Cán bộ kiểm lâm 37 tuổi lần đầu đi thi THPT quốc gia
Sau 15 năm nghỉ học phổ thông, anh Hồ Văn Nhuận (Thừa Thiên Huế) mới hoàn thành chương trình lớp 12 và lần đầu đi thi THPT quốc gia.
Sáng 24/6, anh Hồ Văn Nhuận (37 tuổi, trú thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã đến trường THCS và Dân tộc nội trú A Lưới, dù theo lịch buổi chiều mới bắt đầu làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Lần đầu đi thi để xét tốt nghiệp THPT, tâm trạng lo lắng nên anh đến trường xem số báo danh trước.
Anh Hồ Văn Nhuận và chiếc thẻ dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Võ Thạnh
Năm 2005 do điều kiện gia đình khó khăn, anh không hoàn thành chương trình lớp 12 nên không thể thi tốt nghiệp THPT. Năm 2008, anh đăng ký đi học trung cấp kiểm lâm tại Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Sau khi tốt nghiệp, anh Nhuận làm ở Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Huế, rồi chuyển sang làm kiểm lâm tại khu Bảo tồn Sao La thuộc Chi cục Kiểm lâm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trạm kiểm lâm nơi anh công tác nằm sâu trong khu bảo tồn, cách trung tâm huyện A Lưới gần 60 km.
Bận bịu với công việc tuần tra bảo vệ rừng, anh Nhuận vẫn mơ ước lấy được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Năm 2018, biết có lớp học bổ túc tại trường THCS A Roàng, anh đăng ký theo học. Cứ thứ bảy, chủ nhật, anh lại chạy xe máy hơn 30 km từ chòi canh rừng ra trường THCS A Roàng học bổ túc lớp 12.
Video đang HOT
Thí sinh đến điểm thi nghe hướng dẫn thủ tục thi. Ảnh: Võ Thạnh
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia với bốn môn gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Địa lý, anh Nhuận bảo đã ôn thi kỹ, tự tin sẽ đậu để học tiếp đại học từ xa ngành kiểm lâm.
“Tôi có hai con, con trai lớn sang năm sẽ thi THPT quốc gia. Năm nay, tôi đăng ký đi thi vừa phục vụ công việc sau này, nhưng cũng để con tôi nhìn gương mà cố gắng học tập”, anh Nhuận nói.
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế có 12.410 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó gần 600 thí sinh tự do, 340 thí sinh dân tộc thiểu số. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã bố trí 31 điểm thi với 519 phòng thi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Võ Thạnh
Theo VNE
Đôi bạn thân bị teo cơ ở TP HCM dự thi THPT quốc gia
Cùng ước mơ làm cô giáo, Kim Bông và Kim Luyến quyết tâm thi vào ngành Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm TP HCM.
Chiều 24/6, Lâm Thị Kim Bông và Trần Thị Kim Luyến lọt thỏm giữa hàng trăm thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi THCS Colette (quận 3, TP HCM). Hai nữ sinh nhỏ thó, bị teo cơ do di chứng bệnh sốt bại liệt hồi nhỏ.
Kim Bông (trái) và bạn thân Kim Luyến tại điểm thi THCS Colette. Ảnh: Như Quỳnh.
Kim Bông quê Đồng Tháp, là học viên Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề đào tạo việc làm cho người khuyết tật TP HCM. Với nguyện vọng vào Khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm TP HCM), Bông dự thi 3 môn Văn, Lịch sử, Địa lý.
Bông kể, em ở nội trú trong trung tâm cùng những người bạn khuyết tật. Xa gia đình nhưng có bạn bè nên mọi việc không quá khó khăn, chỉ khi ra chỗ đông người là hơi bất tiện. Sau giờ ôn tập tại trung tâm, Bông tự học ở nhà để củng cố kiến thức. Gia cảnh khó khăn, bố mẹ bận đi làm thuê không có thời gian đưa đi thi, Bông một mình đi xe khách từ Đồng Tháp lên TP HCM, rồi cùng hai người bạn khác đến điểm thi.
"Ngày mai thi Văn, cũng lo lắm nhưng em sẽ cất nỗi lo vào để làm bài thật tốt. Em tự tin sẽ đậu đại học, trở thành cô giáo", Bông cười tươi, đầy vẻ tự tin.
Là bạn thân của Bông nhiều năm qua ở trung tâm, Kim Luyến (19 tuổi, quê Lâm Đồng) cũng có nguyện vọng tương tự. Trước đó, cô vừa học nghề thiết kế logo vừa ôn thi, quyết tâm cho ước mơ trở thành cô giáo. "Em rất lo lắng, chỉ tự tin 70%, sợ vào phòng thi run, quên bài. Trước khi đi, mẹ em có nói dù kết quả ra sao cũng không quan trọng vì nghị lực của em đã là niềm hãnh diện của mẹ rồi", Luyến chia sẻ.
Cũng tại điểm thi này, Trần Quốc Bảo là thí sinh mắc chứng bại não nhẹ, giao tiếp và đi lại khó khăn. Bảo được các tình nguyện viên cõng đến tận phòng làm thủ tục. Nam sinh dự thi các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và Bài thi khoa học xã hội với nguyện vọng vào Đại học Luật TP HCM. "Em muốn thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi đi học nghề nhưng được mẹ động viên thi đại học nên em cũng muốn thử, và sẽ cố gắng hết sức", Bảo chia sẻ.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi THPT Marie Curie, TP HCM chiều 24/6. Ảnh: Mạnh Tùng.
Chiều nay, hơn 71.000 thí sinh tại TP HCM đã đến 111 điểm làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Trong đó có 62.620 thí sinh là học sinh các trường THPT, 8.420 thí sinh là học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Đại học Quốc gia TP HCM, các trường đại học Y dược TP HCM, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Văn Hiến và Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ cử cán bộ coi thi cùng địa phương. Đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm là 3 thành viên Đại học Quốc gia TP HCM: Bách khoa, Kinh tế - Luật, Khoa học Tự nhiên.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Về công tác coi thi, các đại học sẽ phối hợp với địa phương. Mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ coi thi là giáo viên THPT địa phương, một người là giảng viên đại học.
Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường đại học chủ trì khâu chấm thi trắc nghiệm. Đây được coi là một trong những giải pháp mới nhằm chống gian lận thi cử.
Như Quỳnh
Theo VNE
ĐH Mở Hà Nội tặng luôn 50 triệu đồng tới thí sinh nghèo trong buổi làm thủ tục dự thi Đồng hành cùng thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Yên Bái, Trường Đại học Mở Hà Nội đã gửi tặng 50 triệu đồng tới các em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập ngay trong buổi làm thủ tục dự thi chiều ngày 24/6. ThS Lương Tuấn Long - TP Công tác Chính trị và Sinh...