Cậu nhỏ bị cong, quan hệ đau buốt
Lúc vừa xuất tinh xong, mình cảm giác đau buốt ở cuối “cậu nhỏ”. Mình phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
ảnh minh họa
Mình là nam 23 tuổi. Năm 15 tuổi, mình đi cắt bao quy đầu ở bệnh viện địa phương. Sau khi cắt xong thì thấy bộ phận sinh dục bị cong về bên trái một góc khoảng 25-30 độ. Lúc đó mình chưa có hiểu biết nhiều và lúc đi tiểu, sinh hoạt thường ngày vẫn không có gì khó khăn nên cứ để vậy mà không đi khám bác sĩ.
Video đang HOT
Gần đây, sau khi quan hệ tình dục 3 lần với bạn gái, mình mới phát hiện ra một số vấn đề mà mình nghĩ nguyên nhân do bộ phận sinh dục bị cong gây nên: Trong khi quan hệ, cảm giác hơi đau, ở một vài tư thế quan hệ, cảm giác đau rõ rệt hơn, nếu vẫn giữ tư thế đó mà quan hệ thì sau vài phút cảm giác giống như bị gãy bộ phận sinh dục, trạng thái cương cũng biến mất. Lúc vừa xuất tinh xong thì cảm giác đau và buốt ở phía cuối bộ phận sinh dục.
Mình thật sự rất hoang mang. Nguyên nhân của những biểu hiện trên có phải do cong bộ phận sinh dục hay không? Nếu như vậy thì có cách nào để khắc phục và loại bỏ tình trạng này? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Bình thường, các bạn nam đến tuổi trưởng thành thì lớp da bao quanh đầu “cậu nhỏ” (da quy đầu) sẽ tụt xuống ít hoặc nhiều mỗi khi cương cứng. Tuy nhiên, ở một số bạn, bao da quy đầu quá dài hoặc hẹp khiến nước tiểu và các chất cặn tích tụ ở quanh đầu khấc “cậu nhỏ” gây viêm nhiễm tại chỗ, thậm chí gây viêm nhiễm đường tiết niệu.
Hẹp bao quy đầu rất phổ biến ở các bé trai. Theo một nghiên cứu thống kê tại Việt Nam, khoảng 40% trẻ dưới 4 tuổi bị hẹp bao quy đầu. Các biến chứng do hẹp bao quy đầu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của XY và có thể gây ra ung thư dương vật.
Theo chuyên gia nam học, sau khi áp dụng các biện pháp điều trị nội (bôi thuốc, nong bao da,…) mà không giải quyết được tình trạng hẹp thì việc cắt bao quy đầu là cần thiết. Cắt bao quy đầu là thủ thuật đơn giản, ít đau, không gây biến chứng nếu đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật. Nếu việc cắt bao quy đầu không đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh thì có thể gây ra nhiễm trùng và các biến chứng (viêm dính, co kéo vết mổ, đau khi cương…)
Với trường hợp của bạn, việc tới cơ sở y tế cắt bao quy đầu khi bị hẹp là quyết định đúng đắn. Ngoài ra, cũng chưa thể đổ lỗi cho việc cắt bao quy đầu gây biến chứng cong vẹo dương vật, do thời gian cắt da quy đầu của bạn khá lâu rồi (8 năm), trải qua cả giai đoạn độ tuổi dậy thì nữa nên còn nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng có thể gây cong. Quan tâm tới việc khắc phục các “nhược điểm” của dương vật lúc này là điều hợp lý.
Nếu “cậu nhỏ” hơi cong một chút là điều hoàn toàn bình thường. Theo một số nghiên cứu, khoảng 70% các bạn nam có “cậu nhỏ” bị cong khi cương cứng. Mức độ cong và hướng cong khác nhau tùy theo từng người: cong ít hoặc cong nhiều, cong bên trái, bên phải, lên trên hay xuống dưới. Nguyên nhân gây cong có thể do di truyền hoặc do nhiều tác động khác, trong đó có thể do các thao tác “tự sướng” không đúng cách.
Nguyên nhân cong do tự nhiên sinh lý được giải thích như sau: bên trong “cậu nhỏ” tồn tại hai thể hình trụ gọi là thể hang, chạy dọc theo chiều dài dương vật, giúp cương cứng. Hai thể hang này thường phát triển không đồng đều nhau, đặc biệt ở độ tuổi dậy thì, điều này khiến cho “cậu nhỏ” bị cong khi cương.
Các trường hợp cong lệch nhẹ, không ảnh hưởng tới sinh hoạt tình dục và sức khỏe thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo một số tài liệu khoa học, nếu độ cong lệch của dương vật trên 30 độ, kèm theo cảm giác đau buốt khi cương cứng thì cần có các biện pháp can thiệp sớm.
Trường hợp của bạn, để xác định chính xác mức độ cong và can thiệp hiệu quả nhất, bạn nên đến cơ sở khám bệnh chuyên về nam khoa. Các bác sĩ chuyên khoa có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có cả phẫu thuật chỉnh sửa để giúp “cậu nhỏ” của bạn trở về hình dáng bình thường và thực hiện tốt “nhiệm vụ” của nó.
Theo VNE