Cảm động bé lớp 2 vùng cao cùng mẹ vượt hơn 100km để học tiếng Anh
Để học tiếng Anh, vào ngày thứ 7 và chủ nhật, bé Nguyễn Thành Đạt ở xã vùng cao Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh được mẹ đèo xe máy về tận thành phố Hạ Long “tầm sư học đạo”. Hiện Đạt là học sinh duy nhất của khối Tiểu học (Trường tiểu học và THCS Đồng Sơn) biết nói tiếng Anh.
“Con cố gắng làm được và mọi người cũng vậy”
Một video vừa được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người chú ý. Trong video, một cậu bé tầm 8 tuổi nói tiếng Anh rất lưu loát.
Em cho biết, mình là David ( tên gọi ở ở lớp học tiếng Anh), 8 tuổi, hiện đang sống tại xã vùng cao Đồng Sơn, huyện miền núi Hoành Bồ, Quảng Ninh.
“Trường con chưa có môn tiếng Anh dành cho khối học sinh Tiểu học nhưng do quá đam mê thích thú, con đã năn nỉ mẹ được đi học. Cho dù mưa hay nắng, con vẫn cùng mẹ cố gắng đến học ở trung tâm thành phố, cách xa nhà gần 60km.
Ước mơ của con là được đến học tại nước Anh nên ngay từ bây giờ con phải rất cố gắng. Con cố gắng làm được và mọi người cũng vậy”, em nói.
Bé Thành Đạt ở huyện miền núi nhưng nói tiếng Anh khá lưu loát nhờ nỗ lực tự học tập
Qua quan sát video, ngôi nhà mà em đang sống có nền đất, xung quanh ghép ván gỗ, che nilon tạm bợ. Học sinh này cho biết, nhà con rất khó khăn nhưng mẹ đã cố gắng thu xếp để con có thể đi học 2 buổi cuối tuần.
Được biết video này là của cháu Nguyễn Thành Đạt, học sinh lớp 2 Trường tiểu học & THCS Đồng Sơn (Hoành Bồ, Quảng Ninh) thực hiện.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Lê Thị Năm (giáo viên Trường tiểu học & THCS Đồng Sơn, mẹ cháu Đạt) cho biết, video này hai mẹ con thực hiện để tham dự cuộc thi “Hãy tin ở con”- một cuộc thi ngoại ngữ, nhằm giúp học sinh từ 4-18 tuổi tăng cường tính chủ động trong cuộc sống. Mẹ bé đã đăng tải video lên trang cá nhân để bạn bè bình chọn.
Những lúc theo mẹ đến điểm lẻ không vào được mạng qua điện thoại, Đạt tự học qua sách vở mẹ mua.
Học tiếng Anh bằng … “trả góp”
Cô giáo Năm chia sẻ thêm, xã Đồng Sơn có 100% dân tộc Dao sinh sống. Địa phương này mới có điện cách đây độ 7-8 năm và mới có Internet độ vài ba năm nay nên việc tiếp cận học tập ở trên mạng rất khó khăn.
Gia đình chị là người Kinh. Khi Đạt chuyển lên ở hẳn với mẹ, con vẫn thường hay hỏi “Tại sao ở đây không được học tiếng Anh như dưới xuôi?”.
Lên lớp 1, con khóc và nói với tôi: “Con rất muốn học tiếng Anh, con cầu xin mẹ hãy cho con đi học.
Tôi thương con quá nhưng xung quanh chúng tôi, học sinh toàn người Dao, nói tiếng Kinh còn khó khăn, cấp tiểu học lại chưa được học tiếng Anh nên tôi không biết làm sao. Một lần tình cờ đi đổ xăng, tôi nghe có người bảo ở Hạ Long có nhiều trung tâm hay nên tìm hiểu.
Điều khó khăn là từ nhà về thành phố Hạ Long gần 60km. Tính cả đi lẫn về, mất hơn 100km, chưa kể một số đoạn qua suối, qua đập, đường núi ngoằn ngoèo. Tôi động viên con gác giấc mơ học ngoại ngữ nhưng cháu đã khóc”, chị kể.
Ngôi nhà của gia đình Đạt được ghép vách, che nilon tạm bợ
Quá thương con, chị phóng xe máy về Hạ Long tìm hiểu và quyết định đăng kí cho con theo học. “Lương của tôi chỉ 5 triệu đồng/tháng. Chồng làm bấp bênh, xa nhà nên vợ chồng tôi không biết lấy tiền đâu đóng học cho con.
Thấy con ham học quá, các cô ở trung tâm bảo tôi, có thể cho con học “nợ” và lúc nào có lương thì “trả góp”. Vậy là con tôi chính thức được đi học tiếng Anh.
Để tiện đi lại, chị chọn khung giờ từ tầm 10h kém đến hơn 11h trưa cho Đạt học. Cứ tầm 6h sáng thứ 7 và chủ nhật, hai mẹ con ăn cơm thật no ở nhà, mang theo ba lô quần áo đề phòng mưa gió và lên đường về thành phố Hạ Long. Hai mẹ con đi mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến được nơi học. Nhiều khi sợ nguy hiểm, chị phải cố định con vào người mẹ bằng địu.
Mẹ dạy điểm lẻ xa nhà nên Đạt thường giúp mẹ việc nhà sau mỗi buổi học.
“Có hôm thời tiết bất ổn, tôi phải nghe ngóng bởi chỉ cần mưa to là suối dâng lũ ngay. Có lúc phải nhờ các cô các chú đi đường hỗ trợ hai mẹ con qua suối, đập nếu mưa lớn. Nhiều hôm đến được nơi học, mẹ con ướt như chuột lột.
Học được mấy tháng, con bị ngã gãy chân phải mổ và bó nẹp, không đi lại được nên tiếp tục tự học qua điện thoại trong vòng 7 tháng”, mẹ Đạt chia sẻ.
Chị Năm cho biết thêm, tổng thời gian từ khi đăng kí đi học trung tâm tiếng Anh đến nay khoảng 13 tháng nhưng trong đó, mất 7 tháng cháu phải nghỉ học vì tai nạn, do vậy chủ yếu cháu tự học ở nhà.
Để giúp con tự học, chị mua gói internet 70.000 đồng/tháng cho máy di động để con xem thêm các bài giảng của các giáo viên giỏi trong cả nước. Ngoài giờ lên lớp vào buổi sáng, Đạt dành buổi tối học tiếng Anh.
“Thời gian mẹ phải đi điểm lẻ, điện thoại không vào được internet, con phải ghi ra giấy học “chay”, chị Năm nhớ lại.
Hiệu trưởng nhà trường nhận xét, gia cảnh của cô giáo Năm khá khó khăn so với các giáo viên khác
Học trò duy nhất của trường biết tiếng Anh
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Đào Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm của Đạt cho hay, em là lớp trưởng từ lớp 1 đến lớp 2. Đạt có năng khiếu tổ chức, học đều các môn và đặc biệt đây là học sinh duy nhất của lớp biết tiếng Anh.
“Ở đây học sinh 100% dân tộc Dao nhưng Đạt rất ham học hỏi. Nhiều lần tôi đưa câu chuyện của em ra để giáo dục các bạn trong lớp. Chẳng hạn, do quá ham học nên cuối tuần hai mẹ con chở nhau đi về thành phố cả trăm km để học tiếng Anh. Hoặc thời gian cháu bị tai nạn phải nhờ mẹ kèm cặp tự học ở nhà nhưng vẫn đuổi kịp các bạn trong lớp”, cô Hà cho biết.
Nhận xét về học trò Nguyễn Thành Đạt, thầy Phạm Đức Chính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Sơn cho hay, đây từng là xã 135 nhưng vừa được đưa khỏi danh sách này mới dăm ba tháng. Ngôi trường này cách trung tâm huyện tầm 35km và có những điểm lẻ nằm cách điểm chính khoảng 18km, rất khó khăn.
Dù mưa hay nắng, mẹ Đạt (ngoài cùng bên phải) cũng đưa con đi học tiếng Anh cách xa gia đình gần 60km
Thầy Chính ví, đây vất vả như vùng cao Hà Giang. Còn gia đình em Đạt, nếu so với bà con trong bản thì chưa khó khăn bằng vì mẹ có lương. Tuy nhiên, lương của cô Năm chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng nên nhà cửa còn rất tạm bợ. Hàng ngày đến lớp, cháu phải đi bộ gần 4km vì mẹ phải đi dạy điểm lẻ.
“Cô Năm là tổ trưởng tổ bộ môn, có chuyên môn rất tốt. Còn về cháu Đạt, so với các bạn, Đạt học rất khá các môn, nhất là Toán. Đặc biệt, đây là học trò duy nhất khối tiểu học biết tiếng Anh nhờ gia đình nỗ lực cho con tự học.
Cả trường tôi đều biết câu chuyện của hai mẹ con họ. Quãng đường từ nhà cô về đến chỗ học tiếng Anh là 58km. Cả đi lẫn về, hơn 100km nhưng ngày mưa cũng như ngày nắng, cứ cuối tuần, hai mẹ con lại chở nhau đi, thực sự rất cảm động”, thầy Chính nhận xét.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Ứng dụng hiệu quả smartphone trong dạy học nơi vùng khó
Nhằm hỗ trợ kịp thời cho học sinh về từ vựng, ngữ nghĩa, phát âm... trong môn Tiếng Anh, Trường THPT Ngã Năm (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đã tổ chức cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ngay tại lớp học. Và kết quả thật thú vị.
Học sinh Trường THPT Ngã Năm rất hào hứng trong giờ học tiếng Anh với smartphone
Biến smartphone thành phương tiện học tập
Hiện nay, nhiều trường học còn khắt khe với việc học sinh đem điện thoại đến lớp học, nguyên nhân chủ yếu là e ngại các em sử dụng không đúng mục đích sẽ gây ảnh hưởng đến những tiết học. Tuy nhiên, Trường THPT Ngã Năm đã mạnh dạn xây dựng phương pháp mới, đem đến một cách nhìn nhận khác khi cho học sinh được sử dụng điện thoại trong tiết học để phục vụ mục đích học tập chính yếu.
Để quản lí tốt vấn đề này phần lớn phụ thuộc vào ý thức của học sinh, nhưng hơn hết vai trò định hướng của giáo viên là rất quan trọng; tùy thuộc vào từng bộ môn sẽ có biện pháp giáo dục riêng biệt. Đối với đặc thù bộ môn Ngoại ngữ cần trau dồi kiến thức thường xuyên, cập nhật từ vựng mới theo bài học, phát âm theo chuẩn... thì smartphone có cài đặt sẵn phần mềm tra từ điển, hay được phép truy cập Internet là một trong những giải pháp đáp ứng yêu cầu cơ bản, sẽ giải quyết được phần lớn tốc độ xử lí bài học, nhờ đó tiết học diễn ra thuận lợi hơn.
Cô Võ Thị Ngọc Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Năm, chia sẻ: "Nhà trường cho học sinh được sử dụng điện thoại để tự học; các em sẽ được thầy cô hướng dẫn phần mềm cài từ điển để tra từ vựng, phát âm ngay tại chỗ, nhờ đó sẽ không phải loay hoay như cách học trước đây khi gặp từ mới. Điều này hỗ trợ trong giảng dạy cho giáo viên rất nhiều, giảm bớt áp lực tức thời. Đồng thời người thầy sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm soát được việc sử dụng đúng mục tiêu học tập cũng như chia sẻ được các nguồn tài liệu hỗ trợ các em tham khảo".
Sử dụng điện thoại ngay trong tiết học đã tạo những điểm đột phá, giúp thầy trò nâng cao chất lượng giảng dạy môn Ngoại ngữ. Đây cũng được xem là một phương pháp đổi mới với công cụ giảng dạy linh hoạt, thoát khỏi tính lệ thuộc vào những đồ dùng dạy học có sẵn.
