Cậu học trò Hải Dương học giỏi, chí lớn
Cường được sinh ra bởi người mẹ tật nguyền, dù gia cảnh nghèo khó, nhưng nhiều năm liền em luôn phấn đấu là học sinh giỏi toàn diện.
Chị Phạm Thị Ngoan bị tật nguyền ở chân, đi lại tập tễnh, bước thấp bước cao đã quyết định làm mẹ đơn thân trước bao khó khăn và nghịch cảnh của cuộc đời.
Năm 38 tuổi, chị sinh bé Cường để mong có tiếng cười con trẻ cho bớt cô quạnh và cũng là để bản thân có chỗ nương tựa khi về già. Vì thế, từ ngày cất tiếng khóc chào đời và cho đến hiện tại khi cậu bé Phạm Mạnh Cường học lớp 9A, trường THCS Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vẫn chỉ biết có mình mẹ. 14 năm qua một mẹ, một con nương tựa vào nhau.
Mẹ của Cường năm nay đã 51 tuổi, già yếu, bệnh tật nhưng vẫn cố gắng kiếm sống để lo cho cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi học. Nhưng thật không may, càng cố gắng thì cuộc sống của hai mẹ con càng lâm vào bế tắc, nợ nần.
Cách đây 5 năm, chị mạnh dạn vay mượn họ hàng, bạn bè và ngân hàng để mở một quán Internet nhỏ ngay tại nhà, nhưng do không thích ứng được với công nghệ và một mình không xoay sở kịp, vì thế chỉ một thời gian sau quán không có khách, chị đành phải chịu thua lỗ, bán quán để trả nợ mà vẫn không đủ. Sau đó, chị xoay sang mở quán giải khát nhỏ với vài ba chai nước và một tủ kem cũ mua thanh lý, nhưng vì quá nhỏ nên cũng chẳng có khách. Hôm nào nhiều thì lãi được 5-10 nghìn đồng, còn không đa số toàn phải bù lỗ. Từ đó cuộc sống của hai mẹ con càng ngày càng khó khăn, vất vả.
Tôi đến nhà Cường đúng vào bữa cơm chiều, bên mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc và bát lạc rang, thậm chí đến nước mắm cũng không có, hóa ra hai mẹ con tiết kiệm không ăn nước mắm, chỉ mua muối trắng cho rẻ. Khi được hỏi thích ăn món gì nhất?. Cường suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng bảo: “Hai mẹ con cháu toàn ăn như thế này thôi ạ, nên chẳng biết món gì ngon cả. Thỉnh thoảng cháu được nhận phần thưởng hay mẹ kiếm thêm được chút thì mới có thịt ăn”. Nghe con nói, mẹ Cường tủi thân ứa nước mắt: “Muốn mua thịt cho cháu ăn thường xuyên nhưng không dám vì nếu thế thì những bữa sau không biết ăn bằng gì”.
Video đang HOT
Tuy hoàn cảnh gia đình như thế nhưng Cường học rất giỏi. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi toàn diện, đứng top đầu trong trường. Đặc biệt nhất là cậu học trò thiệt thòi ấy lại có năng khiếu học tiếng Anh. Ngoài việc học trên lớp, em tự mượn sách trên thư viện nhà trường học, nghe các bài hát tiếng Anh qua đài, tivi… Với sự chăm chỉ, chịu khó và đam mê của mình, bốn năm qua từ lớp 6 đến lớp 9, Cường đều đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện. Hiện em đang ôn thi cho kỳ thi cấp tỉnh.
Cậu bé từng mơ ước được học trường chuyên trên thành phố, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên em vẫn vui vẻ học ở gần nhà để giúp mẹ. Không những học giỏi, ở nhà Cường rất chăm chỉ, ngoan ngoãn từ làm việc nhà, chăm sóc khi mẹ ốm đau.Những hôm thời tiết thay đổi, mẹ em lại bị cái chân đau hành hạ, không đi lại được nhiều.
Cường cũng tỏ ra già dặn hơn so với tuổi 14, khi em bảo nếu được đi học tiếp sau này sẽ thi vào một trường Quân đội, để mẹ không phải lo lắng. Sau này khi ra trường, em sẽ có điều kiện chăm sóc mẹ tốt hơn. Tôi rất khâm phục nghị lực vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập của cậu học trò lớp 9. Nhưng, tôi cũng lo lắng cho tương lai ấy, bởi có thể em sẽ phải nghỉ học vì gia đình quá nghèo. Rất mong chương trình hỗ trợ cho Cường, để hai mẹ con vơi bớt những khó khăn và tiếp sức cho cậu bé học giỏi, chí lớn này.
Theo VNE
Nghị lực của cô bé người J'rai
Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, ngay từ khi lọt lòng mẹ Blaih không có hai tay và một chân phải. Bằng nghị lực phi thường, cô bé khuyết tật tự tin sống hòa nhập cộng đồng.
Nói về Blaih (dân tộc J'rai, sinh năm 2000, trú làng Brong Thoong, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), bà Trần Thị Sáng - mẹ nuôi em kể: Năm 2005, trong một lần xuống làng Brong Thoong, bà trông thấy một đám trẻ đang bới rác để nhặt đồ đồng nát.
Trong số đó, có một cô bé 5 tuổi mắt trong veo dùng 2 cùi tay bới rác cùng chúng bạn.
Blaih viết chữ rất đẹp và vẽ tranh cũng rất tài.
Bà xúc động tìm hiểu, và biết gia cảnh Blaih rất khó khăn. Bà Sáng đã đề nghị gia đình em cho bà đưa Blaih về chăm sóc, dạy học để sau này em có thể tự lực cánh sinh. Ở với bà Sáng, Blaih được dạy đọc chữ và cách cầm bút bằng cùi tay.
Sau một thời gian kiên trì luyện tập, Blaih viết được chữ và về với cha mẹ để học trường gần nhà. Hè năm 2012, Blaih quay lại sống với bà Sáng sau khi học xong cấp I.
Bà Sáng kể dù cơ thể khiếm khuyết song Blaih rất có ý thức tự lực, không muốn làm phiền ai. Từ việc tắm, giặt cho đến những sinh hoạt cá nhân hàng ngày, em đều tự thực hiện.
Trước đây, chỗ ở cách trường đến 5 cây số, từ sáng sớm tinh mơ, Blaih phải dậy sớm khập khiễng đi học bằng một cái chân rưỡi, chưa bao giờ đi học muộn. Ý chí và nghị lực của cô bé này khiến nhiều người lớn tuổi không khỏi thán phục.
Cô Vũ Thị Mai - giáo viên mỹ thuật trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (xã Chư H'Đrông, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) khen Blaih viết chữ rất đẹp. Do phải dùng 2 cùi tay kẹp bút nên Blaih vẽ chậm hơn các bạn khác song nét vẽ rất có hồn, tô màu sáng tạo, không rập khuôn.
Tranh Blaih vẽ gắn liền với cảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào J'rai. Cuộc thi vẽ tranh nào Blaih cũng được chọn vào đội tuyển của trường và nhiều lần giành giải cao. Năm lớp 5, Blaih từng đạt giải nhì trong một cuộc thi vẽ tranh do Phòng Giáo dục TP Pleiku phối hợp với Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tổ chức.
Chữ viết của cô bé khuyết tật.
Tại cuộc thi vẽ tranh của tỉnh vào cuối tháng 10/2015 vừa qua, bị mất tập trung trước hàng trăm cặp mắt theo dõi và trầm trồ khen, Blaih vẫn đạt giải khuyến khích .
Trò chuyện với chúng tôi, Blaih không hề tỏ ra mặc cảm, cô bé hồn nhiên cho biết em muốn đi học để được gặp nhiều bạn bè. Blaih thích học môn họa để vẽ tranh quê hương mình và trở thành họa sĩ giỏi.
Theo Thiên Linh/Tiền Phong
Thành Kỳ và giấc mơ thành tài Dù hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Thành Kỳ, học sinh lớp 9A5 Trường THCS Chánh Nghĩa (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vẫn nỗ lực vươn lên học giỏi. Từ nhiều năm nay, người dân sống quanh khu phố 4 (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã quen thuộc với hình ảnh cậu học trò cứ mỗi...