Cảnh báo đốt rác gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường khu dân cư
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn mà nguyên nhân từ ý thức chủ quan.
Trong đó, có việc đốt rác, đốt rơm rạ trong khu dân cư gây cháy nổ.
Lực lượng PCCC và CNCH, Công an thành phố Hà Nội tiến hành phá cửa để tiếp cận hiện trường chữa cháy. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đơn cử, khoảng 9 giờ ngày 23/9, đoạn Ngã tư Khuất Duy Tiến cắt với Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) xảy ra một đám cháy trong khu dân cư. Khói đen bốc lên mù mịt khiến nhiều người đi đường hoảng hốt. Ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân được điều đến hiện trường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Về nguyên nhân vụ cháy, Công an quận Thanh Xuân cho biết, bước đầu xác định do là khu đất trống, người dân quanh khu vực thường tập kết rác thải, lâu ngày chưa được dọn đi nên thành đống rác to. Để tiêu hủy và hạn chế ô nhiễm môi trường, người dân khu vực đã châm lửa đốt đống rác trên.
Thực chất, đám cháy không lớn nhưng nếu không được dập tắt kịp thời có thể bén lửa sang những công trình hay nhà dân bên cạnh. Không chỉ vậy, hành vi tự tiện đốt rác trong khu dân cư đã ảnh hưởng không nhỏ đến chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng liên quan. Sau khi nhận được thông tin về đám cháy, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an quận Thanh Xuân đã phải điều động tới 4 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường làm nhiệm vụ.
Hiện trường vụ cháy tại phố Nhân Hòa, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Theo UBND quận Thanh Xuân, nếu như ý thức của người dân tốt hơn, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đã bớt đi sự vất vả, không mất thời gian, nhiên liệu để đi dập một đám cháy mà lẽ ra nó không xảy ra. Ngoài ra, đám cháy trên còn gây ra bất ổn xã hội địa phương. Nhiều “anh hùng” bàn phím đã nhanh chóng chụp lại đám khói rồi đưa lên Facebook, zalo, sau đó là hàng loạt các bình luận mang tính phiến diện, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng niềm tin của người dân vào công tác phòng cháy, chữa cháy của quận và thành phố.
Không chỉ trong nội thành, tại các huyện ngoại thành Hà Nội, tình trạng đốt rác, đốt rơm rạ diễn ra phổ biến và quy mô lớn hơn. Thực tế cho thấy, cứ sau mỗi mùa gặt, trên đồng ruộng lại mịt mù khói tỏa. Nhà nhà đốt rơm, người người đốt rơm. Không chỉ trên ruộng, nhiều người còn mang cả rơm rạ lên đường giao thông để đốt khiến cho khói bay xộc thẳng vào mắt, mũi người đi đường rất nguy hiểm. Chưa hết, sau khi đốt xong, tàn tro của rơm rạ bị gió cuốn đi bay khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan làng xóm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Video đang HOT
Dọc tuyến đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn qua xã Đa Tốn huyện Gia Lâm (Hà Nội), có nhiều bãi đất trống. Người dân, hoặc doanh nghiệp thường lén lút đổ rác thải, vải vụn, nhựa… ra đó rồi đốt.
Các bãi đất trống thuộc xã Tiền Phong huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng là nơi chứa lá khô, cỏ khô rác thải của một số hộ dân; sau đó, họ dùng lửa để đốt. Thi thoảng lại xuất hiện những cột khói như “vòi rồng” đen ngòm bay lên, cuốn theo mùi khét lẹt bay vào khu dân cư. Ở làng quê, nhiều người còn cho rằng đây là hành động bình thường, lâu dần trở thành thói quen khó bỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Hà Nội, rác bị đốt tự phát sẽ tạo ra khói tỏa vào các nhà xung quanh nếu diễn ra tại khu dân cư, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của người dân cũng như kết cấu các công trình công cộng do bị nhiệt lượng cao tác động lâu ngày.
