Cậu thiếu niên vùng cao say mê thi giải toán trên Internet
Năm 2013, lần đầu tiên cậu bé dân tộc Tày Trần Quốc Lân được làm quen với chiếc máy vi tính ở văn phòng nhà trường thông qua cuộc thi Giải toán trên mạng – Violympic. Vậy mà thoắt cái, đã 6 năm liền cậu vẫn miệt mài nỗ lực vươn lên, là hình mẫu học sinh tiêu biểu vượt khó học tốt tại địa phương.
Trần Quốc Lân sinh ngày 13/5/2004 trong một gia đình người dân tộc Tày, tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là một xã vùng sâu, vùng xa, đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn cao.
Nhà Lân thuộc diện khó khăn, bố em thường đi phụ xây kiếm công qua ngày còn mẹ em phải đi làm thuê cho công ty xa nhà mấy trăm km để lấy tiền phụ đỡ cuộc sống gia đình. Thừa hưởng truyền thống hiếu học từ ông bà nội – những nhà giáo công tác vùng cao nhiều năm, nên dù cuộc sống còn nhiều vất vả, cậu học sinh lớp 9 Trường PTBTBT THCS Châu Quế Hạ vẫn luôn cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi.
Năm lớp 3, Lân được sờ tay vào chiếc máy vi tính lần đầu tiên trong đời. Cậu thích mê! Nhà nghèo không có máy, cậu xin các thầy cô ở văn phòng trường cho mượn để tự mày mò nghiên cứu học hỏi trên mạng. Đặc biệt, cậu rất yêu thích Violympic bởi đây là cuộc thi vừa kết hợp rèn luyện kiến thức môn Toán, Vật lý, đồng thời lại giúp cậu thỏa niềm đam mê khám phá công nghệ thông tin.
Lân cho biết: “Violympic là một cuộc thi ý nghĩa, vì nó gắn liền với suốt thời học sinh của em. Những bài toán bổ ích và thực tế, cùng cách trình bày sinh động đã thu hút em cũng như các bạn, giúp bọn em có động lực học tập và thi đua với nhau hơn. May mắn là có Violympic nên bọn em mới có cơ hội tiếp xúc với máy tính như vậy!”
Hoàn cảnh gia đình khó khăn không ngăn được lòng say mê học tập của Trần Quốc Lân (Ảnh: NVCC)
Suốt 6 năm liền từ 2013-2019, năm nào cậu cũng tham gia thi Violympic và đều đạt giải cao cấp tỉnh. Đặc biệt trong năm học 2018-2019, cậu còn là một trong những thí sinh tiêu biểu được cử đi thi vòng quốc gia Violympic Toán. Quốc Lân cũng thường đứng trong top 3 học sinh giỏi Toán toàn huyện. Đây là những thành tích đáng khích lệ đối với một học sinh người dân tộc sống ở vùng có điều kiện kinh tế còn đặc biệt khó khăn.
Video đang HOT
Không chỉ là một học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, em còn là một đội viên tiêu biểu, là liên đội trưởng, là lớp phó học tập gương mẫu. Cậu đã có nhiều hình thức tổ chức các hoạt động sinh động, cuốn hút các bạn tham gia, nên lớp luôn dẫn đầu về kết quả học tập và nề nếp. Nhiều năm liền, cậu đều đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Cậu bảo: “Ngoài học tốt, em cũng rất thích tham gia các hoạt động phong trào, công tác Đội. Nhờ đó, em được tiếp xúc với nhiều bạn bè, thầy cô và học hỏi được nhiều điều, để cảm thấy tự tin hơn, có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng hơn và nghị lực trong cuộc sống”.
Không chỉ là trò giỏi, Lân còn ý thức rất rõ về hoàn cảnh gia đình, luôn giúp đỡ cha mẹ. Trong khi bạn bè cùng lứa ở các thành phố lớn còn đang rủ nhau đi trà sữa, Lân đã quán xuyết được hết việc nhà từ trông nom em nhỏ, chăm gà chăm lợn, nấu cơm, đến dọn dẹp nhà cửa… Lúc nào cũng tất bật với đủ thứ lặt vặt, nhưng cứ rảnh ra là Lân giở sách giở vở để ôn lại bài và làm bài tập về nhà. Cậu cố gắng giữ gìn từng cuốn sách được mượn từ thư viện nhà trường, vở thì chắt chiu từng quyển từ giải thưởng học sinh giỏi cuối năm. Ngoài sự hướng dẫn học tập của thầy cô giáo, Lân còn thường xuyên tìm kiếm sách vở tham khảo ở thư viện nhà trường. Lân cho biết: “Em phải cố gắng học để không phụ lòng các thầy cô giáo và sự quan tâm của nhà trường đối với em, các ban ngành địa phương luôn quan tâm động viên em, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp em”.
Quốc Lân đã phải vượt hơn 30km để tham dự cụm thi Vòng quốc gia Violympic
Cụm thi Vòng quốc gia Violympic cách nhà hơn 30km. Quốc Lân phải đi từ hôm trước, ở lại một đêm để hôm sau thi sớm. Hình ảnh cậu bé Quốc Lân vượt đường sá xa xôi để được tham dự cuộc thi yêu thích đã thể hiện quyết tâm và sự trưởng thành của em. Hy vọng, cậu bé vùng cao này sẽ vẫn giữ được lòng yêu kiến thức và các bộ môn khoa học, nhiệt huyết tìm tòi, say mê nghiên cứu và học tập, để tham gia vào lực lượng lao động trẻ giàu nhiệt huyết xây dựng rất nước, giúp quê hương cậu ngày càng trở nên giàu mạnh trong tương lai.
Violympic là cuộc thi cấp quốc gia về giải Toán, Vật lý trên mạng Internet do Tập đoàn FPT tổ chức. Trong gần 12 năm qua, Violympic luôn nhận được sự tin cậy và ủng hộ của các cấp quản lý, nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh và hàng triệu em học sinh trên cả nước.
Mang sứ mệnh phát triển niềm đam mê học tập cho học sinh phổ thông, Violympic đã giúp xóa nhòa khoảng cách giữa các vùng miền, giúp học sinh ở vùng sâu vùng xa cũng được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao và công nghệ hiện đại.
Vòng quốc gia Violympic năm học 2018-2019 vừa diễn ra ngày 7/4 vừa qua, thu hút hơn 10 ngàn thí sinh đến từ gần 50 tỉnh thành trên cả nước tham gia. Học sinh đạt giải ở Vòng thi cấp Quốc gia Violympic năm nay sẽ được cấp giấy chứng nhận theo từng môn và khối lớp cùng huy chương đối với các giải Vàng, Bạc, Đồng. Về giải thưởng hiện vật, tổng giá trị giải thưởng Violympic cấp Quốc gia là hơn 400 triệu, gấp đôi so với năm học 2017-2018.
Theo Dân trí
Trường tiểu học Kỳ Hợp: Trưởng thành từ những khó khăn
Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng trong những năm qua, Trường tiểu học Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu suất đào tạo, có nhiều đóng góp tích cực cho ngành giáo dục huyện nhà.
Kỳ Hợp là một xã miền núi nghèo thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, học sinh chủ yếu là con em nông dân đời sống còn nhiều khó khăn, vì vậy việc đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Với truyền thống hiếu học, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Hợp đã có nhiều cố gắng huy động mọi nguồn lực trong công tác đầu tư cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục và đã đồng hành với nhà trường để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Trường Tiểu học Kỳ Hợp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, đóng góp tích cực cho ngành giáo dục huyện nhà.
Trường tiểu học Kỳ Hợp năm học 2017 - 2018 có 8 lớp, 197 học sinh toàn thể cán bộ giáo viên nhà trường luôn tâm huyết với nghề và luôn cố gắng truyền thụ kiến thức tới từng em học sinh.
Đặc biệt, nhà trường đã chuẩn quốc gia mức độ 1, được tặng bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh. Tập thể lao động tiên tiến cấp huyện, công đoàn được Liên đoàn lao động huyện tặng giấy khen và được nhận giấy khen của dự án CI.
Thầy Nguyễn Tấn Đạt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kỳ Hợp, cho biết bản thân đã 14 năm bám trụ với ngôi trường này. Đó là một chặng đường gian nan vất vả vì ngày xưa nơi đây khó khăn mọi bề, đường xá khó đi, thiếu nước sạch, thiếu điện, trình độ dân trí chưa cao. Nhưng, với tình thần đoàn kết, đồng lòng với người dân, với chính quyền địa phương đã đưa nhà trường không ngừng vươn lên và vượt qua những thách thức đó. Đến nay, Trường đã khang trang sạch đẹp hơn, học sinh đến lớp đông đủ.
Nhớ về quãng thời gian trước đây, thầy Đạt bồi hồi: "Ngày đó, phải đi tới gia đình các em vận động các em tới trường học còn chữ chứ không như bây giờ phụ huynh đã nhận thức được vai trò của việc học hành của con em mình nên họ rất quan tâm tới nhà trường".
Thầy trò nhà trường cùng nhau xây dựng môi trường học tập xanh-sạch-đẹp.
Khi được PV hỏi về động lực nào khiến cho thầy và thầy hiệu phó có thể "bám trụ" ở đây lâu như vậy? Thầy Đạt cười rồi nói: Bác Hồ từng nói "vì sự nghiệp 10 năm thì phải trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm thì phải trồng người", là người thầy giáo, chọn nghề này rồi phải làm bằng cái tâm cao quý nhất, luôn thương yêu, coi các em học sinh như là con em mình.
Niềm vui của học sinh chính là niềm vui của thầy, của gia đình các học sinh khi thấy con em mình "mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui" và đó cũng chính là niềm tự hào và hạnh phúc của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường.
Có thể nói, thầy Đạt là một người có công lao lớn cho sự nghiệp phát triển giáo dục của trường tiểu học Kỳ Hợp nói riêng, cho xã Kỳ Hợp nói chung.
Năm học 2018 - 2019, trường Tiểu học Kỳ Hợp có 8 lớp với 196 học sinh. Nhà trường sẽ tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt từng môn học, từng buổi học, quan tâm tới từng em học sinh để phong trào giáo dục nhà trường không ngừng phát triển.
Hiện nay, nhà trường đang thiếu giáo viên ngoại ngữ, cán bộ thiết bị, thư viện và các trang thiết bị dạy học hư hỏng và thiếu thốn nhiều. Vậy nên, trong thời gian tới nhà trường rất mong muốn các cấp các ngành quan tâm, giúp đỡ nhà trường hơn nữa.
PV
Theo baonhandao
Khuyến học ở dòng họ xác lập kỷ lục "phụ tử đồng khoa" đầu tiên trong lịch sử "Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà"- câu đối dân gian lưu truyền là niềm tự hào của dòng họ Ngô Lý Trai (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) về truyền thống hiếu học, đỗ đạt. Đây cũng là dòng họ được xác lập kỷ lục Việt Nam "phụ tử...