Câu chuyện về Tây Ban Nha: Những nhà vô địch viết sách
Điều thú vị đang diễn ra với đội tuyển Tây Ban Nha, mà có thể gọi đó như một trào lưu mới, khi có rất nhiều cầu thủ cho xuất bản sách do mình tự viết trong vòng vài năm trở lại đây. Từ đội trưởng Casillas đến Torres, từ Iniesta đến Reina… đều xuất hiện trên các kệ sách, và TBN xứng đáng là nhà vô địch về viết sách.
Cách đây 4 năm, Tây Ban Nha đã giành chiến thắng trên đất Áo – Thụy Sĩ, và khép lại những ngày không danh hiệu kéo dài gần nửa thế kỷ. Thành công tiếp nối thành công, sau Aragones là Del Bosque, TBN tiếp tục duy trì sự ổn định và lần đầu tiên bước lên đỉnh cao thế giới. Trong hai năm với những chiến thắng liên tiếp đã mang đến niềm vui lớn lao cho người hâm mộ xứ bò tót, và vinh quang cho nền bóng đá nước này.
Từ những chiến thắng sân cỏ, niềm hạnh phúc bất tận, các cầu thủ của HLV Del Bosque như có động lực để biến mình thành những người viết sách. Chưa bao giờ trong một môi trường bóng đá lại nở rộ nhiều “cây bút” đến như vậy, khi có thể lập gần đủ một đội hình chính.
Casillas ra mắt bản dịch tiếng Ba Lan cuốn “Los secretos de La Roja” – Ảnh: Getty
Fernando Torres, người góp công lớn đặt dấu chấm hết cho thời gian khát danh hiệu của TBN, bằng pha ghi bàn quý như vàng trong trận chung kết với đối thủ Đức 4 năm trước, đã cho xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh có tựa đề “Number Nine”. Sách của Torres như lời tâm sự của chính anh về những thăng trầm của bản thân, về đội tuyển, các đồng đội và cả nhiều đồng nghiệp khác.
Dù có vai trò khiêm tốn trong ĐTQG, nhưng Pepe Reina không phải một thủ môn thiếu danh tiếng. Đó là lí do mà cuốn sách “El mundo en nuestras manos” (Thế giới trong tay chúng tôi) của thủ thành đang chơi bóng cho Liverpool nhận được nhiều sự quan tâm. Reina đã viết theo dạng hồi ký, để nói về những chiến công mà anh và các đồng đội đã mang về cho đất nước mình.
Video đang HOT
Trước đó, David Villa – người không có mặt tại EURO 2012 vì chấn thương – đã gây xúc động khi xuất bản cuốn sách “Relatos Solidarios” (Câu chuyện về tình đoàn kết). TBN là tập thể của những gương mặt đến từ nhiều vùng tự trị khác nhau, và không ít lần nội bộ mâu thuẫn vì điều này. Nhưng tình đoàn kết được các cầu thủ thể hiện trong hai giải đấu vừa qua trở thành nguyên nhân quan trọng, giúp cho La Seleccion liên tục gặt hái vinh quang.
Với sự trợ giúp của hai nhà báo, Dani Sanabre và Sique Rodriguez, tiền vệ Andres Iniesta cho ra đời cuốn “Un ano en el paraiso” (Một năm trên thiên đường). Tiền đạo Pedro cũng đứng tên một cuốn sách từ vài năm trước “Voluntad de campeon” (Khát vọng vô địch). Thời gian tới, đến lượt trung vệ Pique xuất hiện trên kệ sách.
