Cấm giáo viên đưa học sinh ra trung tâm dạy thêm được không?
Việc dạy thêm “ học sinh chính khóa” đã có luật; chỉ đạo không được thực hiện, thế nhưng công tác quản lý khó thực hiện được.
Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường tiểu học và trung học cơ sở, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm. Đặc biệt, cấp tiểu học không có dạy thêm học thêm.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, hiệu trưởng trường nào để dạy thêm học thêm không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm về công tác quản lý.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lưu ý các trường tiểu học cần quan tâm đến việc phân công giáo viên dạy lớp 1.
Bởi đây là lớp đầu tiên của cấp tiểu học, có vai trò quan trọng trong hành trình học tập của học sinh, do đó các trường cần phải bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết, trách nhiệm.
Với cấp trung học cơ sở, Giám đốc Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các trường cần quản lý nghiêm việc dạy thêm, học thêm, tránh để xảy ra tình trạng biến tướng như giáo viên đưa học sinh của mình học thêm ở trung tâm do các thầy cô dạy.
Với cấp trung học phổ thông, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội cũng lưu ý các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đại trà các môn văn hoá.
Phải xây dựng kế hoạch dạy học cho riêng trường mình. Hiệu trưởng tham gia hoạt động chỉ đạo, điều hành chuyên môn, quản lý chặt chẽ nghiêm túc về chuyên môn, có hướng giúp đỡ học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học.
Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.
Có cấm dạy thêm được không? (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Giáo viên dạy học sinh “chính khóa” của mình tại trung tâm có sai luật?
Chương I, Điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDDT quy định rõ: Các trường hợp không được dạy thêm:
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
Video đang HOT
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Như vậy, giáo viên muốn dạy thêm học sinh “chính khóa” phải xin phép Hiệu trưởng bằng văn bản; nếu không có sự cho phép của Hiệu trưởng, giáo viên dạy đang vi phạm luật pháp.
Thực trạng dạy thêm “học sinh chính khóa” tại trung tâm như thế nào?
Tổ chức lớp, thu tiền, đều do giáo viên thực hiện; trung tâm chỉ nhận 20% số tiền trên tổng số học sinh. Phần lớn học sinh trung học cơ sở đang học giáo viên nào, ra trung tâm học thêm giáo viên đó.
Một số nơi, cấp phép cho giáo viên dạy thêm, nơi học cũng là nhà giáo viên; người học chính là “học sinh chính khóa”.
Việc dạy thêm “học sinh chính khóa” đã có luật; chỉ đạo không được thực hiện, thế nhưng công tác quản lý khó thực hiện được; ban ngày đã học thêm tại trường, tối lại nhà thầy em vẫn học thêm.
Giải pháp nào để quản lý giáo viên không dược dạy thêm “học sinh chính khóa”?
Việc quy định giáo viên không được dạy thêm “học sinh chính khóa”, tránh được nạn “ép” học sinh học thêm; cắt xén chương trình, dành cho dạy thêm; giảm áp lực học hành cho học trò.
Để làm được điều đó, cơ quan quản lý phải bắt buộc các trung tâm công khai danh sách, địa chỉ học sinh, giáo viên dạy thêm.
Kiên quyết đóng cửa trung tâm vi phạm quy định xếp giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa. Giáo viên vi phạm, phải rút giấy phép dạy thêm, kỷ luật thích đáng.
Chế tài kiên quyết, mới mong quy định của pháp luật, hướng dẫn của lãnh đạo được thực thi nghiêm túc.
Tài liệu tham khảo:
1: //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/yeu-cau-tranh-tinh-trang-giao-vien-dua-hoc-sinh-ra-hoc-them-o-trung-tam-do-minh-day-559501.html
2: //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính cho nhiều giáo viên hiện nay
Thầy cô nào nhà gần trường thì họ mở lớp tại nhà, thầy cô nào xa trường thì thuê một cái nhà gần trường rồi họ mở lớp để tiện việc đi lại của học sinh.
Có nhiều giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay đang phải rất vất vả ký hợp đồng từng năm với nhà trường nên hàng tháng họ chỉ được hưởng những đồng lương bèo bọt.
Nhưng, cũng có rất nhiều giáo viên "sống khỏe" vì ngoài lương của một giáo viên đã biên chế thì họ có một khoản thu nhập rất lớn nhờ dạy thêm hàng ngày, nhất là một số giáo viên ở thành phố và đa phần giáo viên cấp trung học phổ thông.
Tất nhiên, khi giáo viên dạy thêm tốt, có nguồn thu nhập cao và ổn định thì phụ huynh học sinh đang phải chi trả mỗi tháng một số tiền rất lớn cho con mình theo học với các thầy cô đang giảng dạy con mình.
Sự mệt mỏi, căng thẳng sau những buổi học thêm của học sinh (Ảnh minh họa: nld.com.vn).
Những giáo viên nào có thể dạy thêm?
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm đối với những học sinh ở nông thôn không rầm rộ như khu vực đô thị và chỉ có một số môn được xem là môn chính mới có thể dạy thêm được. Số lượng học sinh học thêm cũng không nhiều và đương nhiên số tiền thu của học sinh hàng tháng cũng thường thấp.
Tuy nhiên, ở các thành phố thì việc học thêm khá nhiều. Nhu cầu của phụ huynh muốn cho con học thêm cũng có, giáo viên thì đương nhiên có cơ hội là họ sẽ mở lớp dạy thêm. Thầy cô nào nhà gần trường thì họ mở lớp tại nhà, thầy cô nào xa trường thì thuê một cái nhà gần trường rồi họ mở lớp để tiện việc đi lại cho học sinh
Nhiều giáo viên bây giờ họ không muốn dạy thêm trong trường vì dạy ở trường thì phải chia phần trăm cho nhà trường mà còn phải đối mặt với một số vấn đề khác nữa.
Vì thế, xu hướng chung là giáo viên tự mở lớp tại nhà hoặc tại một điểm thuê mướn nào đó để vừa tiện trong giảng dạy và đương nhiên là họ được hưởng trọn số tiền thu được của học sinh học thêm.
Đối với giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học thì thường bao trọn gói việc học của học sinh. Nếu học sinh học buổi chiều thì phụ huynh đưa con đến nhà thầy, cô từ sáng sớm và giáo viên sẽ dạy thêm buổi sáng, lo việc cơm nước buổi trưa và chiều thì tự đưa học sinh đến trường.
Học sinh học chính khóa buổi sáng thì học xong là thầy cô đưa luôn học trò về nhà của mình và lo cơm nước, nghỉ ngơi để chiều tiếp tục học thêm, tối thì cha mẹ đón về. Nếu học 2 buổi ở trường thì buổi chiều học xong cũng về nhà thầy cô học thêm...
Vì thế, các cổng trường phổ thông ở khu vực đô thị bây giờ không chỉ có xe máy của phụ huynh đưa con đi học, đón con lúc tan trường mà còn có nhiều phương tiện cơ giới khác đưa đón học sinh từ trường về nhà thầy cô giáo và từ nhà thầy cô giáo đi đến trường học.Việc bao trọn gói như vậy sẽ tiện đối với nhiều phụ huynh mà bận công việc không thể đưa đón con được và thầy cô cũng chủ động trong mọi công việc.
Giáo viên trung học cơ sở thì chỉ có thể dạy được mấy môn như Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh, Văn...Trong đó, 2 môn Toán và Anh thì gần như học sinh nào cũng phải học thêm đối với tất cả các lớp.
Vì cấp học này mỗi thầy cô dạy nhiều lớp nên lượng học sinh học thêm khá đông. Lịch dạy thêm của nhiều thầy cô kín hết các buổi trong ngày, trong tuần, chỉ trừ những tiết dạy chính khóa trên lớp.
Thời khóa biểu chính khóa cũng được nhà trường xếp gần như cố định và khá linh hoạt cả một học kỳ, chỉ trừ trường hợp nghỉ do ốm đau hay nghỉ thai sản thì mới có thay đổi thời khóa biểu nên rất tiện cho việc dạy thêm của giáo viên.
Đối với giáo viên trung học phổ thông bây giờ thì chỉ có môn Thể dục là không thể dạy thêm được.
Các môn còn lại thì đều nằm trong những môn bắt buộc hoặc nằm trong tổ hợp thi Trung học phổ thông quốc gia nên khi vào cấp học này là học sinh đã định hướng theo khối học và đương nhiên đa phần học sinh đều theo thầy cô để học thêm.
Việc tổ chức dạy thêm cũng được tổ chức đều đều từ những ngày đầu tiên của năm học.
Nguồn thu nhập từ dạy thêm khá ổn định cho một số giáo viên
Nhiều giáo viên dạy 5-6 lớp thì đương nhiên số học sinh càng nhiều hơn. Chỉ cần một nửa học sinh mà giáo viên dạy trên lớp tham gia lớp học thêm cũng đem lại cho các thầy cô dạy thêm một nguồn thu rất lớn, cao hơn rất nhiều lần lương chính mà giáo viên đang nhận hàng tháng.Giá dạy thêm "bình dân" nhất đối với khu vực thành phố bây giờ là 300- 400 nghìn/ 1 học sinh/ 1 tháng. Trong khi, mỗi thầy cô dạy ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nếu làm công tác chủ nhiệm lớp thì ít nhất cũng phải dạy 3 lớp học.
Nhiều giáo viên ở thành phố và giáo viên dạy Trung học phổ thông có nguồn thu dạy thêm ổn định mỗi tháng vài ba chục triệu là chuyện bình thường. Số tiền ấy đủ hấp dẫn để tình trạng dạy thêm, học thêm không thể nào dẹp bỏ được.
Năm học mới đã chính thức bắt đầu ở tất cả các địa phương và tất nhiên việc dạy thêm cũng đã được triển khai tức thì song hành cùng việc học trên lớp. Những học sinh lại tất bật với việc học chính, học thêm ở nhà thầy cô giáo.
Học sinh học thêm có thể là do nhu cầu, có thể là tâm lý đám đông, cũng có thể vì nhiều lý do khác nữa.
Nhưng, dù là lý do nào đi chăng nữa thì việc học thêm vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại. Càng nhiều học sinh học thêm càng đem lại khoản thu nhập ổn định cho một bộ phận giáo viên hiện nay. Đương nhiên, chất lượng, kết quả học tập của học sinh cũng được nâng lên.
Trong đó, kết quả thật cũng có, kết quả ảo cũng nhiều. Điều này được kiểm chứng rất rõ trong kỳ thi tuyển sinh 10 và thi trung học phổ thông mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Bởi, điểm tổng kết cuối năm thì đa phần học sinh có học lực từ khá trở lên, rất ít học sinh xếp loại trung bình. Nhưng, khi tham dự kỳ thi thì điểm yếu kém rất nhiều. Nhiều địa phương điểm yếu kém chiếm tới hơn một nửa, trong đó có vô vàn điểm liệt, điểm 0 nữa!
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Tăng cường thanh tra trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, đồng thời duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về giáo dục và đào tạo (GDĐT) trên địa bàn trong năm học 2019 - 2020. Tỉnh Bắc Giang lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về giáo dục. Ảnh:...