‘Cẩm nang’ chống sốc thi trượt
Mấy tuần nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Tâm thần Bạch Mai, Hà Nội, thăm khám cho hơn 300 ca, bệnh nhân chủ yếu là thanh niên từ 13-18 tuổi, phải nhập viện vì sốc… thi cử.
Các bác sĩ nhấn mạnh nhiều lần thực ra con số này có thể giảm một nửa, chỉ cần phụ huynh và học sinh chú ý phòng ngừa.
Quyền được thi trượt
Theo công bố của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm nay, khoảng 866.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT, trong đó có khoảng 640.000 thí sinh thi để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ GD&ĐT là 392.000. Như vậy, khoảng 250.000 thí sinh bị trượt.
“Buồn như anh khóa hỏng thi”, năm nào đến giai đoạn này cả nước cũng xôn xao những thông tin “tự tử vì thi trượt”. Bộ Y tế đã thống kê tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở thanh niên, chỉ xếp sau tai nạn giao thông.
Mấy năm gần đây, việc tư vấn tâm lý trở nên phổ biến, đây là quãng thời gian “bận rối tinh rối mù” của họ. Bác sĩ Lê Công Thiện (Bệnh viện Tâm thần Bạch Mai) cho biết tư vấn cho thí sinh là một chuyện, một đối tượng khác cũng cần tư vấn hơn là bố mẹ thí sinh thì lại ít được chú ý. Chỉ là thi trượt thôi, sao phải để đến mức nguy hiểm chết người?
Cùng ý kiến với bác sĩ Thiện, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa nhấn mạnh: “Trong số các ca đến tư vấn tâm lý sau khi thi trượt, tôi luôn nói với các bạn thi trượt là quyền của học sinh, giống như thi đỗ. Trượt một vài lần không đồng nghĩa với việc bạn là người kém cỏi, vô dụng. Còn rất nhiều con đường và lựa chọn khác”!
Các diễn đàn thi trượt mở ra liên tiếp. Mười tâm sự có đến chín trường hợp “cảm thấy bi thảm nặng nề” vì bố mẹ “quá kỳ vọng”, “mắng mỏ”, “so sánh con nhà người ta” hoặc “gây áp lực bằng việc buồn hơn cả… tớ”…
Khóc cho đã cũng là một biện pháp được khuyên dùng. Ảnh: Tiền Phong.
CEO Facebook – Mark Zuckerberg – trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Harvard sau 12 năm bỏ học để phát triển mạng xã hội lớn nhất thế giới từng nói: “Thành công lớn nhất đến từ quyền được tự do thất bại”.
Zuckerberg khẳng định: “Tôi không phải là người duy nhất. J.K. Rowling đã bị từ chối 12 lần trước khi xuất bản được Harry Potter. Ngay cả Beyoncé cũng phải trải qua hàng trăm bài hát mới có được Halo”.
Nhà văn, nhạc sĩ Hamlet Trương chia sẻ: “Hồi xưa tôi cũng thi rớt, xong tôi cũng học lại, thi lại. Học du lịch không thành mới phải học ngành khác. Áp lực đại học xảy đến khi bạn sợ hãi việc người ta (gia đình, bè bạn, hàng xóm, bồ cũ) nhìn bạn như thế nào sau cuộc chiến”.
“Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới” – câu văn trong Mùa lạc năm nào sẽ giúp bạn tin tưởng và chấp nhận. Sẽ luôn có cơ hội thứ 2, 3, 4, n…, miễn là mình còn muốn cố gắng. Rồi 10 năm sau khi nhìn lại, bạn sẽ thấy những ngày thi đại học năm nào thật ra cũng không khác gì những ngày sinh nhật hay kỷ niệm”, nhạc sĩ này nói.
Video đang HOT
Làm một việc mình vẫn thích mà chưa có cơ hội
Trong số những lời khuyên “cứu mình khỏi thi trượt”, “làm một việc mình vẫn thích mà chưa có cơ hội” nhận được số phiếu cao nhất, hơn cả “khóc và đi du lịch”.
Nick BombBungee viết: “ Trượt đại học xong, tôi quyết định giấu cả nhà đi nhảy Bungee. Trước đây, bố mẹ sợ tôi yếu, bị thương nên cấm tiệt. Sau một tháng học nhảy, tôi gần như quên mất việc thi trượt. Chị tôi bảo vì tất cả năng lượng tôi dồn vào việc nhảy, không còn thời gian để buồn nữa”.
Trần Hà An (Đà Nẵng) kể: “Biết kết quả thi, tôi trùm chăn khóc suốt hai ngày. Sau đó, tôi đập lợn tiết kiệm đi mua đủ tám bộ chưởng Huỳnh Dị, Ôn Thụy An với lại Cổ Long về vùi đầu đọc. Trước đây bận học không có thời gian với lại mọi người toàn nói truyện chưởng vô bổ nên không dám sa đà. Tôi đọc xong mất ba tháng thì lại cười hi hi cắp sách đi ôn thi lại”.
Nguyễn Bảo Khánh, cựu bệnh nhân của tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa, chia sẻ: “Tôi thi trượt ba lần. Lần nào cũng phải đi tư vấn tâm lý. Bác sĩ khuyên tôi tìm một việc gì đó để ‘giết thời gian’.
Mẹ cho tôi tiền đi học nấu ăn vì tôi vốn thích ăn. Học rồi mới biết hóa ra giỏi ăn và giỏi nấu là hai việc khác hẳn nhau. Tôi có lẽ là một học sinh tệ nhất lớp. Dù cố gắng thế nào, món ăn của tôi cũng chưa từng được cô giáo khen là xuất sắc như mấy người cùng học. Điều ấy làm tôi mất tự tin kinh khủng.
Cạnh lớp nấu ăn, có một lớp dạy bartender, toàn đàn ông học. Tôi mê thầy dạy ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Mỗi lần lên lớp, kiểu gì tôi cũng phải ngó qua chỗ thầy một lần. Thế là bỏ nấu ăn, tôi sang học pha chế.
Tôi trở thành nữ học viên duy nhất của lớp bartender. Vì thầy, tôi cố hết sức vào việc tập pha chế. Tôi là hoa khôi duy nhất của lớp nên thầy cũng ưu ái nhiều hơn. Hết một khóa, tôi đăng ký học tiếp, miễn giáo viên là thầy.
Giấc mơ màu hồng vỡ cái bụp khi thầy mời cả lớp tôi dự đám cưới. Tôi nhớ, lúc đó tay đang cầm bình Shaker (dụng cụ pha chế đồ uống) để rơi choang choang dưới sàn nhà. Mặt tôi, chắc là ngây dại lắm, đến nỗi các bạn học hốt hoảng hỏi thăm. Tôi nói dối mình bị tim bẩm sinh, thỉnh thoảng lại đơ ra thế.
Không có phần thưởng thầy tôi chán học hẳn. Cầm cự được đến khi nhận chứng chỉ thì thầy gọi tôi ra nói chuyện. Một Bar quen của thầy đang cần Bartender là nữ, và thầy muốn giới thiệu cho tôi. Tôi đi làm thử, nghĩ là tạm bợ thôi, câu giờ khoảng hai ba tháng, sau đó lại về đi ôn thi đại học.
Có lẽ do làm việc với tâm thế không có gì để mất nên tôi rất thoải mái trong việc sáng chế ra những món mới. Pina Colada tôi pha không ngày nào giống ngày nào. Có khi, tuỳ vào mặt khách, tôi cho một cậu ấm uống Mocktail (một dạng Cocktail không có cồn) còn một cô chiêu thì được Cocktail Blackjack hạng nặng.