Trong số những nhà vô địch viết sách, Iker Casillas tạo được tiếng vang lớn nhất. Trước World Cup 2010, dưới sự hỗ trợ của cây bút lừng danh Miguel Angel Diaz, người đội trưởng của La Seleccion đã xuất bản cuốn “Los secretos de La Roja” (Những bí mật của La Roja). Sách của Casillas nhanh chóng được đưa đến châu Á, thông qua hai thứ tiếng Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại EURO lần này, bên cạnh việc tập trung vào chuyên môn và gây ấn tượng với những pha bóng rất đẹp, Casillas cũng tận dụng cơ hội để… bán sách. “Los secretos de La Roja” đã được dịch sang tiếng Ba Lan, và Casillas hy vọng đứa con tinh thần của anh có thể tìm được chỗ đứng nhất định trong lòng các CĐV.
Không viết sách thì… đọc sách. Trong khi nhiều đối thủ thích thú với những trò giải trí trên Facebook hay Twitter, thì một số cầu thủ của Del Bosque chọn thú vui đọc sách khi rảnh rỗi. Trong vali của Xabi Alonso, Xavi, Mata, Javi Martinez là những cuốn sách nổi tiếng thế giới về nhiều lĩnh vực khác nhau Iniesta chọn cho mình bạn đồng hành là một cuốn sách giáo dục trẻ em, một cách để anh có thể trở thành người cha tốt hơn nữa. Pique thì mang theo “Dos Vidas” (Hai cuộc sống), cuốn tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp cầm bút của cha anh, ông Joan Pique.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đức - Hy Lạp: Sao lại cần sự can thiệp của chính trị?
Chỉ riêng khía cạnh chuyên môn thôi, tuyển Đức nếu chơi đúng sức hoàn toàn có thể đánh bại, thậm chí là thắng đậm Hy Lạp, đội bóng bị đánh giá là yếu nhất ở vòng tứ kết. Vậy tại sao phải cần đến sự can thiệp của chính trị?
Đức - Hy Lạp đã trở thành trận đấu được quan tâm ở nhất vòng tứ kết EURO 2012. Không phải vì chuyên môn, mà là vì các vấn đề kinh tế, chính trị. Khi nền kinh tế chìm vào khủng hoảng, Hy Lạp đang được châu Âu bơm tiền để giải cứu. Là nền kinh tế mạnh, Đức có đóng góp lớn cho nhiều gói cứu trợ, bao gồm cả gói của Hy Lạp. Xét về bản chất, Đức chẳng khác gì "chủ nợ" trong khi Hy Lạp đóng vai trò "con nợ". Đã là "con nợ" thì phải biết "nghe lời", muốn được có tiền thì phải biết chấp nhận "hy sinh vài thứ", trong đó có cả bóng đá?
Mới đây, một tờ báo của Đức đã in một hình biếm họa, mà nội dung của nó mô tả một phát ngôn viên của chính phủ đưa ra thông điệp rằng: "Quan điểm của chúng ta về Hy Lạp liên quan tới vấn đề cứu trợ sẽ phụ thuộc vào trận tứ kết". Tất nhiên, đây không phải là quan điểm của chính phủ Đức, mà chỉ là lời khiêu khích của một tờ báo. Quả thực bóng đá đóng vai trò quan trọng đối với nước Đức, trong đó có cả vấn đề hình ảnh, thể diện. Nhưng khi sự chênh lệch giữa tuyển Đức và Hy Lạp quá lớn, về truyền thống, lịch sử lẫn sức mạnh hiện tại, người Đức không cần phải gây sức ép.
Có hay không sự can thiệp chính trị sẽ tác động đến kết quả trận Đức - Hy Lạp - Ảnh Getty
Dù 8 năm về trước Hy Lạp đã vô địch EURO (2004) trong khi lần gần nhất Đức bước lên đỉnh cao châu Âu đã cách đây 16 năm (1996), giữa hai nền bóng đá tồn tại khoảng cách khủng khiếp.
Đức đã 3 lần vô địch thế giới, 12 lần lọt vào bán kết World Cup, nhiều hơn cả Brazil và Italia. Ở EURO, họ cũng đã 3 lần bước lên đỉnh cao và 3 lần là Á quân. Trong 3 giải lớn gần đây, gồm 2 VCK World Cup và 1 EURO, Đức đều lọt vào bán kết, và họ hiện là đương kim Á quân EURO.
