Cần nghiên cứu mở rộng việc xét tuyển trên cả nước
Ngày 31.5, Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021, tất cả các trường THPT, THCS và THPT trên phạm vi toàn tỉnh đều thực hiện theo phương thức xét tuyển; chỉ thi tuyển đối với 1 trường duy nhất là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.
Việc không tổ chức thi tuyển lớp 10 công lập là một quyết định được các giáo viên đánh giá là táo bạo, giảm phiền hà, tốn kém cho phụ huynh, học sinh cũng như các trường THPT công lập.
Công bố điểm thi tuyển sinh vào một trường THPT công lập tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn
Xét tuyển qua hồ sơ
Cùng với hiện tượng 1 điểm/môn vẫn đỗ lớp 10 công lập do số lượng đăng ký sát với chỉ tiêu, nhiều người mong muốn có thể nghiên cứu mở rộng hình thức xét tuyển để tiết kiệm chi phí, giảm tình trạng thi gì học nấy, học để thi của học sinh hiện nay.
UBND tỉnh Quảng Bình vừa quyết định tổ chức xét tuyển vào lớp 10 thay vì thi tuyển như các năm trước và chỉ tổ chức thi tuyển với Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.
Ông Đinh Quý Nhân – Giám đốc Sở GDĐT Quảng Bình – cho biết ban đầu, tỉnh lên kế hoạch tổ chức thi tuyển vào lớp 10 như mọi năm. Nhưng trước tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chuyển sang xét tuyển, ngoại trừ trường chuyên, ông Nhân thông tin.
Video đang HOT
Theo đó, học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Quảng Bình; đã tốt nghiệp THCS chương trình giáo dục phổ thông; có độ tuổi theo quy định; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi… sẽ được đăng ký dự tuyển vào 1 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Nếu không trúng tuyển, học sinh được rút hồ sơ để tiếp tục dự tuyển vào trường khác (nếu còn chỉ tiêu).
Điểm xét tuyển là tổng điểm rèn luyện và học tập mỗi năm được quy đổi cộng với điểm ưu tiên. Các trường tuyển tất cả thí sinh được tuyển thẳng, rồi đến thí sinh còn lại theo thứ tự ưu tiên điểm xét tuyển từ cao đến thấp. Năm nay, việc học tập của học sinh ít nhiều bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Nhiều ý kiến đã cho rằng, trước những khó khăn mà dịch bệnh đưa tới cũng là cơ hội để ngành Giáo dục đổi mới chuyện thi cử, tránh gây áp lực cho học sinh.
Đánh giá về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan – giáo viên Trường THCS Vũ Tiến, (Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng, thi vào lớp 10 hiện nay của nước ta nói chung đang khó khăn và phức tạp trong cách thức tuyển sinh, phương pháp ra đề. Việc này dẫn đến những khó khăn trong dạy và học, trong ôn thi không chỉ cho giáo viên và học sinh mà vất vả khổ sở cho cả phụ huynh tốn kém ngược xuôi lo cho con học thêm chỗ này chỗ kia.
“Thực tế giáo dục của chúng ta đang phổ cập các bậc học phổ thông dù thi như thế nào thì cuối cùng, học sinh giỏi, khá hay trung bình cũng đều vào lớp 10. Chúng ta nên làm tốt công tác hướng nghiệp học nghề ngay từ bậc THCS hơn là áp dụng tuyển sinh chặt chẽ để học sinh “lao đầu” vào ôn thi, nếu không trúng công lập thì vào học dân lập hay giáo dục thường xuyên, chứ chẳng mấy em nghĩ tới học nghề. Nhà nước và ngành Giáo dục cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thi chuyển cấp, giáo viên Nguyễn Thị Loan bày tỏ.
Nữ giáo viên cũng đề xuất, độ tuổi 14-15, các em đang chịu áp lực quá sức cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vì thế thay vì thi tuyển xét tuyển bằng điểm học bạ cũng là một phương án khả thi nhằm giảm áp lực, hướng đến việc đánh giá công bằng trong cả quá trình học tập và rèn luyện đạo đức.
Để có điểm học bạ “sạch”
Thừa nhận rằng học sinh vẫn thường học gì thi nấy, giáo viên vẫn chú trọng dạy những phần sẽ thi, bà Nguyễn Thu Trang – giáo viên một trường THPT tại TPHCM còn lắc đầu ngao ngán khi trong mùa tuyển sinh năm ngoái ở nhiều địa phương có trường thi 3 môn để lấy 5 hệ số mà điểm trúng tuyển là 4,0 điểm. Như vậy, chỉ khoảng 0,8 điểm/môn cũng đỗ THPT công lập.
Việc điểm trúng tuyển thấp vào trường công lập cũng diễn ra ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hoá… Nguyên nhân của hiện tượng này là do số thí sinh dự thi chênh lệch quá ít so với số chỉ tiêu, có trường gần 600 thí sinh dự thi chỉ loại 13 em.
Đồng quan điểm, bà Văn Liên Na – Hiệu phó Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ: “Nếu tổ chức một kỳ thi tốn kém, công phu chỉ để lấy chưa tới 1 điểm/môn thì thi để làm gì? Cùng 1 tỉnh nhưng có nơi 0,8 điểm thì trúng tuyển nhưng có nơi 7 điểm chưa đỗ cũng là thực trạng cho thấy các tỉnh cần nghiên cứu lại việc thi tuyển sinh lớp 10″.
Là trường ngoài công lập nên nhiều năm qua, vì thế, bà Văn Liên Na đánh giá thực trạng điểm học bạ không tương xứng với năng lực của học sinh. “Nhiều trường THCS có hiện tượng làm đẹp học bạ để học sinh có lợi trong xét tuyển, để lấy thành tích, thi đua… Nếu tính đến phương án xét tuyển thì cần phải làm sao học bạ phản ánh chính xác năng lực của học sinh” – bà Na nói.
Để có được điểm học bạ phản ánh đúng thực lực, Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan cho rằng điều này rất kỳ công và đòi hỏi người làm thi phải thanh liêm và công tâm, trân trọng tài năng. Tuy nhiên, biết là khó nhưng không thể không làm.
Địa phương nói khó
Dù năm qua có hiện tượng điểm chuẩn thấp nhưng ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc GDĐT Thái Bình – cho rằng, không nên bỏ kỳ thi vào lớp 10 bởi nhiều lý do. Hiện đa phần các địa phương đều xảy ra việc cơ sở vật chất, trường lớp không đủ đáp ứng để tất cả học sinh được vào học lớp 10 trường công lập. Nhiều nơi còn có tỉ lệ cạnh tranh rất cao, nếu không tổ chức thi thì sẽ khó có phương án nào để xét tuyển cho tất cả các em. Ngoài ra, việc tổ chức kỳ thi sẽ đảm bảo khách quan, công bằng, phản ánh đúng năng lực của học sinh.
Còn theo đại diện Sở GDĐT Hà Nội, việc tổ chức thi vào lớp 10 còn đảm bảo thực hiện phân luồng học sinh THCS được quy định Luật Giáo dục và nhiều chỉ thị, văn bản khác.
Lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng cho biết, dù là áp lực nhưng đến nay chưa thể tìm ra phương án tối ưu để thay thế kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nếu không thi thì dựa vào đâu để nhận 60-70% học sinh vào các trường công lập, đảm bảo thực hiện phân luồng học sinh học ở trường tư thục hoặc trường nghề.
Trả lời câu hỏi của báo Lao Động rằng có phải là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay tỉnh Quảng Bình thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho thuận lợi hơn đối với các em học sinh, ông Đinh Quý Nhân – GĐ Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, có 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Tại Quảng Bình, các năm trước chủ yếu là xét tuyển, có một số ít năm vừa xét, vừa thi. Riêng năm học 2020 – 2021 theo kế hoạch ban đầu thì định tổ chức thi tuyển vì tỉ lệ tuyển sinh chỉ đạt có 80-85%. Tuy nhiên sau đó quyết định xét tuyển, một phần cũng do ảnh hưởng của COVID-19.
Khi được hỏi là phương án bỏ luôn thi tuyển, chỉ xét tuyển vào lớp 10 để thuận lợi hơn cho học sinh và giảm áp lực cho xã hội, ông Đinh Quý Nhân cho rằng, vấn đề trên sẽ tùy theo tình hình thực tế từng năm và tùy vào tỷ lệ tuyển sinh vào các trường ở từng địa phương có bảo đảm yêu cầu, phân bổ không để tỉnh quyết định phương thức phù hợp. LÊ PHI LONG
Giáo dục đào tạo nghề vẫn gặp khó
Nhiều năm qua, cứ tới đợt tuyển sinh, các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề lại gặp muôn vàn khó khăn. Kể cả khi các trường tìm tòi những hướng đi mới, ví dụ như mở những ngành nghề có nhu cầu lao động cao...
Đặc biệt, kỳ tuyển sinh năm 2020 này, các trường ĐH được trao thêm quyền, tiến tới tự chủ trong tuyển sinh thì các trường nghề lại càng khó khăn hơn.
Ảnh minh họa
Hiện nay, hầu hết các thí sinh chỉ sau khi không tìm được cánh cửa vào một trường ĐH nào đó mới bắt đầu nghĩ tới việc học cao đẳng, trung cấp nghề. Trong khi đó, nhiều trường ĐH có chính sách tuyển sinh rất dễ dàng. Thậm chí chỉ cần thí sinh nộp hồ sơ (sau khi đậu tốt nghiệp THPT) là có thể vào ĐH.
Thế nên, rất ít trường nghề có thể cạnh tranh tuyển sinh với các trường ĐH. Một hiệu trưởng trường trung cấp dạy nghề ở TPHCM cho biết, mấy năm gần đây dù được cơ quan quản lý phân luồng bằng cách cho phép trường nghề tuyển sinh từ bậc THCS (tốt nghiệp THCS) và có thể liên thông lên ĐH sau khi học nghề nhưng tình trạng tuyển sinh của trường nghề cũng không có nhiều thay đổi.
Thực tế cho thấy tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9) đi học nghề và đi làm không cao, không như dự tính của cơ quan quản lý. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là độ tuổi tốt nghiệp THCS (15 tuổi) chưa thực sự thích hợp để đi học nghề. Hầu hết thí sinh vẫn tiếp tục học THPT sau đó mới bắt đầu có lựa chọn nghề nghiệp. Thế nhưng, khi tốt nghiệp THPT thì việc cạnh tranh giữa các trường nghề và trường ĐH lại không công bằng. Nhiều trường nghề từng kiến nghị cơ quan quản lý có biện pháp phân luồng ở thời điểm này, thay vì thời điểm thí sinh mới tốt nghiệp THCS.
Tình trạng sinh viên trường ĐH thất nghiệp nhiều và thiếu lao động nghề có trình độ đã tồn tại nhiều năm và gây mất cân bằng cơ cấu lao động và một số hệ luỵ xấu cho xã hội. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, không có cách gì khác là đẩy mạnh việc dạy nghề và hạn chế chỉ tiêu ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH. Thế nhưng, nhiều năm qua, chỉ tiêu đào tạo bậc ĐH vẫn không giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên bậc ĐH vẫn cao. Hậu quả là các trường nghề dù muốn tuyển sinh và nhu cầu thực tế luôn ở mức cao nhưng lại gặp khó khăn thu hút thí sinh.
Tuyển sinh lớp 10 tại Quảng Bình: Chọn phương án xét tuyển Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình vừa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021, theo đó tất cả các trường THPT, THCS&THPT, Trường Nội trú tỉnh... sẽ tổ chức xét tuyển sinh vào lớp 10. Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (Tp. Đồng Hới - Quảng Bình) là trường duy nhất sẽ tổ chức thi tuyển vào lớp 10 của...