Câu lạc bộ “minh bạch”
TT – Có một CLB rèn luyện cho học sinh tính trung thực, thẳng thắn, dám lên tiếng phản ảnh trước điều sai quấy, góp ý trước điều không tốt và chịu trách nhiệm về những gì mình nói…, đó là CLB “minh bạch”, Trường tiểu học Hựu Thành B (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long).
Một buổi sinh hoạt của các thành viên CLB “minh bạch” – Ảnh: T.Nhật
Nhờ nhận được nhiều thông tin mà các thành viên của câu lạc bộ (CLB) cung cấp đã giúp trường hoàn thiện hơn từ tổ chức công việc đến cung cách quản lý, dạy học khiến không gian học đường ngày càng thân thiện, sôi động, minh bạch và công khai dân chủ hơn…
Vun đắp tính dũng cảm, tính trung thực…
Chiều thứ sáu, khoảng 30 học sinh ngồi sinh hoạt tại CLB “minh bạch” trong ngôi nhà lá đặt tại một góc sân trường rợp bóng cây xanh. Thầy Nguyễn Thành Nhơn – chủ nhiệm CLB “minh bạch” – khuyến khích: “Trong tuần qua, các em thấy có chuyện gì sai trái, chưa đúng, cứ mạnh dạn phát biểu…”.
Video đang HOT
Ngay tức khắc, một bạn nữ đứng dậy: “Em thấy các bạn lớp 5 giành chỗ chơi với các bạn lớp 1. Điều này là không tốt. Em đề nghị thầy nói với các bạn ấy chấn chỉnh lại…”. Một em ý kiến khác: “Có bạn đi vệ sinh xong không giội nước khiến phòng vệ sinh rất hôi…”.
Cứ vậy, hết bạn này đến bạn khác đóng góp ý kiến. Và tất cả được thầy Nhơn ghi nhận, phân tích đúng sai. Sau đó thầy tổng hợp lại và sẽ chuyển đến nơi cần đến để giải quyết sự việc. Đó là buổi sinh hoạt hằng tuần của CLB “minh bạch”…
Cô Nguyễn Ngọc Thùy, hiệu trưởng Trường tiểu học Hựu Thành B, chia sẻ, CLB “minh bạch” của trường được thành lập năm 2014 từ đề án “Tăng thông tin, nâng trách nhiệm, tạo minh bạch cho học sinh” do thầy Trần Hoàng Túy – nguyên quyền chánh văn phòng Sở GD-ĐT – nghĩ ra và được Sở GD-ĐT Vĩnh Long phát động toàn ngành từ tháng 9-2014 đến tháng 8-2015.
Cô Thùy tâm sự: “Hiện tuy đề án đã kết thúc nhưng tính hiệu quả của đề án rất cao nên trường vẫn quyết tâm duy trì và uyển chuyển sửa đổi một số điều cho phù hợp với tình hình thực tế của trường”.
Thầy Nguyễn Thành Nhơn cho biết: “Hiện CLB gồm có 30 thành viên. CLB “minh bạch” được thành lập với mục đích vun đắp tính dũng cảm, tính trung thực, tính trách nhiệm… nên rất hợp với những em trực tính, thẳng thắn, dám lên tiếng phản ảnh trước những điều sai quấy, góp ý trước những điều không tốt, dám nêu những đề xuất, bất bình của mình và chịu trách nhiệm về những gì mình nói.
Do vậy, những em đăng ký vào CLB này đa số là những thành viên rất có cá tính, không ngại va chạm, không sợ mếch lòng ai hết và cũng tự nhận lỗi khi mình làm điều sai… Phần lớn những bạn đăng ký vào CLB đều là lớp trưởng, lớp phó của các lớp…”.
Thấy ý nghĩa qua từng đóng góp
Đào Tố Trân, học sinh lớp 5, tâm sự: “Từ ngày vô CLB em thấy mình mạnh dạn, tự tin hơn và học được nhiều điều. Nếu trong cuộc sống, ai gặp điều chưa tốt đều né tránh im lặng, không dám nói thì xã hội sẽ ra sao?
Quan trọng khi chúng ta phản ảnh thì phải phản ảnh đúng, và với mong muốn các bạn khắc phục cái sai, cái chưa tốt của mình để hoàn thiện hơn mà thôi.
Vả lại khi là thành viên của CLB đòi hỏi bản thân mình cũng phải làm đúng và cũng phải biết xin lỗi khi mình phạm lỗi, có như vậy mình mới mạnh miệng góp ý những cái sai của người khác được. Nhờ đó, mình mới hoàn thiện dần mình hơn.
Cạnh đó, vào CLB em còn biết được nhiều về luật như Luật giao thông, rồi quyền trẻ em…
Và khi những ý kiến đúng và hay của chúng em được thầy cô ghi nhận nên nhờ đó mà chúng em thấy được ý nghĩa qua việc đóng góp của mình”.
Cô Nguyễn Ngọc Thùy nhận định rõ nét hơn về CLB “minh bạch”: “Ban đầu các em chưa dám đưa ý kiến nhưng dần dần các em mạnh dạn hơn. Chẳng những góp ý bạn học mà sau đó, các em dám nêu những đề xuất, bất bình của mình đối với thầy cô.
Điển hình như các em đề nghị nhà trường nên khen thưởng cô dạy nội trú vì nhờ có các cô mà các em có bữa ăn rất ngon. Hoặc các em muốn thư viện có nhiều sách hay hơn. Hay các em muốn mỗi phòng y tế và thư viện phải có một cô phụ trách chớ đừng để một cô mà phụ trách hai nơi, để khi các em bệnh đến phòng y tế sẽ có cô chữa trị…
Nhờ nhận được nhiều thông tin từ các em cung cấp đã giúp trường hoàn thiện hơn, từ tổ chức công việc đến cung cách quản lý, dạy học hiệu quả. Hiểu được tâm tư các em hơn để qua đó nhà trường rèn luyện những đức tính tốt và hạn chế các hành vi sai lệch của các em.
Chính sự giao lưu mang tính hai chiều đã khiến môi trường không gian học đường ngày càng thân thiện, sôi động, minh bạch và công khai dân chủ hơn…”.
Theo TTO