Cần đánh giá công bằng với đề thi Ngữ văn ‘nếu em ở trong nước sôi’
Trong khi kì thi tuyển sinh vào lớp 10 đang diễn ra ở nhiều tỉnh/thành trong cả nước, đề thi môn Ngữ văn của Khánh Hòa nhận được sự chú ý ở cả đề thi chung và đề thi vào lớp chuyên.
Trước nhiều ý kiến chê đề thi phản cảm, VietNamNet nhận được bài viết của 1 giảng viên môn Ngữ văn cho rằng điều đó chưa thật công tâm. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Sau đây là nội dung bài viết:
Vừa qua, đề Ngữ văn thi vào lớp 10 đại trà và 10 chuyên của tỉnh Khánh Hòa đã gây xôn xao dư luận, đa phần trong đó là các bình luận, nhận xét rất tiêu cực.
Với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đại trà, dư luận chú ý vào hiện tượng rớt dòng trong hai dòng 3, 4 của ngữ liệu đọc hiểu (bài thơ Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con… của Nguyễn Phong Việt).
Đề Ngữ văn gây tranh cãi
So với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 một số tỉnh vẫn sử dụng ngữ liệu đọc hiểu trong sách giáo khoa, hoàn toàn không đáp ứng được định hướng đánh giá năng lực thì ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa được tôi đánh giá rất cao. Ngữ liệu này cùng các câu hỏi thành phần khi kết hợp với câu nghị luận xã hội, nghị luận văn học hoàn toàn có thể hình thành một trục chủ đề về tình cảm gia đình.
Video đang HOT
Tôi cho rằng đề thi đã trung thành với nguồn trích dẫn, trong tài liệu không có đính chính về lỗi in ấn nghĩa là người làm đề không sai. Câu hỏi 3 (thông hiểu) trong phần đọc hiểu chứng minh người ra đề quan niệm rất chính xác về sự phân biệt giữa câu thơ và dòng thơ – vấn đề được làm rõ cả trong từ điển (xem định nghĩa về “câu thơ” trong Đại từ điển Tiếng Việt của GS. Nguyễn Như Ý chủ biên) và sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 1, bộ cơ bản.
Xem xét kĩ hơn, hai dòng thơ có hiện tượng rớt dòng và nội dung các câu hỏi không liên quan. Trong phần đọc hiểu, phạm vi trả lời cho câu hỏi 2 chỉ gói gọn trong dòng thơ thứ 2 của ngữ liệu, câu 3 trích 2 dòng thơ khác, câu 4 đã định hướng rõ vấn đề. Cả câu nghị luận xã hội cũng đã nêu vấn đề khác để học sinh trình bày ý kiến. Việc tập trung vào một tiểu tiết không đáng đã vô tình xóa hết nỗ lực mang đến những thông điệp đẹp đẽ mà đề thi muốn chuyển tải. Thật đáng buồn!
Đánh giá về đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên lại tập trung vào lời dẫn “Nếu phải ở trong nước sôi” để kết luận vội vàng là đề thi phản cảm, thậm chí số ít nhà nghiên cứu Ngữ văn còn “nâng quan điểm” khi nhận xét đề thi này phản giáo dục. Từ góc nhìn của người có nhiều trải nghiệm với công tác biên soạn đề thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng như theo dõi khá sát việc đánh giá đề thi những năm gần đây, tôi cho rằng đây là những nhận xét quá khắt khe, chưa thật công tâm!
Với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, để hiểu lời dẫn “Nếu phải ở trong nước sôi” phải đặt trong ngữ cảnh cụ thể của đề thi, gắn với vấn đề nghị luận được nêu rất rõ trong đề. Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với quan điểm được nhiều thầy cô giáo nêu ra: trong thực tế, chỉ với học lực khá – giỏi môn Ngữ văn của một học sinh lớp 9, cũng không hiểu lời dẫn ấy theo nghĩa đen. Do vậy, việc cố tình cắt vụn, gán ghép theo khả năng/ ý đồ tiếp nhận của bản thân là không hợp lí.
Rất đáng giận!
Hai xu hướng đáng lo ngại trong đánh giá đề thi Văn
Từ sự việc trên, tôi nhận thấy có hai xu hướng rất lo ngại trong việc đánh giá, nhận xét đề thi.
Thứ nhất, dư luận thường tập trung vào nội dung ý nghĩa của ngữ liệu hoặc ý nghĩa của câu hỏi.
Người ra đề có chủ đích của họ, câu hỏi cũng đặt trong ngữ cảnh cụ thể. Điều đó có nghĩa tính chất phong phú đa dạng trong sự tiếp nhận của độc giả không nên thể hiện vào việc nhận xét đề thi.
Thứ hai, người nhận xét thường đưa ra đánh giá đề “hay/ cũ” hoặc “không hay/ không mới”. Chúng tôi cho rằng những xu hướng trên đây chưa công bằng, tạo áp lực vô lí với người ra đề, thậm chí gây hoang mang trong xã hội.
Đánh giá đề thi cần chú ý đến việc người ra đề có bám sát ma trận không, lựa chọn ngữ liệu có phù hợp với định hướng đánh giá năng lực và sự tiếp nhận của học sinh hay không, độ phân hóa trong đề thi như thế nào. Khi đi chệch định hướng, lại để cảm xúc cá nhân chi phối, thêm vào tâm lí vốn dễ bị lôi kéo bởi đám đông, thay vì đánh giá các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa có mức độ phân hóa rất tốt, vấn đề nghị luận xã hội có thể khơi gợi nhiều suy nghĩ (và cả cảm xúc) cho học sinh, quá nhiều người lại chú ý đến những yếu tố vụn vặt vốn không ảnh hưởng nhiều đến đề thi.
