Cần thiết tích hợp các môn KHTN cấp THCS
Môn Khoa học tự nhiên cấp THCS trong chương trình giáo dục phổ thông mới là một môn học tích hợp của môn Vật lý, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái đất…
ảnh minh họa
Đây là một môn học mới, phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều, gây không ít băn khoăn cho giáo viên đang giảng dạy 3 môn này ở cấp THCS.
Trước hết, mục tiêu GD-ĐT của chúng ta hiện không chỉ đào tạo ra những nhà chuyên môn hẹp, là những nhà toán học, nhà vật lý, hoá học, sinh học, tin học, sử học, nhà văn, nhà thơ… mà cần tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, nhất là khả năng sáng tạo của mỗi người lao động. Nghị quyết số 29 đã chỉ ra: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của cá nhân, sống tốt và làm việc hiệu quả…
Theo các nhà quản trị kinh tế, trong thời đại kinh tế tri thức, toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0, nếu người nào đó tập trung quá đáng vào một chuyên môn sẽ thui chột sự sáng tạo. Vì vậy, muốn có sáng tạo, một người phải thành thạo một vài lĩnh vực. Steve Jobs, nhà chiến lược tài ba, một CEO của Apple đã đưa ra 3 công thức sáng tạo, đó là: Theo đuổi nhiều sở thích, đi bộ và tịnh tâm. Ông cho biết, sau khi thôi học tại Trường CĐ Reed, bang Oregon (Mỹ) đã quyết định đăng ký vào học một số môn mình cảm thấy thích thú, trong đó có lớp Calligraphy (viết chữ đẹp).
Khóa học này chẳng có chút gì liên quan đến tương lai hay chứa đựng bất kỳ một mục đích thiết thực nào cho những dự định sau này của ông. Thế nhưng, chính những điều tích lũy được tại lớp học này đã giúp cho ông hoàn thiện bộ Typography (Nghệ thuật sắp chữ) đẹp như mơ của hệ điều hành Macintosh. Như vậy, để một người có sáng tạo trong thế giới hiện nay, người đó không chỉ tập trung vào một lĩnh vực hẹp mà cần biết thêm các lĩnh vực khác để bổ trợ cho công việc.
Thứ hai, tích hợp và dạy học tích hợp (DHTH) sẽ giúp HS tiếp cận thế giới tự nhiên tốt hơn. Tích hợp, thống nhất là bản chất của giới tự nhiên. Giới tự nhiên phát triển theo một thể thống nhất, tích hợp, không phân chia, tách bạch theo các quá trình hay lĩnh vực khoa học riêng rẽ nào. Chẳng hạn, sự phát triển của cây cối, loài vật… có sự thống nhất, tích hợp của các quá trình sinh học, vật lý, hoá học…
Vì vậy, tại Hội nghị Phối hợp giảng dạy các khoa học của UNESCO ở Paris năm 1972, các nhà khoa học GD đã đưa ra định nghĩa về “DHTH các khoa học” (DHTHCKH) như sau: “Một cách trình bày các khái niệm và nguyên lí khoa học cho phép diễn đạt sự thống nhất cơ bản của tư tưởng khoa học, tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm sự sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau”. Hay nói cách khác, DHTH nhằm giúp cho học sinh nhận thức được thế giới tự nhiên một cách đầy đủ, đúng với bản chất hơn.
Thứ ba, xu thế phát triển của khoa học ngày nay là tiếp tục phân hoá sâu, song song với tích hợp liên môn, liên ngành, giao ngành ngày càng rộng. Việc giảng dạy các khoa học trong nhà trường phải phản ánh sự phát triển hiện đại của khoa học, bởi vậy không thể cứ tiếp tục giảng dạy các khoa học như là những lĩnh vực tri thức riêng rẽ.
Video đang HOT
Mặt khác, khối lượng tri thức khoa học đang gia tăng nhanh chóng mà thời gian học tập trong nhà trường lại có hạn, do đó phải chuyển từ dạy các môn học riêng rẽ sang dạy các môn học tích hợp. Các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học Trái đất có chung mục tiêu là phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên, đồng thời các môn này có phương pháp nghiên cứu giống nhau là phương pháp thực nghiệm. Vì vậy, môn KHTN chính là tích hợp chung mục tiêu và phương pháp.