Ngay cả khi nhiều trường có trang bị phòng lab cho việc phát triển các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết ngoại ngữ với các trang thiết bị nghe nhìn chuẩn thì không thể nào toàn bộ thời lượng học tiếng Anh của học sinh đều được bố trí 100% tại đó. Sử dụng smartphone tra cứu nội dung học tập bộ môn được tối ưu hơn, nhanh chóng và không mất nhiều thời gian. Mặc dù vậy, câu hỏi đặt ra là: những học sinh không có điều kiện sử dụng smartphone vào việc học tại lớp thì làm thế nào? Theo chia sẻ của các giáo viên, nhà trường sẽ có phương án cho các em hỗ trợ bài học với nhau và tạo điều kiện thời gian sử dụng phòng lab cho đối tượng học sinh này nhiều hơn.
Cho học sinh sử dụng smartphone trong giờ học ngoại ngữ là giải pháp mới tại tỉnh Sóc Trăng. Chính giải pháp này đã làm nên điều đặc biệt trên cơ sở khắc phục những khó khăn, hướng đến đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong môn Ngoại ngữ. Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo, thay vì cấm thì để học sinh làm việc và học tập có trách nhiệm; bằng những vật dụng có tính ưu thế của mình và tự mình khám phá kiến thức...
Với sự hỗ trợ của smartphone, tiết học tiếng Anh đạt hiệu quả cao
Kích thích tinh thần học tập
Phương pháp học tập sử dụng smartphone trong giờ học tiếng Anh đang trở thành xu hướng mới mà bất cứ thầy cô giáo bộ môn Ngoại ngữ nào cũng đều có thể áp dụng, đem về không ít hiệu quả qua việc tiếp thu của học sinh. Mô hình này đem lại tiền đề phát triển năng lực người học ngoại ngữ trong thời đại công nghiệp 4.0. Học sinh phần nào đã bớt lúng túng hơn khi đối đầu với những từ vựng khó. Giáo viên cũng không mất thời gian để giảng giải nhiều ngữ nghĩa, dành phần lớn cho các em tự học.
Theo thầy Lê Văn Sa Lem - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Ngã Năm: Giáo viên có thể kiểm soát được việc sử dụng điện thoại khi học tiếng Anh, bên cạnh đó còn theo dõi được các em tiến bộ đến đâu thông qua cách làm mới này. Đối với học sinh có smartphone thì các em có động thái học tập tích cực hơn rất nhiều; bài học dường như trôi chảy hơn, nhẹ nhàng hơn cho các em và cả chính giáo viên; những trở ngại dễ vượt qua hơn. Thầy cô định hướng năng lực cho các em để các em tự học, có trách nhiệm với phần kiến thức mà mình tích lũy.
Để đa dạng các hoạt động trải nghiệm trong môn học, nhà trường cân nhắc rất kĩ các yếu tố như: điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu học tập... và yếu tố phát huy bài học đến từ các phương tiện, thiết bị hỗ trợ mà công dụng chủ yếu không chỉ dành riêng cho dạy và học. Đây là một hướng đi hoàn toàn khác biệt so với những cách học trước đây, tuy không hoàn toàn mới trong cuộc sống nhưng đã đem đến điểm nhấn mới đầy thú vị cho việc đổi mới tinh thần nơi người dạy và người học.
Cô Võ Thị Ngọc Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Năm, đánh giá: "Với cách học mới, học sinh đã có thể chủ động tra từ vựng rất nhanh chóng, học cách phát âm chuẩn hơn; trong bài học có nhiều cụm từ thì cách sử dụng từ loại như thế nào hoặc ôn lại một số nội dung liên quan rất dễ. Nhìn chung, nhờ phương cách trên, các em tỏ ra thích học ngoại ngữ hơn, quan tâm nhiều đến kĩ năng bổ sung kiến thức từ tài liệu tham khảo, các kênh luyện thi được thầy cô giới thiệu".
Với cách làm đột phá này, Trường THPT Ngã Năm đã đa dạng hóa hình thức học tập, nhờ đó mà mỗi giờ học Ngoại ngữ đều luôn thu hút thầy trò tham gia giảng dạy, học tập với không khí thoải mái, năng động, hứng thú.
Theo Giáo dục & Thời đại
Những từ vựng thay thế 'like' "She adores working with children" là cách nói nhấn mạnh sự yêu thích (like) của nhân vật "she" với công việc liên quan đến trẻ em. Theo 7 ESL