Căn hộ Hà Nội đậm chất Nhật
Căn hộ mang tông màu nâu xám chủ đạo với đồ nội thất làm từ gỗ sồi. Nhà có nhiều giá kệ chứa đồ giúp không gian chung thông thoáng.
Căn hộ rộng 132 m2 nằm tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là tổ ấm của gia đình 5 người. Mua nhà đầu năm 2019, chủ nhà quyết định cải tạo lại, để có nơi ở hiện đại, ấm áp và tươi sáng.
Chủ nhà yêu văn hóa Nhật, vì thế nhóm kiến trúc sư Trần Việt Phú và Nguyễn Đức Anh (BoringCity) đã thiết kế nội thất theo phong cách Nhật Bản với nâu xám là màu chủ đạo. Sàn, trần, các món đồ tất cả đều được làm bằng gỗ sồi, quét dầu bảo vệ, để giữ lại màu nâu tự nhiên.
Phòng khách liên thông với nhà bếp, được ngăn cách bằng đảo bếp và phân chia ước lệ bằng cách thay đổi trang trí trần nhà. Đảo bếp được tận dụng luôn làm bàn ăn.
Tường phòng khách trang trí hồ sen và đàn cá koi, kệ tủ có bức tranh Nhật và những món đồ lưu niệm chính là nơi yêu thích nhất của gia đình.
Ở không gian nào trong nhà cũng có những kệ, tủ với các ngăn được chia đều nhau – vốn là một đặc điểm quen thuộc của các kệ tủ Nhật. Nhờ các tủ này, không gian trong nhà thoáng và luôn gọn gàng.
Video đang HOT
Các cánh cửa trong nhà cũng như cánh cửa tủ thờ mang hình thức như khung gỗ dán giấy shoji, một trang trí truyền thống phổ biến của Nhật Bản.
Phòng ngủ chính ít đồ, cũng trang trí đàn cá koi làm điểm nhấn.
Nhà có ba phòng ngủ. Hai phòng ngủ nhỏ không dùng giường mà kê đệm lên một chiếc phản tích hợp tủ.
Chuyển về nhà mới ở, chủ nhà cảm thấy hài lòng vì cảm giác vừa hiện đại vừa dân dã.
Bài: Thái Bình
Ảnh: Hoàng Lê
Theo VNE
Những trải nghiệm không thể quên của thiếu niên Việt Nam tại Nhật Bản
Đoàn thiếu niên Việt Nam thăm hữu nghị Nhật Bản đã có 3 ngày sống cùng gia đình bản địa (homestay) để trải nghiệm đời sống, sinh hoạt và tìm hiểu phong tục, tập quán trong các gia đình Nhật Bản.
Đoàn thiếu niên Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các gia đình tham gia chương trình homestay. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Ngày 4/8, đoàn thiếu niên Việt Nam đã kết thúc chuyến thăm hữu nghị Nhật Bản lần thứ 4 bằng những cuộc chia tay đầy xúc động với các gia đình người Nhật Bản mà họ đã ở trong 3 ngày cuối của chuyến thăm đầy ắp kỷ niệm này.
Chuyến thăm này do Tập đoàn Kyocera tổ chức và bắt đầu từ ngày 30/7 vừa qua.
Trong thời gian ở thăm Nhật Bản, 12 bạn trẻ Việt Nam đã thăm quan Bảo tàng Khoa học Tương lai Nhật Bản (Miraikan) ở Tokyo, thăm cơ sở sản xuất của Tập đoàn Kyocera và giao lưu với các bạn trẻ ở Trường Trung học Cơ sở Matsubara ở Kyoto.
Đặc biệt, các em đã có 3 ngày tham gia chương trình sống cùng gia đình bản địa (homestay) để trải nghiệm đời sống, sinh hoạt và tìm hiểu phong tục, tập quán trong các gia đình Nhật Bản. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, các em đã có khoảng thời gian đầy ý nghĩa với các gia đình Nhật Bản.
Chia sẻ cảm tưởng về chuyến đi, em Phạm Tường Nhi, học sinh Trường Trung học cơ sở Ái Mộ tại Hà Nội, tâm sự: "Chuyến đi này quả là một trải nghiệm thú vị và đầy bổ ích đối với chúng em. Đặc biệt khi thăm trụ sở của Kyocera, em được mở rộng tầm mắt về những kỹ thuật hiện đại liên quan chất liệu gốm sứ."
Em Quách Mạnh Thiện, học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Phú của thành phố Hải Phòng, chia sẻ: "Chuyến đi này đã giúp em hiểu hơn về văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Em rất ấn tượng về nếp sống văn minh, tính kỷ luật cũng như sự thân thiện của người Nhật."
Ấn tượng về các học sinh Việt Nam, ông bà Adachi Kenichi, một trong 6 gia đình đã đón các bạn trẻ Việt Nam đến ở tại nhà, bày tỏ rất vui khi tham gia chương trình này.
Ông Kenichi làm việc tại Kyocera cho biết do công ty có nhà máy tại Việt Nam nên ông thường xuyên giao tiếp với người Việt. Vì vậy, việc đón các bạn trẻ Việt Nam tới ở tại nhà là cơ hội để ông hiểu hơn về Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về mục đích của việc tổ chức chuyến thăm Nhật Bản cho các bạn trẻ nước ngoài, ông Takashi Sato, Trưởng ban Hành chính Nhân sự của Tập đoàn Kyocera, cho biết chương trình này được tổ chức theo sáng kiến của ông Kazuo Inamori, người sáng lập Tập đoàn Kyocera.
Sau khi lập công ty, ông đã có dịp sang Mỹ và rất ấn tượng với những trải nghiệm ở đây. Khi đó, ông nghĩ rằng nếu các bạn trẻ có những trải nghiệm tương tự về văn hóa nước ngoài thì điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực tới cách suy nghĩ và sự phát triển của các em. Chính vì vậy, ông đã quyết định tổ chức các chuyến thăm hữu nghị tới Nhật Bản cho các bạn trẻ nước ngoài.
Riêng đối với Việt Nam, ông Sato nói: "Hiện nay, Kyocera đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy mối liên kết với Việt Nam ngày càng sâu rộng, tầm quan trọng của thị trường Việt Nam ngày càng cao. Đó chính là lý do tập đoàn mời các bạn trẻ Việt Nam tham gia chương trình này với mong muốn sau này, các em sẽ trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản."
Bên cạnh đó, ông Sato cũng chia sẻ Kyocera hiện có các cơ sở sản xuất ở tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng, với tổng cộng khoảng 6.000 nhân viên.
Trong tương lai, với dân số trẻ, năng động và nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam sẽ không chỉ là nơi sản xuất mà còn là thị trường lớn của Kyocera.
Một số hình ảnh của các em tại Nhật Bản:
Học sinh Việt Nam tặng quà lưu niệm cho gia đình ông bà Adachi Kenichi, nơi họ đã ở trong chuyến thăm hữu nghị Nhật Bản. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đoàn thiếu niên Việt Nam giao lưu với câu lạc bộ kiếm đạo của Trường PTCS Matsubara ở Kyoto. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đoàn thiếu niên Việt Nam giao lưu với câu lạc bộ nấu ăn của Trường PTCS Matsubara ở Kyoto. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đoàn thiếu niên Việt Nam thăm trụ sở của Tập đoàn Kyocera ở Kyoto. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đào Tùng
Theo TTXVN/Vietnamplus
Cũ và mới chuyện văn hóa xếp hàng Ý thức xếp hàng của người dân Hà Nội đang có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới tác động của thời gian, văn hóa xếp hàng của người Hà Nội tốt lên hay xấu đi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố xã hội, cách người dân nhận thức, tiếp thu, xử lý với những thông tin họ tiếp nhận bên ngoài cuộc...