Cầu thủ Quang Hải là gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2018
Ngoài Quang Hải, chín công dân trẻ khác được vinh danh, trong đó có hai sinh viên từng đạt huy chương vàng Olympic quốc tế.
Thành Đoàn Hà Nội sẽ tổ chức chương trình Dạ hội chào xuân mới 2019 và tuyên dương “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu” vào tối 8/1. Ban tổ chức cho biết có 10 công dân được tuyên dương.
Ở lĩnh vực thể dục thể thao, hai vận động viên có nhiều thành tích trong thi đấu được vinh danh là Nguyễn Quang Hải và Lại Gia Thành.
Là cầu thủ của CLB bóng đá Hà Nội, thành viên Đội tuyển bóng đá quốc gia, Nguyễn Quang Hải được nhiều người hâm mộ trong nước và quốc tế nhớ đến với những bàn thắng đẹp mắt ở ba giải đấu lớn năm 2018 là giải U23 châu Á, Asiad và AFF Cup. Cầu thủ sinh năm 1997 được đánh giá là quân bài chiến thuật không thể thay thế trên hàng công của HLV Park Hang-seo.
Nhờ màn trình diễn ấn tượng, Quang Hải đạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam năm 2018 và cầu thủ xuất sắc nhất giải AFF Cup. Trước Quang Hải, chỉ có thủ môn Dương Hồng Sơn nhận được giải thưởng này ở AFF Cup 2008.
Nguyễn Quang Hải mừng bàn thắng vào lưới Philippines ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2018. Ảnh: Đức Đồng
Lại Gia Thành, vận động viên sinh năm 1998 thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội, cũng đạt thành tích ấn tượng với ba huy chương vàng và một huy chương bạc cử tạ trẻ thế giới, ba huy chương vàng cử tạ trẻ châu Á cùng nhiều huy chương ở các giải trong nước.
Ở lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, có bốn gương mặt được Thành đoàn Hà Nội vinh danh.
Giảng viên Phan Ngọc Huyền (sinh năm 1983, khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội) là phó giáo sư trẻ nhất được bổ nhiệm trong năm 2018 của Đại học Sư phạm Hà Nội, đã xuất bản được một sách nghiên cứu và tham gia biên soạn 14 đầu sách tham khảo, phổ biến kiến thức, công bố hơn 40 bài báo, tham luận khoa học cũng như tham gia nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới.
Gương mặt trẻ nhất được vinh danh là Trần Bảo Duy, lớp 7A0 trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội. Nam sinh sinh năm 2006 đạt huy chương vàng ở nhiều kỳ thi, như: Olympic Toán và Khoa học quốc tế IMSO, Toán châu Á – Thái Bình Dương APMOPS, Toán quốc tế AMO, Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ MYTS. Ngoài ra, em còn đạt hạng xuất sắc (High Destinction) ở kỳ thi Toán quốc tế IKMC và giải nhất Tài năng nhí Hà Nội với tiết mục độc tấu piano.
Hai sinh viên được tuyên dương là Phạm Đức Anh (Đại học Y Hà Nội) và Nguyễn Phương Thảo (Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng sinh năm 2000). Cả hai đã góp phần nâng cao thành tích của Việt Nam ở đấu trường Olympic quốc tế.
Trong khi Đức Anh giành hai huy chương vàng Olympic Hóa học trong hai năm liên tiếp thì Nguyễn Phương Thảo đã giành được một huy chương bạc và một huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế. Đặc biệt, năm 2018, Phương Thảo còn vượt qua 261 thí sinh để trở thành người có điểm số cao nhất thế giới, góp phần làm nên lịch sử cho đoàn Việt Nam ở kỳ thi này.
Với thành tích đã đạt được, hai cựu sinh viên của trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đã được trao Huân chương Lao động hạng ba.
Nguyễn Phương Thảo trở về nước từ Iran sau khi giành huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2018. Ảnh: Thùy Linh
Lĩnh vực lao động sáng tạo, phát triển kinh tế ghi nhận đóng góp của anh Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Hachi. Sinh năm 1991, anh Trường là gương thanh niên thủ đô khởi nghiệp năm 2017, từng nhận học bổng của Học viện kỹ thuật Hoàng gia Anh, là ứng viên tham gia hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tại Hydrabad Ấn Độ dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Mỹ – Chính phủ Ấn Độ.
Hachi, công ty của anh Trường, đang là đơn vị khởi nghiệp hàng đầu miền Bắc về xây dựng trang trại thủy canh trồng rau sạch bằng việc áp dụng công nghệ cao, tự động hóa với 108 công trình nhà phố, 18 trang trại thủy canh, 20.000 m2 diện tích sản xuất, 50 tấn rau sạch cung cấp ra thị trường.
