Căng thẳng tại Bắc Ninh: Trưởng thôn không được chấp nhận từ chức
Dưới áp lực từ người dân, Trưởng thôn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Vọng Đông, thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong ( Bắc Ninh) viết đơn xin từ chức, song lãnh đạo xã không chấp nhận.
Như Dân Việt đã đưa tin, từ ngày 20.4, tại thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã xảy ra căng thẳng khi lực lượng chức năng xuống bảo vệ thi công hiện trường đã gặp phải sự phản ứng của người dân xung quanh việc xác định nguồn gốc 14 mẫu đất ruộng. Người dân cho rằng, chính quyền địa phương họp bàn với thôn một đằng, nhưng lại thực hiện một nẻo.
Ông Nguyễn Bá Thiện – Trưởng thôn Vọng Đông, xã Yên Trung – cho biết, ông đã viết đơn từ chức gần 1 tháng nay, nhưng UBND xã Yên Trung không cho từ chức.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Bá Thiện – Trưởng thôn Vọng Đông (người vừa làm được hơn 3 tháng) cho biết, khiếu kiện, khiếu nại của người dân thôn Vọng Đông trước việc chính quyền địa phương các cấp xác định sai nguồn gốc đất 14 mẫu ruộng ở xứ Đồng Cốc đã có từ trước khi ông được bầu làm Trưởng thôn. UBND xã, huyện cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân, song 2 bên vẫn chưa thống nhất được nguồn gốc đất.
“Trong khi chính quyền xác định 14 mẫu đất ở Đồng Cốc là “đất công ích”, người dân lại cho rằng đây là đất họ sử dụng ổn định từ năm 1993 đến nay và không có tranh chấp nên phải là đất nông nghiệp lâu năm. Quan điểm, lập luận của hai bên hoàn toàn trái ngược nhau” – ông Thiện nói.
Trước đó, tháng 10.2014, Trưởng thôn và Bí thư chi bộ thôn Vọng Đông (khóa trước) đã họp bàn, cho 76 hộ thầu lại 14 mẫu ruộng để lấy tiền tu sửa trường mầm non (thời hạn 3 năm). Tuy nhiên, khi mới thầu được 1 năm rưỡi Nhà nước đã tiến hành thu hồi đất để làm Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong I mở rộng.
Văn bản trả lời của UBND xã Yên Trung (Yên Phong, Bắc Ninh) về việc ông Nguyễn Bá Thiện – Trưởng thôn Vọng Đông và ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc HTX DVNN Vọng Đông – xin từ chức.
Video đang HOT
Theo đó, chỉ có 76 hộ thầu lại ruộng này được đền bù hoa lợi với giá 30.000 đồng/m2. Đây chính là nguyên nhân khiến các hộ dân khác cho rằng họ bị lấy mất đất nhưng không được đền bù do chính quyền xác định sai nguồn gốc đất (?).
Nhiều người dân cho rằng, lãnh đạo thôn và Giám đốc HTX đã “ăn giơ” với chính quyền địa phương nên không đứng ra bảo vệ dân… Áp lực càng ngày càng lớn cho đến ngày 26.3.2017, ông Thiện – Trưởng thôn Vọng Đông và ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc HTX DVNN Vọng Đồng – buộc phải viết đơn xin từ chức gửi lên xã.
Tuy nhiên, ngày 7.4.2017, UBND xã Yên Trung đã ra văn bản số 105/UBND-VP không chấp nhận đơn xin từ chức của hai ông và chỉ đạo “tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đối với Trưởng thôn và Giám đốc HTX DVNN Vọng Đông”.
Sáng 20.4, ông Thiện và ông Bình được mời lên UBND xã họp. Cuộc họp có các cơ quan, ban ngành huyện, tỉnh tham dự. Theo ông Thiện, cuộc họp nhằm bàn phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân thôn Vọng Đông… để chuẩn bị trình bày với cấp trên.
Tại cuộc họp này, ông Thiện đã đặt vấn đề lãnh đạo thôn Vọng Đông (khóa trước) có biểu hiện làm sai Luật Đất đai, nhưng vì sao không bị xử lý?
Ông Nguyễn Bá Thiện tỏ ra không hài lòng khi buổi sáng, lãnh đạo cấp trên vừa tiến hành họp với thôn thì ngay buổi chiều đã cho lực lượng chức năng về “bảo vệ thi công” ở xứ Đồng Cốc.
Ngoài ra, ông Thiện đề xuất trong 1 – 2 năm tới, người dân Vọng Đông sẽ phải nhường 70 – 80% đất nông nghiệp cho KCN và các vùng phụ trợ. Khi không còn ruộng để canh tác, người dân phải chuyển sang làm dịch vụ. Do đó, Nhà nước và doanh nghiệp cần hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống đường 2 làn, hệ thống tiêu thoát nước và nhà văn hóa…
Cũng theo ông Thiện, khoảng 13h ngày 20.4, khi ông vừa đi họp về, đang ăn cơm thì nghe tin hàng trăm người dân đang tụ tập ngoài khu vực Đồng Cốc để phản đối đơn vị thi công trên diện tích 14 mẫu ruộng. Cùng với đó, hàng trăm công an cũng có mặt làm nhiệm vụ “bảo vệ thi công”.
“Sự việc xảy ra, tôi không hề được thông báo. Buổi sáng tôi vẫn còn ngồi họp với lãnh đạo xã và đại diện các ban ngành của huyện, tỉnh để thống nhất phương án hỗ trợ cho người dân mà chiều đã xảy ra việc. Thực sự tôi không hiểu điều gì đang xảy ra (?)” – ông Thiện phân trần.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Luận – Bí thư chi bộ thôn Vọng Đông – cho biết, sự việc xảy ra chiều 20.4, bà cũng không được xã thông báo là có công an và các lực lượng chức năng về Đồng Cốc để bảo vệ thi công. “Tôi đang lên ngân hàng huyện có việc thì biết tin nên tôi vội quay về thôn để nắm tình hình. Không may trên đường đi tôi bị ngã xe, đau chân nên không thể ra hiện trường được” – bà Luận cho biết. Bà Luận xác nhận, sự việc xảy ra hôm đó có một số người dân bị thương, hơn chục người khác được mời lên Công an huyện làm việc, nhưng được cho về ngay sau đó.
*Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Danviet
Vụ cứu người lại bị đâm: "Cô gái được giúp chưa một lần đến thăm"
"Tôi ra viện đã lâu nhưng giờ sức khỏe vẫn có rất yếu, không làm được việc gì. Tôi rất lo lắng vì mình còn có mẹ già hơn 70 tuổi và hai con nhỏ...", anh Nguyễn Hải Sơn - nạn nhân trong vụ cứu người bị tai nạn giao thông lại bị đâm trọng thương ở Bắc Ninh - tâm sự.
Ngồi trò chuyện với khách chỉ được ít phút, anh Nguyễn Hải Sơn đã có dấu hiệu mệt. Người đàn ông 35 tuổi này gượng cười bảo: "Từ hôm xảy ra vụ việc cứu người rồi bị đâm trọng thương oan đến nay đã gần 2 tháng. Thế mà giờ sức khỏe của tôi vẫn còn rất yếu, chỉ đi lại hơi nhiều một chút là bị choáng. Có lẽ do vết thương bị đâm mất nhiều máu nên phục hồi chậm".
Câu chuyện anh Nguyễn Hải Sơn làm việc tốt lại bị đâm gây bức xúc cho dư luận. (Ảnh: Luật sư Nguyễn Anh Thơm)
Anh Sơn vốn là lao động tự do, thời gian trước đây khi chưa bị thương anh vẫn thường xuyên đi phu hồ, làm 3 sào ruộng (một sào 360m2) để nuôi sống gia đình. Khuôn mặt đượm buồn anh Sơn nói: "Vợ tôi đã bỏ đi cách đây gần 6 năm nên mình trở thành lao động chính trong nhà làm lụng nuôi mẹ già hơn 70 tuổi và hai con nhỏ, cháu lớn 10 tuổi, nhỏ 8 tuổi. Giờ thương tật thế này, sức khỏe giảm sút nhiều, không còn khả năng lao động, cuộc sống gia đình không biết sẽ thế nào".
Trở lại câu chuyện về đối tượng côn đồ đã đâm anh Sơn, anh bảo, kể từ lúc bị đâm cho đến nay chưa thấy người nhà của hai đối tượng đã bị khởi tố là Nguyễn Hữu Khá và Nguyễn Ngọc Đức đến thăm hỏi, chia sẻ. "Cả cô gái bị tai nạn được tôi giúp đưa đi bệnh viện cấp cứu đến giờ cũng chưa thấy có lần nào đến hỏi thăm tôi" - anh Sơn nói.
