Câu chuyện đằng sau tên gọi “Chủ tịch hội đồng tự quản”
Thay đổi tên Lớp trưởng/Chủ tịch trong dự thảo thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là ngẫu hứng. Đây là một trong những đặc điểm thuộc dự án 84 triệu USD mà World Bank hỗ trợ Việt Nam.
Dự án mô hình trường học sáng tạo của tổ chức GPE được triển khai thí điểm tại 600 trường học ở Việt Nam từ năm 2012 và được các chuyên gia quốc tế về giáo dục đánh giá rất khả quan.
Trong năm 2013, Cố vấn cấp cao về giáo dục của tổ chức USAID (Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ) ở châu Phi, bà Koli Banik đã có một báo cáo đánh giá tính khả quan về việc triển khai dự án mô hình trường học sáng tạo tại một số trường học ở Việt Nam. Báo cáo này có tên: “Từ Colombia đến Việt Nam: Thành công của một mô hình trường học sáng tạo”.
Infonet xin giới thiệu sơ lược bản báo cáo này của bà Koli Banik để độc giả hiểu rõ hơn về dự án này cũng như câu chuyện “Lớp trưởng/Chủ tịch” trong dự thảo bậc tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xôn xao dư luận trong nước mấy ngày qua.
“Con tôi trở nên tự tin và sáng tạo, kỹ năng giao tiếp phát triển, và đã chủ động hơn”. Đây chỉ là một trong nhiều ý kiến của phụ huynh tại trường Tiểu học Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam.
Ngồi theo nhóm, tương tác và thảo luận theo nhóm, Hội đồng lớp học và lãnh đạo, góc học tập và góc cộng đồng, những hộp thư vui vẻ và bản đồ cộng đồng là những đặc điểm… luôn có thể được nhìn thấy khi đến thăm một trong 1.447 trường học trải rộng trên 63 tỉnh thành ở Việt Nam đang đi theo mô hình Escuela Nueva.
Video đang HOT
Với khoản hỗ trợ lên đến 84 triệu USD từ các đối tác toàn cầu vì giáo dục (GPE), Chính phủ Việt Nam đang dần thích nghi với mô hình trường học Escuela Nueva, có nguồn gốc từ Colombia nhằm đáp ứng với yêu cầu và đòi hỏi của học sinh toàn quốc trong thế kỷ 21. Dự án của GPE đã hoạt động từ năm 2012 với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (World Bank).
Mô hình “GPE Escuela Nueva” ở Việt Nam
Koli Banik là Cố vấn giáo dục cao cấp tại Văn phòng USAID nhánh châu Phi. Trước đó, bà làm việc tại Đối tác toàn cầu về giáo dục (GPE) và là một chuyên gia giáo dục.
Lĩnh vực chuyên môn của bà là giáo dục trẻ em gái, bình đẳng giới, các vấn đề về giáo viên cũng như quản lý tri thức. Trước khi tham gia vào Ban Bí thư, Koli đã làm việc cho Hội đồng Dân số, Ngân hàng Thế giới, Uỷ ban Dịch vụ Mỹ và các tổ chức địa phương ở Ấn Độ.
Bà có nhiều kinh nghiệm làm việc với các cộng đồng nông thôn ở Ấn Độ và Việt Nam về các vấn đề giới tính, sức khoẻ sinh sản và HIV/AIDS. Bà có bằng tiến sĩ Giáo dục Quốc tế tại trường Đại học Maryland và một bằng thạc sĩ công tác xã hội của Trường Đại học Pennsylvania.
Được biết đến ở Việt Nam dưới cái tên “GPE Escuela Nueva Việt Nam (VNEN)”, mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình học tập trung và các phương pháp giảng dạy và học tập sáng tạo, tổ chức lớp học, đánh giá xu hướng học sinh và sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, trên tất cả những điều này, làm thế nào để dự án có thể tác động đến trẻ em cả trong và ngoài trường học, cũng như kết quả học tập lâu dài của lớp trẻ?
Gần đây, tôi đã tham gia thực hiện Nhiệm vụ hỗ trợ cho dự án này ở Việt Nam. Tôi có thể thấy những thay đổi lớn ban đầu xảy ra ngay khi dự án đang được thực hiện và so sánh kết quả với các trường học không tham gia dự án. Mục tiêu của nhiệm vụ là nâng cao năng lực cho các nhóm thành phần liên quan để tiến hành lập kế hoạch, giám sát dựa trên bằng chứng để thúc đẩy đối thoại chính sách xung quanh giáo dục tiểu học.
Tôi đã theo chân các quan chức Bộ Giáo dục Việt Nam tới các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh và tới thăm 10 trường học. Các tỉnh này được lựa chọn bởi họ là một phần dự án VNEN được đặt tại các vùng nghèo khó có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao.
Tại hai tỉnh này, chúng tôi thu thập dữ liệu giáo dục tiểu học, so sánh trường học theo mô hình VNEN với các trường ngoài VNEN. Chúng tôi tập trung vào khía cạnh chất lượng, chẳng hạn như thái độ, hành vi, động lực của giáo viên và sự tham gia của cộng đồng. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để phỏng vấn và tương tác với các bên liên quan đến giáo dục ở trung ương lẫn địa phương, hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, phụ huynh, hội phụ nữ ở địa phương, các nhóm thanh thiếu niên và các đối tác phát triển khác của chương trình.
Kết quả đầy hứa hẹn
Hãy để tôi nhấn mạnh một vài phát hiện từ các trường VNEN:
- Học sinh không còn ngồi đối diện với giáo viên và được giảng dạy bởi giáo viên nữa. Giờ đây, các em ngồi theo nhóm 4-6 người ở bàn và giáo viên đi lại thảo luận giữa các nhóm. Mỗi bàn có một học sinh đứng đầu, giúp những học sinh còn lại bắt đầu thảo luận và làm việc nhóm.
- Cách tiếp cận mô hình VNEN giúp thúc đẩy các nhóm nhỏ học tập và giải quyết vấn đề dưới sự giúp đỡ, phát triển thái độ tích cực lâu dài. Chẳng hạn sẽ tác động đến khả năng sáng tạo, sáng kiến, lòng tự trọng, tự chủ, trách nhiệm, kỹ năng truyền thông và xã hội, và sự tự tin.
- Trường học VNEN cố gắng để cung cấp cho trẻ cơ hội học tập nhiều hơn tại trường. Họ tạo cho trẻ em những bức tường đầy màu sắc, giúp trẻ phát huy thành tựu xuất phát trong nội lực và thể hiện điều đó cho công chúng nhìn nhận. Họ mở cửa trường học để cộng đồng cùng tham gia, có các góc cộng đồng trong từng lớp học. Các học sinh trong hội đồng này sẽ tổ chức các cuộc bầu cử, và vì vậy, tất cả học sinh đều có cơ hội trở thành lãnh đạo.
- Cách tiếp cận mô hình VNEN đòi hỏi sự linh động của giáo viên thông qua việc chia sẻ thông tin thường xuyên hơn, đặc biệt là đối với các giáo viên có hiệu suất dạy học thấp.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục Việt Nam vui mừng với mô hình VNEN, và tôi tự hào về thành tích ban đầu của nó. Hiện nay, dự án đang thí điểm tài liệu cho 6 cấp lớp học, và cho thấy nó thích hợp với mô hình trường trung học cơ sở. Bộ Giáo dục hy vọng rằng mô hình VNEN sẽ là một phần của chương trình cải cách giáo dục của chính phủ, thay đổi sinh viên Việt Nam trở thành các nhà tư tưởng sáng tạo và chủ động trong tương lai.
Đánh giá tác động, tạo cơ sở dữ liệu
Một đánh giá tác động tại 600 trường học VNEN đang được tiến hành và kết quả được mong chờ sẽ cung cấp dữ liệu cho thấy những gì đang làm được và những gì có thể được cải thiện hơn nữa trong các trường học theo mô hình VNEN, xem xét kết quả học tập học sinh liệu có tốt hơn không.
Một cuộc cải cách chương trình giảng dạy trên toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam trong năm 2015 chính là một bước đi trong quá trình này. Đây sẽ là thời điểm quan trọng để Việt Nam đảm bảo được những cải cách sẽ thực sự giúp thay đổi bền vững, mang lại kết quả chất lượng cao trong giáo dục. Như vậy, Việt Nam sẽ phải quyết định xem các mô hình VNEN sẽ tiếp tục là sáng kiến hay sẽ đưa dự án thích nghi và mở rộng trên toàn bộ hệ thống giáo dục toàn quốc.”
Theo infonet