Ở lĩnh vực An ninh quốc phòng, anh Lê Trọng Hiếu, Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa, được tuyên dương. Thiếu tá sinh năm 1983 đã giành Huân chương Chiến công hạng ba cùng Bằng khen của Bộ trưởng Công an về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2016-2017. Anh được Giám đốc Công an Thành phố trao hai giấy khen nhờ có thành tích điều tra, bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản.
Sinh viên năm thứ 4 Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hằng là gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô ở lĩnh vực Văn hóa – Nghệ thuật. Em giành giải vàng Liên hoan nghệ thuật châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore năm 2018. Trước đó, cô gái sinh năm 1995 từng đạt giải nhất Sao Mai toàn quốc năm 2015 dòng nhạc dân gian và tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp bốn năm chuyên nghiệp ở học viện.
Cuối cùng, ở lĩnh vực công tác Đoàn và tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, anh Trần Xuân Chiến, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư NTC Việt Nam, được tuyên dương. Anh Chiến đã giúp đỡ hàng trăm thanh niên lập nghiệp, nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng tình nguyện vì cộng đồng từ Trung ương Đoàn, Trung ương Hội chữ Thập đỏ và các đơn vị thuộc Hà Nội.
Chương trình Tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2018; Dạ hội Chào Xuân mới 2019 được Thành đoàn Hà Nội tổ chức vào tối 8/1 tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ. Đây là hoạt động đầu tiên của Đoàn Thanh niên Thành phố khởi động cho Năm Thanh niên tình nguyện 2019.
Dương Tâm
Theo VNE
Giành hai huy chương vàng Hóa, nam sinh quyết không du học
Hai năm liên tiếp giành huy chương vàng Olympic quốc tế, có nhiều cơ hội vào trường top đầu thế giới, Đức Anh vẫn quyết định học Y Hà Nội.
Ngày 27/8, Phạm Đức Anh tham gia buổi học đầu tiên ngành Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội trong sự tiếc nuối của nhiều người vì ai nấy đều cho rằng với sức học của em, du học là chuyện hiển nhiên. Nhưng Đức Anh và gia đình lại rất hạnh phúc với lựa chọn riêng, quyết không bỏ ngang việc học trong nước.
Hai tấm huy chương vàng và niềm yêu thích Hóa từ nhỏ
Vào thăm phòng Đức Anh trên tầng hai ngôi nhà sâu trong ngõ ở đường Trường Chinh (Hà Nội), không ai nghĩ em học chuyên Hóa. Trên giá sách nổi bật nhất phòng chỉ có vài quyển liên quan đến môn chuyên, còn lại là sách về Y khoa, văn hóa xã hội, ngoại ngữ, thậm chí cả sách học đàn guitar và dạy nấu ăn.
"Thời buổi công nghệ hiện đại, những gì em học đều nằm cả trong laptop", Đức Anh nói và cho biết tải rất nhiều sách Hóa của nước ngoài về tự học và khối lượng kiến thức tiếp nhận được không kém gì sinh viên năm ba đại học.
Phạm Đức Anh và mẹ chia sẻ về quyết định học trong nước. Video: Dương Tâm
Sinh ra trong gia đình có mẹ là Trưởng khoa Dược Bệnh viện Da liễu Trung ương, Đức Anh sớm tiếp xúc với bộ môn khoa học tự nhiên này. Khi còn học mẫu giáo cũng là lúc mẹ em làm nghiên cứu sinh về tổng hợp hữu cơ, Đức Anh nhiều lần được đưa tới phòng thí nghiệm, quan sát phản ứng đầy màu sắc, cách dòng nước chuyển từ ống này sang ống khác. Em dần thích thú và muốn được làm những điều giống mẹ.
Đến năm 2008, khi đang học lớp 2, Đức Anh được ra sân bay Nội Bài đón anh trai thi Olympic Hóa học lần thứ 40 từ Hungary trở về, quyết tâm theo đuổi Hóa học một lần nữa bùng lên trong lòng cậu bé 8 tuổi. Em nhớ hôm đó, với chiếc huy chương đồng, anh trai được chào đón nồng hậu. Trong mắt thầy cô và bạn bè, anh như người hùng dù không đạt giải cao nhất. "Em cảm giác anh đã làm một điều gì đó rất to lớn và muốn sau này được như anh", Đức Anh nhớ lại.
Được tiếp xúc với Hóa học từ sớm, bản thân cũng thấy Hóa là môn có nhiều liên hệ thực tế, nhiều màu sắc đa dạng, Đức Anh quyết định chọn học chuyên môn này. Từ năm lớp 8, khi Hóa trở thành môn học riêng, em được chọn tham gia nhiều cuộc thi của quận, thành phố và không lần nào là không đạt giải nhất.
Với ước mơ đổi màu huy chương cho anh trai, Đức Anh thi vào trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) để có cơ hội được tiếp xúc với nhiều giáo sư giỏi đầu ngành. Dưới sự kèm cặp của thầy cô và chính anh trai, Đức Anh tiếp tục giành nhiều giải thưởng liên quan đến Hóa học. Lớp 11, em đã giành huy chương vàng quốc tế. Một năm sau, trong kỳ thi Olympic được đánh giá khó hơn, Đức Anh một lần nữa giành vàng và đó là huy chương vàng duy nhất của đoàn Việt Nam.
Đức Anh thông tin kỳ thi năm nay diễn ra tại Séc và Slovakia, nơi Olympic Hóa học đầu tiên được tổ chức. Ngay từ đầu, đội tuyển Việt Nam đã dự đoán đề thi khó và phức tạp hơn mọi năm. "Nhờ có kinh nghiệm giành vàng năm ngoái nên em không gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đề thực hành năm này rất dài và khó. Cả thế giới chỉ có ba thí sinh làm được, trong đó có em. Điều này khiến em cảm thấy tự hào", Đức Anh chia sẻ.
Phạm Đức Anh (trái) và anh trai. Ảnh: NVCC
"Có giành 10 huy chương vàng em vẫn chọn Y Hà Nội"
Sớm giành được huy chương vàng Olympic quốc tế từ năm lớp 11, Đức Anh có đủ thời gian nếu muốn chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học, nhưng em không mấy quan tâm. Tiếp tục ôn luyện để giành huy chương vàng thứ hai, cơ hội học tập tại các trường hàng đầu thế giới chưa bao giờ rộng mở đến như vậy với chàng trai Hà Nội. Tuy nhiên, em vẫn gạt phăng mọi lời mời gọi và bàn tán của mọi người, quyết định học trường trong nước.
"Em nhận được tin nhắn, email từ các trung tâm tư vấn du học hàng ngày. Họ giới thiệu về những trường em có thể trúng tuyển, nói về các khóa học để làm đẹp hồ sơ. Em đã chọn học trong nước và khi đã quyết định thì em sẽ kiên định với lựa chọn của mình. Hai huy chương vàng chứ 10 tấm em vẫn vào Đại học Y Hà Nội", Đức Anh thẳng thắn nói.
Giống anh trai, Đức Anh thích học Hóa nhưng có niềm đam mê đặc biệt với nghề bác sĩ. Được sự ủng hộ của gia đình, em dễ dàng để đưa ra lựa chọn nhập học trường Y Hà Nội. Chàng trai sinh năm 2000 tâm sự có nhiều người khuyên em nên du học vì cơ hội vào những trường top đầu thế giới là rất hiếm và việc học ở Việt Nam là rất phí. Nhưng với em, được theo nghề đam mê và hợp với mình thì không thể nói là phí được.
Đức Anh trong một hoạt động ở kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2018. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Thị Kim Thu, mẹ của Đức Anh, cho biết gia đình luôn ủng hộ mọi quyết định của con trai. Là tiến sĩ Dược, có nhiều cơ hội đi công tác nước ngoài và tham khảo rất nhiều về du học ở các trường Mỹ, Anh, Pháp hay Singapore, chị vẫn đánh giá cao danh tiếng và chất lượng của một số trường trong nước.
"Trong mắt tôi, trường Y Hà Nội không khác gì Harvard của Mỹ. Vậy tại sao cứ phải gò ép con ra nước ngoài học", chị Thu đặt câu hỏi và cho rằng sau khi hoàn thành chương trình đại học và bác sĩ nội trú ở Việt Nam, Đức Anh vẫn còn rất nhiều cơ hội tham gia các khóa tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài nên không cần phải nuối tiếc.
Để chuẩn bị cho 6 năm học ngành Y, Đức Anh đã sớm tìm hiểu trước về những kiến thức trong ngành học. Bên cạnh việc trau dồi tiếng Anh, em thường xuyên đọc các sách Y khoa của anh trai, đồng thời lên mạng xem video bác sĩ phẫu thuật. Dù hai năm đầu chưa được tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân, em dự định xin theo các thầy hoặc anh trai để làm quen dần.
Với Đức Anh, một bác sĩ giỏi phải có tâm, có đức, có sức khỏe, chuyên môn vững và phải luôn coi sức khỏe của bệnh nhân là niềm vui của mình. "Gần đây, có một số sự việc không hay xảy ra, theo em đó chỉ là thiểu số, không thể đánh đồng tất cả. Nhưng đó cũng là lời cảnh tỉnh giúp em rút ra được nhiều bài học, đặc biệt là sự cẩn thận", Đức Anh nói và khẳng định bản thân sẽ cố gắng để trở thành một bác sĩ "có tâm và có tầm" trong tương lai.
Dương Tâm
Theo Vnexpress
Hơn 10.000 học sinh TPHCM tham gia hội trại truyền thống Sáng 5-1, hơn 1.000 giáo viên và 10.000 học sinh tiêu biểu đến từ các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM đã tham gia Hội trại truyền thống lần thứ XIII năm 2019. Ảnh minh họa Với chủ đề "Tự hào học sinh thành phố học tập và làm theo lời...