Cần làm gì để trường ĐH Việt Nam thăng hạng quốc tế?
Trước thông tin Việt Nam có trường lọt top 1.000 theo bảng xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), TS Nguyễn Viết Thịnh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Tiền Giang và TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội), đều cho rằng, điều này cho thấy bước chuyển chất lượng tích cực của giáo dục ĐH Việt Nam.
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong phòng thực hành. Ảnh: NT
Nghiên cứu đỉnh cao của Việt Nam bước đầu được ghi nhận
* Việt Nam từng có 2 ĐHQG lọt top 1.000 thế giới theo xếp hạng QS, nhưng theo công bố mới đây, theo xếp hạng ARWU, chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào được top này. Ông nghĩ sao?
- TS Nguyễn Viết Thịnh:Trước hết, tôi chân thành chúc mừng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã khẳng định đẳng cấp của mình khi có được vinh dự tầm cỡ quốc tế này.
Xếp hạng theo QS và xếp hạng theo ARWU có những tiêu chí giống và khác nhau nên sự kiện 2 ĐHQG của Việt Nam lọt top 1.000 thế giới theo xếp hạng QS nhưng không có tên trong top 1.000 thế giới theo xếp hạng ARWU và ngược lại Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào được top này nhưng lại không có tên trong top 1.000 thế giới theo xếp hạng QS cũng là điều bình thường.
Tất nhiên qua đây, chúng ta có thể khẳng định 2 ĐHQG và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bước đầu vươn tới được đẳng cấp thế giới!
Riêng về Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cá nhân tôi thật sự ấn tượng khi một trường ĐH ở Việt Nam mới thành lập 22 năm đã sớm đạt đến đẳng cấp này.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Trường ĐH Tôn Đức Thắng phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, theo tôi chính là do lãnh đạo trường đã mạnh dạn tự chủ ĐH từ năm 2015 trên cơ sở đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 – 2017 được Thủ tướng phê duyệt.
- TS Nghiêm Xuân Huy: Tên bảng xếp hạng (BXH) ARWU đã thể hiện rõ hướng trọng tâm là xếp hạng về học thuật, nghiên cứu. Trong trường hợp này, BXH ARWU hướng vào nghiên cứu đỉnh cao, với dữ liệu xếp hạng được thu thập từ các giải thưởng Nobel, Fields, các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới như Nature hoặc Science, hay danh mục các tác giả có chỉ số trích dẫn cao trong cơ sở dữ liệu ISI (HiCi). Theo bảng này, có khoảng 1.800 trường ĐH hợp lệ để xếp hạng, nhưng chỉ công bố 1.000 trường xếp hạng cao nhất.
Như vậy, lọt vào BXH này là các trường ĐH có những thành tích và kết quả khoa học xuất sắc ở tầm thế giới. Đây là một điều đáng mừng đối với hệ thống giáo dục ĐH, bởi khía cạnh nghiên cứu đỉnh cao của Việt Nam đã bước đầu được ghi nhận.
Tôi vẫn cho rằng, mỗi BXH có một cách tiếp cận, đánh giá chất lượng giáo dục ĐH khác nhau. Mỗi BXH phản ánh một lát cắt chất lượng của trường ĐH ở một thời điểm cụ thể. Việc tham gia các BXH là lựa chọn của mỗi trường, tùy theo thế mạnh và đặc điểm của trường để quyết định “sân chơi” của riêng mình.
Dù thế nào thì tôi coi đây là một thông tin tốt đối với hệ thống. Thông tin này sẽ giúp các trường ĐH nhìn nhận rõ hơn về sứ mệnh, định hướng phát triển của mình, tạo ra động lực để các trường ĐH thúc đẩy đầu tư phát triển trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Video đang HOT
TS Nguyễn Viết Thịnh
Giáo dục ĐH đang chuyển biến tích cực
* Nếu tính theo cả 2 BXH, đến nay Việt Nam có 3 ĐH, trường ĐH lọt top 1.000 thế giới. Phải chăng điều này bắt đầu thể hiện chuyển dịch chất lượng tích cực của giáo dục ĐH Việt Nam?
- TS Nguyễn Viết Thịnh: Đúng là như vậy! Cần nhấn mạnh thêm rằng, Việt Nam đã đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên về giáo dục ĐH thì hội nhập quốc tế chậm hơn khoảng 20 năm.
Chẳng hạn, vấn đề tự chủ ĐH ở Việt Nam, mãi đến năm 2014 mới có Nghị quyết số 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017 (Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 1 trong hơn 20 trường ĐH đăng ký theo Nghị quyết 77 và được duyệt) trong khi tự chủ là vấn đề đương nhiên của hầu hết các ĐH trên thế giới…
Như vậy, cũng như kinh tế, để giáo dục ĐH phát triển mạnh mẽ và bền vững thì phải hội nhập quốc tế sâu rộng mà tự chủ ĐH là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên phải được khơi thông.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được ban hành cuối năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng một số nội dung Quốc hội giao cho Chính phủ làm rõ thông qua việc ban hành nghị định liên quan thì đến nay vẫn chưa có.
Cá nhân tôi cho rằng, một khi cơ sở pháp lý cho vấn đề tự chủ ĐH được ban hành đồng bộ thì giáo dục ĐH Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Từ đó sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh và bền vững hơn.
- TS Nghiêm Xuân Huy: Trường ĐH có 3 sứ mệnh cốt yếu, đó là đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng. Việc có mặt trong các BXH này, đặc biệt là BXH ARWU, cho thấy chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ của trường ĐH nói riêng, và chất lượng hệ thống giáo dục ĐH nói chung đang có những bước chuyển tích cực.
Ngoài ARWU BXH Institutional Rankings của SCIMAGO (https://www.scimagoir.com) cũng là một BXH chú trọng vào yếu tố đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Dữ liệu xếp hạng của bảng này lấy từ cơ sở dữ liệu Scopus. Trong bảng này, tại hạng mục Giáo dục ĐH, Việt Nam cũng có 6 cơ sở giáo dục ĐH góp mặt.
Những kết quả trên cho thấy không chỉ nghiên cứu đỉnh cao của Việt Nam đang từng bước khẳng định được vị thế của mình mà hoạt động khoa học và công nghệ tại các trường ĐH nói chung cũng đang ngày càng được nâng cao chất lượng và tiếp cận trình độ quốc tế.
TS Nghiêm Xuân Huy
Để trường ĐH Việt Nam tiếp tục thăng hạng
* Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xếp hạng của ARWU là về nghiên cứu khoa học – các bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín. Theo ông, làm thế nào để các trường ĐH Việt Nam ngày càng có nhiều các bài báo này, từ đó góp phần giúp thăng hạng trong các BXH uy tín?
- TS Nguyễn Viết Thịnh: Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện có hơn 50 nhóm nghiên cứu với môi trường nghiên cứu (cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế làm việc…) khá lý tưởng nên số bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín tăng đột biến trong những năm gần đây. Trường ĐH Duy Tân cũng gần như vậy. Hai ĐHQG thì đã rõ… Vì vậy các trường ĐH Việt Nam muốn có nhiều bài báo được đăng trên những tạp chí quốc tế uy tín thì hãy tìm đến những trường này để trực tiếp học hỏi là tốt nhất!
Trường ĐH Tiền Giang đã xác định theo định hướng ứng dụng nên đào tạo và nghiên cứu phục vụ địa phương và vùng đồng bằng sông Cửu Long là chủ yếu. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu cơ bản ít được chú trọng hơn so với nghiên cứu ứng dụng. Do đó số bài báo được đăng trên những tạp chí quốc tế uy tín hiện còn khiêm tốn.
Trong thời gian tới, khi Trường ĐH Tiền Giang chính thức được tự chủ, tự tạo ra nguồn thu bảo đảm cho các hoạt động của trường thì các hướng nghiên cứu sẽ được giới khoa học của trường xác định rõ, tập trung nhiều vào các lĩnh vực: Nông nghiệp và công nghệ thực phẩm, du lịch, công nghiệp 4.0, công nghệ môi trường, giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, biến đổi khí hậu, sống xanh, vật liệu và năng lượng mới, sông Mekong, tiềm năng con người…
Trên cơ sở đó, trường sẽ có cơ chế tốt để thu hút nhân tài, đồng thời làm nhiều việc đồng bộ khác để hình thành nên các nhóm nghiên cứu hiệu quả. Lúc đó, chúng tôi có niềm tin rằng, ngoài việc nghiên cứu thành công các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, trường còn có thể công bố nhiều công trình trên những tạp chí uy tín ở trong nước và quốc tế. Từ đó, việc thăng hạng của trường sẽ đến một cách tự nhiên…
- TS Nghiêm Xuân Huy: Để thăng hạng, các trường ĐH cần: Thứ nhất, quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, vừa để làm nền tảng cho các hướng nghiên cứu ứng dụng, vừa tạo được lợi thế lớn trong công bố quốc tế.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác trong công bố quốc tế (công bố chung) thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu. Điều này vừa giúp các nhà khoa học của Việt Nam tiếp cận những kết quả và xu thế nghiên cứu mới, vừa thuận lợi trong việc lan tỏa công trình nghiên cứu trong cộng đồng quốc tế, gia tăng chỉ số trích dẫn và uy tín học thuật.
