Cán bộ chê trường trên Facebook hứa sẽ rút bài
Đó là kết quả sau cuộc làm việc giữa đại diện UBND TP Cần Thơ, lãnh đạo Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ với ông Doãn Minh Đăng về vụ lùm xùm nhiều tháng qua.
Ngày 24/12, ông Doãn Minh Đăng, cán bộ Phòng đào tạo Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ cho biết, qua làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ và nhà trường, ông sẽ rút những thông tin cũ trên website và chuyển một số bài ở Facebook theo yêu cầu từ phía UBND TP Cần Thơ.
Trước đó, chiều 23/12, lãnh đạo TP Cần Thơ có buổi làm việc với ông Đăng và lãnh đạo nhà trường về vấn đề xảy ra giữa hai bên nhiều tháng qua.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Cần Thơ nhắc nhở anh Đăng rút kinh nghiệm về cách diễn đạt ý kiến cho bớt gây căng thẳng, cách đưa vấn đề lên mạng dễ để lại hậu quả xấu.
Tiến sĩ Doãn Minh Đăng. Ảnh: Tiền Phong.
UBND TP giao Sở Thông tin Truyền thông trả lời chính thức với báo chí trong cuộc họp báo định kỳ quý 4 sắp diễn ra; đồng thời yêu cầu nhà trường giải quyết vụ này hợp tình hợp lý, tạo điều kiện cho ông Đăng chuyển công tác, nghỉ việc mà không kỷ luật tiếp.
Còn ông Đăng thì sẽ rút thông tin trên trang web, Facebook, rút đơn tố cáo…
Ông Đăng cũng thừa nhận sẽ xin lỗi vì đã dùng một số từ ngữ nhạy cảm và nóng nảy trong quá trình tranh luận. Ông cũng cho rằng, kết quả đạt được như vậy là khả quan, lãnh đạo TP Cần Thơ đã lắng nghe và cho biết sẽ điều chỉnh công tác điều hành nhà trường, nên ông chấp nhận phương án giải quyết của UBND TP.
Ông Dương Thái Công, Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ cho biết, ông Đăng đã gặp ban giám hiệu trường trình bày nguyện vọng được nghỉ việc với một số điều kiện. Nếu thực hiện theo những điều kiện đó, ông Đăng sẽ xóa trang web, xóa thông tin đăng trên Facebook trước đó.
“Việc xem xét cho anh Đăng chuyển công tác như thế nào thì sẽ do UBND TP xem xét, quyết định” – ông Công nói.
Còn ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP Cần Thơ cho biết, Sở sẽ sớm có thông tin chính thức về trường hợp ông Doãn Minh Đăng trong thời gian sớm nhất.
Video đang HOT
Theo Thùy Trang/Tuổi Trẻ
Tin mới vụ kỷ luật tiến sĩ 'bôi nhọ' trường trên Facebook
Tiến sĩ Doãn Minh Đăng, nguyên Phó trưởng khoa Điện - Điện tử - Viễn thông của ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, có nguy cơ bị buộc thôi việc sau khi "bôi nhọ" trường trên Facebook.
Mấy ngày cuối tháng 11 diễn ra các cuộc họp ở ĐH Kỹ thuật -Công nghệ Cần Thơ để buộc thôi việc tiến sĩ Đăng, tuy nhiên chưa có kết quả cuối cùng. Ông Đăng du học Hà Lan về nước cuối năm 2012 và đầu năm 2013, làm Phó trưởng khoa Điện - Điện tử - Viễn thông của ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ khi trường này được thành lập từ Trung tâm ĐH Tại chức. Tuy nhiên, ông phải điều hành công việc hàng ngày, vì Trưởng khoa Trần Hoàng Lĩnh đang ở ĐH Bách khoa TP HCM.
Giữa tháng 3/2015, ông bỏ tiền túi đi dự một cuộc hội thảo khoa học ở Hà Nội, chỉ báo cáo với trưởng khoa. Đầu tháng 4, ông bị tạm ngừng chức Phó trưởng khoa, ngày 18/8 được phục hồi chức vụ nhưng ngày 12/10, lại bị cách chức và ngày 4/11, bị chuyển sang phòng đào tạo.
Ngày 19/11, ông đưa sự việc lên mạng, và Hiệu trưởng Dương Thái Công đánh giá là "bôi nhọ nhà trường".
Tiến sĩ Doãn Minh Đăng. Ảnh: Tiền Phong.
Thật đáng tiếc!
Để khách quan, Tiền Phong liên hệ một số nhà khoa học có biết tiến sĩ Đăng và quan tâm sự việc. Bà Trần Thị Ngọc Lan, tiến sĩ Hóa học, giảng viên chính của ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) từ năm 1979 đến nay (từ 2010 là giảng viên hợp đồng). Bà mở doanh nghiệp khoa học công nghệ (Cty TNHH Sinh Hóa Môi trường Bình Lan- ENBC Binh Lan) chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp sinh hóa trong nhiều lĩnh vực và có sử dụng sản phẩm của tiến sĩ Đăng.
Tiến sĩ Lan cẩn thận viết ý kiến, nguyên văn: "Tôi quen Đăng thật tình cờ, trong một triển lãm khoa học công nghệ do Sở KH&CN Cần Thơ tổ chức. Thật lòng mà nói, ai đến thăm hội chợ này đã là người rất quan tâm đến khoa học công nghệ rồi. Đến giờ tôi vẫn thầm cảm ơn cái ngày tôi gặp Đăng, vì tôi nhìn thấy ở em một người có tâm huyết khoa học, luôn nghĩ đến làm gì đó giúp cho nhà nông một nắng hai sương ở miền Tây quê hương Đăng.
Đăng muốn đưa ra sản phẩm công nghệ giúp người nuôi tôm quản lý chất lượng nước và có thể tự mình làm nhật ký nuôi tôm online, chứng thực quá trình nuôi tôm sạch để có thể xuất khẩu tôm giá cao.
Với sự hướng dẫn của tôi, Đăng đã làm ra hai máy đo quang để đo amôniac và nitrit, các khí độc rất hại cho tôm. Tất cả chi phí đều do Đăng bỏ ra. Hai máy quang đó thành công ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi đã triển lãm sản phẩm này ở Hội chợ Quốc tế Analytica Vietnam và mong rằng một ngày nào đó sẽ bán được sản phẩm trí tuệ của mình cho ai muốn đầu tư sản xuất máy đó.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan. Ảnh: Tiền Phong.
Đăng cũng đang nghiên cứu ra loại máy đo độ muối và TDS dựa trên công nghệ rất hiện đại. Nhiều lần tôi gợi ý Đăng lên TP HCM làm việc. Rất nhiều trường muốn nhận một người tài và tâm huyết như vậy. Nhưng Đăng bảo em phải trả nợ quê hương trước đã. Tôi rất tiếc là Đăng đã không có cơ hội để phát huy tài năng và tâm huyết của mình ngay trên quê hương em.
Cần phải làm rõ là Đăng đi học thạc sĩ bằng tiền ngân sách, nhưng học tiến sĩ bằng học bổng tự xin của nước ngoài. Thật đáng tiếc. Ngân sách cũng như người nước ngoài chẳng bao giờ bỏ tiền để đào tạo nhân viên văn phòng của phòng đào tạo đâu".
"Đúng quy trình"
Hiệu trưởng Dương Thái Công khẳng định, quá trình xử lý tiến sĩ Đăng "đúng quy trình". Ông nói: "Tôi và ban giám hiệu thống nhất sẽ có một cuộc họp báo để làm rõ vấn đề sau khi xin phép UBND thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT. Không phải mâu thuẫn gì mà là các vấn đề của anh Đăng trong công tác quản lý cán bộ".
Mấy năm tiến sĩ Đăng công tác ở trường, Hiệu trưởng Công đánh giá "anh ấy là một cán bộ nhiệt tình, có năng lực khi cùng xây dựng khoa, trường luôn đảm bảo kế hoạch".
Hiệu trưởng Dương Thái Công. Ảnh: Tiền Phong.
Ông Đăng được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Điện - Điện tử- Viễn thông kiêm trưởng bộ môn tự Động hóa, vì còn trẻ và thiếu kinh nghiệm "nên chúng tôi nhờ ĐH Bách khoa TP HCM chi viện Trưởng khoa Trần Hoàng Lĩnh".
Mẹ của tiến sĩ Đăng nguyên là Phó giám đốc Trung tâm ĐH Tại chức, tiền thân ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, nên "quan tâm bồi dưỡng" quy hoạch tiến sĩ Đăng làm phó hiệu trưởng... Nhưng cuối năm 2014, ông Đăng làm đơn ra khỏi quy hoạch và đầu năm 2015, ra khỏi Đảng (kết nạp lúc du học Hà Lan).
Theo ông Công, vụ việc căng thẳng từ tháng 3/2015, tiến sĩ Đăng đi dự hội nghị nhiều ngày ở Hà Nội nhưng không báo cáo trường. Trở về, trường yêu cầu báo cáo sự vắng mặt, tiến sĩ Đăng đã gửi biên bản cuộc họp nhà trường có yêu cầu ấy cho nơi tổ chức hội thảo ngoài Hà Nội.
Ông Công đánh giá: "Chúng tôi thấy đây là vấn đề nghiêm trọng nên ngưng chức phó khoa, đề phòng anh Đăng có hành vi gây tổn hại uy tín nhà trường. Ban giám hiệu thống nhất vì nội dung họp nội bộ trường không phải là thứ tùy tiện phổ biến".
Sau đó, tiến sĩ Đăng còn có đơn tố cáo Hiệu trưởng Công về vấn đề tài chính và công tác quản lý, gửi UBND thành phố Cần Thơ. Hiệu trưởng Công nói: "Anh Đăng bóp méo sự thật vì đoàn thanh tra đến xác minh và anh Đăng đã rút đơn tố cáo. Các vấn đề về thu chi tài chính, các quyết định về nhân sự và khen thưởng được niêm yết công khai".
Việc đưa toàn bộ thông tin sự việc của tiến sĩ Đăng lên mạng ngày 19/11, Hiệu trưởng Công cho rằng, "bôi nhọ nhà trường, không thể chấp nhận".
Hiệu trưởng Công nhấn mạnh: "Lãnh đạo trường và cá nhân tôi không mâu thuẫn gì với anh Đăng và mong muốn sử dụng anh Đăng. Tôi lấy làm tiếc khi anh Đăng rời bỏ những cơ hội lớn của mình. Nhưng tôi nghĩ dù ai có tài đến đâu cũng nên khiêm tốn thay vì thể hiện cái tôi quá lớn. Anh ấy có vấn đề về tâm lý. Chúng tôi đã thảo luận, Phòng Tài chính hỗ trợ anh Đăng có thể đi khám sức khỏe và chữa trị nếu có bệnh".
"Đập tư duy trì trệ"?
Liên lạc với Tiền Phong, tiến sĩ Đăng đề nghị không tô hồng cá nhân ông mà hướng vào việc phân tích môi trường làm khoa học trong nước có những cơ hội và thách thức ra sao. Ông nhấn mạnh: "Viết về thách thức và cơ hội của việc làm khoa học ở Việt Nam thì sẽ có tác dụng mở mang thêm cho người đọc".
Tiến sĩ Đăng giải thích lý do đưa sự việc lên mạng: "Để làm rõ việc một nhà khoa học bị chèn ép gây khó khăn trong hoạt động khoa học như thế nào. Chuyện cá nhân nhưng mục tiêu của tôi lớn hơn, cần đập tư duy trì trệ cũ kỹ, để đỡ khó khăn hơn cho lớp trẻ đi sau. Tôi cũng không phải là người đi đầu, tinh thần đó tôi được nhận từ những vị giáo sư có tâm với đất nước và với giới trẻ".
Ông Đăng hy vọng, sau nỗ lực của mình, các cán bộ khoa học khác trong trường sẽ được đối xử công bằng hơn.
* Năm 2006, ông Doãn Minh Đăng là một trong số cán bộ đầu tiên được thành phố Cần Thơ đưa du học đào tạo thạc sĩ theo chương trình Mekong 1000, bằng ngân sách nhà nước. Sau đó, ông kiếm được học bổng làm tiến sĩ.
* Tiến sĩ Trần Đình Quốc làm nghiên cứu khoa học cùng lĩnh vực và quen biết tiến sĩ Đăng ở Hà Lan, nay là giáo sư ĐH North Carolina (Mỹ), cho biết: Đăng là người trực tính, cực kỳ tốt bụng, hào phóng và rất ham học hỏi.
Theo Sáu Nghệ - Hòa Hội/Tiền Phong
Quán quân Olympia không về và chuyện thu hút nhân tài Một trong những nguyên nhân khiến du học sinh, trong đó có các nhà vô địch Olympia, không về Việt Nam làm việc là cơ chế để họ phát huy tài năng còn quá ít. Không phải đến bây giờ câu chuyện du học sinh ở hay về mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề này được hâm nóng...