Cân nhắc lùi thời gian thực hiện Chương trình GDPT mới
Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vừa có bản báo cáo kết quả phiên họp chuyên đề về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Trong báo cáo, Ủy ban băn khoăn khi nhìn lại lịch sử đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Bài học từ đổi mới trước
Thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội, chương trình GDPT chu kỳ trước được thực hiện từ năm học 2002-2003 ở lớp 1 và lớp 6, đến năm học 2008-2009 thì bắt đầu triển khai đại trà ở tất cả lớp học (chậm 2 năm so với yêu cầu của Nghị quyết).
Tuy nhiên, ngay trong báo cáo số 146/BC-BGDĐT ngày 26/5/2008 về kết quả đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết 40, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch nghiên cứu để xây dựng một chương trình GDPT mới để triển khai sau năm 2010, trong khi sách giáo khoa lớp 12 lúc bấy giờ vẫn chưa được áp dụng đại trà.
Kinh phí để tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đồng bộ với chương trình theo Nghị quyết 40 lúc đó là lớn.
Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT hết sức thận trọng trong việc sửa đổi chương trình, sách giáo khoa GDPT lần này; đồng thời, tính toán để kế thừa và sử dụng có hiệu quả kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa chu kỳ trước (bao gồm cả chương trình, sách giáo khoa, tài liệu tập huấn, tài liệu dạy học và cơ sở vật chất, trang thiết bị).
Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc lùi thời gian thực hiện Chương trình GDPT mới.
Quan ngại lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới
Đối với chương trình GDPT mới, Ủy ban ghi nhận nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng.
Tuy nhiên, Ủy ban rất quan ngại về lộ trình thực hiện và các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT đã bị chậm về tiến độ.
Video đang HOT
Nếu theo đúng lộ trình, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2018-2019, thời gian còn lại chỉ là 15 tháng, trong khi vẫn còn nhiều công đoạn phải thực hiện: Thông qua chương trình tổng thể; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các bộ sách giáo khoa; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên…
Áp lực thời gian có thể sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của chương trình và sách giáo khoa mới.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các điều kiện để bảo đảm thực hiện chương trình GDPT mới chưa có nhiều chuyển biến; sự vào cuộc, tham gia của địa phương, cơ sở trong công tác chuẩn bị đổi mới chương trình còn lúng túng, chưa rõ ràng. Ủy ban cũng lưu ý việc xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy phổ thông.
Cân nhắc lộ trình thực hiện
Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung chỉ đạo, hoàn thiện chương trình và sách giáo khoa GDPT mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đồng thời đưa ra một số lưu ý đối với Bộ GD&ĐT.
Trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới GDPT nói chung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng phải được thực hiện theo một lộ trình hợp lý trên cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về cả lý luận và thực tiễn.
Thứ hai, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT bám sát yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể lộ trình cho quá trình xây dựng, ban hành và triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới bảo đảm tính khả thi, chất lượng, hiệu quả. Tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý GDPT đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ủy ban băn khoăn khi nhìn lại lịch sử đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT thời gian vừa qua. Kinh phí để tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đồng bộ với chương trình theo Nghị quyết 40/2000/QH10 lúc bấy giờ là lớn.
Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT hết sức thận trọng trong việc sửa đổi chương trình, sách giáo khoa GDPT lần này; đồng thời, tính toán để kế thừa và sử dụng có hiệu quả kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa chu kỳ trước (bao gồm cả chương trình, sách giáo khoa, tài liệu tập huấn, tài liệu dạy học và cơ sở vật chất, trang thiết bị).
Về việc triển khai NQ 88/2014/QH13, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc, có thể kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới nhằm bảo đảm chất lượng và tính khả thi.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Chương trình giáo dục phổ thông: Đừng làm kiểu bình mới rượu cũ
Chương trình giáo dục phổ thông nếu chỉ thay đổi tên môn học, không khắc phục được những nhược điểm cũ thì rõ ràng không có lý do để tồn tại.
Đó là nhận định của thạc sĩ Lê Minh Tiến, tốt nghiệp thủ khoa khoa Xã hội học - ĐH KHXH&NV TP.HCM, lấy bằng thạc sĩ Xã hội học tại Bỉ, hiện là giảng viên của khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Đại học Mở TP.HCM.
- Bộ GD&ĐT vừa công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều thay đổi mạnh mẽ và kỳ vọng cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong thời gian sắp tới. Thạc sĩ có nhận xét gì về Chương trình giáo dục phổ thông mới này?
- Trong bất cứ lĩnh vực nào, khi muốn thay cái cũ bằng cái mới thì thông thường người ta phải tiến hành đánh giá toàn diện những cái được, cái tốt và những cái chưa được, những cái còn bất cập của cái cũ để từ đó thiết kế cái mới nhằm phát huy những cái được và khắc phục những bất cập của cái cũ.