Khách quen của tôi khá đông, và họ hay đùa, hình như tôi bỏ ma tuý vào đồ uống. Có lần tôi nghỉ ốm, chủ quán gọi điện liên tục. Mấy hôm sau đi làm nghe kể lại, doanh thu giảm hẳn vì thiếu ‘ma tuý’ của tôi. Điều ấy khích lệ tôi kinh khủng. Không thể tưởng tượng lại có một niềm hạnh phúc dễ chịu như vậy khi bạn biết bạn có ích cho một cộng đồng nhỏ.
Giờ thì tôi hoàn toàn hài lòng với công việc Bartender của mình. Tôi đã đi được hai mươi hai nước trên thế giới, nói được tiếng Anh và Pháp, thu nhập mấy năm đủ mua một căn chung cư loại tốt. Khi họp lớp, bạn tôi bảo tôi là người thi trượt thành đạt nhất khóa!”.
Tụ tập với những người cùng cảnh để tâm sự, giải tỏa là một cách chống trầm cảm sau khi thi trượt. Ảnh: Tiền Phong.
Cứ buồn cho hết!
Đã có những topic lập ra chỉ để “những đứa thi trượt ngồi với nhau buồn cho đã”.
Cô Lê Thùy Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Khi con gái báo là nó muốn offline với một hội thi trượt, cô lo lắm, sợ chúng nó gặp nhau kích động làm gì dại dột. Nhưng cô cũng không dám cấm con, sợ nó càng tiêu cực.
Lúc đó, tình trạng con gái rất tệ. Nó không giao tiếp, ăn phải ép mới được nửa bát cơm, người gầy rộc và thường phải dùng thuốc ngủ. May sao, sau khoảng hai tháng gặp hội kia, con bé trở lại bình thường. Buổi sáng nó bảo năm sau con thi Mỹ thuật Công nghiệp mẹ ạ, cô mừng phát khóc”.
Thạc sĩ phát triển cộng đồng, đạo diễn Phan Ý Ly, lý giải về biện pháp này: “Người phương Đông có câu ‘Vật cực tất phản’ – khi sự vật, sự việc đến mức cùng cực thì tất yếu sẽ xoay ngược lại. Tôi cũng hay dùng cách này để giải quyết những cơn trầm cảm của bản thân.
Nhớ có lần thất bại thảm hại, tôi chỉ ngồi nhà tìm những bản nhạc ‘lâm ly bi đát’ để nghe. Khi buồn thì không giãy giụa, tìm cách triệt tiêu nỗi buồn mà cứ tùy theo nó, để cho nó bung ra hết. Hết rồi thì thôi, mình trở lại trạng thái bình thường”.
Nhà thiết kế Trần Hà Đan kể về kinh nghiệm “đi qua thi trượt”: “Năm đó, tôi trượt học bổng sang Anh, trước đó vì tự tin quá nên sốc nặng lắm, sụt 10 kg trong hai tháng, mất hết tinh thần. Ngày nào tôi cũng khóc. Khóc chán thì ghi nhật ký, toàn những lời buồn tê buồn tái. Ghi hết ba cuốn thì… bí từ.
Tôi vẫn nhớ, phần cuối cuốn thứ ba tôi ghi lại lý lịch của Jack Ma (nhà sáng lập Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ hiện có giá trị tới hơn 180 tỷ USD): Trượt bài kiểm tra quan trọng ở tiểu học 2 lần, trượt kỳ thi trung học 3 lần và thi trượt đại học 2 lần. Ông xin vào 30 công ty khác nhau nhưng đều bị từ chối. Trong đó, một lần, Jack Ma là người duy nhất bị loại trong số hơn 20 ứng viên. Lúc đó tôi AQ nghĩ, Jack Ma còn thế, mình mới trượt một lần đã là cái… đinh gì”!
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa, để tránh trầm cảm sau khi thi trượt cho con em, phụ huynh nên:
- Học cách chấp nhận: Thi trượt là một quyền của học sinh (nhắc lại), bố mẹ nên xác định nguyên lý này để tránh tăng áp lực cho con.
- Lắng nghe và gần gũi con nhiều hơn. Thêm một lời trách mắng không làm bạn cảm thấy đỡ hơn, nhưng có thể làm cho tình trạng của con bạn trở nên tồi tệ hơn.
- Cùng con tìm hiểu những cánh cửa khác. Mọi con đường đều đến thành Rome, Đại học không phải là lựa chọn duy nhất.
Theo Đạt Nhi / Tiền Phong
ĐH Luật đề nghị cho nữ sinh 27,5 điểm nhập học năm sau
ĐH Luật Hà Nội xác nhận thí sinh Đặng Thị Huyền không đủ điều kiện nhập học năm nay. Trường đề nghị bảo lưu kết quả tuyển sinh năm 2016 của Huyền, để em nhập học khóa sau.
Sau khi nhận công văn đề nghị tiếp nhận thí sinh Đặng Thị Huyền đạt 27,5 điểm nhưng trượt đại học từ Bộ GD&ĐT, ngày 10/11, Hội đồng tuyển sinh ĐH Luật Hà Nội đã họp, với sự chủ trì của Hiệu trưởng Lê Tiến Châu.
Ngày 14/11, ĐH Luật ra công văn số 3396 về việc nhập học của thí sinh Đặng Thị Huyền. Theo đó, các thành viên Hội đồng tuyển sinh của trường đều thông cảm, chia sẻ những điều kiện khó khăn của gia đình, bản thân, cũng như sự nỗ lực học tập của học sinh ở Hà Giang.
Quan điểm chung của thành viên dự họp là cần xem xét vấn đề một cách thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trên tinh thần tuân thủ đúng quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Đặng Thị Huyền nhận bằng khen tại Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi 2016. Ảnh: Lê Văn/VietNamNet.
Sau khi xem xét, trường xác định việc Huyền không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia cho ĐH Luật Hà Nội trong thời hạn quy định được xem như từ chối nhập học.
Công văn nêu rõ về nguyên tắc, ĐH Luật Hà Nội đã thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Do đó, trường có quyền từ chối tiếp nhận thí sinh Đặng Thị Huyền vào khóa 41.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đảm bảo chính sách đối với thí sinh người dân tộc, do quy chế tuyển sinh hiện nay không quy định cụ thể, ĐH Luật Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT đồng ý cho trường bảo lưu kết quả tuyển sinh năm 2016 cho thí sinh Đặng Thị Huyền để em được theo học ngành Luật cùng khóa 42 (niên khóa 2017-2021).
Đặng Thị Huyền là người dân tộc Hoa, ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Trước đây, em học tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú cấp 2-3 Yên Minh.
Năm học 2015-2016, Huyền đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Huyền đạt 27,5 điểm (cả điểm ưu tiên), trúng tuyển ngành Luật của ĐH Luật Hà Nội (NV2) và khoa Việt Nam học của ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tuy nhiên, do thiếu thông tin, Đặng Thị Huyền không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường để xác nhận nhập học nên không nhận được giấy báo trúng tuyển.
Ngày 5/11, tại lễ học sinh dân tộc thiểu số học giỏi, Huyền mới biết mình trượt đại học và đã viết đơn cầu cứu Bộ trưởng GD&ĐT.
Theo Zing
ĐH Luật Hà Nội phản hồi việc nữ sinh 27,5 điểm trượt đại học Chiều 8/11, ông Lê Tiến Châu, Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội cho biết trong tuần này, trường sẽ họp hội đồng xem xét trường hợp em Đặng Thị Huyền đạt 27,5 điểm nhưng trượt đại học. Trao đổi với Zing.vn, ông Châu cho biết ĐH Luật Hà Nội chưa quyết định về việc Bộ GD&ĐT đề nghị nhận thí sinh Đặng Thị...