Cảnh báo bất ngờ từ khóa luận của sinh viên FPT Edu
Nghiên cứu về nạn bắt nạt học đường Nhật đồng thời cũng là hiện tượng có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, hai sinh viên ngành Ngôn Ngữ Nhật thuộc Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) cảnh tỉnh: “ Trường học chưa chắc là nơi an toàn nhất”.
Những năm trở lại đây, thông tin về những vụ thầy cô giáo bạo hành học sinh, bạn bè trong trường lớp bắt nạt lẫn nhau liên tiếp được báo chí, truyền thông phanh phui, khiến dư luận xã hội bức xúc. Tuy nhiên, để hiểu sâu về vấn nạn này tại Việt Nam, cần có sự nghiên cứu và đối sánh với một số quốc gia trong khu vực, điển hình là Nhật Bản – đất nước đối mặt với vấn nạn này hàng chục năm nay.
Để làm rõ nạn bắt nạt học đường với luận chứng và cơ sở dữ liệu đầy đủ, hai sinh viên Đỗ Hà Thương, Nguyễn Thùy Linh đã sưu tầm, đọc hiểu, dịch thuật nhiều tài liệu nghiên cứu của Nhật Bản và chắt lọc đưa vào luận văn bảo vệ tốt nghiệp. Đề tài nghiên cứu của nhóm mang tên: Nạn bắt nạt trong trường học ở Nhật Bản.
Nạn bắt nạt đã trở nên khá phổ biến ở các trường học Nhật Bản. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản, có tới 40% số trường học đã ghi nhận các vụ bắt nạt. Đây là con số không thể tưởng tượng được khi các bậc phụ huynh đều tin tưởng: Trường học là nơi an toàn nhất, lành mạnh nhất dành cho sự phát triển của con em mình.
Tại Nhật Bản, những nạn nhân của nạn bắt nạt học đường thường là những học sinh bị cô lập. Khi các em bị tách biệt khỏi các bạn xung quanh, các em mất phương hướng và không còn cảm thấy mình thuộc về một phần xã hội, tập thể nào nữa. Kinh khủng hơn, có những học sinh không còn cảm thấy mình được đối xử như một con người.
Nói về vấn đề này, thầy Fukuda (Giảng viên tiếng Nhật, FPT Edu) cho hay: “Xã hội Nhật Bản là xã hội đi theo số đông. Vì vậy, khi một người bị tách biệt khỏi đám đông, người đó rất khó được chấp nhận. Những hành động xấu như cô lập, bắt nạt xảy ra trong trường học một phần cũng xuất phát từ đặc điểm này. Ở Nhật, vấn nạn bắt nạt diễn biến âm ỉ dưới những hình thức khác nhau, có những trường hợp phức tạp đến mức các thầy cô và bạn bè của người bị bắt nạt cũng không hề nhận ra”.
Để làm rõ nạn bắt nạt học đường với luận chứng và cơ sở dữ liệu đầy đủ, hai sinh viên Đỗ Hà Thương và Nguyễn Thuỳ Linh (FPT Edu) đã sưu tầm, đọc hiểu, dịch thuật nhiều tài liệu nghiên cứu của Nhật Bản, chắt lọc đưa vào luận văn tốt nghiệp của mình.
Theo nghiên cứu của nhóm sinh viên, cả học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 đều chịu những tổn thương về tâm lý khi bị bắt nạt ở mức độ nặng hay nhẹ.
Video đang HOT
Tại Việt Nam, hàng loạt vụ bạo hành thể chất, tinh thần học sinh tại các cơ sở giáo dục trên cả nước đã xảy ra trong năm 2018. Thực chất, những năm trước đó, nạn bắt nạt vẫn luôn tồn tại. Tuy nhiên, chỉ đến khi những đoạn video, hình ảnh, về nạn bắt nạt được lan truyền nhanh chóng theo sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều người mới thực sự chú ý đến. Câu chuyện về học sinh lớp 5 tại Bình Dương phải cắt khúc ruột hoại tử vì nuốt 9 viên bi sắt hay đoạn băng nữ sinh phổ thông đánh bạn tàn bạo “như phim võ lâm” đã thực sự khiến cư dân mạng đau xót và bức xúc.
Có thể thấy, vấn nạn này đang xảy ra ở đủ các độ tuổi, không kể hoàn cảnh và vị trí địa lý. Theo nghiên cứu trong khoá luận tốt nghiệp của nhóm sinh viên FPT Edu, những học sinh bị bắt nạt tại Nhật Bản đa phần là học sinh tiểu học. Thế nhưng tại Việt Nam thì ngược lại, nạn bắt nạt xảy ra phổ biến hơn ở lứa tuổi học sinh phổ thông.
Những hành vi bắt nạt diễn ra dưới hình thức gây gổ, đánh nhau hặc khó phát giác hơn như dọa dẫm, trấn lột, tẩy chay hay hạ nhục, nói xấu, “bắt nạt trên mạng”… Đây đều là những hành vi mà nhiều người vẫn nghĩ “là chuyện bình thường ở tuổi học trò”. Thế nhưng, khi không có sự quan tâm thích đáng, các nạn nhân áo trắng sẽ rất dễ rơi vào những tổn thương tâm lý khó hàn gắn.
Dù chỉ là khoá luận nghiên cứu cấp sinh viên, nhưng đề tài “Nạn bắt nạt trong trường học ở Nhật Bản” của hai sinh viên FPT Edu đã khiến nhiều người phải suy ngẫm về việc thờ ơ với nạn bắt nạt học đường hay vô tình bao che cho nó. Rất khó để các bậc phụ huynh, giáo viên và nhà trường có thể đưa ra biện pháp ứng phó cụ thể cho tất cả các trường hợp. Tuy nhiên, sự phối hợp để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bắt nạt nói riêng, cũng như các vấn nạn tiềm ẩn trong học đường Việt Nam nói chung là hết sức cần thiết.
Từ 24/12 – 04/01/2019, sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) thuộc các khối ngành: Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng và Thiết kế đồ họa đã tham gia bảo vệ tốt nghiệp kỳ Fall năm 2018. Nhiều đề tài khóa luận và đồ án tốt nghiệp của sinh viên FPT Edu mang tính ứng dụng và thiết thực, nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia.
FPT Edu (http://fpt.edu.vn) gồm các cấp giáo dục đào tạo từ tiểu học đến sau đại học, đào tạo đa ngành nghề, phủ rộng đa địa điểm với chương trình đào tạo đa phương thức gồm hình thức học truyền thống và học tập theo mô hình trực tuyến.
Mai Mai
Theo vietnamnet
Nhà trường thay đổi, thầy cô thay đổi - học sinh hạnh phúc
Năm 2018 có thể coi là một năm "khủng hoảng" của ngành giáo dục với hàng loạt vụ bạo hành thể chất, tinh thần học sinh diễn ra, gây hoang mang dư luận và làm suy giảm niềm tin về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do áp lực của giáo viên trong quá trình dạy học và xử lý các mối quan hệ trong nhà trường. Để có giải pháp căn bản cho vấn đề này cần phải thay đổi phương thức quản lý giáo dục, phương thức đào tạo sinh viên ngành sư phạm và quan trọng hơn cả, bản thân mỗi nhà trường phải thay đổi, mỗi giáo viên thay đổi để tạo môi trường giáo dục khiến học sinh hạnh phúc.
Áp lực từ nhiều phía
Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Trang thích thú với giờ học vi tính. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu, khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Áp lực của giáo viên thường được xem xét ở nhiều khía cạnh. Nếu áp lực vừa sức, giáo viên có tư duy tích cực và đủ ý chí, năng lực ứng phó thì chính áp lực lại trở thành động lực để giáo viên đổi mới, sáng tạo. Nhưng khi áp lực đã quá sức chịu đựng, giáo viên không đủ sức khoẻ thể chất, tâm lý, chưa đủ năng lực, kỹ năng ứng phó, giải quyết các trường hợp cá biệt, riêng biệt thì áp lực có thể trở thành nguyên nhân gây ra thất vọng, chán nản, bất lực, thậm chí bực bội, khó chịu, giảm tình yêu nghề nghiệp. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ giáo viên sẽ có những hành vi, lời nói thiếu tôn trọng, trầm trọng hơn là gây tổn thương thể chất, tâm lý cho chính học sinh và bản thân giáo viên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành cho rằng: Sự thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong việc giáo dục học sinh là một khó khăn rất lớn đối với nhà trường. Nhiều cha mẹ thay vì cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em thì lại tập trung vào việc bắt lỗi, lên án giáo viên mỗi khi không hài lòng. Cùng với đó là áp lực thi cử, đánh giá học sinh bằng điểm số, áp lực thi đua "trường xuất sắc"...
Sau giờ lên lớp, giáo viên phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, hoàn thành các loại hồ sơ, sổ sách... Những giáo viên làm công tác chủ nhiệm không chỉ làm việc ban ngày (trên lớp) mà còn cả buổi tối để giải quyết các vấn đề liên quan đến học sinh. Áp lực lớn nhất đối với giáo viên và nhà trường đến từ các tình huống có vấn đề do một số học sinh gây ra. Các tình huống này đòi hỏi nhà trường phải có năng lực giải quyết vấn đề, kĩ năng giải quyết khủng hoảng... để không đẩy các tình huống sai phạm rơi vào bế tắc, khủng hoảng niềm tin. Một số giáo viên khi gặp phải tình huống này do thiếu kĩ năng giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề,... nên dễ bị thất vọng, thiếu động lực, thậm chí muốn bỏ nghề.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh cũng chia sẻ: Nghề dạy học luôn nhận được nhiều quan tâm của xã hội, gia đình học sinh. Vì vậy, mỗi nhà trường luôn chịu sự phán xét, đánh giá rất nghiêm khắc. Một số hành vi chưa chuẩn mực của số ít giáo viên cùng những bình luận thiếu tích cực, ít sẻ chia, thông cảm từ các phương tiện truyền thông đang làm giảm sút uy tín của nghề dạy học, người dạy học. Một sai sót, sai lầm nhỏ của nhà trường cũng có thể thành đề tài đàm tiếu, gây xáo trộn toàn bộ cuộc sống tinh thần của Ban Giám hiệu, giáo viên, nhân viên nhà trường. Khi các nhà quản lí nhà trường luôn ở trong tâm thế lo lắng, thận trọng, họ khó có thể hạnh phúc để tạo ra một ngôi trường hạnh phúc.
Phân tích những yếu tố tác động tới cách hành xử của giáo viên trong nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đai học Thái Nguyên lý giải: Mỗi học sinh xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, tiếp nhận văn hóa xã hội khác nhau và được thừa hưởng cách thức giáo dục khác nhau từ gia đình. Khi đến lớp, các em mang theo những tính cách cá nhân, nét văn hóa của từng gia đình, trong đó có những nét tính cách, nét văn hóa tạo nên sự hài lòng với thầy cô, nhưng cũng có những nét tính cách, nét văn hóa đi ngược lại những mong muốn và kỳ vọng mà thầy cô đặt ra, khiến thầy cô thất vọng hoặc tạo nên những xung đột giữa thầy cô với học trò.
Trong tư duy, kỳ vọng của giáo viên, tất cả các học sinh đều phải tiến bộ như nhau, đều phải đạt được thành tích học tập, rèn luyện như nhau. Thực tế là đồng lương còn khiêm tốn khiến thầy cô phải quay cuồng với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Trong mỗi giờ lên lớp, giáo viên chưa cởi bỏ những khó khăn tâm lý về thành tích học tập của học sinh và khó khăn của cuộc sống gia đình để bước vào lớp với một tâm trạng thoải mái nhất. Họ đã kéo theo những áp lực vào quá trình dạy học và giáo dục học sinh, đây chính là nguyên nhân dẫn đến những hành vi bộc phát từ phía một số thầy cô đối với học sinh có hành vi lệch chuẩn.
Trang bị kỹ năng xử lý khủng hoảng cho giáo viên
Theo cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành: Để tháo gỡ những khó khăn, áp lực của giáo viên, điều quan trọng là người quản lí phải tạo ra động lực làm việc cho các thành viên trong nhà trường. Mọi người cùng cố gắng làm tốt công việc, chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp làm tốt hơn thì có thể dễ dàng vượt qua mọi áp lực. Ban giám hiệu cần thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân.
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 2, trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu làm bài tập môn Toán. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đai học Thái Nguyên bày tỏ: Cán bộ quản lý nhà trường cần tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để mỗi người thầy có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải, từ đó, tìm tiếng nói chung, sự sẻ chia từ tập thể, cơ quan đoàn thể và các cấp lãnh đạo.
Với giáo viên, bản thân các thầy cô cũng phải học cách hài lòng với những thứ đã có. Thầy cô cũng cần nhận thức rằng: Trong quá trình phát triển, có những hành vi, cá tính phải thay đổi và có những cá tính không thay đổi được hoặc muốn thay đổi phải có quá trình trải nghiệm, giáo dục. Mỗi học sinh có tính cách và hành vi khác nhau, có những hành vi đi ngược lại chuẩn mực mà thầy cô đã dạy. Nhiệm vụ của người thầy là đưa giá trị mới để làm thay đổi các em học sinh, quá trình đó cần kiên trì và có những nấc thang khác nhau đối với những học sinh khác nhau.
Đề cao vai trò của phụ huynh đối với giáo dục trong nhà trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tính cho rằng: Để giúp giáo viên phá bỏ áp lực tâm lý, mỗi gia đình, mỗi phụ huynh trước hết phải giúp giáo viên yên tâm công tác với nghề bằng sợi dây kết nối của lòng tương kính, thái độ hòa nhã và sự hợp tác thân thiện trong quản lý, giáo dục học sinh. Cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn trong chăm sóc, giáo dục học sinh ở nhà, giữ mối liên hệ thường xuyên với cô, thầy và nhà trường để giúp trẻ tiến bộ.
Nhìn nhận từ khía cạnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Tiến sĩ Trần Bá Trình (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nghiệp vụ sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Đào tạo nghề ban đầu ở trường sư phạm rất cần chú trọng vào phát triển tiềm năng, năng lực phát triển nghề suốt đời và giá trị nghề cốt lõi. Đây có thể là giải pháp căn cơ, lâu dài cho vấn đề áp lực đối với mỗi giáo viên trước các yêu cầu đổi mới. Trong suốt quá trình hoạt động sư phạm, giáo viên sẽ gặp áp lực thường xuyên do khoảng cách giữa năng lực nghề hiện tại và yêu cầu mới về năng lực nghề của đổi mới giáo dục. Do vậy, giáo viên cần có tâm thế tiếp cận tích cực với đổi mới và tự vận động để thay đổi bản thân. Cùng với đó, vấn đề bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên cần tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả như một giải pháp then chốt, cấp thiết trước các áp lực đổi mới đặt lên vai giáo viên.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Trong chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, các nội dung về đạo đức nghề, phẩm chất người giáo viên, giao tiếp và ứng xử sư phạm đã được thiết kế nằm trong khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm nhằm đáp ứng các chuẩn đầu ra của sinh viên khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một hệ thống - khung các kỹ năng mềm cần thiết cho việc hành nghề của giáo viên trong nhà trường phổ thông để triển khai xây dựng chương trình và có kế hoạch rèn kỹ năng cho sinh viên. Các kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc... chưa được triển khai một cách đầy đủ cho mọi sinh viên. Việc rèn các kỹ năng đó còn mang tính lẻ tẻ.
Sinh viên sư phạm còn nhận thức một cách chung chung và hời hợt về các vấn đề đạo đức nhà giáo, tính chất và yêu cầu của nghề. Điều quan trọng hiện nay là cần sớm bổ sung, điều chỉnh trong chương trình đào tạo các nội dung về kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng kỷ luật tích cực, kỹ năng phòng ngừa và can thiệp khủng hoảng để khi giáo sinh ra trường, đứng trên bục giảng có đủ năng lực ứng biến đối với các tình huống phát sinh trong thực tế, loại bỏ các hành vi tiêu cực, phản giáo dục trong nhà trường.
Việt Hà
Theo TTXVN
Cách nào để bảo vệ học sinh? Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra sự việc thầy cô giáo bạo hành học sinh dẫn đến chấn thương thân thể và tâm lý các em. Đặc biệt sự việc xâm hại tình dục hàng loạt học sinh xảy ra tại một trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ thực sự là hồi chuông cảnh báo về vấn đề đạo...