Cần có tiêu chí xếp loại hạnh kiểm học sinh mới
Một học sinh chỉ luôn xếp hạnh kiểm Trung bình vì em hay nghịch ngợm, vi phạm nội quy lại không tốt bằng một học sinh chỉ toàn xếp loại hạnh kiểm Tốt?
Cuối học kỳ 1, câu chuyện xếp loại hạnh kiểm học sinh đang là đề tài để nhiều người quan tâm, bình luận. Việc xếp loại hạnh kiểm học sinh bậc trung học hiện nay đang bộc lộ khá nhiều điều bất hợp lý.
Thông tư 58 và một số quy định xếp loại hạnh kiểm học sinh đã không còn phù hợp. (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)
Điều này, làm giáo viên chủ nhiệm khó xử, tạo cho một bộ phận học sinh buồn chán, buông xuôi và làm cho một số phụ huynh bất bình, lo lắng.
Học sinh bậc trung học được xếp loại hạnh kiểm thế nào?
Hiện nay, Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là căn cứ chính để nhà trường, giáo viên đánh giá, xếp loại học sinh về học lực lẫn hạnh kiểm.
Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vào việc xếp loại hạnh kiểm học sinh trong các trường học phổ thông hiện nay.
Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT quy định
Hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt (T), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y) sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.
Điều 4. Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm
1. Loại tốt:
a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội;
b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu;
c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình;
d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập;
đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân.
2. Loại khá:
Thực hiện được những quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đạt đến mức độ của loại tốt; còn có thiếu sót nhưng kịp thời sửa chữa sau khi thầy giáo, cô giáo và các bạn góp ý.
3. Loại trung bình:
Có một số khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm.
4. Loại yếu:
Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây:
Video đang HOT
a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;
b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác;
c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi;
d) Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác.
Những quy định riêng của từng trường
Ngoài những quy định về xếp loại hạnh kiểm của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, từng trường học sẽ đưa ra một số quy định chung của trường.
Có trường xây dựng thành bộ nội quy tương đối khắt khe với học sinh và làm khó cả giáo viên chủ nhiệm.
Ví như, nghỉ học không lý do một buổi hạ một bậc hạnh kiểm xuống khá. Rồi đi học muộn 3 lần trở lên, đánh nhau với bạn, cãi lời thầy cô (thường bị liệt vào tội vô lễ)…hạnh kiểm có khi xuống loại yếu.
Những học sinh đôi khi chỉ quay bài kiểm tra dù chỉ một lần sẽ bị liệt vào tội gian dối nên hạnh kiểm luôn ở mức yếu hoặc trung bình.
Có điều khá vô lý ở chỗ học sinh xếp loại học lực yếu thì hạnh kiểm không thể xếp tốt dù em ấy luôn nỗ lực và thực hiện đúng các nội quy của trường lớp đề ra.
Có những em học giỏi, chăm ngoan nhưng do đi trễ vài lần (nhà xa, lỡ chuyến xe bus, hoặc xe thủng xăm…) dù giáo viên có thương và cảm thấy tiếc nhưng chiếu theo quy định vẫn buộc phải hạ một bậc hạnh kiểm xuống khá.
Hệ lụy từ việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh hiện nay ở nhiều trường học
Đạo đức của một con người không thể dựa vào vài lần đi trễ, mang đồng phục sai hay tóc để quá dài (con trai) nữ tô chút soi môi (nhà trường cấm học sinh tô son môi đến trường), vài lần không thuộc bài…để đánh giá rằng hạnh kiểm không tốt.
Với kiểu đánh giá xếp loại cứng nhắc hiện nay ở nhiều trường học thì một học sinh nào đấy đã trót “nhúng tràm” vì những lỗi ất ơ cũng khó có cơ hội sửa chữa.
Điển hình như con trai một người bạn, em có lực học khá tốt nên gia đình hướng cho đi công an hoặc quân đội.
Thế nhưng ở học kỳ 1, em bị phạm lỗi một lần trốn tiết học quân sự vào lớp ngồi.
Xui cho em hôm ấy lại có bạn trong lớp la mất điện thoại. Thế là mọi người đều nghi em ấy lấy. Có người nói còn nhìn thấy em ấy mở cặp một bạn nhưng chỉ là mượn cuốn sách để chép bài.
