Cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách giáo dục
Trước thực trạng còn nhiều bất cập, yếu kém và nhu cầu cấp thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, Giáo sư – TSKH, NGND Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT đã chia sẻ một số ý kiến, tâm tư của mình cùng Dân trí.
Tư duy phát triển GD không theo kịp tư duy đổi mới KT-XH
Xin GS cho biết đánh giá của GS về thực trạng nền Giáo dục Việt Nam hiện nay?
GS – TSKH Bành Tiến Long: Đánh giá về thực trạng giáo dục hiện nay, về cả thành tựu và bất cập, đã được nhiều nhà khoa học, nhà giáo và các cơ quan quản lý các cấp đề cập và có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận như: giáo dục đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và mạng lưới, đảm bảo công bằng giáo dục, chất lượng có tiến bộ, phát triển nhanh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xã hội hóa hoạt động giáo dục phát triển v.v…, thì giáo dục còn rất nhiều bất cập. Có thể liệt kê tóm tắt như sau:
Thứ nhất, tư duy phát triển giáo dục chậm đổi mới, không theo kịp tư duy đổi mới kinh tế, xã hội, nhất là trong quản lý giáo dục;
Thứ hai, các hoạt động chuyên môn của giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, đó là: chất lượng và hiệu quả giáo dục chưa cao; việc dạy chữ chưa kết hợp tốt với dạy người, dạy nghề; đào tạo kiến thức chưa gắn với rèn luyện kiến thức mềm, kỹ năng thực hành; mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; năng lực nghề nghiệp, trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ còn thấp; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô và chất lượng giáo dục, giữa giáo dục chính quy và các hình thức giáo dục khác, giữa các vùng miền, giữa công lập và ngoài công lập; chưa giải quyết tốt các mối quan hệ giữa giáo dục và xã hội hóa, giáo dục và cơ chế thị trường, giáo dục và cơ chế phân cấp; công tác xây dựng đội ngũcòn bất cập về cả số lượng và chất lượng;
Thứ ba, chính sách phát triển giáo dục còn thiếu đồng bộ và chậm đổi mới hoặc chậm triển khai và rất nặng hình thức; cơ chế đầu tư, tài chính còn bất hợp lý, đất đai chật hẹp, trang thiết bị còn lạc hậu.v.v…
Thứ tư, cấu trúc hệ thống giáo dục cả bậc phổ thông và bậc đại học đều chưa hợp lý;
GS. TSKH Bành Tiến Long
Những tồn tại, yếu kém đáng lo ngại nào theo GS cần nhanh chóng khắc phục?
Để khắc phục triệt để những tình trạng nêu trên trên thì cần thiết xây dựng một đề án tổng thể mang tính cải cách hay nói cách khác là đổi mới tận gốc rễ, đổi mới căn bản và toàn diện. Có những bất cập cần phải nhanh chóng khắc phục:
Video đang HOT
- Trước hết là phải đổi mới tư duy phát triển giáo dục, loại bỏ nhanh chóng tư duy của nền kinh tế tập trung, bao cấp, mệnh lệnh, hành chính, xơ cứng, thiếu năng động; cần chủ động, sáng tạo, khai phóng. Luôn luôn phải có tư duy của một nền giáo dục chuẩn, chất lượng, hội nhập trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Giáo dục phải gắn dạy chữ với dạy người, dạy lý thuyết gắn với kỹ năng thực hành, ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục phải trung thực, loại bỏ bệnh thành tích, bệnh giả dối, sính bằng cấp.
- Giải quyết sự mất cân đối giữa quy mô và chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục đại học. Do nhu cầu của đào tạo nguồn nhân lực thì vẫn phải phát triển quy mô giáo dục đại học nhưng phải phân tầng trình độ đại học, cao đẳng, đào tạo nghề cho cân đối, cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Từ đó phải có ngay các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đồng bộ với phát triển quy mô.
- Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, gồm một loạt công việc như: thể chế lãnh đạo, cơ chế quản lý, cách sử dụng đội ngũ nhàgiáo và cán bộ quản lý, phân cấp quản lý, vấn đề tiền lương v.v. Trong đó cần phân ra nội dung đổi mới quản lý nhà nước và quản lý ở cơ sở.
- Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy từ phổ thông tới đại học. Vấn đề này trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Cần tập trung dạy học sinh phương pháp tư duy và giáo dục nhân cách. Phương pháp tiếp cận theo nội dung sang tiếp cận theo năng lực. Chúng ta đã làm nhưng không cơ bản, không bài bản và làm chưa đúng, chưa triệt để hoặc chậm trễ; trước hết là công tác tổ chức để làm việc này chưa tốt.
- Giải quyết nhanh chóng về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý từ phổ thông đến đại học về cả quy mô, chất lượng, cơ cấu và chế độ bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, đặc biệt là chế độ tiền lương, điều kiện làm việc v.v…
- Cần giải quyết nhanh chóng về cơ chế đầu tư, tài chính và đất đai. Cơ chế phân bổ và quản lý nguồn tài chính hiện nay rất bất hợp lý. Cần lưu ý là Bộ GD ĐT quản lý nhà nước về giáo dục nhưng nguồn lực lại bị chi phối hoàn toàn bởi các Bộ, ngành và các địa phương. Không có sự ưu tiên đầu tư cho ngành nghề chiến lược của quốc gia, không có tiêu chí để đầu tư cho các trường trọng điểm mà lại đầu tư rất dàn trải; đất đai vẫn không “gỡ” được cho giáo dục đại học v.v.
- Cần xem xét để giải quyết cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghềđến giáo dục đại học để hệ thống thống nhất, công bằng, vận hành chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách giáo dục
Rõ ràng là chúng ta cần phải đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục ViệtNam trước khi quá muộn. Vậy theo GS, chúng ta cần làm những gì và nên bắt đầu từ đâu?
Trước hết chúng ta phải phải trả lời cặn kẽ nhiều câu hỏi: Vì sao phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục? Đổi mới căn bản và toàn diện là đổi mới như thế nào? Nội dung đổi mới căn bản và toàn diện gồm những gì và công tác tổ chức triển khai đổi mới ra sao?
Chúng ta phải xây dựng một bản Đề án bài bản, hoàn chỉnh, chi tiết. Cần tổ chức điều tra, khảo sát từ các cơ quan trung ương, địa phương, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… Phải có số liệu thống kê và xửlý số liệu có độ tin cậy cao. Cần tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo với các thành phần khác nhau, thế độ tuổi khác nhau để đánh giá, tổng kết, đề xuất các quan điểm, quan niệm, yêu cầu, phương châm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức và lộ trình thực hiện thật minh bạch, mạch lạc, cụ thể. Đồng thời có trang Web riêng để tiếp thu ý kiến của toàn dân.
Sau khi thống nhất chủ trương, rất cần có một Ban chỉ đạo hay Ủy ban quốc gia để thực hiện chủ trương này. Ban chỉ đạo hay Ủy ban sẽ quyết định đến mức độ thành công của công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, do đó cơ cấu phải thực sự hợp lý, có nhiệm vụ, chức năng rõ ràng và phải chịu trách nhiệm toàn bộ công việc. Ban chỉ đạo (Ủy ban) này sẽ hoạt động từ khi bắt đầu xây dựng Đề án cho đến khi sơ kết từng giai đoạn và tổng kết công cuộc đổi mới. Cũng cần lưu ý rằng, trong thực tế nhiều Ban chỉ đạo hoạt động không có kết quả.
Một trong những vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là lương và phụ cấp cho Giáo viên còn quá thấp, dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và nảy sinh tiêu cực, đồng thời là trở ngại để xây dựng và phát triển nguồn lực giáo viên phổ thông. Từng là nhà quản lý giáo dục, theo GS cần có những quyết sách gì để giải quyết trực trạng trên?
Lương, phụ cấp của nhà giáo hiện nay quá thấp. Ngành nghề nhà giáo là thực hiện nhiệm vụ “Quốc sách hàng đầu” vì vậy là nghề cao quý, được tôn vinh. Ngoài việc giáo dục chuyên môn và đạo đức cho học sinh thì mọi hoạt động, hành động của nhà giáo là hình ảnh rất ấn tượng tác động tới học sinh, sinh viên. Nhưng ngạch, bảng lương hiện nay lại không thể hiện sự đặc thù đó.
