Cậu bé 7 tuổi liệt tứ chi và nghị lực phi thường khi viết chữ bằng miệng
Dù phải nằm học, viết chữ bằng miệng vì chân tay không cử động được nhưng bé Phong rất hăng say học, tiếp thu bài nhanh, luôn được cô giáo khen ngợi.
Từ khi sinh ra, em Nguyễn Thế Phong (SN 2012), trú xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mang một cơ thể khuyết tật.
Phong phải dùng cả tay và miệng để viết bài. Ảnh: Thanh Niên.
Cụ thể, Phong bị đa khớp bẩm sinh và bại não vận động khiến tay chân em co quắp, tật nguyền không vận động được.
Chia sẻ trên báo Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Trúc Phương (SN 1989), mẹ của Phong cho biết, ngày mang thai đứa con đầu lòng được 4 tháng, chị đi khám thì phát hiện cháu bị dị tật, dù được các bác sỹ khuyên không nên giữ nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm giữ con. Lúc sinh ra, chân tay Phong đều cứng đơ, xếp vòng lại.
Căn bệnh đa khớp bẩm sinh và bại não vận động khiến Phong phải đi bệnh viện bó bột từ khi 2 tháng đến 2 tuổi và từ 2 – 4 tuổi Phong phải trải qua 5 lần mổ khớp đầu gối và khớp bàn chân nên hiện nay mới duỗi ra nhưng vẫn không vận động được.
Sau những chuỗi ngày nằm trong bệnh viện, trở về nhà, cuộc sống của Phong gắn liền với chiếc giường nhỏ bên ô cửa được cắt ra từ một tấm ván làm vách nhà.
Bố mẹ Phong có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Sau Phong còn có 2 em, để có thời gian chăm các con, chị Phương ở nhà, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1982, bố Phong). Hàng ngày, ngoài đi phụ hồ, anh Nhật còn đi làm keo, ai thuê gì cũng làm chỉ mong có thể nuôi sống gia đình.
Vì thiết tha được học, Phong được bố mẹ và nhà trường tạo điều kiện cho đi học. Em nằm học trên chiếc giường gỗ đặt ở cuối lớp do bố mẹ đóng, đầu chiếc giường có thành cao bằng ván để làm giá kê sách vở.
Video đang HOT
Dù phải nằm học và chân tay không cử động được nhưng em rất hăng say học, tiếp thu bài nhanh, luôn được cô giáo khen ngợi.
Chiếc giường gỗ đặc biệt của Phong được đặt ở cuối lớp. Ảnh: Người Đưa Tin.
Lần đầu tiên trường tiểu học số 1 Xuân Trạch (Quảng Bình) tiếp nhận, nuôi dạy một học trò khuyết tật tay chân như Phong, nhà trường luôn quan tâm hỗ trợ em. Chia sẻ trên báo Thanh Niên, cô Lê Thị Hiền Bích – giáo viên chủ nhiệm của em Phong tâm sự: “Mặc dù em đi học muộn hơn các bạn 1 tháng nhưng qua sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo nhà trường cùng với sự nỗ lực của bản thân nên em đã tiếp thu bài kịp các bạn. Em học bài rất tốt”.
Mỗi ngày Phong được mẹ – chị Nguyễn Thị Trúc Phương bế đi về 4 lượt. Đều đặn hằng ngày, cuối buổi học là chị Phương có mặt tại trường. Khi chưa hết giờ học, chị đứng ngoài cửa sổ lén nhìn con trai mình ở trong lớp mà nghẹn ngào. Chính tình mẫu tử giúp mẹ con chị Phương vượt lên giông bão cuộc đời.
Thanh Tùng
Theo ĐSPL
Nghị lực phi thường của thủ khoa Học viện Báo chí
Ước mơ của Huệ là trở thành một nhà báo giỏi. Biết rằng, con đường đó chẳng dễ dàng chút nào, nhưng trong em vẫn ấp ủ một niềm tin mãnh liệt.
Mỗi người có một điểm xuất phát khác nhau, nhưng sự nỗ lực và phấn đấu vươn lên mới là thước đo giá trị. Tôi đã gặp và rất khâm phục một cô gái có nghị lực phi thường, đó là em Đỗ Thị Phương Huệ, sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39 - là một trong các thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2019 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 27,5 điểm.
Tôi tình cờ gặp Huệ tại buổi lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2019, vẻ bề ngoài của cô gái với sự thân thiện, dịu dàng khiến ai cũng yêu mến nhưng cuộc đời của tân sinh viên này không hề thuận lợi đặc biệt từ khi mẹ em đột ngột qua đời.
Đỗ Thị Phương Huệ, sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39 - là một trong các thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2019 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 27,5 điểm (Ảnh: Thùy Linh)
Huệ sinh ra và lớn lên ở Lãng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc, vùng đất thuần nông nhiều gian khó. Nhà em cũng như bao gia đình khác, lấy nông nghiệp làm chỗ dựa kinh tế.
Theo lời kể của Huệ tôi được biết, trước đây, bố của Huệ do đi bốc vác cám, gỗ, xi măng thuê, công việc nặng nhọc, vất vả suốt thời gian dài khiến bố em lao lực, sức khỏe không còn như trước.
Chính vì vậy, mẹ của Huệ là trụ cột chính của gia đình từ nghề phụ hồ, người phụ nữ ấy phải gánh vác nuôi cả gia đình 7 người gồm bố mẹ chồng, chồng, 3 con.
Những tưởng mọi thứ cứ như vậy mà tiếp diễn, nhưng một tai họa đổ ập xuống gia đình em vào năm em học lớp 11, mẹ đột ngột qua đời sau một cơn ốm kéo dài vỏn vẹn 5 ngày.
Vừa tâm sự, hai hàng nước mắt của Huệ lại chảy dài khi nhớ lại quãng thời gian đau đớn đó. Huệ kể, khi em bước vào những ngày cuối năm học lớp 11, mẹ bị ốm, sốt nhưng lúc đó gia đình chưa thuộc diện hộ nghèo nên mẹ không có bảo hiểm y tế, chính vì vậy mẹ đã chần chừ chuyện đi khám bệnh, sợ tốn nhiều tiền.
Do cơn sốt không thuyên giảm nên bố đưa mẹ lên bệnh viện huyện nhưng sau hơn 1 ngày không phát hiện ra bệnh tình nên gia đình em chuyển mẹ xuống Bệnh viện Bạch Mai để khám.
Vừa tâm sự, hai hàng nước mắt của Huệ lại chảy dài khi nhớ lại quãng thời gian đau đớn của gia đình mình khi mẹ đột ngột qua đời (Ảnh: Thùy Linh)
Cứ ngỡ mẹ ốm sốt bình thường nên lúc đó Huệ chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyên đề cuối năm của trường, em tự nhủ mình phải được điểm cao nhất để lấy giải thưởng 150.000 đồng rồi thứ 7, chủ nhật tuần đó xuống thăm mẹ nhưng em chưa kịp xuống thì mẹ đã mất vì dù bác sĩ chưa kịp can thiệp trước nghi ngờ có u ác tính.
Từ khi mẹ em mất, gia đình thiếu vắng đi bàn tay người phụ nữ tần tảo, mọi cơ cực, khó khăn đè nặng lên vai bố - người chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng, ông nội thì bị bệnh tiểu đường tuýp 2 còn bà nội đã ngoài 60 tuổi, là con gái lớn trong gia đình nên nhiều công việc Huệ phải cùng bố, ông bà gánh vác để nuôi các em và nuôi chính ước mơ mà em hằng ấp ủ là một ngày nào đó được đi học đại học.
Huệ kể: "Em từng đi nhặt ve chai, đi vò lúa, mỗi buổi sáng em lấy xôi của cô bán hàng vào trường bán lại, mỗi buổi sáng cũng được 15.000 đồng để kiếm tiền phụ bố".
Huệ hâm mộ nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Lại Văn Sâm, MC Loan Trần... đó là những người đã truyền cảm hứng để em lựa chọn nghề báo và mong muốn trở thành một nhà báo giỏi.
Em nhập trường đại học ngoài sự giúp đỡ của các cô dì, cậu thì em cũng nhận được một số học bổng, khoản tiền đó em dành dụm một phần giúp bố nuôi một em học lớp 6 và một em học mẫu giáo ăn học.
Được biết, Huệ rất cố gắng trong học tập, 12 năm phổ thông Huệ đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Ngoài ra, Huệ còn giành giải Nhất môn Lịch sử lớp 10 và vượt cấp lớp 12 cấp tỉnh. Giải Nhất môn Lịch sử và giải Ba môn ngữ văn cấp tỉnh lớp 11, giải Nhất môn Lịch sử cấp tỉnh lớp 12.
Năm 2017-2018, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc tham dự cuộc thi "Tự hào Việt Nam" vòng chung kết toàn quốc tại Hà Nội.
Ước mơ của Huệ là trở thành một nhà báo giỏi. Biết rằng, con đường đó chẳng dễ dàng chút nào, nhưng trong Huệ vẫn ấp ủ một niềm tin mãnh liệt. Em luôn tự hứa với mình phải cố gắng hơn nữa, trau dồi ngoại ngữ, kiến thức chuyên ngành để có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Nghị lực phi thường của nữ Bí thư Đoàn xã địu con lên giảng đường Mang bụng bầu vượt mặt leo từng quả đồi, ăn ở cùng dân bản để học tiếng Mông, địu con nhỏ đi học đại học..., cô gái dân tộc Dao chỉ có một khát vọng người dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô là Bí thư Đoàn xã đầu tiên của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Bí...