Thạc sĩ Lê Minh Tiến.
Đọc Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), chúng tôi không thấy nhóm soạn thảo có bất cứ đánh giá nào về Chương trình GDPT hiện hành mà chỉ nói chung chung là "Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học".
"Nền giáo dục hiện hành chủ yếu dạy để thi chứ không phải học để sống, học để làm người.
Do đó, các thầy cô gần như chỉ chú trọng dạy về kiến thức khoa học để thi chứ không dạy về kỹ năng, dạy về lối sống để học sinh có thể phát triển hài hòa về tri thức lẫn nhân cách".
Thạc sĩ Lê Minh Tiến
Vấn đề đặt ra là theo Nhóm soạn thảo Chương trình mới, đâu là những ưu điểm của các chương trình đã có của Việt Nam để Chương trình mới kế thừa?
Các chương trình đã có là chương trình hiện hành hay toàn bộ những chương trình đã và đang được áp dụng cho nền GDPT Việt Nam từ trước đến nay?
Nhóm soạn thảo đã có những nghiên cứu, đánh giá nào và bằng phương pháp gì để nhận diện những ưu điểm của (các) chương trình cũ? Những nghiên cứu, đánh giá ấy có đáng tin cậy không, có được công bố và bảo vệ trước giới học thuật để đảm bảo tính khả tín hay không?
Rõ ràng là chúng ta không biết được những điều này và do đó không thể biết được Chương trình mới kế thừa cái gì, khắc phục cái gì của những chương trình cũ.
- Vậy theo thạc sĩ, đâu là những tồn tại, bất cập của chương trình cũ đã đến lúc cần phải thay đổi là gì?
- Những bất cập của Chương trình phổ thông hiện hành không đâu xa mà là những vấn đề được dư luận báo chí thường đề cập trong nhiều năm qua.
Trước hết là vấn nạn dạy thêm - học thêm: Đây là một trong những vấn đề xã hội nhức nhối của xã hội trong thời gian dài và đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới dạy thêm-học thêm là vì chương trình GDPT hiện hành bị đánh giá là quá nặng nề, chứa đựng quá nhiều kiến thức hàn lâm khiến cho các em học sinh không thể tiêu hóa nổi nếu chỉ học trên lớp.
Từ đó dẫn đến vấn nạn dạy thêm - học thêm dai dẳng trong xã hội. Vậy Chương trình mới có đảm bảo rằng nội dung chương trình sẽ chỉ cần học trên lớp là đủ mà không cần phải đi học thêm như chương trình hiện hành không?
Thứ hai, nền giáo dục hiện hành của chúng ta thường được đánh giá là nền giáo dục chủ yếu dạy học để thi chứ không phải học để sống, học để làm người. Do đó, các thầy cô gần như chỉ chú trọng dạy về kiến thức khoa học để thi chứ không dạy về kỹ năng, dạy về lối sống để học sinh có thể phát triển hài hòa về tri thức lẫn nhân cách.
Mà việc học kiến thức khoa học để thi lại do chương trình chứa đựng quá nhiều kiến thức nên giáo viên không có thời gian chứ không phải do giáo viên không muốn giáo dục nhân cách cho học sinh.
Vấn nạn kế tiếp của giáo dục phổ thông cũ là hình như chỉ đánh giá học sinh qua điểm số, phân biệt giữa môn chính và môn phụ khiến các em học sinh lẫn giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho các môn chính để thi có điểm số cao và gần như lơ là thậm chí là xem thường các môn học bị cho là các môn phụ, tức những môn không được tính điểm để xét lên bậc học cao hơn (hiện lớp 5 lên lớp 6 chỉ dựa vào điểm của hai môn là Toán và Tiếng Việt).
Vậy Chương trình mới sẽ khắc phục điều này như thế nào hay vẫn giữ cách đánh giá như cũ? Đây là điều chưa được nói đến trong Dự thảo của Chương trình mới.
Qua một vài vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng Nhóm soạn thảo Chương trình mới cần phải có một đánh giá toàn diện và khả tín về những ưu khuyết điểm của (các) chương trình GDPT cũ và phải thiết kế Chương trình mới trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của các chương trình đã và đang được áp dụng tại Việt Nam.
Chứ nếu chỉ thay đổi tên môn học trong khi không khắc phục được những nhược điểm của các chương trình cũ thì rõ ràng là Chương trình mới không có lý do để tồn tại.
Theo Nguyễn Dũng / Tiền Phong
Bộ trưởng GD&ĐT: Có thể lùi thời gian áp dụng sách giáo khoa mới Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT có thể xin lùi một năm áp dụng sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới nếu chưa yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc cùng Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách...