Cảm ơn thầy, nay con đã thành người tử tế!
“Dù cuộc sống có thế nào đi nữa, anh cũng phải làm người thật ngay ngắn!”, lời thầy dạy tôi.
Quyết trả lại “phong bì” cho lớp
35 tuổi, tôi may mắn gặp thầy – Tiến sĩ Nguyễn Văn B., được thầy dạy suốt hai năm cao học. Trong quãng thời gian đó, tôi có nhiều kỉ niệm với thầy, xin được ghi ra đôi dòng nhằm tri ân ngày “ mùng 3 Tết thầy”.
Năm 2015, tôi thi tuyển cao học chuyên ngành Ngôn ngữ học của một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ lúc tốt nghiệp đại học đến thời điểm dự thi cao học, kiến thức ngôn ngữ học của tôi còn lại chẳng bao nhiêu.
Để bổ túc kiến thức, tôi tham gia ôn thi môn Ngôn ngữ học đại cương. Sau buổi học đầu tiên, học viên lớp đã sợ… thi rớt vì được tin thầy B. là người nổi tiếng nghiêm khắc.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thầy ăn mặc chỉn chu với quần tây, áo sơ mi thắt cà vạt – trông như trí thức Tây học của thế kỉ trước – dù không phải là giờ dạy chính khóa.
“Ngôn ngữ học là ngành học tiệm cận với khoa học tự nhiên nên có người viết nửa câu cũng không ra.
Đây là môn quý tộc, nếu người học không có khả năng đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh thì chịu thua.
Tôi thì không có sẵn tài liệu tiếng Việt để cung cấp cho các anh chị. Lớp nghe tôi giảng, ghi nhớ và sau đó tự đọc tài liệu để tham khảo thêm”, thầy mở đầu buổi học bằng những câu như thế.
Chúc các thầy cô luôn mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Thú nhật nghe thầy nói, chúng tôi toát mồ hôi hột, vô cùng lo sợ như học sinh mới vào lớp 1.
Bởi học hành mà khó thế này thì thi trượt mất, rồi tôi sẽ ăn nói thế nào với học sinh, với Hiệu trưởng đây? Nhưng đâm lao nên phải theo lao, tôi quyết tâm ôn tập để tham dự kì thi tuyển.
Ngày kết thúc môn học, 25 thành viên của lớp đóng mỗi người 500 ngàn đồng, cho vào bì thư, kẹp vào một cuốn sổ (để ngụy trang) gói lại cẩn thận chuẩn bị tặng thầy những mong thầy thương tình mà giới hạn nội dung ôn tập.
Biết tôi là người hay bắt chuyện với thầy vào những giờ giải lao, lớp cử tôi đại diện tặng “cuốn sổ” cho thầy. Nghĩ mình cũng có “bổn phận” nên tôi miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm dẫu trong lòng đầy lo lắng.
Cuối tiết học, tôi đi lên bàn giáo viên và nói dõng dạc (dù chẳng tự tin chút nào), “lớp chúng em có món quà nhỏ kính tặng thầy làm kỉ niệm”.
Vừa nhìn thấy món quà, thầy nói “tôi sẽ nhận cuốn sổ này với điều kiện anh bóc lớp giấy gói ra cho cả lớp xem”.
Video đang HOT
Ôi thôi, tôi ngượng chín mặt (cả lớp cũng thế) và chết đứng (vài chục giây) như Từ Hải. Khi đã kịp định thần, tôi xin phép thầy cầm “cuốn sổ” xuống lớp để bóc ra.
Cũng may thầy rất tâm lí mà nói rằng, tôi thừa hiểu các anh chị đã làm chuyện gì. “Thôi, chuyện này chúng ta cho qua nhé. Tôi hi vọng sẽ có nhiều anh chị trúng tuyển sau kì thi này và chúng ta lại gặp nhau”, thầy động viên chân thành.
“Anh xé rời từng cuốn đề cương ra cho tôi!”
Kì thi đó, lớp chúng tôi chỉ trúng tuyển 15/25 học viên – trong đó có tôi – vì chuyên ngành Ngôn ngữ học lấy điểm chuẩn khá cao.
Ngày đầu đi học, tôi được thầy B. (lúc này thầy là trưởng chuyên ngành Ngôn ngữ học) bầu làm lớp trưởng với lí do mặc định là thủ khoa đầu vào môn chuyên ngành (tôi thi được 9,5 điểm).
Chúng tôi học với thầy môn thứ nhất về dẫn luận ngôn ngữ học. Để tiết kiệm tiền mua sách, tôi phô-tô cho lớp 15 cuốn tài liệu tham khảo.
Nhìn đống tài liệu tôi mang lên lớp được phô-tô đẹp mắt như những cuốn sách in, thầy nghiêm mặt nói: “Anh xé hết lần lượt từng cuốn, gom lại thành từng chương riêng và ghim lại cho gọn”.
Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thầy tiếp lời: “Chương nào, bài nào cần tham khảo tài liệu thì anh mới phô-tô. Hơn nữa, anh phô-tô cả cuốn sách như vậy là vi phạm bản quyền tác giả, tức là vi phạm pháp luật, có biết không?”.
Tôi đành nhẫn nại làm theo lời thầy (dẫu trong lòng đầy buồn phiền và giận thầy lắm).
Thầy còn dạy chúng tôi một số môn nữa và việc thi hết học phần cũng được thực hiện rất nghiêm túc theo đúng quy chế thi cử. Điểm thi của học viên luôn phân hóa rõ ràng, chứ không có chuyện “cá mè một lứa”.
Cho nên có học viên đã tốt nghiệp cao học, khi xem lại bảng điểm chỉ thấy toàn 5,6 điểm bởi thầy chúng tôi (và thầy cô khác) dạy học nghiêm túc như thế.
Cũng nhờ gặp được người thầy tử tế nên trong thời gian học, tôi đã có 3 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi là học viên duy nhất được thầy phê trong bản nhận xét: “Luận văn này có thể triển khai để trở thành một luận án Tiến sĩ”.
Cầm bằng Thạc sĩ về nộp cho đơn vị, Hiệu trưởng nửa tin nửa ngờ khi nghe tôi nói chi phí cho toàn khóa học khoảng 20 triệu, gồm học phí và tài liệu.
Bởi chúng tôi thực học, thực làm luận văn cùng với người thầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và không bao giờ toan tính vụ lợi với học viên.
Tôi nhiều lần ghé thăm thầy, cũng có tâm tư với thầy về chuyện mua quan bán chức, chạy bằng cấp rồi tiêu cực trong thi cử…
“Dù cuộc sống có thế nào đi nữa, anh cũng phải làm người thật ngay ngắn!”, thầy dạy tôi như thế.
Phan Thế Hoài
Theo giaoduc.net
GS.VS Phạm Minh Hạc: Chỉ có Việt Nam mới có ngày tri ân các nhà giáo đặc biệt như thế!
"Đời sống xã hội phát triển ngày càng hiện đại, nhưng tinh thần hiếu học, tình cảm thầy trò thiêng liêng vẫn luôn được gìn giữ và phát huy từ ngàn năm qua, điều này còn được thể hiện trong Ngày Nhà giáo Việt Nam" - GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Nhân Kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, PV Báo GĐ&XH có cuộc trao đổi với GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, truyền thống tôn sư trọng đạo xưa và nay.
Truyền thống tôn sư học đạo có từ ngàn năm
Xin ông cho biết, vì sao lại có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
- Đối với phạm vi quốc tế, ngày 20/11/1958 được lấy là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Còn tại Việt Nam, vào ngày 28/9/ 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tôi là giáo viên từ những năm 60, nhưng đến năm 1982 mới có Ngày Nhà giáo Việt Nam. Vào những ngày này, tôi được những sinh viên, bạn bè chúc mừng, tôi rất lấy làm vui vào tự vào về nghề giáo. Đặc biệt, sáng ngày 19/11, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm và chúc sức khỏe tôi nhân ngày nhà giáo, tôi rất cảm động.
Ông có cảm nhận thế nào về ngày truyền thống nhà giáo Việt Nam?
- Tôi chưa rõ trên thế giới có nước nào có riêng ngày nhà giáo không, nhưng ở Việt Nam ngày 20/11 là ngày vui của hàng triệu người giáo viên. Nhưng đây cũng là dịp để nhắc nhở trách nhiệm của ngành giáo dục, của nhà giáo đối với đất nước, với học sinh.
Tôi còn nhớ, vào năm 1992, tôi được bên Mỹ mời sang làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ tại New York, có một người hỏi vì sao nước ông nghèo, mà sao giáo dục lại có những kết quả tốt như vậy? Tôi chỉ trả lời rằng truyền thống giáo dục Việt Nam đã cứu nền giáo dục Việt Nam. Tôi được cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt.
Truyền thống giáo dục đấy cụ thể là gì, thưa ông?
- Truyền thống giáo dục đó trước tiên đó là truyền thống hiếu học. Chính bản thân tôi thấy nhiều bạn bè tôi cùng học, làm việc thời đó - lứa tiến sỹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đào tạo - đều là những học trò nghèo, xuất thân từ gia đình bình dân, nhưng vì hiếu học nên rất thành công trong công việc.
Gần đây, ở Sơn La hay một số tỉnh miền núi có những em được giải quốc tế. Đấy là điều đáng mừng, nó cho thấy giáo dục cần sự quan tâm đến những học sinh nhiều vùng miền khác nhau, những người giỏi có ở khắp nơi chứ không phải là nơi có điều kiện.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến thăm, chúc mừng GS.VS Phạm Minh Hạc vào sáng 19/11. Ảnh: Bộ GD&ĐT
Có những người thầy yêu quý học trò như con
Tinh thần "tôn sư trọng đạo" được cho là có hàng nghìn năm nay, những tinh thần ấy được thể hiện như thế nào?
- Các sách lịch sử giáo dục đã viết rất nhiều, ngày xưa truyền thống đó thấm nhuần từ đời này sang đời khác, chưa biết từ bao giờ nhưng đã rất lâu rồi. Có những người học trò coi người thầy suốt đời, như cha mẹ, luôn quan tâm, đến lúc thầy mất vào các ngày giỗ thầy đều đi bộ rất xa để về...
Cái đặc biệt của người thầy xưa đó là những người học trò nghèo được thầy nhận, nuôi ngay trong nhà của mình. Có những thầy giỏi truyền nghề cho học sinh hiếu học, trong khi chưa chắc đã truyền cho con mình. Đó là một truyền thống tốt đẹp, có từ rất lâu.
Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện đại như ngày nay, truyền thống thầy - trò liệu có bị mai một?
- Tôi còn nhớ, lúc tôi khoảng 12 tuổi, tôi biết tiếng Pháp, được chọn đi làm thư ký phiên dịch. Lúc đó có một thầy giáo quen bố mẹ tôi, nhận tôi và 7 người khác nuôi dạy trong nhà. Kèm cặp tôi đến lúc thi qua tiểu học rồi vào trung học. Nuôi nấng học trò ăn học thành tài chắc chỉ có Việt Nam mới có rất nhiều người thầy như vậy. Ngày trước nghèo lắm, có bát cơm manh áo là đáng quý.
Ngày nay, tôi chưa biết chuyện tình cảm thầy trò nặng về vật chất đến đâu, nhưng tôi thấy ở miền núi, vào những ngày này vẫn có những học sinh mang hoa cỏ dại đến tặng cô, đó là một tình cảm chân thật.
Ngày nhà giáo này không có nơi nào là không tổ chức, đều có sự quan tâm của các cấp, các ngành, phụ huynh và học sinh. Theo tôi, những truyền thống tốt đẹp của cha ông đã được giữ lại và phát huy một cách đầy đủ. Kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng ở chỗ này chỗ khác, nhưng truyền thống tôn sư trọng đại, uống nước nhớ nguồn của người Việt luôn được gìn giữ.
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Huy
Cần sàng lọc, loại bỏ nhà giáo không xứng đáng
Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều người lại nghĩ về nhiều giáo viên ngày nay còn khó khăn vất vả do đồng lương chưa tương xứng, ông nghĩ sao về điều này?
- Theo tôi tìm hiểu, ở các nước phát triển, lương của họ rất cao, hàng chục ngàn USD một năm, trong khi ở Việt Nam là chỉ vài nghìn đô/năm, tính ra rất thấp. Nhưng dù có thiếu thốn, các thầy cô khắc phục chia sẻ cùng những người dân để vượt qua, bám trụ với nghề và với học sinh.
Hiện nay chúng ta có hàng triệu giáo viên, nhiều giáo viên ở thành phố kinh tế eo hẹp, chăm lo cho con cái ăn học, nhiều người còn phải làm thêm... như thế ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Tôi lấy ví dụ, một người lái máy bay lương đến 200 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên ra trường chỉ là hơn 3 triệu đồng/tháng. Như vậy quá thấp, phụ cấp có nhưng không đáng kể. Có nhiều giáo viên lên miền núi, dành dụm cả năm mới đủ tiền về quê, thậm chí còn không đủ, phải chi tiêu dè xẻn. Giáo viên có lương, phụ cấp thâm niên nhưng rất thấp.
Hiện nay, ngành giáo dục xảy ra các sai phạm trong thi cử, đạo đức nhà giáo, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục điều này?
- Ttiêu cực điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, các phiên tòa cũng đã xét xử, để xảy ra trong ngành giáo dục như vậy là rất xấu hổ và đau lòng. Nhưng đội ngũ giáo viên hiện nay lên đến 1,4 triệu giáo viên, chỉ có khoảng rất ít là 1% chẳng hạn, cũng chưa đại diện cho thế hệ giáo viên hiện nay.
Theo tôi, không có cách nào khác là phải loại trừ, có tỉnh đã hỏi tôi để giải bài toán giáo viên kém chất lượng, tôi nói thẳng là phải loại trừ, không thể để trong ngành những giáo viên không xứng đáng. Số lượng giáo viên không đủ khả năng làm nhà giáo cần sàng lọc xem số lượng là bao nhiêu. "Con sâu bỏ rầu nồi canh", ta nên kiên quyết hơn.
Chương trình mới bắt đầu thực hiện từ năm 2020 với lớp đầu tiên là lớp 1, sau đó là các lớp tiếp theo. Chương trình cũng đặt ra vai trò của người thầy rất quan trọng, các trường sư phạm đang chuyển mình, tôi mong họ phải đi trước để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Theo giadinh.net
Cô hiệu phó mở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí cho học sinh "Con đường để rèn mình trở thành người tử tế bắt đầu từ những việc tử tế" - cô Phạm Thị Thùy Loan - Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng) đã nhắn nhủ như thế đến các học trò của mình ở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí do cô đứng lớp vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần....