra quốc gia khổng lồ có dân số 2,7 tỷ người.
Cho dù Libra được kiểm soát bởi tập đoàn trung lập trụ sở ở Thụy Sỹ, cũng chỉ có Facebook thực sự khai thác sức mạnh nó.
Tham vọng của Mark Zuckerberg sẽ còn đi đến đâu? Ảnh: AP.
Tuy nhiên, Facebook cũng có thể thất bại trong việc phát hành Libra. Theo Wired, hiện họ mới có sự đồng ý của 27 đối tác trong mục tiêu 100 đề ra. Xét đến lịch sử thất bại của Facebook trong những năm qua, 73 cái tên còn lại là con số khá lớn. Chắc chắn đây sẽ là cuộc chiến lớn của công ty.
Song Facebook cũng nổi tiếng cứng đầu. Công ty này ít khi nhận sai, chỉ xin lỗi nếu quyết định đưa ra là “quá sai lầm”.
Ranh giới giữa quốc gia và công ty
Cái gì đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Libra? Chắc chắn không phải là Bitcoin.
Hãy bắt đầu phân tích USD, đồng tiền được cho là mạnh nhất thế giới. Theo Molly Wood, khoảng 350 triệu người sử dụng USD trên toàn cầu như tiền tệ chính, chiếm chưa tới 13% trong số 2,7 tỷ người dùng Facebook (trên cả ba nền tảng).
Ngay cả khi trừ hao tài khoản giả, số người dùng Libra vẫn hơn rất nhiều so với đồng USD. Facebook đã có sẵn mọi thứ để biến Libra thành bá chủ. (Cần lưu ý số lượng người sử dụng USD như loại tiền tệ thứ 2 là chưa thể đo đếm, và Libra cũng có thể là loại tiền tệ thứ 2 chứ không thể thay được USD một sớm một chiều).
Khả năng nhiều người sử dụng Libra còn được đẩy lên bởi nó có thể hữu ích ở các quốc gia đồng nội tệ bị mất giá hoặc ngân hàng không được tin cậy. Nhiều người trong số 170 triệu người dùng Facebook ở châu Phi đã từng giao dịch trên điện thoại di động.
Một khi Libra đủ phổ biến, hiệu ứng lan truyền của Facebook sẽ khiến sức mạnh của nó tiếp tục lớn hơn.
Dần dần, thanh toán bằng Libra sẽ dễ hơn mọi phương thức. Việc trao đổi Libra với các loại tiền tệ khác sẽ xảy ra. Từ đây, rào cản giao dịch giữa các quốc gia sẽ bị xóa bỏ.
Tất nhiên, Facebook rồi sẽ thu lợi nhuận cao, các đối tác lớn của công ty như Visa, MasterCard, PayPal, Spotify và Uber cũng vậy. Tuy nhiên, phần lớn người dùng Libra sẽ ở trong mạng lưới khép kín dưới sự kiểm soát hoàn toàn của hoàng đế duy nhất: CEO Facebook.
Khi đó Google, Amazon, thậm chí Apple buộc phải có đồng tiền riêng để cạnh tranh. Đó cũng là lúc các quốc gia với loại tiền tệ riêng hình thành trên Internet, điều sẽ gây rối loạn nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều người tại Mỹ nghi ngờ Mark Zuckerber là một loài thằn lằn, ôm mộng bá chủ thế giới.
Có vẻ ngây thơ khi tự hỏi liệu công ty có mạnh như quốc gia hay không (tất nhiên là trừ vũ khí). Tuy nhiên với Facebook, trở thành “quốc gia Internet” thực sự là mục tiêu của họ.
Đồng sáng lập Facebook Chris Hughes đưa ra dự báo Libra sẽ gây bất ổn cho đồng tiền chính phủ, khiến các ngân hàng trung ương bất lực trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Hughes là người hiểu tham vọng Mark Zuckerberg hơn bất kỳ ai.
Vậy Facebook đã có những gì? Họ có lượng người dùng lớn ở đa quốc gia, một bộ luật nho nhỏ của riêng mình, có khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng nhanh chóng. Bây giờ họ muốn có loại tiền tệ thống nhất.
Zuckerberg nổi tiếng yêu thích Augustus Caesar (hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã) và Libra rõ ràng là bằng chứng cho thấy tham vọng thống trị toàn cầu của ông. Mảng duy nhất công ty không nhúng vào có lẽ là không gian.
Hoặc cũng có thể CEO của Facebook đã thực hiện giao kèo với Jeff Bezos nên không cần quan tâm tới lĩnh vực không gian. Ngày 9/5, tại Washington DC, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos công bố kế hoạch chinh phục Mặt trăng và giới thiệu tàu đổ bộ Blue Moon. Phải chăng khi ngã ngũ, Zuckerberg có được Trái Đất còn Mặt trăng thuộc về Bezos?
Theo Zing
Facebook kỳ vọng gì từ tiền ảo Libra?
Facebook tuyên bố sẽ triển khai tiền điện tử Libra vào nửa đầu năm 2020, mang đến cơ hội tiếp cận các giao dịch trực tuyến cho hàng tỉ người trên thế giới.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới mô tả Libra như một hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, một dạng tài sản kỹ thuật số hoạt động trên công nghệ blockchain, mang đến khả năng bảo mật cao.
Người dùng sẽ giao dịch Libra qua Messenger hoặc WhatsApp - Ảnh: Facebook
Khác với các loại tiền ảo dựa trên blockchain hiện tại, người dùng không thể đạt được Libra thông qua phương thức "đào tiền" (mining). Thực tế, loại tiền này dựa trên cơ chế phát hành tiền cơ bản là sử dụng tài sản bảo chứng. Điều này có nghĩa mỗi đồng Libra được phát hành sẽ có một tài sản giá trị tương đương được đưa vào tài khoản ngân hàng trung ương để bảo chứng. Nhờ đó, giá trị của Libra sẽ ổn định, tránh cảnh bị thao túng bởi giới "đào tiền" như các loại tiền điện tử khác.