Một số điều chỉnh như phụ cấp thâm niên, phần trăm giảng dạy là sự cố gắng lớn của nhà nước nhưng quá khiêm tốn và không đặt hệ số, thang lương đúng ý nghĩa. Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và các hiện tượng tiêu cực một phần cũng vì nhà giáo có mức thu nhập thấp như vậy. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, có thời kỳ lương nhà giáo đủ nuôi sống cả gia đình, người thầy chỉ tập trung cho công việc dạy học. Nhưng hiện nay mức lương chính thống của đại bộ phận thầy cô giáo có lẽ chỉ nuôi sống gia đình đủ 1 tuần đến 10 ngày.
Tuy nhiên có một câu hỏi đặt ra là: Khi tăng lương tới ngưỡng cho phép thì liệu có còn hiện tượng tiêu cực giáo dục như trên nữa không? Chất lượng giáo viên có được tăng lên không? Như vậy việc giải quyết lương cho nhà giáo cần kèm theo việc thực hiện nghiêm túc các chế tài, quy định đối với việc tuyển dụng, sàng lọc, nhiệm vụ của nhà giáo. Trên cơ sở dự toán ngân sách tiền lương cho toàn đội ngũ nhà giáo thì hàng năm Quốc hội nên phê chuẩn quỹ lương riêng cho ngành giáo dục. Coi đây là thực hiện nhiệm vụ “Quốc sách hàng đầu”.
(Còn nữa)
Mạnh Hải
Theo dân trí
Cần tổng điều tra toàn diện trước khi đánh giá
Để có được cơ sở vững chắc cho một đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay, có lẽ cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện, khoa học với quy mô thích hợp.
Đó là quan điểm của GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. GS Trân Châu cho rằng, về thực trạng của nền giáo dục nước ta, có nhiều ý kiến đánh giá không chính thức khác nhau, nhiều ý kiến cho là bất cập, yếu kém, lạc hậu, hay có người còn cho là đi lạc hướng...thậm chí còn cho là đã góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội. Trong một môi trường xã hội mà văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái như Nghị quyết 4 đã nêu, thì không thể không ảnh hưởng đến toàn xã hội trong đó có giáo dục, không thể đơn thuần quy là do lỗi của giáo dục trong việc làm băng hoại đạo đức, văn hóa, xã hội.
Cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện về giáo dục trước khi đánh giá (Ảnh minh họa)
Hiện tượng nhà trường nào đó và các thầy giáo nào đó "bán bằng", một bộ phận học trò học chỉ để có "bằng" có phần là do lỗi của hệ thống quản lý giáo dục, nhưng lỗi này chỉ có thể phát sinh, nảy nở và phát triển trong một môi trường xã hội mà có sự hiện diện của việc mua bán chức, kiếm được việc làm, hay thăng tiến không phải chủ yếu do năng lực bản thân, mà khá phổ biến là phụ thuộc khá nhiều vào việc "chạy chọt", "đổi chác" bằng nhiều hình thức khác nhau.
Mặc dù chưa có kết quả "tổng kiểm tra" "đánh giá tổng thể" một cách khoa học nhưng dư luận xã hội hình như cũng khá thống nhất về một số yếu kém của giáo dục cần sớm khắc phục.
Cũng theo TS Trân Châu, những yếu kém chính thường được nêu trong thời gian gần đây đó là học nặng, thi cử phức tạp tốn kém, thiếu kiến thức thực hành, hiệu quả học không cao, khả năng vận dụng tri thức kém. Ngoài một số học sinh xuất sắc, giỏi, trình độ của số khá nhiều học sinh, sinh viên không tương xứng với bằng cấp mà họ có được. Đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp ngày nay được đào tạo theo một hệ thống khá cơ bản, theo chương trình khá tốt so với trước đây nhưng vẫn còn đó những bất cập...
Giải pháp nào để đổi mới?
Theo quan điểm của GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu thì những giải pháp cần phải hướng tới đó là nâng cao sự gương mẫu, hiệu quả hoạt động của giáo viên. Đây có lẽ là khâu đột phá trước tiên cần làm ngay vì các thầy cô có vai trò đặc biệt quan trọng đến chất lượng đào tạo.
Cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi nghề, có tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp, xứng đáng là thầy giáo. Từ thực tế cho thấy giáo dục phổ thông có vai trò khá quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, phải xây dựng từ gốc, vì vậy làm thế nào để có bậc học này có đội ngũ giáo viên chuẩn.
Tạo điều kiện để có người giáo viên có điều kiện phấn đấu vươn lên, toàn tâm toàn ý với nghề. Hơn ai hết, người thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh về nhiều mặt, nhất là ý thức "học tập suốt đời" về mọi mặt.
Mặt khác rà soát lại yêu cầu, mục tiêu đào tạo về kiến thức lý thuyết và thực hành, nhân cách, kỹ năng sống cho người học của từng bậc học, từng loại hình đào tạo, thật rõ ràng cụ thể thiết thực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta đáp ứng yêu cầu của nước ta về họi nhập quôc tế.
Cần quan tâm nhiều đặc biệt có biện pháp, hình thức kiểm tra thích hợp để đảm bảo chuẩn chất lượng sản phẩm của mỗi bậc học trong suốt quá trình đào đạo.
Có cần quá chú trọng mất nhiều công sức, tiền bạc như hiện nay để chỉ sàng lọc, do đó không khuyến khích người học phải cố gắng trong quá trình học. Chất lượng đầu ra không bảo đảm dẫn đến một thực tế là có sự qua khác nhau về trình độ giữa những người có cùng một "tấm bằng" xác nhận trình độ. Điều này dẫn đến sự bất công về cơ hội việc làm, nhất là trong điều kiện có nhiều tiêu cực mà không phải dễ khắc phục và có thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Ngành cũng cần có biện pháp để giúp người học sớm hướng nghiệp từ bậc phổ thông.
Về vấn đề chương trình, SGK, GS Trân Châu cho rằng so với trước đã có nhiều tiến bộ, việc cải cách hay viết lại cần có chuẩn bị hết sức cẩn thận, lên phương án cụ thể tranh thủ ý kiến rộng rãi nhiều loại chuyên gia, tìm cách thích hợp để tránh lãng phí tiền công và công sức mà có thể lại thêm khó khăn cho việc đổi mới.
"Sách có thể chưa thật tốt như mong muốn, có thể hoàn thiện dần nhưng nếu có giáo viên tốt, có chương trình hướng dẫn cụ thể thì vẫn có thể đạt yêu cầu mong muốn" - GS Trân Châu nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề tổ chức quản lý, GS Trân Châu cũng cho rằng cần phải có sự thay đổi. Ở đâynhững người có trách nhiệm ở tất cả các cấp kể cả thành viên của hội đồng tư vấn cần làm đủ chức năng nhiệm vụ và phải có cơ chế quy định về việc chịu trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao.Cần có hệ thống tư vấn, thanh tra, kiểm tra (làm việc một cách thật sự, có chịu trách nhiệm chứ không phải là hình thức) đánh giá một cách đầy đủ mọi hoạt động giáo dục, cũng như mọi tổ chức, hoạt động có tính chất thử nghiệm.
"Cải cách giáo dục được tổ chức thành lập theo tinh thần thực sự cầu thị, có cơ chế để có thể tranh thủ được nhiều ý kiến của đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và quản lý có kinh nghiệm nghề nghiệp, có tâm huyết. Tổ chức này có nên chăng là một tổ chức có quyền lực để thực thi nhiệm vụ được giao?" - GS Trân Châu nói.
S.H
Theo dân trí
Đã đến lúc phải cương quyết chọn đường cho giáo dục Việt Nam Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường - GS Chu Hảo phát biểu tại hội nghị về đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29/9. Sáng ngày 29/9, những nhà giáo nhân dân, giáo sư đầu ngành như nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, GS...