Camera trong trường, lớp học: Kinh nghiệm từ các nước
Sau nhiều bê bối và bạo lực tại các trường học, không ít cơ sở giáo dục trên khắp thế giới đã quyết định lắp đặt camera trong lớp để có thể dễ dàng quan sát và bảo đảm an toàn của người học.
Tuy nhiên, động thái này đã khiến nhiều người lo ngại khi cho rằng, quyền riêng tư của cả giáo viên và học sinh đều đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa.
Trường học Hàng Châu (Trung Quốc) lắp đặt camera nhận diện cảm xúc của HS.
Phổ biến nhiều nơi
Theo thống kê, có tới 99% các trường học tại Vương quốc Anh có hệ thống camera quan sát. Đặc biệt, ở một số cơ sở GD của nước này, cứ khoảng 5 HS sẽ được quan sát bởi một camera. Bên cạnh việc lắp đặt camera trong lớp học, hành lang, không ít trường thậm chí còn có thiết bị an ninh này trong nhà vệ sinh và phòng thay đồ.
Sau hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào trẻ em xảy ra tại Ấn Độ trong năm 2018, Thủ hiến bang Delhi tuyên bố sẽ lắp đặt camera an ninh ở tất cả các trường học công lập và cho phép phụ huynh có thể truy cập cũng như quan sát con em mình thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Theo đó, camera được lắp đặt trong lớp học, hành lang, thư viện, bãi đỗ xe, bên ngoài nhà vệ sinh và cả những phòng bỏ trống.
Video đang HOT
Tiến sĩ Emmeline Taylor, nhà tâm lý học tội phạm, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Australia và là tác giả của nghiên cứu “Camera giám sát: Kỷ nguyên mới trong GD” đưa ra ví dụ: Có tới 1/3 các trường học tại Anh yêu cầu lấy dấu vân tay HS kể từ khi trẻ lên 4. Bên cạnh đó, TS Taylor cũng đề cập đến một loạt công nghệ giám sát hiện được áp dụng cho việc “quan sát trường học”. Ở Mỹ, kiểm tra an ninh, thẻ ID vi mạch và đồng phục thông minh không phải là những thiết bị hiếm tại các cơ sở GD.
Cuối năm 2018, tờ The Times of India đưa tin, Tòa án tối cao Delhi đã đưa ra phán quyết và khẳng định: Hoàn toàn không có gì sai trái khi lắp đặt camera quan sát trong các lớp học; đồng thời bác bỏ những ý kiến cho rằng, quyền trẻ em cũng như quyền riêng tư sẽ bị ảnh hưởng bởi thiết bị an ninh này. Tại thời điểm đó, tòa án cho biết, nhiều phụ huynh thường cáo buộc giáo viên không chuẩn bị bài giảng và dạy học một cách nghiêm túc. Do đó, bằng cách đặt camera trong lớp học kết nối với thiết bị cá nhân của phụ huynh, sự thật sẽ được làm rõ.
Tại Australia, hệ thống an ninh này đang xuất hiện không chỉ ở sân chơi, hành lang, bãi đỗ xe mà còn ở cả lớp học. Lý giải về việc này, hầu hết lãnh đạo các trường đều khẳng định, camera được lắp đặt dựa trên cơ sở bảo vệ HS khỏi các hành vi bạo lực, quấy rối, bắt nạt trong lớp và thậm chí là khủng bố.
Ảnh minh họa/ INT
Mặt trái của camera trong lớp học
Camera lắp đặt tại Trường Trung học số 11 Hàng Châu (Trung Quốc) được thiết kế để tự động theo dõi mọi hoạt động trên lớp của HS, bao gồm đọc, viết hoặc nghe. Điều đặc biệt, mọi biểu hiện bên ngoài của người học như: Sợ hãi, vui vẻ, buồn, ngạc nhiên, tức giận hay bình thường đều được camera phát hiện. Hệ thống này từng được quảng cáo là một phương tiện giúp bảo đảm HS luôn chăm chú, vui vẻ, học nhanh và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra.
Chia sẻ với truyền thông, ông Jeffrey Ding, nhà nghiên cứu tại Viện Nhân loại Tương lai thuộc Đại học Oxford (Anh), người nghiên cứu về sự phát triển trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc phát biểu về việc các cơ sở GD lắp đặt camera khắp các ngóc ngách trong trường: “Phản ứng của tôi ư? Ôi, thật đáng sợ”.
Chưa đề cập tới việc nắm bắt được “nhất cử nhất động” cũng như cảm xúc của người học, một phụ huynh người Mỹ Miranda N. đã bày tỏ lo ngại và băn khoăn rằng, ai sẽ là người được xem những đoạn phim do camera ghi lại? “Là một phụ huynh, tôi thường xuyên lo lắng khi không biết liệu có còn ai đang theo dõi con mình? Tôi lo ngại về an toàn của trẻ nhỏ bởi rất có thể, người lạ sẽ biết con tôi đang ở đâu. Tôi nghĩ rằng, lắp đặt camera trong hội trường là điều cần thiết, nhưng tôi không nghĩ camera được đặt trong lớp học, trừ khi chính quyền hoặc đội ngũ an ninh là những người duy nhất có thể theo dõi”.
Các chuyên gia trên thế giới nhận định, lợi – hại khi lắp đặt camera trong lớp sẽ tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng trước mắt mà phụ huynh nên làm là chú trọng tới tâm lý, hành vi con trẻ và duy trì liên lạc với nhà trường.
Vân Huyền (Tổng hợp)
Theo giaoducthoidai
TP.HCM chi tiền tỉ gắn camera cho 60 nhóm trẻ ở KCN-KCX
Ngày 22-10, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức buổi họp báo cáo tình hình triển khai thực hiện đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN- KCX đến năm 2020".
Phát biểu tại cuộc họp, bà Lý Thị Sương, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay đến thời điểm này TP đã hoàn thành việc khảo sát điều kiện vật chất, trang thiết bị của các nhóm trẻ trên địa bàn có khu công nghiệp-khu chế xuất (KCN- KCX) đang hoạt động.
Hiện phòng GD&ĐT các quận, huyện đang phối hợp với các đơn vị khảo sát tiến hành lắp đặt camera tại các nhóm trẻ, hoàn chỉnh danh sách đề nghị hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi.
Đề án sẽ triển khai lắp đặt camera và trang bị đồ dùng, đồ chơi tại 60 nhóm trẻ, trong đó có 57 nhóm cần hỗ trợ nâng cao chất lượng, 3 nhóm hỗ trợ kiện toàn thành lập mới. Kinh phí để hỗ trợ đồ chơi, đồ dùng học tập và lắp đặt camera là hơn 3,8 tỷ đồng do ngân sách TP chi trả.
Các quận huyện có số lượng nhóm trẻ tham gia Đề án nhiều nhất là quận Thủ Đức (12 nhóm), Tân Phú (11 nhóm), Tân Bình (9 nhóm), Nhà Bè (8 nhóm).
Cũng theo bà Sương, Sở GD&ĐT giao phòng GD&ĐT quận, huyện nắm bắt tình hình hoạt động của các nhóm trẻ tham gia đề án. Nếu nhóm nào vì lý do gì phải dừng hoạt động, Sở sẽ thu hồi đồ dùng, đồ chơi, camera để lắp đặt và trang bị cho các đơn vị khác tham gia đề án.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói: "Đối với ngành giáo dục mầm non thành phố, các trường công lập không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Vì vậy ngành rất hoan nghênh sự chia sẻ của các nhóm lớp tư thục. Ngành giáo dục mong muốn các đơn vị tiếp tục quan tâm đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể các phường, xã về công tác quản lý các nhóm trẻ tại địa phương để đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ vừa tạo niềm tin cho người dân, đặc biệt là công nhân".
Dự kiến đến đầu tháng 11-2019, các nhóm trẻ tham gia đề án sẽ nhận được thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động.
Theo PLO
Véo tai, tát học sinh trên lớp: Cách nào để "trị" giáo viên lạm quyền? Lại thêm một vụ việc giáo viên có hành vi véo tai, tát học sinh trên lớp học, lần này camera "giấu kín" đã khiến nữ giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) chỉ biết thừa nhận hành vi của mình. "Mắt thần" chỉ là một giải pháp Vào tháng 5 vừa qua, dư luận cả nước hết sức phẫn nộ...