Tuy nhiên, việc bảo chứng với tỷ lệ giá trị 1:1 (một Libra đổi một tài sản bảo chứng) là điều bất thường trong thế giới tiền ảo. Giáo sư Ari Juels tại Viện nghiên cứu Jacobs thuộc Cornell Tech cho hay tiền điện tử không được bảo chứng bằng cách này vì có thể khiến hàng tỉ USD giá trị tài sản "nằm im một chỗ", không được lưu thông trên thị trường. "Ngay cả các cơ quan tài chính truyền thống, ví dụ như ngân hàng ở Mỹ, cũng không hoàn toàn bảo chứng kiểu này", Ari nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Facebook vốn đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ cộng đồng cũng như chính quyền, liên quan tới vấn đề quyền riêng tư và thông tin cá nhân trên nền tảng mạng xã hội của hãng. Việc này khiến Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ đã phải gửi văn bản cho CEO Mark Zuckerberg, yêu cầu giải thích làm cách nào công ty có thể bảo vệ thông tin tài chính của người dùng. Theo CNN, Facebook mới chỉ xác nhận rằng đã nhận câu hỏi từ Thượng viện và đang soạn câu trả lời.
Về phần mình, đại diện Facebook khẳng định dữ liệu tài chính sẽ được xử lý độc lập bởi ví điện tử Calibra và không chia sẻ hay đồng bộ với bất kỳ dữ liệu người dùng mạng xã hội nào. Hãng cũng cho biết sẽ sử dụng những quy trình xác thực, chống lừa đảo như trên thẻ ngân hàng, các hệ thống tự động và chủ động theo dõi nhằm bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi lừa đảo.
Hãng thành lập Hiệp hội Libra, một tổ chức độc lập để quản lý và ví điện tử Calibra - ứng dụng liên quan đến loại tiền ảo mới. Hiệp hội có hàng loạt tên tuổi trong lĩnh vực tài chính, công nghệ với vai trò thành viên sáng lập như Paypal, eBay, Visa, Mastercard, Thrive Capital, Uber, Mercy Corps, Andreesen Horowitz... Các sáng lập viên đầy kinh nghiệm trong các lĩnh vực chủ chốt của dự án Libra như luật tài chính quốc tế, blockchain, nhu cầu tài chính trên toàn thế giới...
Facebook tin rằng Libra sẽ có tính ổn định cao nhờ tài sản bảo chứng - Ảnh: AFP
Theo chuyên gia bảo mật độc lập Nguyễn Hồng Phúc, dựa trên tài liệu do Facebook cung cấp, Libra có vẻ là đồng tiền được thiết kế tốt nhất hiện nay (có sử dụng blockchain). Tuy nhiên vấn đề không hoàn toàn nằm ở câu chuyện bảo mật đối với đồng tiền ảo do mạng xã hội lớn nhất phát hành.
"Facebook không sử dụng vàng hay tài sản vật chất làm tài sản bảo chứng mà dùng tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ (ngắn hạn). Hoạt động này giống với việc phát hành tiền giấy ở hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới", anh Phúc bình luận.
Với việc phát hành tiền ảo sử dụng bảo chứng bằng tiền gửi và trái phiếu chính phủ, hoạt động của đơn vị phát hành Libra sẽ tương tự một ngân hàng trung ương (cụ thể là Hiệp hội Libra), đưa ra chính sách để kiểm soát giá trị đồng Libra đối với các loại tiền tệ khác.
"Blockchain chỉ được dùng trong tác vụ clearing house (thanh toán bù trừ). Quy mô của Libra khi dùng toàn cầu rất lớn nên blockchain sẽ giảm nhẹ công việc khi không phải thành lập một ngân hàng để lo xử lý các giao dịch trên toàn cầu có sử dụng Libra. Cũng theo tài liệu kỹ thuật, Libra có thiết kế của đồng tiền ảo Ethereum nên sẽ có tính năng Smart Contract để có thể ứng dụng trong nhiều giao dịch hơn", anh Phúc chia sẻ.
Trong vai trò là người tạo ra Hiệp hội Libra và đồng tiền ảo mới, Facebook tuyên bố khi dự án được triển khai, hãng sẽ rút khỏi vai trò lãnh đạo, để mọi thành viên Hiệp hội bình đẳng trong quản lý đồng Libra. Tuy nhiên điều này vẫn cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ có vai trò trong việc kiểm soát đồng tiền này.
Bên cạnh đó, Libra được phát hành bởi một công ty và điều hành từ Hiệp hội, thay vì một ngân hàng hay chính phủ. Với quy mô sử dụng và tiếp cận ở mức độ toàn cầu, đồng tiền mới của Facebook đặt ra bài toán quản lý đau đầu cho các nhà quản lý xuyên quốc gia nhằm bảo vệ đồng tiền nội địa cũng như cả nền tài chính.
Facebook hiện có khoảng 2,4 tỉ người dùng toàn cầu, một lượng chủ sở hữu và tiêu dùng bằng Libra đầy tiềm năng.
Theo Thanh Niên
Libra, đế chế mới của nền công nghiệp tiền ảo có thể làm 'trùm' thế giới không? Facebook cho ra đời đồng Libra đang trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Triển vọng của đơn vị tiền tệ này hiện còn là một ẩn số. Nhà sáng lập tiền ảo Libra đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. Chính thức ra mắt vào ngày 16/8, cùng với sự hậu thuẫn từ các đại gia tài chính và...