Em ấy bị hạ 2 bậc hạnh kiểm (bỏ tiết và tình nghi trong vụ mất trộm). Mặc dù học kỳ 2 thầy cô giáo nào cũng nhận xét tốt về em. Thế nhưng những vi phạm của em ở học kỳ 1 cũng chẳng được bỏ qua.
Thế là, ước mơ sẽ vào ngành công an, quân đội đã tiêu tan vì các trường này chỉ xét học sinh có hạnh kiểm Tốt.
Một số học sinh khác có lực học yếu mặc dù các em đã nỗ lực khá nhiều. Nhưng theo quy định, em ấy cũng không thể có học lực tốt mà bị hạ xuống trung bình. Hạnh kiểm đã “ăn theo” học lực.
Một số em trót vi phạm ở học kỳ 1 chẳng cần cố gắng ở kỳ 2 mà buông xuôi với lý do: “Có nỗ lực nhiều, có thực hiện đúng nội quy thì đằng nào mình cũng sẽ bị hạ hạnh kiểm vào cuối năm”.
Trong chuyện này, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT về việc xếp loại hạnh kiểm học sinh và một số quy định của trường học đang nhầm lẫn, duy ý chí giữa năng lực học tập và hành vi, thái độ đạo đức của học sinh.
Một học sinh có lực học yếu nhưng vẫn là học sinh ngoan, lễ phép, là người con hiếu thảo trong gia đình, có trái tim nhân hậu với mọi người.
Ngược lại, một số học sinh luôn xếp loại hạnh kiểm tốt nhưng lại hay cãi lời ba, mẹ, về nhà ngỗ nghịch đến hàng xóm cũng sợ, luôn ích kỉ và chẳng biết chia sẻ giúp đỡ ai.
Nỗi niềm của nhiều người
Hạnh kiểm thường được hiểu là “phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người”.
Nhưng cứ lấy việc đi học trễ, mặc sai đồng phục, nghỉ học không có lý do, vắng học không phép, vài lần nói chuyện riêng trong giờ học …là hạ hạnh kiểm thì e rằng chưa thật sự thỏa đáng.
Nói về việc xếp loại hạnh kiểm trong nhà trường, một bạn đọc cho rằng: “Ai dám chắc một học sinh trong suốt quá trình đi học chỉ luôn xếp hạnh kiểm Trung bình, cao nhất là Khá vì em hay nghịch ngợm, hay vi phạm nội quy như cà khịa với bạn, quay bài trong lớp…lại không tốt bằng một học sinh chỉ toàn xếp loại hạnh kiểm Tốt?”
Trong buổi họp lớp của một đồng nghiệp mới đây, bạn tôi nói mình phải thốt lên đầy kinh ngạc về Quang. Cậu ấy đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng cấp học phí cho học sinh nghèo của trường. Thế mà ngày còn đi học, Quang luôn đội sổ về hạnh kiểm trung bình.
Không riêng gì Quang, có khá nhiều học sinh nay đã thành đạt luôn hướng về quê hương để chia sẻ những khó khăn giúp người khốn khó. Một số bạn cho biết cậu ấy, cô ấy ngày xưa quậy có tiếng, tuần nào cũng vi phạm nên lớp không bao giờ được nhận cờ thi đua.
Khi xếp hạnh kiểm, giáo viên và nhiều bạn trong lớp vạch ra biết bao nhiêu tội nên hạnh kiểm chỉ trung bình và có năm còn bị rèn luyện trong hè.
Thế mà nay, các em tích cực hoạt động từ thiện. Có người thốt lên: “Người tốt là đây chứ đâu?”
Nên xếp hạnh kiểm thế nào cho hợp lý?
Bậc tiểu học hiện nay chỉ có 2 mức xếp hạnh kiểm học sinh Đạt và không Đạt. Đã là học sinh thì mấy ai không một vài lần vi phạm?
Những lỗi như nói chuyện riêng trong giờ, không mang đúng đồng phục, đi học trễ, nghỉ học chưa kịp xin phép…mà xếp các em loại trung bình, yếu, nhiều em sẽ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.
Những lỗi học sinh vi phạm về nội quy cần được nhắc nhở thường xuyên. Đừng tích tụ lại (ghi sổ theo dõi) để cuối kỳ mang ra làm bằng chứng xếp loại như hiện nay các trường đang áp dụng.
Với những lỗi vi phạm ấy, học sinh vẫn được xếp loại hạnh kiểm Tốt hoặc xếp Đạt như bậc tiểu học mới là hợp lý.
Chỉ khi em nào gây bạo lực trong trường như đánh bạn gây thương tích, vô lễ, xúc phạm, dùng vũ lực với thầy cô…nhà trường cần dùng biện pháp mạnh, kết hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp giáo dục. Và lúc này, vấn đề hạnh kiểm sẽ xếp theo sự hối cãi ăn năn của các em.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương ngành Giáo dục Lịch sử tại Đại học Kanazawa: “Đạo đức con người là một thứ rất khó đánh giá và định lượng chi tiết vì vậy cách thức đánh giá hạnh kiểm hiện tại dựa vào sự tuân thủ nội quy, thái độ đối với giáo viên và học lực là cách làm dễ tạo ra kết quả sai lầm”.
Tài liệu tham khảo:
//thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Xếp loại hạnh kiểm học sinh, cần sự sâu sát của giáo viên chủ nhiệm
Về các thầy cô giáo chủ nhiệm, cách đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học trò cũng muôn hình vạn trạng, mỗi người một vẻ.
Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đang là căn cứ chính để nhà trường, giáo viên đánh giá, xếp loại học sinh về học lực lẫn hạnh kiểm.
Nếu như đánh giá về học lực dễ dàng, thuận lợi bao nhiêu (vì nghiêng nhiều về định lượng) thì việc đánh giá hạnh kiểm lại khó khăn, vất vả bấy nhiêu (vì nghiêng nhiều định tính).
Khi đánh giá, phân loại hạnh kiểm học sinh phổ thông, mặc dù từng nhà trường có thêm những quy định riêng, cụ thể hơn nhưng các thầy cô giáo chủ nhiệm vẫn phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, mới mong có được sự đánh giá, phân loại tương đối chính xác, đúng với từng em.
Có thực trạng một số thầy cô giáo hiện nay đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh chưa sát, đúng, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tương lai, lựa chọn ngành nghề của các em.
Xếp loại hạnh kiểm học sinh, cần sự sâu sát của giáo viên chủ nhiệm. (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)
Theo nhiều giáo viên, các quy định chung, khái quát về đánh giá hạnh kiểm của học sinh tại Thông tư 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đã rõ ràng và phù hợp, không có vấn đề gì phải bàn luận thêm.
Vậy, căn nguyên mấu chốt đặt ra ở đây là cách xây dựng, thống nhất quy định của từng đơn vị nhà trường và quá trình theo dõi, đánh giá, ghi nhận mức độ tiến bộ của học sinh ở mỗi giáo viên chủ nhiệm.
Hiện nay, nhiều nhà trường vẫn đưa ra những nội quy quá cứng nhắc, khắt khe đối với học sinh, đi trễ 2 lần trong học kỳ không xếp hạnh kiểm khá, tốt, 7 lần không thuộc bài, không bài tập trong học kỳ bị mời phụ huynh và hạnh kiểm yếu...
Một số nhà trường nhầm lẫn, duy ý chí giữa năng lực học tập và hành vi, thái độ đạo đức, hạnh kiểm.
Học sinh đó học yếu, lười học, không thuộc bài nhiều lần đã bị điểm yếu, kém, rồi lại còn bị cõng thêm "tội" về hạnh kiểm nữa.
Để đơn giản, thuận tiện trong việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh, một số nhà trường đưa ra những tiêu chí mang tính chất định lượng, phép cộng đơn thuần, bao nhiều lần vi phạm tác phong, áo quần, mấy buổi đi trễ, vắng không có phép, mấy lần nói chuyện riêng, gây mất trật tự trong giờ học... mà quy ra hạnh kiểm: tốt, khá, trung bình, yếu, hoàn toàn không phù hợp với bản chất, tính đa diện của phạm trù đạo đức, hạnh kiểm và tâm lý lứa tuổi các em phổ thông.
Về các thầy cô giáo chủ nhiệm, cách đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học trò cũng muôn hình vạn trạng, mỗi người một vẻ.
Phạt học trò, đừng làm các em phải ấm ức, sợ hãi!
Học sinh gặp giáo viên sâu sát, hiểu đúng tâm tính, bản chất của học trò thì được nhờ, học sinh gặp giáo viên cứng nhắc, chỉ toàn căn cứ vào biểu hiện, hành vi, thái độ bên ngoài của các em thì chịu phần thiệt thòi.
Họp xét lên lớp, thi đua, khen thưởng cho học sinh cả trường vào cuối học kỳ thường rất gay cấn, căng thẳng, nhất là mặt hạnh kiểm của các em, các tập thể lớp.
Có giáo viên xếp loại hạnh kiểm học sinh khá tùy tiện và cảm tính. Học sinh nọ không vi phạm gì lớn, chỉ "tội" ngủ gật, nói chuyện mấy lần trong tiết học, đùng một cái cuối năm, cô giáo chủ nhiệm xếp hạnh kiểm loại yếu.
Thấy điều bất thường, Hội đồng xét lên lớp, thi đua, khen thưởng nhà trường đề nghị cô giáo giải trình cụ thể về trường hợp đó, cô giáo nói vòng vo một hồi và kết luận câu nghe xanh rờn: "Tôi xếp hạnh kiểm loại yếu đối với trường hợp đó, tại vì em đó có ánh mắt nhìn tôi rất khó ưa."
Cả Hội đồng sư phạm nhà trường cười một trận ngả nghiêng.
Kết thúc học kỳ, nhiều phụ huynh và các em từng bị "sốc" và phản ứng gay gắt, thậm chí khiếu nại với nhà trường, cấp trên về cách "chấm" hạnh kiểm chẳng giống ai của một số thầy cô giáo chủ nhiệm.
Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của học sinh là một việc nhạy cảm, vô cùng khó khăn và quan trọng, không phải nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nào cũng đã làm tốt.
Trước tiên, mỗi nhà trường cần xây dựng, thống nhất các tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh một cách vừa khoa học, bài bản vừa phù hợp, nhân văn, làm chỗ "dựa" tin cậy để các giáo viên chủ nhiệm triển khai, vận dụng.
Mỗi năm, nhà trường nên có điều chỉnh, bổ sung nếu thấy cần thiết, một số điều khoản đã lỗi thời, cứng nhắc, không còn phù hợp với thực tiễn nữa.
Bản thân, từng giáo viên cũng phải tự đổi mới, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với con em phụ huynh, theo dõi sâu sát, đánh giá đúng bản chất, hành vi, mức độ cố gắng, tiến bộ của mỗi em, không cảm tính, tùy hứng khi xếp loại hạnh kiểm.
Cuối học kỳ, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm nên dành thời gian hướng dẫn cho các em học sinh (từ lớp 3 trở lên) tự đánh giá, tự kiểm điểm về quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mình trong năm học qua (ở nhà).
Sau đó, tổ chức cho cả lớp phát biểu, nhận xét, bình bầu về hạnh kiểm của từng tổ, từng học sinh với tinh thần nhẹ nhàng, cởi mở, chia sẻ, luôn lấy việc nhắc nhở, động viên làm đầu.
Từ bản kiểm điểm của cá nhân học sinh; nhận xét, chia sẻ của tập thể tổ, lớp và quá trình theo dõi của giáo viên, ban quản sinh nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng và đưa ra quyết định cuối cùng.
Kết hợp hài hòa nhiều nguồn nhận xét, đánh giá như thế, cộng với cái tâm sáng, luôn thấu hiểu, trân trọng, yêu thương học trò như con mình của giáo viên chủ nhiệm thì chắc chắn sẽ không còn chuyện đáng buồn, than trách về hạnh kiểm của học sinh.
Theo GDVN
Học lực, hạnh kiểm từ khá trở lên được dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh Sở GD&ĐT Vĩnh Long hướng dẫn thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2019-2020 khóa thi ngày 12/1/2020. Ảnh minh họa/internet Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đối tượng dự thi là học sinh đang học lớp 12 của các trường THCS-THPT và THPT trong tỉnh. Học sinh được dự thi cần có kết quả xếp loại cuối học kỳ I...