‘Cần mạnh dạn loại bớt các trường sư phạm’
Đó là giải pháp được TS Đàm Quang Minh đưa ra để giải quyết bài toán cung cầu của ngành sư phạm nói chung và câu chuyện điểm chuẩn thấp nói riêng.
Có quá nhiều điều bất thường xung quanh bức tranh điểm chuẩn các trường đại học năm 2017. Trong khi điểm trúng tuyển các trường khối công an, quân đội, y dược cao ngất ngưởng, mức chuẩn của nhiều trường sư phạm tuột dốc đến thảm hại.
Tự trọng với nghề và chính mình
Đối diện bức tranh đáng buồn này, TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa Toán – Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng không thể trách những người giỏi tại sao không chọn ngành sư phạm.
Thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm. Ảnh: Hải An.
Vấn đề đáng lo là dù sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, không có cơ hội việc làm ổn định, trường sư phạm vẫn tuyển nhiều và bằng mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu, trong đó có việc hạ quá thấp điểm tuyển.
Thầy giáo từng giành huy chương bạc Toán quốc tế này nói ông thấy buồn khi nhiều học sinh thay vì đi theo con đường phù hợp, vừa sức hơn (học nghề, làm công nhân…) lại chọn theo ngành mình không thích nhưng có điểm chuẩn thấp. Học mà không biết tương lai sẽ ra sao, chỉ để “có học đại học”.
Theo ông Dũng, những thí sinh này không nên trở thành giáo viên trong tương lai vì chính lòng tự trọng và sự tôn trọng nghề giáo.
“Suy cho cùng, chỉ khi có những thế hệ học trò vươn cao, bay xa hơn những người thầy, xã hội mới phát triển. Tôi rất đồng cảm với câu cảm thán của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, là mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên. Câu nói hơi sốc và gây tổn thương nhưng thực tế nên như vậy.
Những bạn vẫn theo nghề này phải quyết tâm chứng minh 12,75 điểm đó chỉ là sự cố, phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người khác để thành giáo viên tốt. Phải tâm niệm rằng nếu mình không cố gắng học thì không thể dạy cho học trò cố gắng được”, ông Dũng nêu quan điểm.
Video đang HOT
Ở góc tiếp cận “đầu ra”, TS Đàm Quang Minh lo ngại những thí sinh đạt điểm đầu vào sư phạm thấp sẽ khó tìm được việc làm sau này.
“Điểm đầu vào như vậy rất khó có giáo viên tốt. Tôi thực sự lo lắng. Các em khó xin việc sau khi tốt nghiệp với lực học yếu, trong khi thị trường cạnh tranh. Tôi lo lắng cho tương lai của các em vì sinh viên tốt nghiệp sư phạm không dễ dàng chuyển đổi ngành nghề như khối ngành kinh tế hay kỹ thuật”, ông Minh phân tích.
Vì đâu nên nỗi?
Ông Đàm Quang Minh cho rằng điểm tuyển sinh năm nay thể hiện rõ tính cung – cầu của thị trường.
Vị tiến sĩ dẫn ví dụ từ ĐH Sư phạm Huế, các chuyên ngành Sư phạm Mầm non hay Sư phạm Tiểu học có điểm trúng tuyển 18,5-23 do các em ra trường vẫn dễ dàng xin được việc làm. Trong khi đó, các chuyên ngành có điểm chuẩn 12,75 như Tin học, Vật lý, Sinh học – ít giờ dạy ở trường, giáo viên thường xuyên thiếu giờ và mỗi trường cũng chỉ cần 1-2 thầy cô.
Chia sẻ quan điểm này của đồng nghiệp, ông Dũng cho rằng nguồn gốc của vấn đề nằm ở công tác quy hoạch nguồn nhân lực đang rất kém. Hiện nay, giáo viên cấp hai, ba thừa nhiều nhưng các trường vẫn đào tạo ồ ạt. Trong khi đó, một số lĩnh vực khác như giáo viên mầm non, tiếng Anh, Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh lại thiếu.
“Chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được nhu cầu giáo viên hàng năm để có điều chỉnh về chỉ tiêu đào tạo và định hướng học sinh đi theo các ngành nghề khác (về sản xuất, dịch vụ, thương mại…). Rất nhiều việc người Việt có thể làm mà vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài, như dạy khoa học bằng tiếng Anh vẫn đang phải nhờ các bạn Philippines”, ông Dũng thông tin.
Bên cạnh đó, không phủ nhận rằng chế độ đãi ngộ đối với giáo viên hiện nay cũng là vấn đề khiến thí sinh không mặn mà với nghề giáo.
Các trường sư phạm cần tự chủ
Theo TS Đàm Quang Minh, ngành giáo dục vẫn có tính thị trường và tuân theo quy luật cung cầu. Vì vậy, cần có định hướng rõ để không đào tạo thêm giáo viên khi đội ngũ này đang trở nên dư thừa.
“Ngoài ra, chúng ta cần có quy chế linh hoạt trong đào tạo sư phạm. Các cử nhân Lịch sử, Địa lý, Vật Lý… sau khi học thêm kỹ năng sư phạm, đều có thể thành giáo viên. Chúng ta nên loại bớt các trường sư phạm để tiết kiệm nguồn lực xã hội. Muốn làm nghề giáo cần có hai điều kiện tiên quyết là đủ kiến thức và yêu nghề”, ông Minh nói.
Ông Minh đề xuất chuyển các trường đại học sư phạm ở Hà Nội và TP.HCM thành đại học giáo dục. Các trường này đào tạo về phương pháp luận sư phạm, nâng cao năng lực trong lĩnh vực giáo dục nói chung và đào tạo các bạn trẻ đam mê các ngành để trở thành giáo viên. Hai ngành Sư phạm Tiểu học và Sư phạm Mầm non nên giao về cho các trường đại học sư phạm ở địa phương đào tạo.
Trong khi đó, ông Dũng cho rằng nên để các trường đại học sư phạm tiến tới tự chủ, đồng nghĩa với việc để thị trường tự điều chỉnh và giảm sự bao cấp.
“Có thể thấy các trường dân lập đang làm rất tốt điều này. Những trường không tự chủ được thì sẽ tự giải thể”, ông Dũng nêu quan điểm.
Theo Zing
Thí sinh từ đỗ thành trượt ĐH Sư phạm T.PHCM không được xem xét
Dù thí sinh vẫn chờ phương án giải quyết tốt hơn, ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết không thể xét tuyển thêm bất cứ trường hợp nào dẫn đến sai quy chế.
Sau khi phản ánh với Zing.vn rằng mình từ "đỗ thành trượt" do ĐH Sư phạm TP.HCM thay đổi cách tính điểm chuẩn ở những tổ hợp xét tuyển có môn chính, thí sinh P.V.T. mong chờ được trường xem xét giải quyết.
Chiều 7/8, TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nhà trường không xét tuyển thêm bất cứ trường hợp nào vì không thể làm trái quy định của Bộ GD&ĐT.
Bà Hồng cho rằng trường làm đúng đề án tuyển sinh đã công bố, không tính sai điểm chuẩn, cũng như không điều chỉnh điểm chuẩn và hoàn toàn không có sự thay đổi phương thức xét tuyển.
"Thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin lỗi và nhận khuyết điểm với thí sinh và phụ huynh vì đã thông tin không rõ ràng, đầy đủ về đề án tuyển sinh, gây ra hiểu nhầm và tạo sự hoang mang cho thí sinh. Nhà trường chia sẻ với thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể giải quyết thêm cho bất cứ trường hợp nào dẫn đến sai quy chế tuyển sinh được", bà Hồng nói.
Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên thí sinh nếu đã trượt nguyện vọng vào trường thì nên xem xét nộp hồ sơ vào các trường còn xét tuyển nguyện vọng bổ sung để không bỏ lỡ cơ hội.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn.
Liên quan vụ việc, ngày 3/8, TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM, giải thích đề án tuyển sinh đề cập rõ điểm xét tuyển là tổng điểm của các môn (các bài) thi theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển có hoặc không nhân hệ số. Nhà trường khi đó vẫn chưa quyết định có nhân hệ số các môn chính như những năm trước hay không, vì nhận thấy rằng nhân điểm hệ số môn chính không đảm bảo chất lượng thí sinh đầu vào.
Hơn nữa, năm nay, quá nhiều tổ hợp xét tuyển mới, việc chọn môn nào là chính để nhân hệ số cũng gây tranh cãi. Hội đồng tuyển sinh của trường đã họp và đi đến quyết định điểm xét tuyển là tổng điểm các môn (bài) thi theo tổ hợp xét tuyển và không nhân hệ số các môn chính.
Bà Hiếu khẳng định: "Mọi khâu tuyển sinh năm nay, các trường đều phải thông qua Bộ GD&ĐT. Nhà trường chỉ nhận kết quả từ bộ trả về và không thể can thiệp ở bất cứ công đoạn nào".
Về việc bảng điểm chuẩn theo cách tính cũ được công bố tối 30/7 là do sự nhầm lẫn của một nhân viên trong nhóm phục vụ tuyển sinh. Nhà trường đã gỡ bảng điểm chuẩn này và thay bằng bảng điểm chính xác hơn.
Trước đó, thí sinh P.V.T. cho biết trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, em đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của ĐH Sư phạm TP.HCM, với điểm thi: Toán 8,2; Ngữ văn 6,75; Tiếng Anh 10. Theo đề án công bố rộng rãi trước đó, ngành này có môn Tiếng Anh là môn chính.
Thí sinh này bức xúc vì nhà trường đột ngột thay đổi công thức tính điểm chuẩn mà không thông báo nên T. từ đỗ (theo cách tính điểm cũ) thành trượt nguyện vọng 1.
P.V.T cho biết bản thân không hài lòng với cách làm việc của trường: "Mình và các bạn khác đã hy vọng vào phương án giải quyết tốt hơn từ trường, nhưng đến hôm nay, ngoài lời xin lỗi khiến mình thất vọng, không có phương án giải quyết nào. Thí sinh chỉ biết chấp nhận chịu thiệt".
Ngày 7/8, thí sinh này đã làm thủ tục nhập học ngành Báo chí (nguyện vọng 2), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Trao đổi về câu chuyện trên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết việc này không phải vấn đề quy chế. Đây là trách nhiệm của ĐH Sư phạm TP.HCM, do đó trường phải giải trình với thí sinh và công luận. Nếu trường giải quyết không thỏa đáng, thí sinh có thể ý kiến với Bộ GD&ĐT.
Theo Zing
Thứ trưởng GD&ĐT nói gì về điểm chuẩn lên tới 30,5? Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, ngành có điểm chuẩn lên mức trên 30 điểm chỉ chiếm 1% của tổng số 4.000 ngành. Sau thời gian các trường công bố điểm chuẩn, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có những giải đáp xung quanh các vấn đề gây tranh cãi. Thí sinh không gặp rủi ro khi xét tuyển? - Năm...