‘Cần vài tuần để biết tác dụng lệnh phong tỏa ở TQ’
Dù số ca tử vong tăng kỷ lục những ngày qua, dịch virus corona vẫn có cơ hội kiểm soát được nhờ các biện pháp cách ly quyết liệt của Trung Quốc, theo cựu chuyên gia của CDC.
So sánh những gì diễn ra ở Trung Quốc là “cuộc thí nghiệm y tế cộng đồng” lớn nhất trong lịch sử loài người, tiến sĩ William Schaffner cho rằng nếu các biện pháp cách ly, phong tỏa thực sự có tác dụng, có thể sẽ mất vài tuần nữa để thấy được sự thay đổi.
Hiện là giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt, thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ, ông từng có nhiều năm công tác cho Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), điều tra các dịch bệnh trên thế giới, sau đó về hợp tác với Sở Y tế bang Tennessee. Ông trao đổi với Zing.vn về những câu hỏi chưa có giải đáp về dịch virus corona.
Nhiều câu hỏi cần lời giải
- Nhiều chuyên gia nói những hiểu biết của chúng ta về chủng virus corona mới vẫn còn trong giai đoạn đầu. Đâu là những câu hỏi quan trọng nhất cần phải giải đáp hiện nay?
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt, thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ. Ảnh: Đại học Vanderbilt.
- Các câu hỏi đó bao gồm cách mà ca nhiễm virus corona biểu hiện ra ngoài – nói cách khác, từ triệu chứng nào mà người bệnh phải khám bác sĩ. Chúng ta đã biết về những biểu hiện tương tự như cúm.
Nhưng còn biểu hiện nào khác hay không? Đó là câu hỏi rất quan trọng. Đã có bằng chứng về các biểu hiện khác như đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy, theo nghiên cứu gần đây trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA).
Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều trẻ em bị nhiễm chủng virus corona mới. Chúng ta cần biết thêm về khả năng nhiễm virus corona ở trẻ em. Đó những câu hỏi về lâm sàng.
Ngoài ra còn những câu hỏi về dịch tễ. Đã có thông tin nói virus có thể lây ngay cả khi người nhiễm đang ủ bệnh, nhưng chúng tôi chưa thấy dữ liệu chứng minh điều đó. Cũng cần giải đáp xem quá trình lây nhiễm như thế nào, như một người có thể lây cho rất nhiều hay chỉ một vài người.
Chúng tôi cũng đang chờ kết quả về loại thuốc đang thử nghiệm để điều trị bệnh ở Trung Quốc. Công ty sản xuất loại thuốc này có nhiều kinh nghiệm trong việc tiến hành một cuộc thử nghiệm chất lượng tốt nhất, theo tiêu chuẩn thế kỷ 21. Nhưng câu hỏi nữa là liệu Trung Quốc có tạo điều kiện cho họ thử nghiệm đầy đủ, nghiêm ngặt, theo đúng yêu cầu. Tôi hy vọng họ thử nghiệm trên số ca đủ lớn, bằng phương pháp “mù đôi”, để có loại thuốc an toàn, chứ không chỉ thử trên số lượng nhỏ.
- Sẽ mất bao lâu để có iến triển mới về loại thuốc này?
- Tôi cho rằng nếu thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc này bắt đầu ngay, thì trên lý thuyết sẽ có dữ liệu trong vòng 2-3 tuần. Nếu có kết quả tích cực, câu hỏi sẽ là liệu công ty dược có sản xuất được thuốc đủ nhanh, và liệu giấy phép sản xuất có được trao cho các nhà sản xuất khác hay không.
Video đang HOT
Một số câu hỏi khác cần được rõ ràng có liên quan tới cách thức Trung Quốc kiểm soát các ca bệnh, liệu các ca nhiễm có được chăm sóc y tế đầy đủ hay không, liệu có đủ thiết bị bảo hộ để các y bác sĩ chăm sóc nhanh chóng. Như bạn đã thấy, có những ca lây bệnh cho các y bác sĩ – nghiên cứu gần đây của JAMA cho thấy có trường hợp lây nhiễm hàng loạt cho nhân viên y tế, và điều đó rất đáng lo ngại.
Các nhà nghiên cứu Viện Pasteur (Pháp) cho bệnh phẩm virus corona vào ống nghiệm. Ảnh: AP.
- Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/2 cho biết một nhóm công tác của WHO đã lên đường tới Bắc Kinh để hỗ trợ Trung Quốc, tức nhiều tuần sau khi WHO và CDC đề nghị hỗ trợ Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về sự trì hoãn này?
- Tôi thấy khó hiểu. WHO và CDC có những chuyên gia hàng đầu trong việc đối phó với các virus mới, và họ đều có thể là đối tác tốt với giới chức Trung Quốc. Và như vậy cũng sẽ minh bạch hơn.
Việc WHO và CDC tới hỗ trợ trong các dịch bệnh trên thế giới là điều diễn ra thường xuyên. Một ví dụ gần đây là khi tất cả các bên hợp tác chống dịch Ebola ở châu Phi. Hợp tác quốc tế sẽ tạo ra cách tiếp cận tốt nhất.
“Cuộc thí nghiệm y tế cộng đồng lớn nhất”
- Việc kiểm soát được chủng virus corona mới như dịch SARS và MERS là rất khó, vì số ca “giấu bệnh” không thể xác định. Ông đánh giá sao về ý kiến này?
- Tôi không bi quan như vậy, mà tôi lạc quan một cách thận trọng.
Những gì diễn ra ở Trung Quốc gần như là “cuộc thí nghiệm y tế cộng đồng” lớn nhất trong lịch sử loài người nhằm kiềm chế sự lây lan. Chính quyền đã cách ly hơn 50 triệu người, đặc biệt là 11 triệu người ở Vũ Hán, yêu cầu tất cả ở nhà, đo thân nhiệt thường xuyên. Những biện pháp cách ly quyết liệt này hoàn toàn có thể sẽ giúp giảm sự lây nhiễm cũng như số ca nhiễm virus “xuất khẩu” sang các nước.
Sẽ mất 2-3 tuần để xem liệu số ca có bắt đầu giảm ở tỉnh Hồ Bắc hay không, và số ca “xuất khẩu” sang các nước có giảm không. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là thí nghiệm khổng lồ thành công. Sẽ cần thêm thời gian theo dõi.
Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa với nhiều thành phố ở Vũ Hán, cách ly hơn 50 triệu người. Ảnh: Reuters.
- Khác với Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác đã có sự chuẩn bị nhất định, bao gồm các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, khuyến cáo người dân… Ông đánh giá ra sao về nguy cơ bùng phát dịch ở các nước khác ngoài Trung Quốc?
- Tôi có sự lạc quan nhất định về Việt Nam và các nước khác. Nhiều nước đã chuẩn bị để có thể chẩn đoán bệnh nhân nhanh chóng rồi đưa tới cơ sở y tế, nơi họ được điều trị đầy đủ. Và có đội ngũ truy tìm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân để theo dõi.
Các biện pháp trên cũng được thực hiện ở Mỹ. Tôi cho rằng sẽ có thêm các ca nhiễm mới ở Mỹ. Thậm chí, có thể có thêm trường hợp lây ra cộng đồng (tức những người không trở về từ Vũ Hán). Nhưng nếu có, tôi cũng không quá lo ngại, vì các ca nhiễm mới sẽ nhanh chóng được kiểm soát nhờ sự phản ứng nhanh chóng.
- Đâu là những yếu tố quan trọng để phòng dịch hiệu quả?
- Đầu tiên là sự minh bạch, trung thực, tức phải thông tin về tình hình dịch bệnh một cách rõ ràng và đầy đủ.
Thứ hai là nâng cao nhận thức đối với toàn bộ hệ thống y tế. Chẳng hạn, mọi cơ sở y tế bang Tennessee đều cố xác định xem bệnh nhân có tới Trung Quốc gần đây hoặc tiếp xúc với ai như vậy hay không. Nếu có, bệnh nhân sẽ được theo dõi thêm, hoặc cách ly, còn cơ sở y tế sẽ đề phòng và lấy mẫu xét nghiệm thêm.
