Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động?
Theo VEPR, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.
Bởi theo phân tích của VEPR, cầu tín dụng năm 2015 tăng cao hơn so với năm 2014 và tương đối ổn định trong các tháng cuối năm. Tổng dư nợ tín dụng tính đến 18/12/2015 đã tăng 17,02% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2015 tiếp tục dưới mức tăng trưởng huy động, chênh lệch luôn ở mức 3,5-3,7%. Điều này tạo ra sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất huy động trong nước.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu tháng 1/2016 mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Video đang HOT
Còn lãi suất huy động USD của TCTD phổ biến ở mức 0 %/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có 11 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 0,1-0,5%/năm trong tháng 12/2015. Trong khi tín dụng tăng trưởng nhanh, GDP danh nghĩa năm 2015 chỉ tăng 6,48%, thấp hơn nhiều mức tăng hai chữ số các năm trước. “Việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô”- VEPR lưu ý.
VEPR cho rằng, nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.
Vì vậy, VEPR kiến nghị, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Cho nên cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn./.
Theo_VOV
Vì sao các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi?
Nhiều ngân hàng thương mại gần đây đã điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng với lý do được đưa ra là nhằm đảm bảo thanh khoản cho hoạt động ngân hàng từ nay đến cuối năm.
Việc một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động đang được dư luận, nhất là người gửi tiền rất quan tâm. Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu: "Hiện tượng lãi suất tiền gửi tăng ở một số ngân hàng thương mại nhỏ có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn và có tính chất tạm thời. Sự dịch chuyển của các khách hàng gửi tiền trong thời gian qua đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng nhỏ phải điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động".
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế-Tài chính) cũng đánh giá, việc một số ngân hàng vừa và nhỏ tăng lãi suất huy động ngắn hạn bước đầu sẽ nâng cao được khả cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong việc thu hút được lượng khách hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ tăng lãi suất phổ biến trong kỳ hạn ngắn 3 - 6 tháng chứ hiếm tăng ở các kỳ hạn dài. Điều đó cho thấy, việc tăng lãi suất chủ yếu phục vụ nhu cầu tăng vốn, thu hút khách gửi tiền còn về lâu dài các ngân hàng chưa dám tăng vốn huy động vì họ vẫn lo ngại vấn đề tỷ giá và các diễn biến thị trường tài chính cuối năm.
Nhiều công ty chứng khoán mới đây cũng đã đưa ra các báo cáo nhận định: Biến động về tỷ giá tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Để giữ vững niềm tin của người người gửi tiền vào VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp Cục dự trữ liên bang Mỹ - FED tăng lãi suất trở lại trong tuần này), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng lên nữa trong thời gian tới. Mức độ điều chỉnh của các ngân hàng có thể sẽ khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm.
Trong bối cảnh kỳ vọng về lạm phát đang ở mức thấp và Chính phủ đang muốn duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, các chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp.
Được biết, tổng cộng mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm là 5,1%, gần bằng biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD trung bình cũng đang vào khoảng 6%. Những diễn biến đến từ kinh tế Trung Quốc (đặc biệt những động thái tiếp tục can thiệp mạnh vào tỷ giá đồng NDT vừa qua) và khả năng tăng lãi suất của FED trong tuần này (có thể với biên độ mạnh trên 0,5%) là những rủi ro khách quan có thể chi phối (nhưng không lớn) đến quyết định của Ngân hàng Nhà nước với thị trường tiền tệ trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của báo chí: Giả sử FED tăng lãi suất trong tuần này sẽ tác động thế nào đến lãi suất VND? PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia phân tích: Hàng loạt Ngân hàng trung ương các nước đã lường trước việc FED có thể tăng lãi suất nên ít nhiều đã giảm giá đồng bản tệ. Và nếu FED có tăng lãi suất thì chỉ tác động không đáng kể đến lãi suất thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ông Ngân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng vẫn nên duy trì lãi suất tiền gửi VND 4-7%/năm để bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến từ 6-10%/năm nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. "Theo tôi, với lãi suất tiền gửi VND phổ biến 4,5-7%/năm đã bảo đảm lãi suất thực dương cho người gửi tiền, lãi suất cho vay phổ biến 6%-10%/năm là hợp lý"-ông Ngân nói.
Để khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng và tiếp tục gửi tiền đồng vào ngân hàng, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không chỉ mỗi việc các ngân hàng cứ đua nhau tăng tiếp lãi suất huy động mà Việt Nam cần kiểm soát lạm phát tốt nữa. "Lạm phát thấp sẽ hỗ trợ rất nhiều cho mặt bằng lãi suất, bởi lãi suất tiền gửi phải luôn bảo đảm mức sinh lời. Ngoài ra, chúng ta còn cần để người gửi tiền tăng thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Muốn vậy, các ngân hàng cũng phải được tái cơ cấu hiệu quả để hoạt động ổn định. Ngân hàng Nhà nước cần thông tin rõ việc tái cơ cấu ngân hàng đang tiến triển tốt, không gây xáo trộn cho người dân, từ đó đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ phù hợp với các mục tiêu chính sách" - ông Long nhận định.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng cho TP.HCM và Hà Nội. Biểu lãi suất áp dụng từ 7h30 ngày 11.9.2015. Theo đó, lãi suất huy động tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng đều tăng 0,1% lên lần lượt là 4,5%/năm; 5,5%/năm và 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,2% lên 4,9%/năm. Đây là mức lãi suất tính cho cuối kỳ. Lãi suất USD và Euro của Sacombank phổ biến ở mức 0,75%/năm, riêng kỳ hạn 12 và 13 tháng với huy động Euro là 0,1%/năm và 0,12%/năm. Ngoài Sacombank, một số ngân hàng như ABBank, SaigonBank, SeAbank cũng tăng lãi suất huy động 0,1-0,3%/năm. Thậm chí một số ngân hàng tăng 0,5% như tại Viet Capital Bank lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,5% và kỳ hạn dưới 3 tháng tăng 0,1%/năm.
Theo_24h
Áp lực giữ ổn định lãi suất cho vay Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng lãi suất huy động tăng chưa tạo áp lực đến lãi suất cho vay nhưng cũng cho thấy khả năng giảm lãi suất khó có cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với NHNN trong việc làm sao giữ lãi suất cho vay không tăng trong thời gian tới. Một số NH...