Cấp tập bù đắp ‘lỗ hổng’ kiến thức cho học sinh
Hàng loạt trường, giáo viên lên kế hoạch ôn tập, phụ đạo, giúp học sinh nắm chắc bài vở sau hơn hai tuần học trực tuyến, phòng tránh Covid-19.
Ông Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11, cho biết trong tuần tới sẽ ôn lại các bài đã dạy online khi học sinh nghỉ học phòng dịch bệnh. Bởi học online là giải pháp tình thế, không hiệu quả bằng việc học tập trung. Chưa kể, một số em vắng mặt do thiếu thiết bị hoặc nhiều em có thể chỉ đăng nhập vào lớp nhưng làm việc riêng.
Năm nay, thầy Phương dạy cả ba khối 10, 11, 12, mỗi khối 2 lớp. Theo phân phối chương trình, mỗi lớp sẽ có 2 tiết Vật lý trong tuần. Do đặc thù trường dạy hai buổi mỗi ngày nên giáo viên sẽ có thêm 2 tiết buổi thứ hai. “Như vậy thời gian để dạy bổ sung kiến thức, phụ đạo cho học sinh yếu là khá thoải mái. Tất nhiên là phải dạy lại toàn bộ bài giảng online, mà chỉ củng cố lại những vấn đề chính, thời gian có thể rút gọn một nửa”, thầy Phương nói.
Cùng quan điểm học online chưa hiệu quả, khó kiểm soát việc học của học sinh, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Toán trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng lên kế hoạch dạy bổ sung cho học sinh. Trong hơn 2 tuần nghỉ phòng dịch trước và sau Tết, thầy dạy trực tuyến qua ứng dụng K12Online kết hợp với Zoom và Zalo. Trong tháng 3 tới, ngoài 4 tiết học chính khoá, giáo viên Toán còn có thêm 4 tiết ở buổi hai nên dễ dàng sắp xếp các buổi học bù. “Thời gian khá thoải mái nhưng thầy trò vẫn phải tăng tốc để kịp chương trình, nhất là học sinh khối 12″, anh chia sẻ.
Hàng loạt trường THPT như Ten Lơ Man, Trưng Vương (quận 1), Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Du (quận 10)… cũng chuẩn bị lịch củng cố kiến thức cho học sinh ngày đầu học lại sau Tết.
Tại trường THPT Lương Thế Vinh, Ban giám hiệu điều chỉnh hoạt động, dạy học của nhà trường phù hợp với tình hình thực tế. Trường rà soát mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng mà học sinh đã học trực tuyến, tổ chức phụ đạo từ ngày 1/3 (tuần thực học 26) củng cố cho học sinh yếu kém hoặc không có điều kiện học online. Ngoài ra, trường vẫn duy trì cho học sinh học qua phần mềm trực tuyến để tạo thói quen tự học. Một tuần sau đó, các em làm bài kiểm tra tập trung các môn Toán, Lý, Hoá, Văn, tiếng Anh.
Giáo viên trường THPT Nguyễn Du (quận 10) dạy trực tuyến ngày 18/2. Ảnh: Mạnh Tùng.
Với giáo viên môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá ở các trường học hai buổi mỗi ngày, thời gian buổi hai khá dư dả để củng cố kiến thức bị hụt trong thời gian học online. Nhưng với các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân, thời gian ít hơn vì không có tiết buổi hai. Do đó, thay vì dạy theo đơn vị bài học, nhiều thầy cô sắp xếp theo nhóm chủ đề.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cho biết trong tháng 2 mỗi lớp phải học trực tuyến 2 tiết Sử với các bài học mới. Bởi khó kiểm soát lớp học trực tuyến nên giáo viên cũng không thể đánh giá ngay học sinh mà phải ôn tập lại.
Video đang HOT
Với học sinh lớp 12 chọn tổ hợp Khoa học xã hội thi tốt nghiệp THPT và xét vào đại học, khoảng thời gian tới rất quan trọng, phải tăng tốc để nắm vững kiến thức. “Chúng tôi không dạy theo bài mà sắp xếp thành các chuyên đề, lược bỏ những phần không quan trọng để các em nắm kiến thức trọng tâm. Các bài kiểm tra định kỳ vẫn được tổ chức theo hình thức làm dự án nhưng phải thay đổi cách làm cho phù hợp với bối cảnh dịch bệnh”, thầy Du nói.
Ở khối THCS, thầy Trần Văn Minh, Hiệu phó trường THCS – THPT Đào Duy Anh (quận 6) sẽ ôn tập lại các bài đã dạy trực tuyến cho hơn 810 học sinh. Do đặc thù là trường nội trú, ngoài hai buổi một ngày nên các môn đều được tăng tiết. Ban ngày học sinh được học bài mới và ôn lại bài cũ, buổi tối sẽ luyện giải bài tập. “Nếu tình dịch bệnh ổn định từ nay đến cuối năm thì việc hoàn thành chương trình sẽ thuận lợi, đảm bảo cho các em không bị hổng kiến thức”, thầy Minh nói.
Ở tiểu học, với chủ trương không gây áp lực cho học sinh, thầy Ủ Thiện Phước, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Định (quận 6) cho biết những tuần nghỉ học trước đó giáo viên giao bài cho học sinh qua Zalo, thu bài và đánh giá, nhận xét. Đầu tuần tới, giáo viên sẽ hướng dẫn lại các em toàn bộ bài học Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Những em nào yếu, không theo kịp chương trình, nhà trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng riêng.
“Với học sinh khối 1, giáo viên tuân thủ theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, dạy theo phân hoá trình độ”, thầy Phước .
Học sinh trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) học trực tuyến tại nhà, ngày 19/2. Ảnh: Lê Nam.
Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hầu hết trường ở thành phố đều triển khai đa dạng hình thức dạy học trên Internet. Khoảng 80% học sinh tham gia các lớp học trực tuyến, trong đó khối 12 đạt 96%. Khối lớp 1 và 2 gặp nhiều khó khăn nhất bởi học sinh còn nhỏ, đa số trường dùng phiếu giao bài tập, kết hợp các đoạn video bài giảng. Trẻ mầm non được hướng dẫn nhiều kỹ năng sống, vui chơi, sinh hoạt bằng các đoạn phim ngắn do thầy cô thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhìn nhận chất lượng tiếp thu bài học qua Internet ở từng trường, lớp có sự chênh lệch bởi nhiều yếu tố khách quan. Do đó, giáo viên có trách nhiệm rà soát lại việc học trực tuyến của từng em, đưa ra biện pháp dạy bổ sung cho phù hợp.
“Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên không bị ràng buộc thời gian phải hoàn thành bài học mà có thể chủ động xây dựng, đảm bảo được mục tiêu chung. Thầy cô có thể dừng lại một ít thời gian để dạy lại cho các em, miễn không ảnh hưởng tới tiến độ cuối năm”, ông Hiếu nói.
Các trường, tổ chuyên môn được yêu cầu điều chỉnh kế hoạch dạy học, tuỳ điều kiện từng nơi. Riêng lớp 1, giáo viên phải chia các mốc năng lực cần đạt được thành cách chặng nhỏ, có kế hoạch riêng cho từng nhóm học sinh. “Ở cấp tiểu học, chúng tôi mong phụ huynh cùng hỗ trợ nhà trường, quan tâm nhiều hơn đến học sinh bởi các em còn nhỏ, chưa có thói quen tự học”, ông Hiếu nói.
Hơn 1,74 triệu học sinh toàn thành phố sẽ học tập trung từ ngày 1/3, sau gần một tháng nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ phòng chống dịch. Hiện các trường đã tổng vệ sinh khuôn viên, lớp học, chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Cách nào đánh giá học sinh chính xác?
Cô Dương Thu Nguyệt, giáo viên Hóa, trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) đặt mục tiêu nhớ tên học trò mình phụ trách để cuối kỳ đánh giá chính xác.
Cô Nguyệt hiện dạy hai lớp 12 và bốn lớp 10 với gần 300 học sinh. Với lớp chủ nhiệm, việc nhớ học trò dễ dàng vì gắn bó với các em hàng ngày. Tuy nhiên, với các lớp chỉ dạy bộ môn, việc nhớ mặt, thuộc tên học sinh khó hơn nhiều.
Môn Hóa thường có 2-3 tiết mỗi tuần. Mỗi lần vào lớp, cô Nguyệt nhớ học sinh bằng cách xuống dưới lớp tương tác, kiểm tra bài vở. Khi gọi phát biểu, cô thường nhìn tên trên phù hiệu học trò. Việc thuộc tên giúp cô đồng hành sát sao với trò, nắm được tình hình học tập hoặc các vấn đề các em gặp phải. "Thế nhưng, việc nhớ toàn bộ học sinh các lớp không chủ nhiệm là gần như không thể. Mỗi lớp, tôi nhớ được khoảng 60%", cô thổ lộ.
Những buổi học thư thả thời gian, cô cho học trò diễn kịch, làm thơ để học Hóa. Thay vì phải học thuộc những tính chất khô khan, cuộc thi chuyển nội dung bài học thành thơ lục bát, thậm chí phổ nhạc để học trò nhớ bài nhanh hơn. Hoạt động này giúp tiết học sôi nổi và cô Nguyệt cũng nhớ tên, điểm nội trội của học trò.
Trong tiết học, cô thường lồng ghép việc nhận xét, đánh giá bài làm ngay khi học sinh phát biểu. Việc này giúp trò nhận ra và nhớ lỗi của mình lâu hơn, cũng là căn cứ để giáo viên nhận xét cuối kỳ. "Những lỗi phổ biến, cảm thấy có thể nói trước lớp, tôi sẽ nói cho các em khác cùng rút kinh nghiệm, ngược lại những gì nhạy cảm, tế nhị sẽ nói riêng với học sinh" , cô Nguyệt nói.
Trong khi đó, cô Lê Thị Trúc Nhiều, giáo viên Sử, trường THPT Chu Văn An, huyện Phú Tân, An Giang, chủ yếu nhớ mặt, tên học trò thông qua các hoạt động làm việc nhóm. Khi chia lớp thành các nhóm và lên thuyết trình, giáo viên sẽ nắm được điểm nổi trội, mạnh yếu của từng em. Cách này cũng giúp cô tương tác với học trò để trò thuộc bài hơn.
"Tôi luôn lồng ghép tối đa nội dung, câu hỏi để học trò có thể tranh luận, trình bày quan điểm cá nhân, sau đó kết hợp nhận xét và nhớ tên, mặt các em. Việc có nhớ được học trò phụ thuộc vào giáo viên nỗ lực như nào", cô Nhiều kể.
Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý, trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: Lê Nam.
Dù cách đánh giá học sinh theo Thông tư 26/2020 khiến giáo viên vất vả hơn, nhiều thầy cô ủng hộ cách làm mới này bởi sẽ đánh giá toàn diện năng lực và khích lệ học trò tiến bộ.
Không đặt nặng việc nhớ mặt học sinh, thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM, thường chia các em theo từng nhóm, dựa vào năng lực học tập. Từ sổ điểm cá nhân, thầy Phương "bắt mạch" được sự phấn đấu cải thiện điểm số hoặc sa sút của học trò, từ đó có cách nhắc nhở, chỉnh đốn cũng như nhận xét học tập.
Với gần 300 học sinh mình phụ trách, nhớ hết từng em là không thể, nhưng những em giỏi nhất hoặc học dở nhất, đều gây ấn tượng với thầy. Đây cũng chính là những học sinh cần có những nhận xét đặc biệt, mang tính cá nhân để các em được động viên hoặc được nhắc nhở, đốc thúc học hành.
Cũng theo thầy Phương, nhận xét học sinh nên thẳng thắn, khách quan, có khen, có chê nhưng đều phải tế nhị, mang tính xây dựng. Bởi đây là căn cứ để giáo viên chủ nhiệm có cái nhìn tổng quan về các em, phê trong học bạ.
"Một người thầy dạy Toán dễ cảm tính khi đánh giá học sinh lực học trung bình hoặc yếu nếu chỉ nhìn vào điểm các môn Khoa học tự nhiên mà quên đi Văn, Sử, Địa, hoặc ngược lại. Nếu có những nhận xét khách quan ở từng môn, một học sinh có thể được đánh giá toàn diện hơn, chẳng hạn học trung bình Khoa học tự nhiên nhưng rất có khiếu Văn, Sử", thầy nêu ví dụ.
Một giáo viên THPT khác tại TP HCM cùng quan điểm với thầy Phương là luôn phải quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu kém. Việc nhận xét không nhất thiết phải ghi vào sổ điểm mà giáo viên chỉ cần sử dụng lời nói động viên, khích lệ, khuyên nhủ... Cùng với đó, thầy cô bộ môn nên dành thêm thời gian quan tâm các em bằng cách nhắc nhở, chia sẻ những khó khăn sao cho thiết thực nhất.
Nhận xét học sinh yếu kém cũng không dễ, lời lẽ cần tế nhị để các em nhận ra hạn chế nhưng cũng không mất động lực học tập. Để tránh mỗi trường nhận xét một kiểu, kể cả giáo viên mạnh ai nấy làm, thầy giáo này đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán, trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, cho rằng nhiều đồng nghiệp khác còn lúng túng đánh giá theo cách mới bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ nhà trường. Với Thông tư 26, công việc đánh giá của thầy cô không vất vả hơn bởi số cột kiểm tra đã được giảm, môn nhiều tiết tối đa chỉ 6 cột mỗi kỳ. Những môn thầy cô phải phụ trách nhiều học sinh, con số lên 1.000 như Công nghệ, việc nhận xét cũng nhẹ hơn các môn khác vì ít em yếu kém.
"Nếu nhẩm tính thời gian chấm bài kiểm tra, vào điểm và thời gian nhận xét thì thấy cách làm mới không mất nhiều thời gian hơn. Việc nhận xét học sinh cũng không phải quá mới, ai làm chủ nhiệm đều phải làm cuối năm vào học bạ", thầy Chính nói. Thầy giáo đề xuất ngành giáo dục có hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đi kèm với đó là các phương tiện đánh giá học sinh (phần mềm, ứng dụng...) để tăng tính hiệu quả của cách làm mới này.
Theo Thông tư 26/2020, có hiệu lực từ tháng 10/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, giáo viên đánh giá học sinh phải kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Trước đó, cách đánh giá này chỉ áp dụng cho môn Giáo dục công dân, các môn khác cho điểm.
Người thầy từng đạp xích lô, chống chọi với ung thư để lên bục giảng 36 tuổi vào đại học, 40 tuổi ra trường rồi lên bục giảng thì căn bệnh ung thư ập đến, dù vậy thầy Phạm Đông Phương vẫn là giáo viên Vật lý xuất sắc được học trò yêu mến ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 11. Thầy Phương sinh ra ở Tiền Giang nhưng học tiểu học ở Bình Định, cấp...