Cấm ‘thầy yêu trò’ là vi phạm pháp luật, quyền công dân
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: “Cấm giáo viên yêu sinh viên là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền công dân”
Dư luận những ngày qua xôn xao trước thông tin Trường CĐ Nghề Việt Mỹ cấm giảng viên trong trường có quan hệ tình cảm yêu đương với sinh viên.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ – Trưởng Ban tuyên truyền, kiêm phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, tình cảm riêng tư là quyền của con người, không ai có thể cấm. Nhà trường làm như thế là vượt quá chức năng, quyền hạn của mình, xâm phạm đời tư của công dân.
Cũng theo ông Hậu, ở đây các sinh viên đều đã trên 18 tuổi, các em đều có quyền được tự do yêu đương. Tại điều 14 của Hiến pháp có quy định, các quyền của con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa- xã hội… đều phải được tôn trọng, công nhận, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.
Video đang HOT
Quyền con người và quyền công dân chỉ được hạn chế theo quy định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội… Tuy nhiên việc hạn chế này phải được quy định trong pháp luật.
“Trong khi đó, việc cấm giáo viên không được yêu sinh viên chưa có luật nào quy định để hạn chế điều này. Do đó, việc cấm trên là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam, vi phạm quyền công dân”, ông Hậu khẳng định.
Như vậy đứng ở góc độ pháp luật, việc cấm trên là sai quy định, nhưng đứng ở góc độ xã hội, việc cấm trên có cần thiết không, khi thực tế hiện nay tình cảm giữa thầy trò dễ dẫn đến tình trạng “đổi tình lấy điểm”, thưa ông?
Điều quan trọng lúc này là chúng ta thuyết phục các em, trong lúc còn đi học không nên yêu đương sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học tập. Còn nếu yêu đương với giáo viên, có thể dẫn đến những nhiều điều lợi bất cập hại. Chúng ta không thể nào đưa ra quy định cấm, việc cấm đó là vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Ngoài ra, việc cấm này còn vi phạm nghiêm trọng về quyền con người và quyền công dân. Quyền của công dân là quyền được yêu đương, được yêu thương, được thể hiện tình cảm với người khác, không được quyền hạn chế về điều này. Muốn hạn chế quyền này phải có pháp luật quy định.
Hơn nữa việc cấm giáo viên yêu học trò là điều phi thực tế với xã hội. Hiện nay có khá nhiều giáo viên yêu học trò, nhiều mối tình cũng “đơm hoa kết trái”, mang lại niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống. Tại sao chúng ta lại cấm.
Theo lý giải của lãnh đạo trường này, việc cấm giáo viên yêu sinh viên là điều không mới, nhiều trường học trên thế giới đã thực hiện điều này từ rất lâu, nhằm đem lại sự công bằng, ông nghĩ sao về điều này?
Đó chỉ là cách lý giải để biện minh cho cái quy định ” kỳ quặc” trên. Thực tế như tôi được biết ở một số nền giáo dục phương Tây không ai cấm đều này, chỉ có cấm là cấm các em học sinh tiểu học yêu đương.
Ở một số nước phương Tây, chỉ có giáo dục bằng những kỹ năng định hướng, hướng dẫn cho các em. Ở đây, chuyện giáo viên yêu học trò là điều bình thường. Các em sinh viên đều đã đủ tuổi trưởng thành. Đó là quyền con người, quyền công dân mà công ước của Liên Hiệp Quốc đã quy định.
Việc cấm phải theo luật định, nhà trường không thể tự đặt ra luật riêng của mình để bắt người khác thực hiện. Trong luật giáo dục Việt Nam, nhà trường phải có nghĩa vụ tổ chức giảng dạy, phối hợp với gia đình tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục. Luật giáo dục Việt Nam không hề cấm giáo viên yêu sinh viên. Nhà trường cấm giáo viên yêu học sinh là làm vượt quá chức năng của mình, xâm phạm đời tư của công dân.
Vậy theo ông, việc cấm không cho giáo viên yêu sinh viên có tác động, ảnh hưởng gì đến vấn đề xã hội?
Trước khi đưa ra một quyết định gì cần phải dựa trên nền tảng của Hiến pháp và pháp luật. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, nhà trường chỉ giáo dục cho học sinh về kỹ năng sống, giúp các em nhận thức được việc gì cần làm, việc gì không nên làm. Việc làm của nhà trường giáo dục các em thông qua các hình thức trực quan sinh động, hướng dẫn, định hướng cho các em trong chuyện tình cảm, yêu đương để các em nhận thức được vấn đề.
Đứng về góc độ xã hộ, nếu nhà trường càng cấm, càng khiến các em yêu nhiều càng khiến cho điều này trở nên phức tạp hơn. Đó là cách làm phản tác dụng và đi ngược lại với thế giới.
Ngay như ở Pháp tôi được biết, các trường học ở đây thường có những lớp học giáo dục về giới tính, tình dục… Chẳng hạn, ở đây nhà trường giáo dục cho một bé gái 5 tuổi, chỉ có cô giáo và mẹ mới đụng vào cơ thể của em, không được bất cứ ai đụng vào người em. Nhà trường dạy cho các em những kỹ năng như thế, và chính các em là người tự bảo vệ mình.
Theo motthegioi.vn