Cấp tiểu học sẽ không còn môn Lịch sử riêng biệt
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (thành viên nhóm biên soạn Chương trình SGK mới), ở tiểu học sẽ không còn riêng môn Lịch sử mà được tích hợp sâu với môn Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý. Các cấp học khác cũng có tích hợp nội môn.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, thành viên nhóm biên soạn Chương trình SGK mới môn Lịch sử.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết như trên tại hội thảo quốc tế “Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK”, do Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 16/12.
Cần thiết phải tích hợp
Được biết, PGS Vỳ là một trong 4 thành viên của nhóm biên soạn SGK Lịch sử trong Chương trình phổ thông mới. Nói về việc tích hợp giữa Lịch sử với các môn khác, PGS Vỳ cho hay, việc tích hợp trong SGK Lịch sử từ trước đến nay đã có nhưng mức độ rất vừa phải. Riêng phần tích hợp nội môn chưa làm được.
Do đó nhóm đề xuất, cần tăng cường tích hợp trong giảng dạy, đây là xu thế chung của thế giới, cũng như thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về tích hợp sâu và phân hóa dần ở các lớp trên.
Cụ thể, ở chương trình và SGK hiện hành, SGK Lịch sử được viết riêng lịch sử thế giới, đến lịch sử Việt Nam. Nay, nhóm đã dự thảo chuyển theo mô hình: Thế giới – khu vực – Việt Nam – địa phương. Trong đó, lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình. Phần lịch sử địa phương sẽ do địa phương chủ động thiết kế theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong phạm vi cho phép.
Trong quá trình tích hợp, sẽ rất chú ý thể hiện rõ mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Sau này trong SGK, nhất là sách giáo viên, sẽ chú trọng yêu cầu giáo viên phân tích cho học sinh thấy mối quan hệ và sự tác động giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Ví dụ cuộc cách mạng tháng 10 Nga, sự ra đời của quốc tế cộng sản, chiến tranh thế giới thứ 2, công cuộc cải tổ ở Liên Xô… Tất cả sự kiện này đã ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào và ngược lại.
Tiểu học sẽ có môn Lịch sử Địa lý
Cũng theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, ở tiểu học sẽ thực hiện tích hợp xuyên môn, không còn riêng môn như truyền thống nữa. Hiện môn Lịch sử đang học theo kiểu thông sử, từ cổ đại đến hiện đại. Giờ tích hợp sâu hơn. Và dự kiến sẽ tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý nhưng vẫn có sắc thái riêng của cả hai môn.
Chương trình môn Lịch sử và Địa lý mới bắt đầu từ lớp 4 và kết thúc ở lớp 5 với việc tìm hiểu các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Video đang HOT
Cách viết dự kiến sẽ có sự kết hợp giữa kể chuyện và các chủ đề Lịch sử và Địa lý. Nội dung chủ yếu liên quan đến đất nước và con người Việt Nam, trong đó có kiến thức chung cả hai môn. Thí dụ: Chủ đề “Giới thiệu về nhà nước Văn Lang – Âu Lạc” sẽ nói đến sự thành lập, quá trình xây dựng và bảo vệ nhà nước qua một số câu chuyện: Lạc Long Quân – Âu Cơ; Mỵ Châu – Trọng Thủy…
Tích hợp theo chủ đề ở cấp trung học
PGS Vỳ cho biết, ở cấp THCS, các em phải học những thứ truyền thống và chuyên sâu theo thông sử. Nhưng dự kiến cũng sẽ tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý trong nội dung cụ thể của chương và theo các chủ đề chung.
“Hiện tại, nhóm đã nghĩ ra được 4 chủ đề: Chẳng hạn chủ đề biển đảo, chủ đề đô thị, chủ đề Việt Nam trên con đường đổi mới, chủ đề văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long… Dự kiến trong chương trình Lịch sử và Địa lý ở THCS, sẽ dành cho các chủ đề chung từ 10- 15% thời lượng chương trình”, PGS Vỳ cho biết.
Cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nên được dạy theo chủ đề/chuyên đề có tính nâng cao (ảnh minh họa GD&TD)
Tích hợp đa môn
Tương tự như vậy, việc tích hợp đa môn hoặc liên môn không chỉ riêng Lịch sử và Địa lý mà còn cả kiến thức của các môn khác.
Theo PGS Vỳ, định hướng trong chương trình SGK mới sẽ tăng cường tích hợp đa môn, sử dụng nhiều hơn kiến thức các môn học khác trong các chương bài để làm cho lịch sử phong phú, hấp dẫn và giúp học sinh hiểu biết rộng hơn.
Chẳng hạn kết nối Lịch sử với Địa lý, với Văn học, với khoa học kĩ thuật… Thí dụ học về thời nguyên thủy chẳng hạn, sẽ kết hợp với kiến thức sinh học như sự phát triển của bộ não, sự tiến hóa từ 4 chân đến hai chân… Hoặc sử dụng kiến thức Toán học chẳng hạn, có số La mã, số Ả rập hoặc môn Vật lý là các phát minh về máy hơi nước, về động cơ…
Tóm lại, PGS Vỳ cho rằng, dự thảo chương trình Lịch sử mới đã có thay đổi. Cấp tiểu học sẽ không còn học riêng môn Lịch sử mà tích hợp sâu với Địa lý thành Lịch sử Địa lý.
Chương trình THCS, môn Lịch sử là một phân môn của môn Lịch sử và Địa lý .
Cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nên được dạy theo chủ đề/chuyên đề có tính nâng cao. Việc tích hợp nội môn theo mô hình thế giới – khu vực – Việt Nam – địa phương ở cả 3 cấp là điểm mới nhất.
Điều khó khăn mà nhóm biên soạn dự đoán khi tích hợp Lịch sử thế giới với Lịch sử Việt Nam, học sinh sẽ khó hệ thống kiến thức xuyên suốt theo tiến trình phát triển của Lịch sử. Để khắc phục, trong SGK mỗi lớp sẽ có bài khái quát về lịch sử thế giới ở cuối khóa trình.
Theo Dân Trí
Những điểm mới môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Tại hội thảo quốc tế "Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK", do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức ngày 16/12, GS .TS Trần Thị Vinh, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn Chương trình môn Lịch sử mới cho biết, chương trình có những thay đổi về cơ bản so với chương trình hiện hành.
Một số vấn đề trước đây SGK cũ chưa đề cập tới như: Chiến tranh biên giới, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo... tất cả các nội dung này cũng sẽ được nhắc tới trong SGK mới.
Điểm mới về quan điểm xây dựng chương trình
Theo GS Vinh, đến nay Chương trình môn Lịch sử mới đã nhận được ý kiến của đông đảo các chuyên gia, các thầy cô giáo ở các vùng miền trên toàn quốc. Trong đó có cả các giáo viên trực tiếp đứng lớp, các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà khoa học đến từ các trường ĐH trên cả nước. Trên cơ sở đó, nhóm biên soạn đã có những điều chỉnh để hoàn thiện Chương trình.
Theo đánh giá của GS Vinh, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn Lịch sử là một trong số những chương trình môn có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này có kế thừa một số ưu điểm của chương trình cũ.
"Có thể nói chương trình cũ đã phát huy được sứ mệnh giáo dục lịch sử cho nhiều thế hệ. Cho đến hôm nay, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đã đến lúc phải thay đổi chương trìnhcho phù hợp với bối cảnh mới", GS Vinh cho hay.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn Lịch sử là một trong số những chương trình môn có nhiều thay đổi. (ảnh minh họa Mỹ Hà)
"Điểm mới quan trọng nhất trong cách tiếp cận xây dựng Chương trình là sự chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực, cụ thể là phát triển năng lực chuyên môn lịch sử cho học sinh trên nền tảng hệ thống kiến thức cơ bản về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam; giúp học sinh kết nối lịch sử với cuộc sống hiện tại", GS Vinh nhấn mạnh.
Từ đó, môn Lịch sử góp phần vào việc xây dựng những năng lực cốt lõi và phẩm chất cho học sinh, đặc biệt là giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, có thái độ trân trọng đối với các giá trị truyền thống, các di sản lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Điểm mới về cấu trúc nội dung
Kết cấu chương trình môn Lịch sử có những thay đổi về căn bản, GS Vinh cho biết.
Ở cấp Tiểu học (lớp 4, 5), những kiến thức sơ giản về Lịch sử là một hợp phần căn bản của môn Lịch sử và Địa lý. Ở cấp Trung học cơ sở, học sinh được học thông sử để nắm được dòng chảy của lịch sử Việt Nam qua các thời đại trong sự tương tác với lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử thế giới.
Toàn bộ chương trình lịch sử ở cấp THCS được thiết kế theo mô hình tích hợp lịch sử thế giới lịch sử khu vực Đông Nam Á lịch sử Việt Nam. Trong đó, lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm khoảng 60% thời lượng của chương trình. Thí dụ: ở lớp 9, với bài Chiến tranh thế giới thứ hai, học sinh sẽ được học các nội dung sau đây: Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Nam Á trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ở cấp Trung học phổ thông, chương trình được thiết kế theo các chủ đề về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam trên các lĩnh vực: lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng và những chủ đề có tính định hướng, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị nền tảng và ý nghĩa thực tiễn của khoa học lịch sử trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng có những thay đổi
Theo GS Vinh, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá.
Mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả học tập là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và năng lực môn học Lịch sử ở từng chủ đề, từng lớp học, để từ đó có những biện pháp cải thiện kịp thời hoạt động dạy học.
Đặc biệt về nội dung, một số vấn đề trước đây SGK cũ chưa đề cập tới như: Chiến tranh biên giới, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo... tất cả các nội dung này cũng sẽ được nhắc tới trong SGK mới.
Do thay đổi chương trình nên đối với giáo viên, phương pháp giảng dạy cũng thay đổi, gắn với thực hành, thực tiễn. Giáo viên sẽ thông qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, giáo viên giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập lịch sử, trở thành "người đóng vai lịch sử" hay "người làm lịch sử" để khám phá kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào học tập và thực tiễn cuộc sống", GS Vinh cho biết.
Theo Dân Trí
Giáo viên và thách thức thực hiện đổi mới Chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp chất lượng GD. Do đó, nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ hết sức cấp bách, đặc biệt quan trọng hiện nay. ảnh minh họa Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GD phổ thông, góp...