Anh Sơn nói thêm, việc người nhà bị can có đến thăm hỏi, khắc phục một phần hậu quả hay không anh không để tâm. Việc đó không liên quan gì tới với việc anh làm đơn đề nghị cơ quan công an phải khởi tố đối tượng đâm anh về tội Giết người thay khởi tố vì tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người khác.
"Các đối tượng đã chuẩn bị dao mang theo sau khi tôi gọi điện thông báo bạn gái của họ bị tai nạn giao thông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khi gặp tôi các đối tượng gây sự, chửi đánh tôi. Tôi bỏ chạy bị đối tượng đuổi theo đâm một nhát phía sau lưng, thấu phổi. May nhờ ở khu vực bệnh viện được các bác sĩ cấp cứu kịp thời nên tôi mới may mắn thoát chết. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, nhất là Án lệ số 01/2016 ngày 6.4.2016 của TAND Tối cao, thì hành vi của đối tượng đâm tôi là hành vi giết người" - anh Sơn bày tỏ quan điểm.
Theo anh Sơn, việc xử lý nghiêm đối tượng đã đâm anh còn là sự cảnh tỉnh cho những kẻ thích hành xử theo kiểu côn đồ, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác, cũng là để củng cố niềm tin cho người dân nói chung khi ra tay giúp những trường hợp gặp tai nạn giao thông trên đường.
Vào cuối tháng 3.2017, các cán bộ Công an huyện Thuận Thành đã đến nhà anh Sơn để đề nghị anh đi giám định tỷ lệ thương tật theo quyết định của Công an huyện Thuận Thành.
"Tôi chưa muốn đi giám định không phải vì làm khó cho cơ quan công an. Thứ nhất vì sức khỏe tôi còn yếu, vấn đề nữa tôi thấy việc khởi tố đâm tôi về tội Cố ý gây thương tích là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, tôi đang khiếu nại quyết định khởi tố này lên cơ quan tố tụng ở tỉnh, ở T.Ư. Nếu các cơ quan tố tụng T.Ư trả lời tôi rằng quyết định khởi tố của Công an huyện Thuận Thành là đúng, tôi sẽ đi giám định tỷ lệ thương tật để các cơ quan tố tụng có căn cứ xử lý đối tượng" - anh Sơn cho biết.
Một trong những diễn biến mới nhất xung quanh khiếu nại của anh Sơn, là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, giao Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xem xét, rà soát việc thực hiện tố tụng của Công an huyện Thuận Thành để trả lời cho công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 20.4.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Thuận Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Khá (26 tuổi, trú ở thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) và Nguyễn Ngọc Đức (thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành) về tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, khoảng 19h30 ngày 11.2, tại khu vực phố Trẹm (QL38, thuộc địa bàn thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành) đã xảy ra vụ va chạm giao thông. Xe taxi hãng Phú Sơn, BKS 99A - 082.00 do anh N.S.T (SN 1981, ở Đại Lai, Gia Bình) điều khiển va chạm với xe máy BKS 34B1 - 672.49 do chị Nguyễn Thị D điều khiển, khiến chị D bị thương. Do nhà ở gần nơi xảy ra tai nạn nên anh Nguyễn Hải Sơn cùng một số người dân đã chạy ra cứu giúp. Sau đó, anh Sơn đã cùng lái xe taxi N.S.T đưa cô gái đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành. Nhận được tin báo, đối tượng Nguyễn Hữu Khá đến bệnh viện và tưởng anh Sơn là người gây tai nạn nên xảy ra cãi cọ và xảy ra xô xát. Lúc này đối tượng Nguyễn Ngọc Đức đi cùng với Khá có tham gia giằng co với anh Sơn nhưng được người đi taxi can ngăn. Sau đó, anh Sơn bỏ chạy, đối tượng Khá đuổi theo và rút dao đâm anh Sơn thấu phổi. Với thương tích trên, anh Sơn phải nằm điều trị nhiều ngày trong bệnh viện.
Theo Danviet
Vụ cứu người lại bị đâm: Chủ tịch Bắc Ninh chỉ đạo CA tỉnh vào cuộc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo Công an tỉnh Bắc Ninh vào cuộc vụ cứu người bị tai nạn giao thông lại bị đâm ở Bắc Ninh để trả lời công dân Nguyễn Hải Sơn (người bị hại trong vụ án). Chiều 7.4, trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) -...