Cho đến cuối tuần qua, CDC là bên xét nghiệm virus corona chủng mới cho toàn nước Mỹ. Nhưng hiện CDC đang gửi công cụ xét nghiệm cho sở y tế các bang, để việc xét nghiệm diễn ra nhanh hơn, việc này sẽ giúp chống dịch sẽ hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Zing
Khám phá công việc đầy căng thẳng và nguy hiểm của 20 nhà khoa học trong 'biệt đội săn virus' ở Thái Lan
Kể từ tháng 1/2020, một nhóm gồm 20 chuyên gia từ Trung tâm Khoa học về Bệnh truyền nhiễm, thuộc Hội chữ thập đỏ Thái Lan, đã và đang tập trung vào một sứ mệnh quan trọng - giúp chính phủ giải mã chủng virus 2019-nCoV. Họ được mệnh danh là "biệt đội săn virus".
Phòng thí nghiệm này luôn hoạt động 24/7, tiếp nhận 1.500 mẫu vật được chuyển tới từ ĐH Chulalongkorn - ngôi trường hàng đầu xứ Chùa Vàng. Lúc phóng viên Sky News (Anh) có mặt, một số mẫu vật đang được chuyển vào trong những hộp màu trắng, dán nhãn "nguy hiểm".
Mẫu vật được phân loại trước khi chuyển vào cho các cộng sự mặc đồ bảo hộ ở phòng bên trong. Họ còn đeo sẵn găng tay, khẩu trang, kính... để đảm bảo an toàn.
Virus lúc này vẫn còn hoạt động mạnh, nguy hiểm, cần phải đưa về trạng thái "nghỉ" trước khi phân tích ADN.Tiếp theo là xác định xem chúng có phải virus corona chủng mới hay là một loại gây bệnh truyền nhiễm khác.
Đến nay, "biệt đội săn virus" đã giúp cắt giảm thời gian xét nghiệm từ 2 ngày xuống còn khoảng 3 giờ đồng hồ. "Điều này không chỉ tốt cho bệnh nhân mà còn giúp chính phủ kiểm soát dịch, hạn chế lây lan" - nữ chuyên gia Supaporn Watcharaprueksadee cho biết.
Cô Supaporn có kinh nghiệm phong phú về virus, cũng như từng nghiên cứu trên dơi, khỉ, động vật gặm nhấm - những vật chủ mang virus corona, cúm và ebola.
Hồi tháng 1, chính bác sĩ Supaporn là người xác định ca nhiễm virus corona đầu tiên ở Thái Lan. Đến ngày 6/2, nước này có 25 người nhiễm bệnh, trong đó 9 người được chữa khỏi. Phòng thí nghiệm nơi bác sĩ Supaporn làm việc là 1 trong 2 đơn vị duy nhất xác định các trường hợp dương tính virus 2019-nCoV. Những nơi khác ở Thái Lan chỉ giúp khoanh vùng, phát hiện ca khả nghi.
Ngoài ra, phòng thí nghiệm còn đang nghiên cứu về cách chữa trị 2019-nCoV trong tương lai. "Chúng tôi vừa giải mã bộ gen của virus corona, từ đó hứa hẹn điều chế thuốc và vắc-xin một cách chuẩn xác. Chúng tôi cũng dựa vào bộ gen để giám sát trường hợp virus đột biến" - bác sĩ Supaporn nói.
Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, "biệt đội săn virus" gánh trên vai trách nhiệm rất lớn. Họ không có ngày nghỉ và thường xuyên thiếu ngủ. "Sau khi dịch bùng phát chúng tôi chỉ ngủ tầm 4-5 tiếng mỗi ngày" - một nhà khoa học chia sẻ.
"Biệt đội săn virus" ở Thái Lan đã chuẩn bị tâm lý phải làm việc hết sức lực trong nhiều tháng tới, nhưng họ tự hào vì điều đó. Họ hiểu rằng nghiên cứu của mình không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh trong nước mà còn đóng góp cho toàn thế giới.
Nguồn: Sky News/toquoc
Singapore lên kế hoạch thử nghiệm vaccine nCoV trong 3 tháng Tờ Straits Times ngày 10/2 dẫn lời nhà khoa học hàng đầu của Bộ Y tế Singapore cho biết, các chuyên gia nước này đang phát triển một loại vaccine chống chủng mới của virus corona (2019-nCoV). Hoạt động thử nghiệm vaccine này sẽ bắt đầu trong 3 tháng. Nhiều người đeo khẩu trang phòng dịch bệnh tại một ngã tư ở Singapore....