Cần Giờ phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh
Không thể phủ nhận rằng hành vi tiêu dùng của người Việt nói chung, du khách nói riêng, từ sau đại dịch Covid-119 đã thay đổi rất nhiều.
Vài trong số những thay đổi đó là nhu cầu về an toàn sức khỏe được đề cao và xu hướng tiêu dùng xanh, sản phẩm du lịch xanh…
Du lịch Cần Giờ nổi tiếng với địa danh “Chiến khu Rừng Sác”, tức Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận.
Tại TP.HCM, địa phương có lợi thế nhiều nhất về phát triển du lịch xanh là Cần Giờ – huyện duyên hải duy nhất của thành phố, là nơi đang có hàng loạt dự án đầu tư, phát triển về kinh tế xanh như Cảng biển xanh, thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Nơi đây từng được ví như “ Người đẹp ngủ trong rừng”, “Người đẹp ngủ quên”…
ĐÁNH THỨC “NGƯỜI ĐẸP XANH” CẦN GIỜ
Cần Giờ được biết đến với những cái tên/địa danh nổi tiếng như Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Lá phổi xanh của Sài Gòn – TP.HCM, Rừng Sác hay Chiến khu Rừng Sác, Đảo khỉ,… và là huyện duyên hải nhìn ra Biển Đông.
Việc hướng tới những chương trình, sản phẩm du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng địa phương, gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc địa phương nhằm phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đang trở thành xu thế trong phát triển du lịch hiện nay nói chung, TP.HCM trong đó có Cần Giờ nói riêng.
Huyện Cần Giờ có diện tích tự nhiên khoảng 70.435 ha (704, 435 km 2); trong đó, diện tích rừng ngập mặn là 34.813,64 ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên toàn huyện. Sau thời gian phục hồi và phát triển, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ rất đa dạng, phong phú, có môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên xanh – sạch – đẹp, và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 21/01/2000.
Nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn huyện, nhất là phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM xây dựng và triển khai Đề án phát triển mô hình Du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng.
Mục tiêu của đề án là hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gắn với hộ gia đình trong việc phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, trải nghiệm và mua sắm của du khách khi đến Thiềng Liềng. Đây cũng là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của TP.HCM nhằm khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa; giới thiệu các tập quán, hoạt động sinh kế với du khách, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự.
Video đang HOT
Huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao.
Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Thành ủy TP.HCM đã xác định rõ: Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực; trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Nghị quyết cũng xác định việc đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Tính đến quý 1 năm 2024, sau hơn một năm hoạt động, điểm đến du lịch Thiềng Liềng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía du khách, các doanh nghiệp lữ hành và được bình chọn là một trong 100 điều thú vị của TP.HCM tại hạng mục “Điểm đến thú vị”.
“VIÊN NGỌC BÍCH” ĐANG DẦN TỎA SÁNG
Nhằm tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, bền vững, huyện Cần Giờ đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, huyện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho các điểm đến xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Đặc biệt hỗ trợ Thiềng Liềng xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng; đồng thời tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư về mục tiêu phát triển du lịch bền vững, làm tiền đề vững chắc để áp dụng cho việc phát triển mô hình du lich cộng đồng trên toàn địa bàn.
Công tác tuyên truyền về mô hình được chú trọng. Huyện và các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân và du khách thực hành các hoạt động tiêu dùng xanh trong du lịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước. Đồng thời tuyên truyền người dân giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương.
Cần Giờ có nhiều điểm tham quan, du lịch cách biệt với khu dân cư, rất phù hợp để tổ chức tour khép kín cho du khách.
Theo định kỳ, huyện sẽ sẽ thường xuyên đánh giá, phân tích khả năng tiếp cận, sự chịu tải của hệ thống tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực và năng lực cung ứng dịch vụ du lịch tại các điểm đến; từ đó nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng tại các xã, thị trấn còn tiềm năng theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững.
Ngoài ra UBND huyện còn tổ chức cải tạo cảnh quan, tăng cường mảng xanh các tuyến giao thông và điểm đến; xây dựng phương án giao thông xanh; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo thống kê, doanh thu du lịch Cần Giờ đã tăng trưởng 2 con số trong hai năm trở lại đây. Năm 2022, doanh thu đạt trên 8.000 tỷ đồng, tính chung giai đoạn 2011 – 2022 doanh thu tăng bình quân khoảng 32,2%/năm. Năm 2023 đã có trên 2 triệu lượt khách đến huyện duyên hải này, chiếm 8,7% lượng du khách đến TP.HCM. Cần Giờ đã đóng góp vào kết quả chung của TP.HCM năm 2023 với 5 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng, nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất của Thành phố năm 2023.
Mặc dù liên kết du lịch ở Cần Giờ mới manh nha hình thành, như mô hình du lịch cộng đồng Điểm đến du lịch Thiềng Liềng, Ngày hội sản phẩm OCOP… nhưng vùng duyên hải này của TP.HCM đang được những “thợ kim hoàn” mài giũa và “viên ngọc bích” ấy đang dần lộ diện tựa người đẹp trong rừng vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Cần Giờ đang tỏa sáng và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tương lai.
Tạo sản phẩm du lịch khác biệt
Để thu hút du khách, yếu tố cần có là sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, hấp dẫn và có chiều sâu.
Tại huyện Bù Gia Mập, sự khác biệt, đặc sắc đến từ việc phát triển những giá trị của tài nguyên hiện có, đồng thời địa phương đang xây dựng những điểm đến từ sự liên kết đơn vị, người dân làm du lịch. Điều này góp phần giúp người yêu thích khám phá tiếp cận những sản phẩm mới, hay điểm đến cũ nhưng gia tăng những trải nghiệm có tính mới lạ, hấp dẫn, đưa hình ảnh Bình Phước đến gần hơn với bạn bè.
Thú vị du lịch xanh
Ở vị trí thuận lợi, không gian yên tĩnh và đặc biệt tầm nhìn trực diện núi Bà Rá, bờ đập Đức Hạnh thuộc thôn Bình Đức 2, xã Đức Hạnh luôn tạo cảm giác mát mẻ, thư thái cho du khách... Bờ đập Đức Hạnh mang hơi hướng của một khung cảnh thôn quê với không khí trong lành, mát mẻ, tạo nên một khung cảnh đầy thơ mộng. Hướng nhìn ra là núi, nhìn xuống là nước, bờ đập thích hợp cho những bạn trẻ yêu thiên nhiên, bởi chỉ cần dừng chân tại đây ít phút là đã có những tấm hình ngoại cảnh cực kỳ thơ mộng. Chị Nguyễn Thị Hồng Ân ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp chia sẻ: "Ở đây tôi thấy rất đẹp vì có view núi, view hồ và đặc biệt khung cảnh gần gũi với thiên nhiên. Khi có mặt ở đây, chúng tôi vừa tham quan vừa chụp ảnh và biết thêm một cảnh đẹp của Bình Phước".
Những dịp cuối tuần, ngày lễ, Vườn quốc gia Bù Gia Mập thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên - Ảnh: Kiều Đình Tháp
Nếu du khách đã quá quen thuộc với những địa điểm ngắm hoàng hôn hay bình minh ở những địa phương du lịch nổi tiếng thì bờ đập Đức Hạnh sẽ là điểm đến đáng trải nghiệm dành cho những ai yêu thiên nhiên. Chị Nguyễn Thị Tài Nguyên ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long dẫn chứng: "Tôi đến bờ đập này đã đôi lần, nhưng lần nào cảm giác cũng như lần đầu tiên vì cảnh vật ở đây rất yên bình và trong lành. Sau 1 tuần làm việc mệt mỏi, ngày nghỉ tôi cùng gia đình, bạn bè về đây tổ chức vui chơi rất thoải mái. Đây được xem là điểm du lịch xanh ở huyện Bù Gia Mập".
Được xem là lá phổi xanh của vùng Đông Nam Bộ, Vườn quốc gia Bù Gia Mập gây ấn tượng với du khách bởi không khí trong lành, cây cối xanh mát. Ngoài cảnh vật, nơi đây còn mang đến những hoạt động thú vị, khám phá về nhiều loài động, thực vật quý. Với diện tích rộng, Vườn quốc gia Bù Gia Mập khá thuận lợi khi tham quan, khám phá cảnh vật và hiện là điểm du lịch nổi tiếng được nhiều người lựa chọn khi đến với huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Bà Bùi Kim Nga, du khách đến từ tỉnh Tây Ninh cho biết: "Tham quan ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tôi thấy rất tuyệt vời. Hy vọng lần sau đến, nơi đây vẫn là vẻ đẹp tự nhiên không bị thay đổi bởi sự tác động, xây dựng của con người, nghĩa là cứ giữ mãi hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp này".
Đẩy mạnh du lịch cộng đồng
Trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên đang là xu hướng được ngành du lịch hướng đến. Với loại hình này, người làm du lịch dựa vào lợi thế tự nhiên để phát triển, còn du khách tìm đến đây để có cảm giác mới lạ, thư giãn. Và trước thiên nhiên trong lành, cả người làm du lịch lẫn du khách sẽ cảm thấy có trách nhiệm với môi trường, cảnh quan, từ đó ứng xử trách nhiệm hơn với thiên nhiên.
Với khoảng hơn 20 ha đất trồng lúa, khi có mặt tại điểm đến "Miền quê" ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, không chỉ có bức hình đẹp, du khách còn được cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ, tận hưởng không gian thoáng đãng, được hòa mình vào thiên nhiên giữa đồng quê và tận hưởng phút giây bình yên. Chị Nguyễn Thúy Quỳnh ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập bày tỏ: "Hôm nay, tôi tới đây cùng bạn bè, với không khí này, cảnh vật này cả nhóm rất thích. Về đây cảm giác rất yên bình, không gian thoải mái, thích hợp rủ bạn bè đến tìm lại tuổi thơ".
Cuộc sống đô thị ồn ào khiến nhiều người muốn tìm về với những nơi có cảnh sắc gần gũi thiên nhiên. Các khu du lịch sinh thái, du lịch xanh ra đời đáp ứng nhu cầu vui chơi, ngắm cảnh của người dân. Điều thú vị ở "Miền quê" không chỉ là điểm du lịch gần gũi, mà còn lưu giữ giá trị văn hóa khi không gian trưng bày các trang phục, nông cụ đặc trưng của miền quê.
Tọa lạc bên tuyến ĐT741, đoạn dốc Cùi Chỏ, khu dịch vụ ăn uống, vui chơi FarmStay Cùi Chỏ Bù Gia Mập đang là điểm check-in thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. FarmStay Cùi Chỏ không bị tác động nhiều nên vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ hữu tình. Dòng suối được thiên nhiên ban tặng chảy nhẹ nhàng không ngừng nghỉ và được bao bọc bởi những hàng cây xanh, tô điểm thêm sắc màu cho bức tranh thiên nhiên nơi đây. Với tổng diện tích hơn 5 ha, không gian thoáng mát, điểm đến này được các bạn trẻ yêu thích lựa chọn để check-in, lưu giữ những tấm ảnh đẹp. Chị Ngô Bảo Ngọc ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh khẳng định: "Theo lời giới thiệu của người thân khi về Bình Phước, gia đình tôi đã đến FarmStay Cùi Chỏ để tham quan, trải nghiệm. Nói chung đến đây, tôi thấy rất gần gũi thiên nhiên, có dòng nước cho trẻ em chơi rất hợp lý, khung cảnh ở đây mát mẻ, thoải mái".
Mô hình du lịch thân thiện với môi trường đang được nhiều du khách quan tâm. Với không gian rộng lớn, khí hậu trong lành, các điểm đến ở huyện Bù Gia Mập nói riêng đang góp phần vào bức tranh du lịch xanh, du lịch sinh thái của tỉnh càng đa dạng, phong phú. Qua đó, quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm cũng như tăng giá trị cho bức tranh du lịch tỉnh nhà.
"Khi làm mô hình này, chúng tôi hạn chế đầu tư quá nhiều vào các hạng mục, công trình phải bê tông hóa, bởi những gì du khách tìm kiếm là một không gian mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Lúc đầu chỉ nghĩ làm cho vui, về sau mới nghĩ đến vấn đề cộng đồng, xây dựng hình ảnh và phát triển du lịch tại địa phương. Chúng tôi đang hướng đến những hình ảnh mộc mạc, thân thiện nhất cho du khách".
Anh LÊ ANH HOÀNG TUẤN
chủ điểm đến "Miền quê", xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập
Hội An tập huấn phát triển du lịch xanh TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa tổ chức tập huấn cho hơn 200 học viên là cán bộ làm công tác văn hóa- du lịch về giới thiệu kế hoạch phát triển du lịch xanh Hội An đến năm 2025 và hướng dẫn thực hành Bộ tiêu chí du lịch xanh. Cù lao Chàm, điểm du lịch xanh thu hút du khách....