Hy Lạp đã viết nên câu chuyện thần kỳ 8 năm về trước. Nhưng đó là tất cả đối với bóng đá Hy Lạp. Họ chỉ mới 2 lần lọt vào VCK World Cup. Từ sau đỉnh cao 2004, bóng đá Hy Lạp cứ thế xuống dốc.
Bayern Munich của Đức đã 4 lần vô địch C1/Champions League, chỉ kém Real Madrid (9), AC Milan (7) và Liverpool (5). Cộng thêm thành tích của Hamburg và Borussia Dortmund, bóng đá Đức đã 6 lần bước lên đỉnh cao châu Âu cấp CLB. Trong khi đó, xuyên suốt lịch sử, các CLB Hy Lạp chỉ 1 lần lọt vào trận chung kết Cúp C1, đó là trường hợp của Panathinaikos năm 1971 (thua Ajax 1-2).
Lợi nhuận mà Bundesliga (171 triệu euro mùa 2010-11), giải đấu cao nhất của Đức, thu về thậm chí còn gấp đôi so với Premier League (75 triệu). Thêm vào đó, số khán giả trung bình đến các sân ở Đức là 42.100 người, nhiều nhất trên toàn châu Âu.
Giải Super League của Hy Lạp là một bức tranh hoàn toàn đối lập với các vụ bê bối dàn xếp tỉ số, khán giả lèo tèo và tình trạng bạo lực như cơm bữa. Bản quyền truyền hình cả năm của Super League vỏn vẹn 44,35 triệu euro, chỉ cao hơn một chút so với giá của Mario Gomez khi anh chuyển đến Bayern Munich.
Tại EURO 2012, Hy Lạp bị đánh giá là một trong những đội yếu nhất giải. Họ đã gặp rất nhiều may mắn, đặc biệt ở trận cuối gặp Nga, để vượt qua vòng bảng và giành vé vào tứ kết. Nên nhớ rằng, bảng A của Hy Lạp bị xem là bảng đấu kém chất lượng nhất. Đức là đội duy nhất toàn thắng 3 trận, trận nào cũng thắng ấn tượng, và nên nhớ rằng bảng B là bảng đấu tử thần.
Khi Karagounis vắng mặt đêm nay vì án treo giò, ngôi sao lớn nhất của Hy Lạp là Georgios Samaras. Tiền đạo này từng khoác áo Man City từ năm 2006 đến năm 2008, khi giới chủ Ả rập chưa mua lại Man Xanh. Vì không thể hiện được mình, Samaras phải chạy sang Scotland, đá cho Celtic, ở giải đấu có chất lượng khá thấp của châu Âu.
Tuyển Đức hiện tại tràn ngập ngôi sao, đang khoác áo của Bayern Munich, Real Madrid hay Arsenal. Lứa cầu thủ hiện tại của họ được hứa hẹn sẽ tạo nên một thế hệ vàng mới cho bóng Đức.
Tóm lại, chỉ riêng trong lĩnh vực bóng đá, Đức đã bỏ xa Hy Lạp về mọi mặt. Vậy tại sao phải cần đến sự can thiệp của chính trị?
Nếu không thể vượt qua được Hy Lạp, bằng chính năng lực của mình, thì Đức quả thực không xứng đáng với vị thế ứng viên hàng đầu cho chức vô địch EURO 2012.
Theo Bưu Điện Việt Nam
ĐT Pháp: M'Vila từng là một... tên cướp Tiền vệ Yann M'Vila có 1 quá khứ khá phức tạp. Anh từng là 1 tên cướp giật bằng xe máy khét tiếng. 1. Franck Ribery thường ngồi hàng ghế cuối cùng trên xe bus của đội. Khi cùng Bayern Munich tập huấn ở Dubai trong kì nghỉ đông hồi tháng 1 năm 2009, tiền vệ này từng cao hứng chở các đồng...