Cần định biên cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt ra trường không có việc làm, trong khi nhiều trường lại khó tìm giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Quy định trợ cấp đặc biệt cho giáo viên dạy hòa nhập đã có nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Đó là hai trong số những bất cập vừa được đưa ra tại hội thảo “Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật – Khoảng chênh giữa lý luận và thực tiễn” do Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM tổ chức.
Trẻ khuyết tật cần có chương trình giáo dục riêng để sớm hòa nhập cộng đồng.
Nghịch lý thừa, thiếu
Video đang HOT
TS Trịnh Thị Xim, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết, có một nghịch lý rất lạ là hiện nay mặc dù các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước đều mở chuyên ngành giáo dục đặc biệt, nhưng theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam ở bốn tỉnh, thành phố lớn trên cả nước là Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam và Bắc Cạn, gần 100% đội ngũ giáo viên dạy trẻ hòa nhập tại các trường mầm non không được đào tạo chính quy về giáo dục đặc biệt.
Trong khi đó ở khía cạnh ngược lại, nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt ra trường nộp hồ sơ xin việc vào các trường mầm non lại bị từ chối do đánh giá không đủ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn. Từ đó dẫn đến hậu quả công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật hiện nay mới dừng ở việc tạo điều kiện cho trẻ sinh hoạt chung với các bạn đồng trang lứa chứ chưa có giáo án riêng về mặt chuyên môn để chữa trị khuyết tật.
Trước tình hình đó, bà Xim thẳng thắn đề nghị: “Thực tế chứng minh nhu cầu tuyển dụng giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt hiện nay rất lớn, song các trường lại đang e dè trong công tác tuyển dụng. Vì thế tôi kiến nghị cần có định biên rõ ràng cho những cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt, tránh tình trạng người chờ việc, việc kiếm người như hiện nay”.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Th.S Nguyễn Thị Tường Vân, Phó Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, hiện mới có 2,6% cán bộ quản lý phụ trách công tác giáo dục hòa nhập ở các trường mầm non tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt, còn lại đa phần là kiêm nhiệm. Hơn 60% trong số đó có thâm niên công tác ở lĩnh vực này chưa đầy 3 năm; 50,8% cán bộ quản lý cho biết không thường xuyên đến dự giờ, thăm lớp có trẻ hòa nhập vì bận điều hành nhiều hoạt động khác, thiếu quan tâm đến việc thành lập tổ chuyên môn giáo dục hòa nhập trong nhà trường.
Mặt khác, theo TS Vương Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt, Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam, thực tế hiện nay ở hầu hết trường mầm non trên cả nước là 2 giáo viên phụ trách một lớp học hơn 50 cháu. Do đó, giáo viên dù có tâm huyết cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức các hoạt động cho trẻ khuyết tật, thời gian dành cho mỗi trẻ không nhiều nên kết quả giáo dục còn hết sức hạn chế.
Tăng mức hỗ trợ
Một trong những nguyên nhân khiến giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật hiện nay đang thiếu về số lượng lẫn yếu về chất lượng là do một số bất cập xung quanh vấn đề chế độ, chính sách. Mặc dù tháng 11-2011, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 69 quy định mức trợ cấp giảng dạy đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật, nhưng theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay mới có 3 quận thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên hòa nhập tại 12 trường mầm non, các đơn vị còn lại chưa có bất kỳ hỗ trợ nào cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật.
Bà Nguyễn Từ Dũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, quy định hiện nay của TP cho phép mỗi giáo viên dạy trẻ khuyết tật được nhận trợ cấp 200.000 đồng/trẻ, tối đa 2 trẻ/lớp. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều giáo viên phải dạy từ 3 – 4 trẻ khuyết tật/lớp nhưng chỉ được nhận trợ cấp tối đa 2 trẻ, tức 400.000 đồng.
“Đó là chưa kể theo quy định, giáo viên muốn hoàn tất hồ sơ xin trợ cấp phải có giấy giám định về tình trạng khuyết tật của trẻ do bệnh viện hoặc UBND phường, xã chẩn đoán và kết luận. Yêu cầu trên đã lập tức gặp sự phản đối quyết liệt từ phía phụ huynh do tâm lý mặc cảm hoặc không muốn thừa nhận tình trạng dị tật của con mình. Từ đó dẫn đến việc giáo viên không được nhận trợ cấp”, bà Dũ bày tỏ.
Ngoài ra, tổng thời gian giáo viên mầm non đầu tư cho một trẻ khuyết tật kéo dài từ 8 – 9 giờ/ngày với nhiều hoạt động chăm lo vệ sinh, rèn luyện kỹ năng rất vất vả nhưng chỉ nhận được mức trợ cấp khiêm tốn nên hầu hết giáo viên mầm non thường né các lớp có trẻ khuyết tật. Thậm chí sau khi đã được nhà trường động viên, tư vấn họ vẫn thoái thác trách nhiệm do không nhận được hỗ trợ phù hợp với công sức bỏ ra.
Do đó, ngoài việc tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về kỹ năng, nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp giúp giáo viên dạy trẻ khuyết tật yên tâm công tác, bám trụ với nghề.
Thro TNO