Thứ ba, cần có các dự án nghiên cứu căn cơ, bài bản, dài hơi, phù hợp với các xu thế nghiên cứu và công bố quốc tế lớn, nhằm hướng đến những sản phẩm khoa học công nghệ lớn, vừa tạo ra được các chuỗi công bố quốc tế có tầm ảnh hưởng.
Thứ tư, thu hút các học giả quốc tế có uy tín tham gia nghiên cứu và thực hiện hoạt động chuyên môn tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu và công bố theo chuẩn quốc tế.
* Xin trân trọng cảm ơn!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo GDTĐ
Lần đầu tiên trường ĐH Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng ARWU
Lần đầu tiên một trường ĐH của Việt Nam vào tốp 1.000 bảng xếp hạng ARWU 2019 - Bảng xếp hạng được của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Nguồn: tdnu.edu.vn
Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa vào tốp 1.000 bảng xếp hạng ARWU 2019 - Bảng xếp hạng của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên một trường ĐH của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này.
Cụ thể, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp tốp 901 - 1.000 của Academic Ranking of World Universities (viết tắt là ARWU) năm 2019. Đây là bảng xếp hạng còn được biết đến với tên là Shanghai Ranking (Bảng xếp hạng Thượng Hải), do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) thực hiện.
Đứng đầu bảng xếp hạng năm 2019 của ARWU là các ĐH lừng danh của thế giới. Trong đó ĐH Harvard (Mỹ) đứng vị trí số 1; ĐH Stanford (Mỹ) đứng vị trí thứ 2, ĐH Cambridge (Anh) xếp thứ 3, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đứng thứ 4...
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore có 3 trường lọt vào xếp hạng này, trong đó ĐH Quốc gia Singapore xếp thứ 67; Malaysia có 5 trường lọt vào xếp hạng này và trường có vị trí cao nhất nằm trong tốp 301-400; Thái Lan có 4 trường, trường xếp hạng cao nhất ở tốp 401-500.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng có tên trong danh sách tốp 1.000 của bảng xếp hạng ARWU - Ảnh chụp màn hình
ARWU (được viết tắt bởi Academic Ranking of World Universities) là bảng xếp hạng rất nổi tiếng xuất phát từ một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University), với các tiêu chí xếp hạng chủ yếu nhắm vào các trường ĐH nghiên cứu và thiên về khối ngành tự nhiên - kỹ thuật. Từ năm 2009 đến nay, ARWU được quản lý bởi tổ chức ShanghaiRanking Consultancy.
Mục đích ban đầu của bảng xếp hạng này là tìm ra sự chênh lệch vị thế của các trường ĐH ở Trung Quốc so với thế giới. Nhưng sau đó, ARWU University ranking lại tạo nên cơn sốt xếp hạng các trường ĐH mang tầm cỡ toàn cầu, khởi xướng trào lưu xếp hạng.
Từ năm 2003 đến 2018, ARWU công bố 500 trường tốt nhất. Tuy nhiên, trong năm nay lần đầu tiên có tới 1.000 trường trong tổng cộng 1.800 được công bố xếp hạng.
ARWU có 4 tiêu chí đánh giá: 1) Chất lượng đào tạo (chiếm 10% điểm), được đo bằng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Field; 2) Chất lượng đội ngũ đào tạo (40% điểm), được đo bằng số người đoạt giải Nobel, huy chương Field và số nhà nghiên cứu được trích dẫn cao trong 21 danh mục chủ đề phổ biến; 3) Nghiên cứu (40%), được đo bằng số công trình nghiên cứu được xuất bản trên chuyên san Nature and Science, được ghi vào Danh mục trích dẫn khoa học mở rộng và Danh mục trích dẫn khoa học xã hội; và 4) Hoạt động học thuật bình quân đầu người(chiếm 10%), được tính bằng cách lấy tổng số điểm của 3 tiêu chí trên chia cho số lượng giảng viên chính thức của một trường.
Văn Khoa
Theo Thanh niên
Đâu là bí quyết lọt top trong các bảng xếp hạng Đại học uy tín? ĐHQG Hà Nội hiện có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á với vị trí đứng thứ 124 châu Á, nằm trong top 24,7% những trường ĐH hàng đầu khu vực. Mới đây, ĐHQG Hà Nội tiếp tục là 1 trong 2 ĐH Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng thường niên nổi tiếng QS World University Rankings. Câu hỏi nhiều...