Cần thiết phải giám sát tối cao đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Trước thực tế đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều điểm chưa phù hợp, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần thiết phải giám sát tối cao hoạt động này, nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm, từ đó có định hướng để tiếp tục thực hiện tốt công tác có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)
Giải quyết bức xúc trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XV, đối với dự kiến chương trình giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Trong đó, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội đưa chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội, trước những bức xúc trong nhân dân và cử tri về hoạt động này.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, có tầm quan trọng và ý nghĩa hết sức to lớn, nhưng việc thực hiện trong thời gian qua đang cho thấy nhiều điểm chưa phù hợp, gây bức xúc trong nhân dân và cử tri.
Đại biểu nêu dẫn chứng, từ khi đổi mới, thực tế cho thấy sách giáo khoa còn in sai, nhiều ngôn từ chưa phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực. Hơn nữa, có quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng, gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn cho cả phụ huynh và các các sở giáo dục.
Ngoài ra, từ khi đổi mới, sách giáo khoa không còn được sử dụng lại, nên hằng năm ước tính toàn xã hội phải chi hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm sách giáo khoa mới, gây ra sự lãng phí rất lớn, đặc biệt gây khó khăn cho các gia đình nghèo có con đi học.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Video đang HOT
Đồng tình với kiến nghị cần giám sát tối cao chuyên đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích, 2 Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được thực hiện trong thời gian khá dài. Theo lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 thì sau 2 năm nữa sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ các cấp học phổ thông.
Do đó, theo đại biểu, việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết trên, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, trong những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, thực tế kết quả triển khai còn một số vấn đề được báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra từ kỳ họp trước nhưng chưa được giải quyết, như những sai sót trong 3 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6, hay những bất cập trong lựa chọn sách giáo khoa.
Đại biểu cho rằng, những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết. Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điểm cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, qua giám sát, Quốc hội cũng có thể rà soát để xem xét điều chỉnh các nghị quyết hoặc bổ sung chính sách nếu cần thiết.
Tiếp tục triển khai giám sát chuyên đề tại địa phương
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) khẳng định, những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm qua nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cử tri và nhân dân cả nước cùng các cơ quan, địa phương, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan giám sát, đơn vị được giám sát, tạo sự đồng thuận, thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra giám sát, đồng thời sớm nghiên cứu để ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Liên quan đến thực hiện giám sát chuyên đề năm 2023, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố triển khai các cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương. Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì giám sát và thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố cùng phối hợp giám sát về cùng 1 nội dung, bảo đảm không trùng lặp và hợp lý trong tổ chức phục vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đánh giá, với việc thực hiện các giám sát chuyên đề ở địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã hết sức có trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Song trong quá trình thực hiện đã có những khó khăn, hạn chế khi tiến hành giám sát ở địa phương như số lượng đại biểu ở mỗi Đoàn ít, thiếu chuyên gia ở địa phương, việc có được các tài liệu như kết quả kiểm toán thanh tra ở địa phương cũng rất hạn chế.
Ngoài ra, một số vấn đề theo đề cương của Đoàn giám sát khi giám sát ở địa phương không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương mà thuộc thẩm quyền của trung ương, cho nên Đoàn đại biểu Quốc hội khó có thể đưa ra kết luận.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị có đề cương giám sát riêng cho địa phương, cho phép địa phương lựa chọn một số nội dung cụ thể trong nội dung chung của Đoàn giám sát phù hợp với tình hình ở địa phương để tiến hành giám sát.
Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2-3 lần do đâu?
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 cả nước sẽ học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ban hành năm 2018.
Theo công bố của các nhà xuất bản, giá SGK mới ở các lớp này đều cao hơn khoảng 2-3 lần so với SGK hiện hành theo chương trình cũ tùy từng bộ. Trước đó, học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo chương trình GDPT mới từ năm học 2021-2022 cũng đều phải mua SGK mới cao hơn 2-3 lần so với chương trình cũ. Vì sao giá SGK mới lại cao hơn đã và đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm tại thời điểm này.
Theo công bố của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam mới đây, bộ SGK lớp 3 theo chương trình GDPT mới có giá bìa 177.000 - 183.000 đồng/bộ (12 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 7 có giá bán 208.000 - 209.000 đồng/bộ (13 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 10 có giá bán 246.000 - 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).
Ghi nhận thời điểm hiện tại, một bộ SGK lớp 3 hiện hành theo chương trình cũ có giá bán khoảng 58.000 đồng. Như vậy, bộ SGK lớp 3 mới cao hơn khoảng 3 lần, chưa kể sách Tiếng Anh. Tương tự, bộ SGK lớp 7 hiện hành có giá bán là 134.000 đồng trong khi đó bộ SGK lớp 7 mới có giá từ 208.000 đến 209.000 đồng. Nếu tính cả sách tiếng Anh (chưa công bố giá), số tiền có thể cao hơn khoảng hai lần so với SGK hiện hành.
Với lớp 10, giá một bộ SGK mới từ 246.000 đến 301.000 đồng, tùy thuộc tổ hợp môn học. Mức này bao gồm tổng giá bìa của 5 trong số 7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập. Trong khi đó, giá bộ SGK cũ là 164.000 đồng, tức SGK mới cũng cao hơn khoảng 2 lần.
Nhiều bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá cao hơn từ 2-3 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Ảnh minh họa.
Giải đáp băn khoăn của dư luận về việc tăng giá SGK mới, ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết: Việc so sánh giá của các bộ SGK theo chương trình GDPT mới với bộ SGK hiện hành là không tương đồng, do khâu biên soạn, xuất bản một bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây.
Theo lý giải của ông Hoàng Lê Bách, về nguồn vốn, việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với SGK hiện hành (cũ), toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo dục chỉ đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản.
Chi phí tổ chức bản thảo SGK hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới. Thứ hai, chi phí nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với SGK hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi. Thứ ba, về quy cách chất lượng sách, SGK mới có khổ 19 x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24cm).
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, SGK cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung... Do đó, đơn giá công in đã bị tăng lên 23% so với SGK hiện hành. Ngoài ra, khi thực hiện biên soạn sách theo chương trình mới, các đơn vị xuất bản phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn so với trước đây.
Trong khi đó, với bối cảnh nhiều đơn vị cùng xuất bản sách, số lượng bản SGK ở mỗi tên sách của một đơn vị xuất bản sẽ giảm so với thời kỳ trước. Các chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn. Khi nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK, phải cạnh tranh cũng sẽ kéo theo việc tăng chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông...
Còn theo đại diện NXB Đại học Sư phạm, SGK mới được lựa chọn sử dụng giấy tốt, chống lóa. Sách được in đẹp, nhiều hình ảnh, tranh vẽ hấp dẫn phù hợp với tâm lý học sinh. Sách cũng có những điều chỉnh về kích cỡ, về số trang. Bên cạnh SGK giấy, học sinh còn được thực hành, trải nghiệm trên những cuốn SGK điện tử, có điều kiện tương tác, trau dồi kiến thức, kỹ năng trên môi trường kỹ thuật số. Đây cũng là chi phí được tính vào giá SGK...
Ngoài các yếu tố "đầu vào" tăng như lý giải của các NXB, theo tìm hiểu của chúng tôi, còn một yếu tố khiến giá SGK mới bị đội lên là do tăng số lượng đầu sách bắt buộc so với trước đây. Đơn cử như đối với bộ SGK lớp 1 theo chương trình GDPT mới, ngoài 3 môn là Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội còn có thêm nhiều môn khác như Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm.
Tương tự với bộ SGK lớp 3, nếu như các năm học trước, học sinh chỉ cần mua 6 cuốn bắt buộc thì từ năm học 2022-2023, khi học theo chương trình GDPT mới, các em phải mua ít nhất 14 cuốn. Trong số này có thể kể đến một số cuốn mới như Tin học, Tiếng Anh, hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể chất.
Ngoài ra, nếu như sách hiện hành môn Toán chỉ có 1 tập thì sách mới chia thành 2 tập, đồng nghĩa với việc phụ huynh phải bỏ ra gấp đôi số tiền cho một môn học, chưa kể giá mỗi cuốn đều cao hơn rất nhiều so với hiện hành... Đối với SGK lớp 10 theo chương trình GDPT mới, áp dụng từ năm học 2022-2023 cũng sẽ có thêm một số đầu SGK mới như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...
Nhiều phụ huynh cho rằng, đối với các môn học, hoạt động có tính thực hành cao như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chỉ cần có sách hướng dẫn của giáo viên là đủ, không cần SGK riêng cho học sinh. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT và các nhà biên soạn chương trình vẫn giữ quan điểm đã là môn học bắt buộc thì phải có SGK. Và đây cũng là một trong những nhân tố khiến giá các bộ SGK theo chương trình mới cao hơn so với SGK theo chương trình hiện hành.
Dù rằng trên thực tế các loại SGK này phụ huynh nào cũng phải mua song không phải học sinh nào cũng có thể sử dụng. Đơn cử như đối với học sinh lớp 1 học chương trình GDPT mới từ năm học 2021-2022, 2 cuốn SGK môn giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm ít khi được dùng đến vì vào thời điểm đầu năm học, hầu hết học sinh lớp 1 đều chưa biết đọc.
Thực tế cho thấy, SGK là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá sách sẽ tác động không nhỏ đến đông đảo người dân, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Với chủ trương xã hội hóa SGK, các NXB, công ty sẽ tự bỏ toàn bộ chi phí, tự tổ chức từ bản thảo sách, in ấn, phát hành, giới thiệu, quảng bá và không dùng ngân sách nhà nước, do vậy, họ không thể bán SGK dưới giá thành.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có cơ chế giám sát, đặc biệt là trong quá trình doanh nghiệp kê khai giá. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc xã hội hóa SGK cần thực hiện ở tất cả các khâu hay chỉ xã hội hóa ở một số khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Lý giải Sử là môn tự chọn rất thiếu tính khoa học Trước ý kiến xung quanh Lịch sử là môn học tự chọn ở cấp Trung học phổ thông, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng quyết sách này thiếu tính khoa học. Theo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở...