Cẩn thận trầm cảm khi du học Phần Lan
Đẹp như miền cổ tích, Phần Lan không chỉ là vùng đất mơ ước cho nghỉ dưỡng mà còn là thiên đường học tập với nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.
Người Phần Lan tận hưởng mùa hè ấm áp mà ngắn ngủi tại thủ đô Helsinki – Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, văn hóa giao tiếp cùng khí hậu khắc nghiệt dễ gây trầm cảm cho du học sinh vùng nhiệt đới.
Hơn 18 tháng trải nghiệm, Lê Ngọc Mỹ Tiên, 24 tuổi, hiện du học ngành Marketing và Kinh doanh quốc tế tại ĐH Haaga-Helia (gần thủ đô Helsinki, Phần Lan) chia sẻ việc chuẩn bị tâm lý trước không khí buồn tẻ và tính cách hướng nội ở quốc gia này.
Cảm giác như bị cô lập
Những bông tuyết đầu tiên xuất hiện từ tháng 10, tháng 12 mặt hồ đóng băng, đầu năm mới có nơi lạnh đến âm 45oC, ngày ngắn đêm dài, nhiều ngày liền không thấy Mặt trời… Kiểu khí hậu này ảnh hưởng nhiều đến tâm lí và thói quen sinh hoạt của người dân.
“Phần Lan hơi buồn tẻ so với các nước nhiệt đới và châu Mỹ. Người dân ở đây hầu như không ra đường, không có hàng quán ăn vặt hay thói quen lê la vỉa hè”, Mỹ Tiên chia sẻ.
“Tiết trời quá lạnh, người dân thích ở nhà chơi game hoặc nói chuyện với gia đình. Bù lại, mùa hè kéo dài gần 4 tháng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội ngoài trời, trở thành dịp kết bạn dễ nhất trong năm, lòng người có vẻ cởi mở hơn”.
“Khi ở Việt Nam thấy mùa đông tuyết trắng rất đẹp, lãng mạn nhưng sống lâu dễ bị trầm cảm”, Tiên tâm sự.
“Nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè du học sinh nào cũng gặp nhưng ở Phần Lan cảm giác càng khó kết bạn mới. Tính cách người bản xứ hướng nội cao, cực kì tôn trọng không gian cá nhân, trên đường phố đã ít người mà họ còn đi rất xa nhau, cảm giác rất khó gần, tưởng chừng mình bị cô lập.
Dù vậy, khi đã là bạn, người Phần Lan rất nhiệt tình, cứ gọi điện mời đến nhà chơi bời, nấu ăn, hỏi thăm sức khỏe”.
Video đang HOT
Mỹ Tiên tham quan và nghe thuyết trình về nguồn gốc nguyên liệu tại công ty thực phẩm Fazer (Phần Lan) gần 130 tuổi – Ảnh: NVCC
Sinh viên du học đa phần bận tâm chuyện làm thêm, tuy nhiên, Phần Lan không phải là nơi có nhu cầu cao về việc làm. Theo Tiên, mùa hè ở các thành phố lớn mới cần nhân viên làm bán thời gian, ở các thị trấn nhỏ hầu như không treo biển tuyển dụng.
Ngoài ra, các cửa hàng ưu tiên chọn sinh viên nói được tiếng địa phương, nếu không sinh viên phải nhận việc rửa chén, lau dọn, giao thư, phục vụ nhà hàng… ít đòi hỏi giao tiếp.
Từng học ở Kokkola – thị trấn nhỏ phía tây đất nước, nhưng do định hướng kinh doanh – marketing, Tiên viết đơn trình bày nguyện vọng chuyển trường vào thành phố để rèn luyện trong môi trường năng động hơn.
Học không quan trọng điểm số
Tiên cho biết bản chất người Phần Lan không coi trọng điểm số nên bằng tốt nghiệp không ghi học lực hay điểm trung bình.
“Đạt điểm cao rất khó, xuất sắc lắm mới được 4 điểm, phải thần kì, thiên tài mới chạm điểm 5. Tổng điểm được tính từ nhiều cột điểm thành phần do bạn bè, doanh nghiệp đối tác, thầy cô đánh giá dựa trên kỹ năng tương tác, làm việc nhóm của sinh viên đó”, Tiên nói.
Do các trường tự chủ nên chương trình dạy đôi chỗ khác nhau. Tại trường cũ, Tiên học theo tín chỉ, qua trường mới học theo module, như học kỳ vừa qua sinh viên không học từng môn mà thực hiện ba dự án thực tế.
Sinh viên làm nhiều dự án thực tế gắn với doanh nghiệp để đảm bảo kiến thức trong học kỳ – Ảnh: NVCC
Trong dự án 1, sinh viên dành một tuần đến doanh nghiệp để quan sát, đặt câu hỏi không chỉ về quy trình làm việc mà còn mối quan hệ đồng nghiệp, từ đó so sánh thực tế khác lý thuyết đến mức độ nào. Cuối tuần đó, sinh viên sẽ nộp bản báo cáo, phân tích công ty cho giảng viên.
Trong dự án 2, sinh viên có một ngày đi thăm nhiều công ty, nghe đại diện doanh nghiệp chia sẻ về ngành kinh doanh, thậm chí báo cáo tài chính công khai.
Trong dự án 3, sinh viên chia nhóm làm việc trong tháng để tìm ra giải pháp cho một vấn đề thực tế từ công ty. Qua dự án, sinh viên vừa học vừa làm, công ty vừa đón nhận ý tưởng mới vừa duy trì mối quan hệ tốt với đại học – khu vực chuyên thực hiện các nghiên cứu khoa học cho doanh nghiệp.
Gần hai năm học tập, Mỹ Tiên mắt thấy tai nghe về trình độ thạc sĩ bắt buộc đối với giáo viên Phần Lan (chưa kể phải trải qua nhiều vòng thi, duyệt, đào tạo của Bộ giáo dục).
Nhưng ngạc nhiên hơn, trái với tính cách hướng nội, ngại giao tiếp, lớp học Phần Lan khuyến khích học sinh, sinh viên nêu ý kiến cá nhân, phát triển kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo, tăng cường tương tác nhóm.
Để không bị sốc môi trường, Tiên cho rằng học sinh sinh viên cần xác định ngành học, phong cách học (nghiên cứu hay ứng dụng, nhàn rỗi hay năng động), từ đó chọn trường học tương ứng là thành phố trung tâm hay tỉnh lẻ.
“Trong thời gian học, du học sinh phải rèn thêm ngoại ngữ nếu muốn ở lại Phần Lan làm việc. Ở châu Âu nói chung, việc biết 6 ngôn ngữ là chuyện bình thường, mặc dù tiếng Anh phổ thông nhưng nhà tuyển dụng vẫn ưa tiếng địa phương hơn”, Tiên cho biết.
“Nếu xác định làm công ty quốc tế chỉ sử dụng tiếng Anh thì họ đòi hỏi chuyên môn cực kỳ xuất sắc”.
Theo tuoitre.vn
Bạn đọc viết: Tham vọng của cha mẹ, bi kịch của con
Cứ gần đến kì thi hoặc kết thúc một kì thi, chúng ta lại sững sờ trước những câu chuyện thương tâm: học sinh tự tử vì trầm cảm, vì điểm thấp, vì thi trượt, vì không đạt được ước mơ của cha mẹ.
Ảnh minh họa
Mới đây, em C., học sinh một trường THPT tư thục ở TPHCM dù đạt điểm trung bình môn 8,9 mà vẫn cảm thấy mình quá kém cỏi vì cha mẹ mong em học giỏi nhất lớp, được vào lớp chọn của khối. Em đã tự tử vì áp lực từ phía gia đình.
Trước đó, có em tự tử vì không đỗ trường Công an như bố mẹ mơ ước, có em tự tử vì đạt điểm 3 thi tiếng Anh giỏi cấp trường...
Nhưng vẫn rất nhiều phụ huynh đọc xong bài báo mà dửng dưng vô cảm, coi chuyện đó là "chuyện thiên hạ", chẳng mảy may liên quan gì đến gia đình mình, các con mình. Phụ huynh chỉ biết đầu tư hết mức cho con ăn học, kiếm trường lớp chuẩn, thầy cô xịn, việc của con là phải học sao cho bố mẹ nở mày nở mặt. Cha mẹ chỉ nhất nhất bắt con toàn tâm toàn ý học, mong ước con thi thố phải đạt giải, phải vào đại học tốp đầu nhằm rạng danh gia đình, họ hàng. Từ bao giờ, cha mẹ quên mất năng lực thực sự của con, mơ ước của con, tâm trạng và sức khỏe của con.
Điểm số, thành tích học tập, áp lực đối mặt với các kì thi liên tiếp trong quãng đường dài đi học khiến trẻ con quay cuồng. Nếu cha mẹ cứ mải chạy theo thành tích thì con trẻ luôn luôn mệt mỏi và căng thẳng. Học sinh ngay từ bậc tiểu học đi học chính, học thêm, học năng khiếu kín mít cả tuần. Em nào ở nhà, không đi học thêm được xếp vào diện cá biệt: Một là học dốt, lười học; Hai là con nhà nghèo, bố mẹ không có điều kiện kinh tế lo cho con ăn học đàng hoàng.
Ở thành phố, trẻ em càng bị cắt giảm tối đa giờ vui chơi, chỉ có học là trên hết. Bố mẹ bận rộn tối ngày, bạn bè ai cũng chạy đua học thêm, trẻ em hết giờ học là đến giờ ngủ, các em giải trí chủ yếu bằng cách vùi đầu vào game, mạng xã hội... Những hoạt động vui chơi, vận động ngoài trời dường như bị triệt tiêu. Học và chỉ có học, nhiều em học sinh rơi vào tình trạng cô đơn trong gia đình khó mở lời với cha mẹ, không có nổi một vài người bạn thân để chia sẻ nỗi niềm. Chỉ cần một vài lần thất bại trong học tập, các em sẽ gục ngã nhanh chóng, tuyệt vọng không lối thoát, nghĩ quẩn và làm những điều dại dột không ai ngờ tới.
Bi kịch học sinh tự tử bao giờ mới chấm dứt? Tôi nghĩ, phụ huynh đừng vội đổ lỗi cho hệ thống giáo dục nặng nề thi cử bấy lâu nay. Cha mẹ cứ ép con học tràn cung mây, rồi giao giá "con phải giỏi nhất lớp, nhất khối, nhất trường", con phải bằng bạn A, bạn B mà không cần biết con có thích học không, có vui vẻ khi đến lớp, đến trường không? Có nhiều phụ huynh, cứ tối về là kiểm tra bài vở của con, hỏi han kĩ lưỡng xem con đạt điểm mấy. Con điểm cao được thầy cô khen, bố mẹ vui mừng phấn khởi. Hễ con điểm thấp, mắc lỗi là bố mẹ mắng chửi xa xả, đánh đập cho chừa tội học dốt.
Phụ huynh quên mất rằng, mỗi đứa trẻ có năng lực học tập khác nhau, tại sao lúc nào cha mẹ cũng quy ra điểm số, giấy khen, danh hiệu cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố để rồi bất mãn, chán nản. Con trẻ thấy cha mẹ buồn rầu vì mình, thất vọng vì mình kém cỏi thì các em sa sút tinh thần nhanh chóng, cảm thấy mình vô dụng vì không đạt được tâm nguyện ấp ủ bấy nay của cha mẹ. Tâm trạng chán nản, tuyệt vọng này kéo dài sẽ nhanh chóng đẩy các em vào bệnh trầm cảm, dẫn đến quyết định hủy hoại bản thân...
Học sinh bậc THPT là đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm học đường. Đây là lứa tuổi mà tâm sinh lý nhạy cảm, nếu cha mẹ không tinh ý sẽ khó lòng phát hiện con mình bất ổn. Con có thể mắc trầm cảm với nhiều lý do: Môi trường sống thay đổi, áp lực học tập căng thẳng quá mức với năng lực, thấy mình thua kém bạn bè mọi thứ và tệ hại nhất vẫn là không đáp ứng được mong mỏi của bố mẹ. Lực học của con mức khá nhưng cha mẹ chỉ mơ con mình sẽ giỏi, sẽ đỗ đạt những trường đại học tốp đầu và thường chê bai, chì chiết con khi biết điểm tổng kết, điểm thi của con đì đẹt.
Khi ấy, có những em chai lỳ trước những lời chê trách, nhiếc móc của cha mẹ. Nhưng có rất nhiều em đã âm thầm đau khổ và tổn thương nặng nề khi cha mẹ chê trách, coi thường, so sánh đủ kiểu. Các em đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không được cha mẹ ghi nhận, cha mẹ vẫn cảm thấy học như thế là chưa đủ, cần phải có thành tích, danh hiệu...
Đa số phụ huynh dạy con phải học giỏi mới có tương lai, nào là "một người làm quan cả họ được nhờ", nào là "thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li", nào là "có chí thì nên". Phụ huynh đưa ra hàng loạt dẫn chứng các nhà bác học, thần đồng từ thời xa xưa đến thời hiện đại, các tấm gương học sinh giỏi quốc tế, các bạn học sinh giành học bổng du học để lên lớp các con, giục giã, thúc ép các con học tập không ngừng nghỉ.
Nhưng phụ huynh quên dạy con biết chấp nhận thất bại, biết chấp nhận năng lực bản thân và quan trọng nhất là dạy con biết quý trọng bản thân mình. Để dạy con điều ấy, trước tiên phụ huynh cần đồng hành cùng con, làm bạn với con suốt chặng đường dài học tập và trưởng thành. Phụ huynh hãy chấp nhận các con có cả ưu điểm và khuyết điểm, dù con học chưa giỏi thì đối với bố mẹ, con cái vẫn là tất cả. Cha mẹ cần định hướng cho con về nghề nghiệp trong tương lai và xác định cho con hiểu, có rất nhiều lựa chọn và nghề nghiệp nào cũng có giá trị riêng được xã hội công nhận.
Hiện nay rất nhiều phụ huynh khăng khăng cho rằng, phải đặt mục tiêu cao thì con mới có quyết tâm học hành. Tôi từng biết có những em học sinh cảm thấy học lớp chọn rất đuối, xin sang lớp thường nhưng cả thầy cô và cha mẹ đều không đồng ý, muốn các em phải cố gắng gấp 3, gấp 5 lần để đuổi kip bạn bè. Vậy là có những em dù học lớp chọn thật đấy nhưng thi đại học chỉ đạt điểm làng nhàng, đủ đỗ trường thường. Bố mẹ tỏ rõ bất mãn vì đầu tư hết mình mà con vẫn kém cỏi. Các em đi học vì gánh nặng ước mơ của cha mẹ và đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh trầm cảm học đường với những bi kịch đau xót.
Liệu khi nào, cha mẹ mới tỉnh ngộ vì ước mơ của cha mẹ đè nặng lên cuộc đời của các con, vô tình đẩy các con vào hố sâu tuyệt vọng và tìm đến cái chết như sự giải thoát?
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Báo động học sinh bị trầm cảm, tự tử vì áp lực học hành Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, bắt con học cho bằng bạn bằng bè, học ở trường, ở nhà rồi ra trung tâm... Tất cả những hành động đó của phụ huynh đang khiến việc học tập không còn là cánh cửa mở ra tương lai, mà trở thành nguyên nhân khiến con em mình vào bệnh viện vì trầm cảm, thậm...