Mặt khác, khí thải sinh ra từ đó cũng khiến ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi; nước rỉ rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước. Chính vì vậy, đầu tiên người dân cần có ý thức xóa bỏ thói quen lạc hậu, góp phần bảo vệ chính môi trường mình đang sống. Ngoài ra, người dân cần tuân thủ quy định bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định để xe thu gom mang đi xử lý để đảm bảo cảnh quan môi trường chung.
Hiện nay, đang là mùa khô hanh dễ xảy ra cháy nổ. Do đó, mỗi người dân Thủ đô cần nâng cao nhận thức: đốt rác, đốt rơm rạ không phải là chuyện nhỏ, có thể cháy lan sang các khu dân cư, gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân.
Theo phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, để phòng ngừa nguy cơ cháy lan, cháy lớn từ việc đốt rác, đốt rơm rạ, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đốt cỏ, đốt rác, vệ sinh môi trường. Tuyệt đối không tự ý đốt rác tại các khu vực có nhiều cỏ, cây lá khô khi chưa tiến hành thu gom, tạo khoảng cách an toàn với các công trình xung quanh.
Đặc biệt, phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không được đốt vào buổi trưa hoặc lúc có gió lớn, không chủ quan đốt mà không có sự giám sát, chưa chuẩn bị các điều kiện kiểm soát chống cháy lan, không đốt đồng loạt trên diện tích lớn… để có thể kiểm soát, không cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng luật Thiên Thanh, quy định của pháp luật có hiệu lực nêu hành vi tự ý đốt rác thải tại khu vực dân cư gây ô nhiễm là vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Mặc dù quy định là vậy nhưng thực tiễn cho thấy còn rất nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn vi phạm các quy định, có những hành vi gây ô nhiễm nhưng chưa bị xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để. Do vậy, các cấp chính quyền của thành phố, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để ngăn chặn hành vi đốt rác tự phát, gây ra nhiều hiểm họa, nhất là cháy nổ.
Di dời các cơ sở chế biến hải sản để phát triển bền vững
Việc chế biến hải sản nhỏ, lẻ trong khu dân cư, nằm ngoài vùng quy hoạch thời gian qua đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương trên địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con để sớm di dời các cơ sở chế biến này vào khu tập trung.
Các nhà tạm nhếch nhác được dựng lên tại khu chế biến hải sản tại Mộ Ông, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Ô nhiễm môi trường
Nhiều năm qua, việc chế biến, phơi hải sản ngay trên bãi biển, thậm chí trong khu dân cư tại các vùng ven biển, gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối của huyện Đất Đỏ. Tại các cơ sở chế biến, rác thải, nước thải được xả thẳng ra biển và hệ thống cống xả thải dân sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân cũng như môi trường sinh thái biển.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do việc xả thải của các cơ sở chế biến hải sản, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu địa phương và các ngành chức năng đẩy nhanh việc di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các cụm công nghiệp tập trung.
Theo thống kê của UBND huyện Đất Đỏ, toàn huyện có 59 cơ sở chế biến hải sản trong diện phải di dời vào cụm công nghiệp tập trung. Các cơ sở này dự kiến sẽ được di dời vào cụm công nghiệp chế biến thủy sản Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Trong số 59 cơ sở phải di dời, có đến 32 cơ sở chủ yếu tập trung tại khu vực Mộ Ông, thị trấn Phước Hải. Hoạt động chế biến hải sản tại khu vực Mộ Ông nhiều năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái biển, gây ô nhiễm môi trường, hoạt động chế biến hải sản ở đây diễn ra khá thô sơ, nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá được thu mua từ ghe tàu, chế biến đơn giản ngay tại bãi cát, phơi khô và mang đi tiêu thụ. Rác thải, nước thải hôi thối nồng nặc không được xử lý mà xả thẳng xuống biển ngay gần đó.
Còn những cơ sở chế biến hải sản nằm trong khu dân cư cũng không có các phương án xử lý môi trường, thậm chí không thu gom rác thải. Điều này khiến môi trường sống tại nơi sản xuất và xung quanh ngày càng ô nhiễm.
Qua quá trình vận động, nhiều chủ cơ sở chế biến hải sản đã đồng ý di dời vào khu chế biến hải sản tập trung của huyện nhưng họ vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng.
Bà Hồ Thị Bé Bảy, chủ một cơ sở chế biến hải sản tại khu vực Mộ Ông, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ lo lắng: "Khi di dời vào cơ sở mới chúng tôi sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí như: thuê đất, trả phí xử lý nước thải..., trong khi đó cơ sở của sản xuất của chúng tôi chỉ là cơ sở nhỏ, lẻ thu nhập chỉ ở mức trung bình. Nên, chúng tôi rất mong muốn nhà nước có sự hỗ trợ các chi phí trong thời gian đầu để chúng tôi ổn định và yên tâm ở nơi sản xuất mới".
Còn bà Nguyễn Thị Thảo, khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ thì cho biết, khi bắt đầu hoạt động chế biến hải sản, khu vực cơ sở của bà còn khá thưa người, không có dân cư. Nhưng sau nhiều năm, dân cư đông đúc, cơ sở sản xuất của bà khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Ý thức được tác động từ cơ sở sản xuất của mình, nên khi địa phương thực hiện chủ trương di dời vào khu chế biến tập trung, bà Thảo nghiêm túc chấp hành. Bà mong muốn đến khu vực quy hoạch mới sẽ được bố trí rộng rãi để phát triển sản xuất; đồng thời nhà nước có sự hỗ trợ ban đầu về chi phí thuê mặt bằng sản xuất, phí xử lý nước thải....
Kiên quyết di dời
Rác thải của một cơ sở chế biến hải sản tại khu vực Mộ Ông thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước những hệ lụy của việc các cơ sở chế biến hải sản nằm ngoài vùng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ nhấn mạnh, chủ trương của địa phương là bắt buộc phải di dời các cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động trong các khu dân cư, ngoài vùng quy hoạch vào khu chế biến hải sản tập trung, nhằm kịp thời bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND huyện Đất Đỏ đã thành lập đoàn xử lý, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân di dời theo quy định của địa phương.
Để các hộ sản xuất có thể vào được cụm chế biến hải sản Lộc An, chính quyền địa phương đã và đang vận động bà con tham gia hợp tác xã để thuận lợi trong quản lý, vừa có thể nâng cao giá trị sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như việc hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Luật Hợp tác xã. Vấn đề còn vướng là các chính sách cho việc di dời.... vì không phải hộ dân phải di dời nào nào cũng được nhà nước hỗ trợ.
Di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư vào khu quy hoạch tập trung là chủ trương lớn của huyện Đất Đỏ trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, hiện nay cụm công nghiệp Lộc An chỉ còn 1ha đất chưa giao, cũng chỉ đủ cho việc di dời các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực Mộ Ông.
Huyện đã đề xuất quy hoạch thêm cụm công nghiệp Phước Long Thọ nhằm di dời toàn bộ các cơ sở chế biến hải sản, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, nhằm trả lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng dân cư, cũng là để giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phát triển theo hướng bền vững, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Việc di dời các cơ sở chế biến hải sản nói riêng và các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các khu dân cư, ngoài vùng quy hoạch vào các cụm công nghiệp tập trung là một thách thức trong quy hoạch ngành nghề, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thủ công của bà con. Việc di dời các cơ sở vào khu chế biến tập trung là giải pháp căn cơ để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tại huyện Đất Đỏ tồn tại và phát triển bền vững trong tình hình mới", ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ nhấn mạnh thêm.
Vĩnh Phúc: Triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu của Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe của nhân dân, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh...