Cấm thi, nhiều trường tuyển sinh lớp 6 bằng tiêu chí phụ
Năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục cấm thi tuyển vào lớp 6, trong khi các trường tiểu học không chấm điểm theo thông tư 30. Các trường tốp đầu phải tuyển sinh bằng tiêu chí phụ.
Nhiều trường THCS tại TPHCM đã phải xét thêm một số tiêu chí phụ để tuyển được học sinh phù hợp trong số hàng trăm học sinh có nhu cầu vào trường.
Trường “đau đầu” nghĩ tiêu chí phụ
Tại quận 4, trường THCS Vân Đồn năm nay tuyển khoảng 200 chỉ tiêu nên áp lực khá lớn. Ngoài hồ sơ dự tuyển là học sinh trên địa bàn, trường dự kiến lấy thêm các tiêu chí phụ như điểm kiểm tra học kỳ 2 môn Toán, tiếng Việt; kết quả tham gia các cuộc thi Toán, tiếng Anh trên Internet của Bộ GD-ĐT; quá trình tham gia các hoạt động phong trào… để chọn học sinh.
Quận 1 luôn là điểm nóng của tuyển sinh các cấp nên tuyển sinh năm nay, từ hồ sơ đăng ký xét tuyển, các trường sẽ tổng hợp và xét điểm từ trên cao xuống. “Nếu nhiều học sinh có cùng mức điểm, trường sẽ xét tiếp các điều kiện như tham gia các cuộc thi kiến thức hoặc hoạt động phong trào… Tuy vậy, thông thường, học sinh đạt tổng điểm kiểm tra học kỳ 2 môn Toán, tiếng Việt từ 19 trở lên mới có cơ hội trúng tuyển”, một chuyên viên tuyển sinh của quận cho biết.
Còn ở quận 10, trường THCS Nguyễn Văn Tố dự kiến xét thêm tiêu chí học lực của học sinh từ lớp 1 đến lớp 4; học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc KT3 tại quận 10; cộng điểm ưu tiên, khuyến khích cho những học sinh giỏi cấp thành phố các môn văn hóa; học sinh đạt giải cá nhân hoặc đồng đội các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao, vẽ, viết thư quốc tế, văn hay chữ tốt, giải Toán, tiếng Anh trên Internet, thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn…
Nhiều trường THCS tại TP HCM phải xét thêm tiêu chí phụ để tuyển được học sinh phù hợp. Ảnh: Tiền Phong.
Video đang HOT
Lo chạy bằng khen, giải thưởng
Trong khi đó, các trường nóng tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội cũng đang loay hoay nghĩ phương án để tuyển sinh. Nhiều trường như THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Lương Thế Vinh, THCS Nguyễn Siêu, THCS Cầu Giấy… hằng năm có lượng hồ sơ nộp vào cao gấp chục lần chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, năm học 2015-2016, trường Lương Thế Vinh có chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 khoảng 600 em, trong khi lượng hồ sơ phát ra là hơn 4.000 bộ. Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam chỉ tiêu tuyển sinh 200 em, lượng hồ sơ nộp vào cao gấp 10 lần. Trường THCS Cầu Giấy tuyển sinh 240 em, lượng hồ sơ nộp vào hơn 2.000…
Bà Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, cho biết, trường phải nghĩ phương án tuyển sinh, sau đó trình Phòng GD&ĐT, UBND quận, Sở GD&ĐT duyệt phương án thì mới bắt đầu tuyển sinh.
“Tuy nhiên, năm 2015-2016, ngoài học bạ, các giải thưởng, trường đã phải áp dụng loại hồ sơ những em không có hộ khẩu trên địa bàn mới tuyển sinh được”, bà Kim Anh nói.
Trong khi đó, có trường như Marie Curie còn ưu tiên có anh em đang theo học tại trường, nhiều trường ưu tiên hộ khẩu thường trú….
Ông Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng trường Lương Thế Vinh cho biết, 100% học sinh lớp 5 nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 của trường phải đạt loại giỏi. Không có điểm số nào ngoài hai điểm thi cuối kỳ, các trường buộc phải tính điểm cộng cho các giải thưởng, bằng khen trong các cuộc thi. Tuy nhiên, chỉ số ít có bằng khen các cuộc thi cấp thành phố về Toán, Tin, tiếng Anh…
“Với hàng nghìn hồ sơ nộp vào, buộc phải chọn mấy trăm em trường phải ưu tiên cả học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ, con gia đình chính sách”, ông Cương nói.
PGS Văn Như Cương bày tỏ lo ngại, những năm tiếp theo, thay vì cho đi học thêm, học ôn, phụ huynh sẽ cho con em đi luyện thi lấy bằng khen, chứng chỉ.
“Cao hơn là chạy chọt bằng mọi cách để có bằng được giấy khen của một cuộc thi nào đó, làm căn cứ cho việc ứng thí vào các trường có chất lượng”, ông Cương nói
Theo Nguyễn Dũng – Nguyễn Hà/Tiền Phong
Sinh viên bị cấm thi vì nhuộm tóc lòe loẹt
Thời gian gần đây, hiện tượng sinh viên bị cấm thi, bị mời ra khỏi lớp học chỉ vì nhuộm tóc hoặc sơn móng tay màu nổi rộ lên.
Mới nhất là trường hợp của Thanh, sinh viên Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn - bị cấm thi vì lỗi nhuộm tóc. Nữ sinh bức xúc: "Trong đợt thi học kỳ vừa qua, lớp có khoảng 15 bạn bị cấm thi vì lý do nhuộm tóc quá sặc sỡ...".
Một sinh viên khác nêu quan điểm: "Dù trong nội quy có quy định nhưng chúng em muốn được thể hiện phong cách riêng, muốn thay đổi để tạo sự tươi mới khi dự tiệc và lên lớp".
Tương tự, trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist cũng quy định, học sinh phải mặc đồng phục, không được nhuộm tóc sặc sỡ, nam không được đeo khuyên tai. Học sinh nữ học nhóm ngành phục vụ nhà hàng - khách sạn cũng phải hạn chế đeo trang sức, sơn móng lòe loẹt... khi đến trường. Nếu không chấp nhận nội quy, học sinh có thể "học trường khác".
Nhiều sinh viên bị cấm thi chỉ vì nhuộm tóc quá lòe loẹt. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống.
Một số học sinh, sinh viên cho biết, họ cảm thấy bị kiểm soát quá mức về ý thức thẩm mỹ, sở thích thời trang, không được thể hiện bản thân. Ngược lại, phía nhà trường cho rằng, sinh viên khi rời khỏi môi trường phổ thông lên đại học thường có tư tưởng được cởi trói, dẫn đến sự tự do không giới hạn, nên trường phải đặt ra quy định để "kìm cương".
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn - cho biết, trường có cấm thi nhưng không phải với tất cả sinh viên nhuộm tóc mà chỉ phạt những em nhuộm màu quá lòe loẹt, mặc đồng phục không đúng.
Ông Toàn lý giải thêm, trong ngành nhà hàng khách sạn có quy định, nhân viên không được nhuộm tóc, đeo quá nhiều khuyên tai hay sơn móng tay quá nổi. Ngay khi nhập học, nhà trường đã khuyến cáo các em không được nhuộm tóc lòe loẹt xanh, đỏ... Nếu nhuộm tóc màu nhẹ nhàng vừa phải thì vẫn được chấp nhận.
Phía trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, thầy Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng, giải thích: "Làm ở lĩnh vực du lịch - nhà hàng khách sạn là làm văn hóa, là bộ mặt của đất nước để tiếp xúc du khách. Vì vậy, tác phong cũng như ngoại hình của học sinh, sinh viên phải thể hiện tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, tạo được thiện cảm. Ngành này có những quy định cụ thể. Quy định đặt ra là để hướng tới tạo cho các em có một tác phong tốt thực chất, chứ không phải chỉ ở trong khuôn viên trường".
Như vậy, mục đích của nhà trường khi đặt ra các quy định nhằm giúp học sinh, sinh viên có được ý thức thẩm mỹ chuẩn mực và phù hợp trong môi trường làm việc tương lai là điều cần thiết. Thời trang luôn cần có sự phù hợp với bối cảnh, đầu tóc xanh đỏ có thể nổi bật ở các lễ hội nhưng trở nên "chói mắt" khi ngồi trên giảng đường...
Nhưng việc phải phạt học sinh, sinh viên bằng cách chế tài như cấm thi, cấm vào lớp... suy cho cùng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Để giải quyết được cái "gốc" - sự nhận thức đúng về cái đẹp - các trường phải có cách trao đổi một cách căn cơ để học sinh, sinh viên dần thay đổi nhận thức và tự điều chỉnh hành vi, cảm thấy không bị "mất tự do".
* Tên sinh viên đã thay đổi.
Theo Gia Tuệ/Phụ Nữ TP HCM