Với những lý do trên, tích hợp môn KHTN ở cấp THCS và phân hoá môn KHTN thành các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học ở cấp THPT là hoàn toàn có cơ sở khoa học, phù hợp với xu hướng chung của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, phù hợp với tâm lý, nhận thức của HS THCS… Vấn đề là cần phải có giải pháp để khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh ở các trường THCS hiện nay. Trong đó có giải pháp đào tạo lại giáo viên Vật lý, Hoá học, Sinh học để có thể giảng dạy các phân môn trong môn KHTN, nhất là đối với lớp 6 và 7, các chủ đề không phân biệt môn. Đến chương trình lớp 8, lớp 9, các chủ để, mạch kiến thức đi theo logic vật lý, hoá học và sinh học, nên GV từng môn có thể dạy riêng rẽ. Về lâu dài, các trường sư phạm cần mở đào tạo GV giảng dạy môn Khoa học.
Theo Giaoducthoidai.vn
Kiến thức tích hợp môn Khoa học Tự nhiên: Đảm bảo tính khoa học và nhất quán
Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Khoa học tự nhiên (KHTN) là môn học mới (so với chương trình giáo dục hiện hành), là môn học tích hợp phát triển từ môn "Tìm hiểu tự nhiên" ở các lớp 4, 5.
ảnh minh họa
KHTN là môn học bắt buộc ở các lớp 6, 7, 8 và 9 của THCS và là môn tự chọn 2 ở các lớp 10 và lớp 11 của THPT. GD&TĐ đã có cuộc với PGS.TS Mai Văn Hưng, Chủ nhiệm bộ môn KHTN, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) về những đổi mới trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới môn KHTN.
Môn học có tính ưu việt
Thưa PGS.TS Mai Văn Hưng, ông đánh giá như thế nào về tính ưu việt của môn KHTN trong chương trình PT mới?
Học để làm gì, đó là câu hỏi có rất nhiều đáp án, trong đó "học để thích nghi với môi trường sống" là một đáp án rất quan trọng, mà muốn thích nghi thì con người cần phải giải quyết được những vấn đề do môi trường sống đặt ra, trong đó có môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, các vấn đề trong môi trường sống tự nhiên không thể sử dụng kiến thức của một môn học riêng rẽ nào có thể giải quyết được triệt để và thấu đáo. Nếu môn KHTN bao gồm các kiến thức tích hợp bởi Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học trái đất chính được triển khai thành công thì nó có tính ưu việt hơn hẳn các đơn môn trong việc giải quyết vấn đề "học để thích nghi".
Trong môn KHTN, những nguyên lý/khái niệm chung nhất của thế giới tự nhiên được tích hợp xuyên suốt các mạch nội dung, PGS đánh giá như thế nào về vấn đề tích hợp trong môn học này?
Nguyên lý và khái niệm là những nội dung đòi hỏi tính thống nhất, chỉnh thể và chính xác rất cao. Trong KHTN, điều này có thể coi như chân lý, nếu ở mỗi cấp học các nguyên lý hay khái niệm lại thay đổi khi nói về cùng một sự vật hay hiện tượng thì điều đó là không được.
Vì thế trong chương trình môn KHTN, các nguyên lý hay khái niệm được trình bày thống nhất xuyên suốt các mạch nội dung là rất cần thiết vừa đảm bảo tính khoa học vừa khẳng định tính nhất quán trong tư duy nhận thức.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết với thực nghiệm trong chương trình môn học KHTN được đánh giá cao, theo PGS, cần phải đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá như thế nào trong quá trình đổi mới?
Học kiến thức gắn liền với thực nghiệm khoa học về các kiến thức, trên cơ sở đó vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn là xu thế hiện nay trên phạm vị toàn cầu. Chúng ta không thể đứng ngoài tiến trình lịch sử này của nhân loại. Để phù hợp với cách tiếp cận này, chúng ta cần có một số thay đổi như sau: Kiến thức môn học phải chỉ ra được việc học kiến thức này gắn với thực tiễn cuộc sống như thế nào; Học sinh cần được trực tiếp thực nghiệm trên lớp và thực hành tại địa phương những kiến thức học được.
Việc kiểm tra đánh giá cũng cần phải đổi mới theo hướng trả lời cho câu hỏi "học cái đó để làm gì?" hoặc tự mình phát hiện ra vấn đề và giải quyết vấn đề trong thực tiễn chứ không đơn thuần là trả lời câu hỏi của thầy một cách thụ động.
Cùng với các môn Toán học, Công nghệ và Tin học, môn KHTN góp phần thúc đẩy giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics) - một trong những hướng giáo dục đang được quan tâm phát triển trên thế giới. Theo PGS, hướng triển khai trong các trường đã được thực hiện như thế nào?
Giáo dục STEM đúng là đang được quan tâm trên phạm vi toàn cầu và không chỉ STEM mà còn là STEAM (Science, Technology, Engineering, Art Mathematics). Thông qua việc liên kết với Hội đồng Anh, chúng ta đã triển khai tại nhiều trường phổ thông đặc biệt là các trường THCS. Cuộc thi Sáng tạo Khoa học & Kĩ thuật (ISEF) các cấp hiện nay chính là một trong những kết quả hiện thực hóa của giáo dục STEM.
Việc triển khai mở rộng mô hình này đang được Bộ GD&ĐT quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cần có những chiến lược dài hơi, những đầu tư khoa học hơn nữa, bên cạnh đó cần có những kiểm tra đánh giá thực sự khách quan thì STEM mới mang lại hiệu quả thiết thực với thực tiễn của Việt Nam.
Sáng tạo trong tiếp cận dạy và học
Theo PGS, chương trình dự thảo môn học có phù hợp với học sinh hay không?
Chương trình dự thảo môn học về nội dung kiến thức có sự kế thừa của chương trình hiện hành, có những nội dung cập nhật với sự phát triển của khoa học nên về cơ bản là phù hợp với học sinh hiện nay. Tuy nhiên, các nội dung "Quan điểm xây dựng chương trình", "Mục tiêu chương trình", "Yêu cầu cần đạt", "Nội dung giáo dục", "Phương pháp giáo dục" trong dự thảo còn rườm rà, lặp lại hay giải thích
Ví dụ đoạn: "Quan điểm xây dựng chương trình: "Chương trình môn KHTN cụ thể hóa những mục tiêu và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bao gồm: (i) Định hướng chung cho tất cả các môn học như: Quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình; (ii) Định hướng xây dựng chương trình môn KHTN ở cấp trung học cơ sở" nên bỏ vì các đề mục này được lặp lại trong các phần nhỏ sau đó.
Để chương trình có thể phát huy được định hướng phát triển năng lực người học, PGS có đề xuất gì?
Để chương trình có thể phát huy được định hướng phát triển năng lực, tôi có một số đề xuất sau:
Thứ nhất, cần phân biệt rõ "Năng lực" với "Kĩ năng" tránh sự chồng chéo khi sử dụng các thuật ngữ này, nên chăng định nghĩa đơn giản và mở hơn. "Năng lực là khả năng thích ứng của con người với môi trường sống". Điều này giúp cho giáo viên có định hướng vĩ mô, từ đó họ có sự sáng tạo trong cách tiếp cận dạy và học theo hướng phát triển năng lực của chương trình.
Thứ hai, do có các nội dung kiến thức và phương pháp mới nên cần đào tạo lại (bồi dưỡng) các giáo viên trên diện rộng trực tiếp từ các trường đại học chuyên ngành có uy tín.
Thứ ba, việc dạy tích hợp liên môn thực sự là một thách thức lớn nhất đối với giáo viên hiện nay. Vì thế nội dung kiến thức trong sách giáo khoa cần được trình bày theo hướng tích hợp, thực sự đây cũng là thách thức đối với các tác giả viết sách hiện nay.
Thứ tư, cần có những tập huấn cho giáo viên nhằm chỉ rõ về cách dạy các môn tích hợp, cấu trúc các nội dung tích hợp, phương pháp thiết kế bài dạy tích hợp...
Thứ năm, việc xác định cho giáo viên chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phù hợp và linh hoạt với các mức độ yêu cầu dạy và học khác nhau tùy theo địa phương.
Theo Giaoducthoidai.vn
Những vấn đề đặt ra với dự thảo các chương trình môn học Bộ Giáo dục và ào tạo (GD và T) đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới có những thay đổi khá căn bản nhưng cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nỗi...