Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, ai cấm, cấm ai?
Rất nhiều hệ lụy đối với việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học bởi các em còn quá nhỏ tuổi nhưng phải đi học thêm, phải nằm trong sự toan tính của người lớn.
Chuyện dạy thêm, học thêm là vấn đề không mới mà nó đã tồn tại suốt hàng chục năm qua. Giáo viên dạy thêm nhiều, học sinh học thêm lắm đang làm cho bức tranh giáo dục thêm nhiều gam màu khác nhau.
Điều trớ trêu nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư cấm dạy thêm ở bậc tiểu học nhưng ở khu vực đô thị thì chuyện dạy thêm là điều tất yếu mà giáo viên nào cũng hướng tới.
Không chỉ dạy mà giáo viên còn bao trọn gói cả việc ăn uống, đi lại của học sinh trong ngày.
Học thêm ở bậc tiểu học quá nhiều chưa hẳn là điều tốt (Ảnh minh họa: Vietnamnet)
Tại điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm do Thứ trưởng Bộ Gáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 16/5/2012 đã quy định các trường hợp không dạy thêm rất cụ thể.
Đó là: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.
Vậy nhưng, giáo viên các trường tiểu học ở khu vực đô thị có dạy thêm hay không? Chúng tôi khẳng định là đa phần giáo viên chủ nhiệm ở đây đều dạy thêm, kể cả đối với những học sinh đã học 2 buổi/ ngày.
Những giáo viên dạy tiểu học ở khu vực thành thị thường bao trọn gói chuyện học hành, đi lại trong ngày cho học sinh. Sáng, cha mẹ chở các em đến trường, buổi trưa học xong thì thầy cô đưa học sinh về nhà mình ăn uống, nghỉ ngơi. Chiều học thêm, tối cha mẹ đón học sinh tại nhà thầy cô.
Nếu học sinh học buổi chiều, sáng cha mẹ đưa học sinh đến nhà thầy cô để học thêm, trưa thì thầy cô lo chuyện ăn uống và đưa học trò đến trường, chiều tối thì cha mẹ đón con tại trường.
Những học sinh học bán trú cả ngày, chiều tối giáo viên đưa về nhà cho ăn nhẹ rồi lại tiếp tục học thêm. Khoảng 19h30 thì cha mẹ đến đón.
Nhìn chung, nhiều học sinh tiểu học dù học sáng hay chiều đều có những ca học thêm như đã là mặc định. Bởi, học buổi nào, thậm chí học 2 buổi vẫn được giáo viên gợi ý để phụ huynh đồng ý cho đi học thêm.
Những lý do để học sinh bắt buộc phải học thêm
Video đang HOT
Đa phần lý do đưa ra là do học sinh còn yếu môn này, môn kia, chưa nhanh nhạy trong học tập, rồi bài tập nhiều, học sinh học trên lớp không hết bài…Tất nhiên, một khi mà thầy cô chủ nhiệm đã lưa tâm đến con mình thì đa phần phụ huynh đều lo lắng.
Mỗi nhà có 1-2 đứa con nên rồi phụ huynh cũng đành chấp nhận cho con đi học thêm để bằng bạn, bằng bè và ít bị thầy cô nhắc nhở, than phiền mỗi khi gặp mặt.
Hơn nữa, nhiều phụ huynh cũng bận công việc nên gửi thầy cô cũng là một giải pháp để về nhà không phải kèm cặp mà cũng tiện cho việc đưa đón hàng ngày.
Nhất là tâm lý một số phụ huynh bây giờ sợ con ở nhà nhiều thì thường sa vào điện tử, vào game…Mỗi tháng đầu tư từ 1,5- 2 triệu đồng tính ra cũng nhiều nhưng nó cũng có nhiều thuận lợi bởi vì thầy cô đã bao trọn gói.
Thầy cô dạy trên lớp, mỗi lớp thường có sĩ số từ 30-35 em, chỉ cần kéo được một nửa số học sinh đến nhà mình học là đủ có thêm động lực để mở lớp dạy thêm. Vì vất vả thêm một chút, chịu khó thêm một chút thì tiền thu được từ dạy thêm cũng cao gấp mấy lần lương lĩnh hàng tháng của giáo viên rồi.
Nhìn chung, dạy thêm được sẽ có thu nhập ổn định, đảm bảo được cuộc sống hàng ngày và có thể lo lắng, đầu tư được nhiều việc khác nên gần như giáo viên tiểu học nào ở khu vực đô thị cũng dạy thêm cả. Chỉ trừ giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc và Thể dục mà thôi.
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã việt vị ngay từ ngày ban hành
Việc dạy thêm các cấp học nói chung và cấp tiểu học nói riêng phần lớn là tự phát, là sự thỏa thuận miệng giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Giáo viên cũng chẳng cần phải xin phép mà có xin phép thì cũng đơn giản vô cùng. Làm cái đơn lên hiệu trưởng ký là xong mọi chuyện.
Hơn nữa, ít thì cơ quan chức năng còn để ý, chứ dạy thêm bây giờ nhan nhản khắp nơi. Phụ huynh thì cũng chỉ chú ý chuyện học hành của con mình ra sao, những người không có con học thêm thì cũng chẳng ai hơi đâu mà nói, mà lên tiếng.
Lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục thì cũng ít khi chú ý đến chuyện học thêm của học trò trong địa bàn. Thực tế, con lãnh đạo địa phương, con lãnh đạo ngành giáo dục cũng phải đi học thêm như thường thì ai hơi đâu mà cấm.
Việc dạy thêm, học thêm vì thế mà mặc nhiên tồn tại. Lãnh đạo nhà trường thì họ chỉ chủ yếu quản lý việc giảng dạy chính khóa và tỉ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt cuối năm của mỗi lớp mà thôi.
Hơn nữa, đa phần giáo viên tiểu học họ đều có “mối quan hệ” rất tốt với các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường. Vì khi họ có thu nhập cao thì chuyện ngoại giao, chuyện thăm hỏi lãnh đạo của mình cũng là điều tất yếu, dễ hiểu.
Vậy nên Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ ban hành đã không phát huy được tác dụng bởi Bộ thì ở xa quá, ở dưới thì chẳng có ai giám sát, quản lý. Chuyện dạy thêm, học thêm ở tiểu học vì thế mà cứ hiển nhiên tồn tại.
Học sinh tiểu học có cần học thêm không?
Thực tế, giáo viên dạy tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2 có những cái khó nhất định bởi ngoài chuyện dạy chữ còn dạy cho học sinh nhiều thói quen, nền nếp khác nữa. Nhất là có một số phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng mực dẫn đến một số em chưa chú tâm trong học hành.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đối với những em yếu trong học tập thì nhà trường có thể phụ đạo cho các em. Bởi, mỗi khối có vài em yếu, nhà trường chỉ cần tập hợp danh sách này và phân công các giáo viên luân phiên phụ đạo thêm cho các em.
Những trường có giáo viên dự trữ thì càng dễ, có thể phân công giáo viên này kiêm nhiệm việc phụ đạo cho học sinh trong trường.
Thực tế, việc kiểm tra, đánh giá học tập của học sinh tiểu học bây giờ theo Thông tư 22 rất đơn giản, mỗi học kỳ chỉ có 2 lần kiểm tra ở giữa kỳ và cuối kỳ, thi học sinh giỏi văn hóa đã xóa bỏ hoàn toàn…
Việc dạy, tổ chức kiểm tra, chấm kiểm tra, đánh giá học trò trong tầm tay của người thầy. Đâu nhất thiết phải hơn thua, phải quá nhiều học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm gì.
Thế nhưng, thực tế, việc chạy đua thành tích, việc giáo viên chủ nhiệm xin giáo viên chuyên cho những học sinh của mình ở mức T (hoàn thành tốt) diễn ra khá phổ biến. Bởi, đa phần những em mà học thêm nhưng không đạt mức T ở các môn khác thì giáo viên phải đi xin để cuối kỳ, cuối năm học sinh được khen thưởng.
Rất nhiều hệ lụy đối với việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học bởi các em còn quá nhỏ tuổi nhưng phải đi học thêm, phải nằm trong sự toan tính của người lớn.
Trong khi, cái tuổi ấy, các em không chỉ học mà cần có những khoảng thời gian vui chơi, đoàn tụ với cha mẹ, ông bà và những người thân, những bạn bè quanh mình và tập cho các em làm những công việc nhỏ nhất để tạo cho các em nhiều thói quen, nhiều kỹ năng sống cần thiết.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Bộ cứ cấm, giáo viên cứ dạy
Bất chấp lệnh cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, không ít giáo viên ở Hà Nội đã tổ chức lớp học buổi tối, ngày cuối tuần để phụ đạo, còn phụ huynh cũng "lên đồng" đẩy con vào các lớp học thêm vì sợ con thua kém bạn bè hay đơn giản chỉ để vừa lòng giáo viên.
Học sinh vạ vật, mệt mỏi sau một ngày học ở trường tiểu học
Giáo viên gây áp lực?
"Con không muốn đi học thứ 7 nữa", lời của Nguyễn Tuấn N, học sinh lớp 1 tại Hà Nội khi được mẹ hỏi ý kiến về việc có tham gia lớp học do cô giáo chủ nhiệm tổ chức hay không. Lý do N đưa ra là con đã đi học cả tuần ở trường, học thêm ngoại ngữ ở trung tâm rất mệt. Mẹ N đồng quan điểm, cho con được một ngày nghỉ thực thụ.
Nhưng trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng nghĩ như mẹ bé N. Cuộc họp phụ huynh đầu năm, thành viên của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1 của trường ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đứng lên thuyết phục, kêu gọi toàn bộ phụ huynh học sinh đăng ký lớp học thêm cuối tuần do cô chủ nhiệm tổ chức. Theo chị này, "cô giáo dạy rất tốt, chị đã cho 2 con học tiền tiểu học, học thêm ở nhà cô nhiều năm nay và hoàn toàn yên tâm, về nhà bố mẹ không phải kèm cặp gì thêm. Trong khi đó, con nhà hàng xóm, học hết lớp 1 đọc, viết còn khó khăn", phụ huynh này kể.
Một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Ba Đình cũng cho biết, gia đình không đặt kỳ vọng con phải xuất sắc nên không cho con học tiền tiểu học, không học thêm. Tuy nhiên, vào học được chừng 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm gọi riêng lên trao đổi, con học yếu, không tập trung, đề nghị bố mẹ cho con học thêm để cô có thời gian kèm cặp thêm vì ở lớp học nhiều bạn, con sẽ không theo kịp. "Khi nghe cô nói vậy, vợ chồng đành đăng ký cho con học thêm chứ biết tính sao", phụ huynh này nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, có con học Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hai năm nay, mỗi tuần chị phải cho con đến học ở nhà giáo viên 1 ngày với chi phí 180 nghìn, trong đó 150 nghìn tiền học, 30 nghìn tiền ăn trưa. Nguyên nhân là do trường xếp lịch học cả thứ 7, lớp của con nghỉ ngày thứ 4 . "Muốn hay không, ngày đó gia đình cũng đành cho con đi học thêm, vì ở nhà cũng không có ai trông. Vì vậy, cả tuần con được nghỉ mỗi ngày chủ nhật nhưng cũng trùng lịch học tiếng Anh ở trung tâm", chị Hương chia sẻ.
Chưa kể, trong lớp một số thành viên hội cha mẹ học sinh thông báo cho từng phụ huynh về việc nên cho con đến học ở trung tâm do cô đứng lớp. Không ít người sợ con thua kém bạn bè, sợ cô trù dập đành đăng ký học cho xong nhưng trong lòng lại ấm ức vì nội dung buổi học thêm cũng chỉ cho trẻ làm các dạng Toán, tiếng Việt trên lớp, các phương án về kỹ năng sống khá đơn giản.
Xử lý nghiêm
Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD&ĐT quy định rõ, các trường hợp không được dạy thêm bao gồm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống). Ngoài ra, thông tư cũng quy định, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.
Văn bản này được cho là triệt tiêu việc lách luật dạy thêm đối với học sinh tiểu học do đã nêu rõ đối tượng không được dạy thêm, học thêm. Ngược lại, các trường hợp học sinh THCS, THPT khác Bộ GD&ĐT yêu cầu hoạt động dạy thêm phải góp phần củng cố nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục nhân cách học sinh. Phù hợp tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Giáo viên không cắt giảm nội dung trong chương trình GDPT chính khóa để đưa vào dạy thêm. Học sinh cũng phải có nhu cầu, tự nguyện, giáo viên, nhà trường không dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh, gia đình tham gia.
Đầu năm học 2019-2020, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ký văn bản gửi các Phòng GD&ĐT cũng như các nhà trường tuân thủ nghiêm nguyên tắc, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh lớp 6, lớp 10.
Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trường tổ chức dạy thêm 5 buổi/ tuần đối với lớp 8,9 gồm 5 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học và 2 buổi/ tuần đối với lớp 6,7. Việc tổ chức dạy thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh và có thỏa thuận về mức phí. Học sinh được chia nhóm, theo trình độ nhưng chỉ thu 100 nghìn/ 4 buổi. Tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 70-75% học sinh đăng ký học. Số còn lại học sinh không có nhu cầu hoặc tìm trung tâm dạy học ở ngoài nhà trường.
Còn hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa chia sẻ, dù đã quán triệt cấm dạy kèm, dạy thêm nhưng đầu năm học phát hiện có giáo viên nhận kèm học sinh yếu kém và do mới manh nha nên nhà trường nhắc nhở, yêu cầu giáo viên dừng ngay hoạt động.
Bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm trường vi phạm và xử lý người đứng đầu.
HÀ LINH
Theo Tiền phong
Thu được nhiều tiền chính là động lực để giáo viên bất chấp dạy thêm Nhiều thầy cô chỉ cần cái danh giáo viên để có thể dạy thêm bên ngoài. Đây mới là nguồn thu nhập chính của họ chứ không phải đồng lương. Một số người trong ngành thường than vãn: "Lương giáo viên hiện nay quá thấp. Đời sống giáo viên còn nhiều gian khổ". Điều này có một phần nào đó tương đối đúng....