Đằng sau một đề thi là những cá nhân đã rất vất vả khi phải chịu cảnh “làm dâu…nghìn họ”, “quyền rơm vạ đá”. Vẫn biết cần rộng đường dư luận và luôn trân trọng các ý kiến phản biện, thế nhưng, sự thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu để có những góp ý mang tính xây dựng, giúp đồng nghiệp vững tin trong quá trình làm nghề còn lắm nỗi phức tạp, gian truân luôn là điều rất cần thiết. Đó là chưa tính đến yêu cầu cần có am hiểu nhất định về kiểm tra đánh giá, về thực tế dạy học Ngữ văn ở phổ thông trước khi nhận xét đề thi.
“Ném đá hội đồng” hay “mưa lời khen” không thể giá trị, ý nghĩa bằng những lời đánh giá chân thành, khách quan!
Đề thi chuyên Văn vào lớp 10: Có sơ suất nhưng không ảnh hưởng kết quả làm bài của thí sinh
Tại kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) có một số nội dung gây nhiều ý kiến trái chiều.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đề thi có sơ suất về hình thức nhưng không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh.
Đề thi có 2 câu, trong đó câu số 1 với nội dung đã gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội như sau: "Trong cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng, Lu-Mannup đã chia sẻ: Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".
Đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Sau khi đề thi được chia sẻ đã có nhiều ý kiến mổ xẻ. Bà Nguyễn Minh Thu (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) cho rằng, để áp dụng câu "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng" vào phân tích chỉ đúng với một khía cạnh nào đó, chứ không đúng hoàn toàn với mọi bối cảnh. Việc khoai tây mềm, trứng cứng lại là điều tất yếu; 2 thứ này khi cho vào nước sôi nấu lên đều phải đạt điều kiện đó để chín và để ăn. Nếu học sinh chọn làm trứng, hay làm khoai tây đều đúng cả, nên để phân tích về bản lĩnh nội tại của mỗi người thông qua giả định này sẽ chưa đúng lắm và có nhiều cách để phân tích.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp giả định "Nếu ở trong nước sôi..." không phù hợp để đưa vào đề thi vì để học sinh liên tưởng đến cảnh rùng rợn. "Có nhiều ví dụ khác để đặt giả thiết, nhưng người ra đề lại đưa ra giả thiết khá phản cảm, tôi thấy không phù hợp lắm", ông Đặng Thành Trung - người dùng facebook chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng câu hỏi này có thể phát huy tính tư duy của học sinh. Bà Trần Ánh Thu - người dân cho rằng, đối với học sinh thi vào chuyên Văn, đề thi này hay, không quá sức. Chỉ đáng tiếc ở chỗ, từ "nước sôi" nên được đặt trong ngoặc kép, để người đọc không hiểu sai ý nghĩa, vặn vẹo về câu từ.
Cùng quan điểm, ông Lê Khổng Hàng Giang (facebook Le Giang) chia sẻ: "Đề văn như thế này cũng là thử thách nho nhỏ cho học sinh; hơn nữa, đây là đề Văn thi vào trường chuyên nên tôi thấy có phần khác lạ cũng là bình thường. Câu hỏi này giúp học sinh tư duy theo lối mở, dựa vào suy nghĩ và lập luận của các em nhiều hơn là kiến thức sách vở".
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, với những ý kiến xoay quanh đề thi môn chuyên Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, sáng 7-6, lãnh đạo sở đã có cuộc họp với các giáo viên chuyên môn và cán bộ liên quan. Theo đánh giá tổng quan, đề văn vẫn được cho là hay, giúp học sinh tư duy, phát triển quan điểm cá nhân. Ở câu hỏi gây tranh cãi, mục đích là gửi gắm đến học sinh thông điệp về bản lĩnh nội tại của con người trước nghịch cảnh; đây là vấn đề mang tính giáo dục, gắn với thực tiễn giới trẻ ngày nay dễ lung lạc và đánh mất mình trước cám dỗ, xô bồ của xã hội. Dụng ý của đề thi là mong muốn tuyển chọn được những thí sinh có chất văn, tư duy độc lập, có khả năng kiến giải vấn đề một cách sâu sắc, mới mẻ. Việc ra đề có sơ suất khi các từ "nước sôi", "quả trứng", "củ khoai tây" trong phần giả định đã không được bỏ trong ngoặc kép hoặc in nghiêng, khiến nhiều người đọc hiểu nhầm và suy luận ra đề nói đến nước sôi bình thường theo đúng nghĩa đen và có những ý kiến trái chiều. Đây là sơ suất của người ra đề thuộc về hình thức trình bày nhưng không làm sai biệt thông điệp của phần trích dẫn, vì thế không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh. Với tinh thần tiếp thu các góp ý, xây dựng, sở sẽ rút kinh nghiệm và có chấn chỉnh trong công tác ra đề thi trong những lần thi tới, đảm bảo chất lượng, chặt chẽ hơn.
Nhà thơ xuất hiện trong đề thi lớp 10: 'Tôi mừng vì đề không theo khuôn mẫu' Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho biết, anh cảm thấy xúc động, không phải vì bài thơ của mình được đưa vào đề thi lớp 10 của Khánh Hòa, mà vì đề đã khơi gợi được nhiều giá trị chính các bạn trẻ ngày nay đôi khi đã lãng quên. Ngày 3/6, học sinh dự thi vào lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa...