Cần hiểu đúng về kháng thuốc và sử dụng thuốc
Theo WHO, trên thế giới, khoảng 400.000 người tử vong mỗi năm do nhiễm khuẩn, song việc chữa trị bằng kháng sinh không mang lại hiệu quả.
Con số này cho thấy kháng thuốc kháng sinh đã và đang trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Việc kháng thuốc kháng sinh khiến bệnh thường kéo dài, khó điều trị, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe mỗi người và cả cộng đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh chính là việc bán thuốc và sử dụng thuốc tự do.
Người dân cần đi khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thực tế hiện nay, người dân chỉ cần ra bất kỳ một cửa hàng thuốc nào cũng thể mua được thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc. Thậm chí người bán thuốc sẽ trở thành bác sĩ kê đơn cho người bệnh. Trong vai một người mua thuốc, chúng tôi đến cửa hàng thuốc tại phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), tại đây, chúng tôi đã hỏi mua thuốc kháng sinh Zinnat 500mg cùng một số loại thuốc khác như, Medrol 16mg, Tecpin codein. Người bán hàng không cần xem đơn, hay hỏi đơn thuốc mà nhanh chóng lấy đủ những thuốc chúng tôi yêu cầu, bất chấp đây là những loại thuốc có ghi rõ “thuốc kê đơn”. Còn tại một cửa hàng thuốc khác trên đường Quang Trung (TP Thanh Hóa), nhân viên bán thuốc nhanh nhẹn hỏi chúng tôi cần mua thuốc gì. Sau khi nghe tôi kể tình trạng bệnh, nhân viên bán thuốc đã tự lấy thuốc cho tôi và hướng dẫn liều lượng uống rất cẩn thận. Mặc dù không có đơn thuốc song chúng tôi vẫn mua được “thuốc kê đơn”. Tình trạng này đã diễn ra rất nhiều năm và phổ biến tại tất cả các hàng thuốc. Việc bán thuốc kháng sinh và những loại thuốc có ghi rõ “thuốc kê đơn” mà không cần đơn là trái quy định. Bởi, Bộ Y tế đã có nhiều thông tư như, Thông tư số 02/2018/TT-BYT, Thông tư số 07/2018/TT-BYT, quy định cụ thể về việc bán lẻ thuốc tại các cửa hàng thuốc. Quy định những loại thuốc có yêu cầu giám sát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn và sử dụng để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng thuốc trong điều trị mà việc lạm dụng thuốc có thể gây ra.
Không chỉ người bán thuốc không tuân thủ những quy định của Bộ Y tế mà việc người dân xem nhẹ hành động tự ý mua – bán thuốc không cần đơn đã dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Được hỏi về việc tự ý mua thuốc, lạm dụng thuốc kháng sinh, bác Lê Thị Lan (phường Tân Sơn), TP Thanh Hóa cho biết: Cảm sốt thông thường nên tôi ngại đi khám và tự ra hàng thuốc mua theo hướng dẫn của nhân viên cho nhanh và tiện. Việc chưa nhận thức đúng và đủ về lợi – hại khi sử dụng thuốc kháng sinh nên nhiều người dân đã xem nhẹ việc tuân thủ quy định bán thuốc kê đơn. Thậm chí nhiều người còn tự ý cắt bớt hay tăng thêm liều lượng thuốc kháng sinh trong mỗi lần điều trị dẫn đến việc kháng thuốc kháng sinh.
Video đang HOT
Theo đánh giá của các bác sĩ, tình trạng uống thuốc không theo chỉ định khiến cơ thể lệ thuộc thuốc hoặc không đáp ứng khi sử dụng thuốc đó hoặc thuốc khác. Hiện nay, nhiều loại kháng sinh đã không đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh và không ít bệnh nhân nhập viện nhưng rất khó khăn trong việc tìm phác đồ điều trị bệnh do cơ thể không đáp ứng với nhiều loại kháng sinh, dù cảm, sốt thông thường nhưng uống thuốc mãi mới khỏi. Tác động của kháng thuốc kháng sinh là rất nghiêm trọng, khiến công tác điều trị bệnh gặp khó khăn; làm tăng chi phí điều trị do phải sử dụng thuốc đắt tiền và kéo dài thời gian điều trị, tạo ra những gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội.
Nhận thức được sự nguy hại của kháng thuốc kháng sinh, Bộ Y tế kêu gọi các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và người dân hãy hành động, cùng nhau thực hiện khẩu hiệu: “Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm”. Theo đó, mỗi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ, không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng; luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh. Đối với các nhân viên và cơ sở y tế cần bảo đảm bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết; hướng dẫn người bệnh, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng. Đối với các nhà thuốc, chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ; cung cấp kháng sinh có chất lượng; tư vấn cho người bệnh, người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.
Bài Và Ảnh: Thùy Linh
Theo baothanhhoa.vn
Nhập viện do 'tái sử dụng' đơn thuốc
Có không ít người khi bị ốm không chịu đi khám mà lục lại đơn thuốc cũ được bác sĩ kê trước đó 3 - 4 năm để tự điều trị. Điều này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Ảnh minh họa.
Thông tin về tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Phụ trách quản lý, điều hành Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây đang là một mối đe dọa thường trực đối với an ninh y tế cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do nhận thức của người dân còn hạn chế, phần lớn có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh rất tùy tiện.
Hầu hết người bệnh trước khi đến viện đã tự uống thuốc ở nhà, họ ra hiệu thuốc kể bệnh và được người bán thuốc bán thuốc cho, thông thường bao giờ cũng kèm thuốc kháng sinh.
Nguy hiểm hơn, nhiều người bệnh khi thấy có triệu chứng gần giống với triệu chứng bệnh mà mình từng mắc trước đó thì liền sử dụng đơn thuốc cũ để ra hiệu thuốc mua thuốc về tự điều trị.
Theo GS.TS Ngô Quý Châu, đã từng có những người bệnh tự ý dùng lại đơn thuốc cũ được bác sĩ kê trước đó 3-4 năm. Việc tự mua thuốc như thế này có thể không phù hợp về liều, về thuốc so với mặt bệnh... Chẳng hạn, một liều cần uống 3g/ngày, song người bệnh chỉ uống một nửa liều.
Điều nguy hiểm là khi uống kháng sinh mà không đủ liều sẽ dẫn tới việc vi khuẩn thích nghi dần và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Thậm chí có bệnh nhân mới uống được 2-3 ngày thấy đỡ bệnh đã tự ý ngưng sử dụng kháng sinh.
Không chỉ đồng quan điểm với GS Châu, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế còn chỉ ra, hiện nay vẫn còn tình trạng lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng, người dân mua thuốc kháng sinh dễ "như mua rau", cứ ra hiệu thuốc là mua được kháng sinh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cảnh báo, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi. Kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.
Ông Khuê cũng cho biết, tới đây, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện có khảo sát đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp chống kháng kháng sinh. Đồng thời kêu gọi các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cộng đồng cùng chung tay chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích.
Kim Dung
Theo ngaynay
100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn vào năm 2020 Tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, tăng tỷ lệ bán thuốc kháng sinh phải có đơn là mục tiêu của đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của đề án Tăng cường kiểm soát...